FBI sử dụng tội phạm để săn lùng khủng bố

Thứ Sáu, 09/08/2013, 22:35

Hoạt động săn lùng những phần tử khủng bố tiềm tàng của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) được huy động toàn lực đến mức các nhân viên đặc vụ sẵn sàng sử dụng những tên tội phạm nguy hiểm nhất nếu chúng có thể chỉ mặt những “mục tiêu”. Đó là câu chuyện có thật diễn ra ở thành phố Seattle, bang Washington, vào mùa hè năm 2011, khi đặc vụ FBI đưa một tên có tội cưỡng bức và xâm hại tình dục trẻ em vào bảng lương của cơ quan.

Cuộc điều tra bắt đầu vào ngày 3/6/2011, khi một người đàn ông tiếp xúc với Sở Cảnh sát Seattle (SPD) cung cấp thông tin hắn có người bạn tên là Abu Khalid Abdul-Latif có âm mưu tấn công căn cứ quân sự Lewis-McChord ở Tacoma, bang Washington. Người chỉ điểm nói với cảnh sát rằng, Abdul-Latif còn hợp tác với một người nữa tên là Walli Mujahidh.

Câu chuyện "thú vị" được chuyển ngay đến trụ sở FBI và các đặc vụ nhanh chóng sử dụng người chỉ điểm này đồng thời tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về cặp đôi Abdul-Latif - Mujahidh!

Trên thực tế, cặp đôi Abdul-Latif và Mujahidh mà FBI cho là phần tử khủng bố tiềm tàng vô cùng nguy hiểm, có vấn đề về tâm thần và tài chính. Abdul-Latif - tên khai sinh là Joseph Anthony Davis - trải qua tuổi niên thiếu với chứng bệnh tâm thần kỳ lạ là thường xuyên nghe tiếng nói của người lạ và nhìn thấy những hình ảnh khác thường. Lúc 23 tuổi, Abdul-Latif thoát chết sau lần toan tự sát với một vốc thuốc ngủ và về sau nói với bác sĩ tâm lý rằng, anh "cảm thấy cô độc và không thích sống nữa".

Còn Mujahidh - tên khai sinh là Frederick Dominique Jr. trước khi quy theo đạo Hồi - được chẩn đoán mắc chứng loạn tâm thần dẫn đến những hành vi và suy nghĩ bất thường.

Abu Khalid Abdul-Latif và Walli Mujahidh.

Trong khi đó, người chỉ điểm giấu tên của FBI chính là tội phạm cưỡng dâm nguy hiểm từng đánh cắp hàng ngàn USD của Abdul-Latif trong quá khứ cũng như có ý định dụ dỗ vợ của người này song kế hoạch bất thành. Mặc dù vậy, FBI vẫn quyết định sử dụng tên tội phạm và trang bị cho hắn thiết bị ghi âm để theo dõi Abdul-Latif.

Điều khôi hài là Abdul-Latif không có khả năng tiến hành cuộc tấn công khủng bố khi mà anh ta chỉ có vỏn vẹn 800 USD và chiếc ôtô cũ mèm  hiệu Honda Passport đời 1995! Còn Mujahidh (người được cho là tòng phạm của Abdul-Latif) đang ở tận miền Nam California. Nhưng, người chỉ điểm cho biết có thể cung cấp mọi thứ cần thiết cho cuộc tấn công khủng bố, bao gồm súng trường M-13, súng phóng lựu và áo chống đạn. Sau khi hủy bỏ ý tưởng tấn công căn cứ Lewis-McChord, Abdul-Latif và người chỉ điểm chọn mục tiêu khác là một khu quân sự ở miền Nam Seattle.

Ngày 14/6/2011, người chỉ điểm mua vé xe buýt cho Mujahidh đi từ Los Angeles đến Seattle và một tuần sau, cả 3 người đàn ông lái xe đến một gara để kiểm tra số vũ khí do người chỉ điểm cung cấp. Ngày 22/6/2011, các đặc vụ FBI ập vào gara trong một nhà kho ở Seattle bắt gọn Abdul-Latif và Mujahidh. Hai "nghi can khủng bố" bị buộc tội âm mưu giết người và sử dụng vũ khí.

Người chỉ điểm được FBI trả công 90.000 USD trong vụ này. Khi gặp Mujahidh trong nhà tù, Michele Shaw (nữ luật sư được chỉ định bào chữa cho Mujahidh) không tin người này có thể là một phần tử khủng bố nguy hiểm. Ngay từ đầu, Shaw đã biết bà đang tiếp nhận vụ án sức khỏe tâm thần hơn là vụ án liên quan đến khủng bố! Shaw tin rằng Mujahidh do có vấn đề về tâm thần nên rất dễ bị người chỉ điểm của FBI tác động. Nhưng, thẩm phán lại không chấp nhận sự thật đó, cho rằng vấn đề bệnh tâm thần chỉ là phần rất nhỏ trong vụ án!

Cuối cùng, Mujahidh phải nhận tội và chịu mức án hơn 20 năm tù. Còn Abdul-Latif chịu án 18 năm tù sau khi nhận tội. Điều thấy rõ trong vụ án là Abdul-Latif và Mujahidh trở thành phần tử khủng bố bởi vì FBI muốn như thế để giải tỏa áp lực trong cuộc chiến chống khủng bố còn người chỉ điểm muốn có tiền. Tóm lại, FBI muốn tạo ra các phần tử khủng bố mặc dù các mục tiêu của FBI thật sự không là phần tử khủng bố tiềm tàng.

Theo cuốn sách "Trại khủng bố: Bên trong cuộc chiến chống khủng bố tạo dựng của FBI" (xuất bản năm 2013) của tác giả Trevor Aaronson, nếu những người chỉ điểm có lợi khi mục tiêu của họ bị buộc tội thì FBI phải có trách nhiệm bảo đảm lợi ích đó không ảnh hưởng đến cuộc điều tra. Các đặc vụ FBI cần đưa ra những chỉ thị trước khi diễn ra cuộc gặp mặt giữa người chỉ điểm và mục tiêu. Các chỉ thị bao gồm những gì mà người chỉ điểm nên đưa ra bàn luận trong cuộc gặp và cách hành xử như thế nào vào lúc đó.

Ngoài ra, thỉnh thoảng FBI cần kiểm tra người chỉ điểm bằng thiết bị phát hiện nói dối để bảo đảm người này không nói dối hay che giấu thông tin. Nếu phát hiện người chỉ điểm nói dối hay cố tình phạm tội, FBI cần loại trừ đối tượng ra khỏi hàng ngũ người chỉ điểm. Nhưng, theo tác giả cuốn sách, trên thực tế FBI hành động hoàn toàn ngược lại các nguyên tắc trên. Ví dụ, người chỉ điểm Elie Assaad trong vụ phần tử khủng bố Imran Mandhai và nhóm tôn giáo Liberty City Seven mặc dù bị phát hiện nói dối nhưng vẫn được FBI tiếp tục sử dụng. Hay trong vụ án khủng bố liên quan đến người Mỹ quy theo đạo Hồi Michael Finton, mặc dù có mật báo cho biết người chỉ điểm lén lút buôn lậu ma túy song FBI vẫn sử dụng người này trong suốt cuộc điều tra.

Những vụ việc trên cho thấy do sức ép phải tìm cho ra những phần tử khủng bố tiềm tàng quá lớn cho nên FBI sẵn sàng sử dụng bọn tội phạm để khuyến khích các mục tiêu dấn thân vào những âm mưu đánh bom các tòa nhà, quảng trường hay trạm tàu điện ngầm và từ đó tạo ra được những vụ án khủng bố!

Diên San (tổng hợp)
.
.