FBI sử dụng Facebook trong cuộc chiến chống tội phạm

Thứ Ba, 15/06/2010, 22:35
Theo tiết lộ mới nhất từ tài liệu của Bộ Tư pháp Mỹ, "người bạn" trên Facebook sắp tới mà bạn tiếp xúc có thể là một đặc vụ của FBI.

Lực lượng Cảnh sát liên bang Mỹ bắt đầu sử dụng các trang mạng xã hội - bao gồm Facebook, LinkedIn, MySpace và Twitter - để tìm kiếm bằng chứng và nhân chứng phục vụ điều tra các vụ án, và trong một số trường hợp, truy tìm nghi phạm.

Đặc vụ FBI sẽ sử dụng danh tính giả - rõ ràng là vi phạm một số quy định của các trang web xã hội - nhằm mục đích "kết bạn" với những nghi phạm và dụ chúng tiết lộ những manh mối hay thú nhận tội lỗi, thu thập thông tin cá nhân liên quan đến tội phạm.

Các nỗ lực online mới này của FBI được tiết lộ trong một tài liệu dài 33 trang của Bộ Tư pháp mà Electronic Frontier Foundation (EFF) - một tổ chức do Mitchell Kapor và John Perry Barlow thành lập năm 1990 ở San Francisco, nhằm bảo vệ quyền lợi người sử dụng máy tính trong lúc chính quyền Mỹ có những biện pháp cứng rắn đối với giới hacker - có được.

Từ lâu các cơ quan thực thi pháp luật đã lợi dụng các chatroom trên Internet để truy tìm những tên tội phạm buôn bán những hình ảnh khiêu dâm cũng như những nghi phạm tấn công tình dục và dụ dỗ để bắt giữ chúng. Facebook, MySpace cũng như các trang mạng xã hội khác cung cấp một lượng thông tin cá nhân khổng lồ với những hình ảnh, danh sách bạn bè và vị trí xã hội của cá nhân thường xuyên được cập nhật. Trong nhiều trường hợp, mọi người có thể truy cập vào các thông tin nhạy cảm này.

Theo một đoạn tựa đề "có ích trong những vụ án hình sự" của tài liệu mà EFF có được, đặc vụ FBI có thể kiểm tra thông tin chi tiết về nhân thân của các nghi phạm để thiết lập các động cơ phạm tội, xác định nơi ở của một cá nhân và gõ bàn phím để bước vào cuộc giao tiếp cá nhân trên mạng, cụ thể là trên trang Facebook hiện nay.

Cảnh sát liên bang cũng được phép kiểm tra các hình ảnh để tìm kiếm vũ  khí nóng, nữ trang và những bằng chứng khác phục vụ điều tra những vụ cướp hay trộm cắp tài sản. Họ cũng so sánh thông tin giữa Facebook và Twitter để tìm chứng cứ ngoại phạm của một kẻ tình nghi. Các danh sách bạn bè trên các trang mạng xã hội cung cấp nhân chứng hay thông tin viên. Tài liệu 33 trang của Bộ Tư pháp khuyên nhân viên FBI rằng hiện nay Facebook được sử dụng để kiểm tra những thông tin cơ bản của cá nhân. Và Facebook cũng đôi khi hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật.

Tuy nhiên, các quy định của Facebook cấm người sử dụng cung cấp thông tin giả hay tạo một tài khoản thay cho người khác mà không được phép và nói người sử dụng nên "cung cấp tên thật".

Marc Zwillinger, một cựu công tố viên về an ninh mạng của Mỹ, nói với Associated Press (AP) rằng, các nhà điều tra liên bang hoạt động online có thể hành động bí mật như trong đời thật, nhưng cũng nên phát triển một số quy định giám sát chặt chẽ. Zwillinger nói: "Tình huống mới này đòi hỏi một sự giám sát chặt chẽ để cho Cảnh sát liên bang không lợi dụng mạng xã hội mà thâm nhập vào những mối quan hệ hết sức riêng tư".

Sự sử dụng mạng xã hội để lùng bắt tội phạm đã chứng minh được hiệu quả trong một vụ án lừa đảo. Maxi Sopo bị truy nã gắt gao ở thành phố Seattle vì tội lừa đảo ngân hàng và cảnh sát đã mất dấu hắn. Trang Facebook của Sopo là "tư" nhưng danh sách bạn bè của hắn ta là "công".

Trong số những người bạn của Sopo, các công tố viên lần ra một cựu nhân viên trong ngành tư pháp, một người không biết Sopo đang là đối tượng truy nã số 1 của cảnh sát. Khi Sopo post thông điệp trên Facebook mô tả cuộc sống mới của hắn ở Mexico, "người bạn trên mạng" của Sopo đã cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ hắn ta trong tháng 9/2009

T.P. (theo Le Figaro)
.
.