Ecuador: Ma tuý học đường

Thứ Hai, 11/03/2013, 08:30

Tháng 10/2012, sau khi từ trường về nhà, cô nữ sinh trung học 13 tuổi Tamara Chevez liền chui vào phòng ngủ để nghỉ ngơi. Vài giờ sau, gia đình phát hiện cô gái đã chết. Các xét nghiệm sau đó cho thấy Tamara Chevez chết vì sử dụng cocaine trộn với thuốc ngủ và các loại ma túy khác được cho là mua trong trường học.

Dù đây không là cái chết tương tự đầu tiên xảy ra trong thành phố Guayaquil lớn nhất của Ecuador, song cái chết của Tamara đã gây ra làn sóng thông tin về ma túy trên các phương tiện truyền thông nước này. Chỉ trong vài tuần, các phóng viên đã tiến hành nhiều cuộc điều tra trong các trường học, lật mặt những trường hợp mua bán ma túy trong giới học sinh.

Không giống như hai quốc gia láng giềng ColombiaPeru được coi là các nhà xuất khẩu cocaine lớn nhất thế giới, Ecuador gần như không có trồng cây coca. Tuy nhiên, Ecuador được coi là điểm trung chuyển quan trọng lượng ma túy buôn lậu vào Bắc Mỹ và châu Âu. Điều đó có nghĩa là ma túy dễ dàng mua được ở Ecuador với giá cả phải chăng. Vài gram cần sa có giá khoảng 0,50 USD, trong khi một liều perica (chiết xuất từ cocaine trộn với các chất khác) có giá 1 USD.

Bộ trưởng Nội vụ Jose Serrano cho biết: "Các cartel trả công cho đám trung gian bằng tiền mặt và ma túy. Sau đó, bọn trung gian này sử dụng những học sinh bị đuổi học bán ma túy cho chúng". ma túy không chỉ được bán xung quanh trường học mà còn cả bên trong.

Theo một hiệu trưởng, học sinh tìm đủ mọi cách để đưa ma túy vào trường học - giấu trong hộp bút, trong quần áo hay trong tập vở. "Ma túy hiện diện trong các trường học, cũng như nạn trộm cắp và bạo lực. Tất cả những tệ nạn gì có trong xã hội đều xuất hiện trong học đường", Ricardo Loor nhận xét. Ông là chuyên gia phòng tránh ma túy thuộc chi nhánh Cơ quan Bài trừ ma túy Ecuador (CONSEP) ở thành phố Guayaquil.

Cái chết của nữ sinh Tamara Chevez thúc đẩy các trường học ở Ecuador cần ngay lập tức những biện pháp chống lại nạn mua bán ma túy giữa các học sinh với nhau. Nhiều trường học bắt đầu kiểm tra gắt gao học sinh mỗi khi đến và rời khỏi trường, và đề nghị phụ huynh giám sát chặt chẽ con em họ.

Một số trường học ở Guayaquil còn nhờ lực lượng cảnh sát sử dụng chó nghiệp vụ để dò tìm ma túy. Thậm chí nhiều hiệu trưởng còn cho mời cảnh sát đến nói chuyện với học sinh về sự nguy hiểm của ma túy. Nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng này, CONSEP ở Guayaquil huấn luyện một nhóm cảnh sát để nói chuyện với học sinh - một dự án được mở rộng đến năm 2013.

Monica Franco, Phó chủ tịch quản lý giáo dục, cho biết các chính sách như thế không chỉ đáp lại sự giận dữ của giới truyền thông mà còn là một phần trong các nỗ lực ngăn chặn ma túy đang tiến hành của chính quyền Ecuador. Thực tế cho thấy, vấn nạn ma túy và sự tác động đến an ninh công cộng là mối lo ngại hàng đầu của chính quyền Ecuador hiện nay.

Theo báo cáo về ma túy toàn cầu năm 2012 của Bộ Ngoại giao Mỹ, các cartel nổi tiếng của Mexico như Zetas, Sinaloa và Vùng Vịnh cũng như tổ chức FARC của Colombia đều buôn lậu ma túy thông qua lãnh thổ Ecuador. Có bằng chứng cho thấy ngày càng có nhiều cocaine được tinh luyện ở Ecuador. Một số chuyên gia phân tích an ninh báo cáo về sự gia tăng tội phạm liên quan đến ma túy ở Ecuador mặc dù không ghê gớm bằng Mexico hay Trung Mỹ.

Cảnh sát được mời đến nói chuyện về sự nguy hiểm của ma túy với học sinh trong các trường trung học ở Ecuador.

Trong hai năm qua, quân đội Ecuador được triển khai trên các đường phố để hỗ trợ cảnh sát, trong khi lực lượng này đang có những nỗ lực tăng cường bài trừ ma túy và cải thiện các kỹ thuật điều tra.

Trong một trường trung học ở Guayaquil, chính quyền tin rằng việc sử dụng ma túy đã giảm bớt trong thời gian gần đây. Hiệu trưởng Luis Benavides cho biết: "Lúc đầu chúng tôi nghĩ không thể tiệt trừ ma túy, song nếu tất cả chúng ta cùng hiệp lực thì có thể hạ thấp mức độ sử dụng ma túy".

Nhưng rất nhiều người khác thì cho rằng cần có những chiến lược mở rộng hơn nữa. Như Luis Chancay, là giáo viên và Chủ tịch chi nhánh Hiệp hội Giáo viên quốc gia (NTU) ở Guayaquil, nhận xét: "Vấn đề ma túy không thể giải quyết một cách đơn giản bằng những cuộc nói chuyện của cảnh sát với học sinh, các cuộc hội thảo hay kế hoạch đối phó với những tình huống bất ngờ. Chúng ta cần làm sao để cho giới trẻ thấy được những viễn cảnh tương lai". Theo Chancay, ma túy cần được giải quyết như vấn đề xã hội và y tế hơn là giới hạn ở sự kiểm soát.

Do đồng USD là tiền tệ quốc gia, nên Ecuador càng được coi là thiên đường cho những giao dịch bất hợp pháp và rửa tiền. Trong khi đó, chính quyền Ecuador đánh giá thấp mối nguy hiểm từ các nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động trong lãnh thổ nước này.

Báo cáo Chiến lược kiểm soát ma túy quốc tế năm 2012 của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Ecuador dễ bị tội phạm có tổ chức xâm nhập do sự yếu kém của các cơ quan chính quyền, đường biên giới không được kiểm soát chặt chẽ và nạn tham nhũng".

Một vụ bê bối làm nổi bật mối quan ngại về năng lực của chính quyền Ecuador: Tháng 2/2012, Cảnh sát Italia phát hiện 40kg cocaine trị giá gần 2 triệu USD trong túi xách ngoại giao đến từ Ecuador. Nhưng, chính quyền Ecuador bác bỏ sự dính líu đến ma túy và Bộ Ngoại giao nước này cho rằng túi xách đi qua một quốc gia thứ 3. Nhưng, các chuyên gia nhận định vụ bê bối liên quan đến nạn tham nhũng trong giới quan chức cao cấp Ecuador.

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Phòng chống tội phạm và ma túy Liên Hiệp Quốc (UNODC), tỉ lệ án mạng ở Ecuador là 18,2 vụ giết người trong số 100.000 dân - so sánh với Honduras là 82,1 vụ. Còn bạo lực liên quan đến ma túy ở nước này chủ yếu giới hạn ở những khu vực nằm dọc theo những con đường buôn lậu ma túy.

Năm 2011, Jay Bergman - Giám đốc chiến dịch của Cơ quan Bài trừ ma túy Mỹ (DEA) ở vùng Andes - nhận định Ecuador đang trở thành "Liên Hiệp Quốc" của tội hạm có tổ chức

Thục Miên (tổng hợp)
.
.