FDA có trở thành lực lượng cảnh sát an toàn thực phẩm toàn cầu?

Thứ Tư, 18/05/2011, 14:45

Ngày 16/9/2010, một đội của Cơ quan Quản lý thuốc và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) tìm đến một công ty phân phối bột hỗn hợp, macaroni (mỳ ống Italia) và ngũ cốc trẻ em. Từ lâu chính quyền liên bang Mỹ đã nghi ngờ chuỗi nhà máy của công ty thực phẩm Thượng Hải miền Đông Trung Quốc - Shanghai Chuangi Food Co. (SCFC) - cung cấp những sản phẩm vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhiều sản phẩm của công ty được vận chuyển đến cảng New York và cuối cùng xuất hiện trong những nhà bếp gia đình ở Mỹ. Đó là lý do thúc đẩy chính quyền Mỹ yêu cầu văn phòng FDA mới ở Trung Quốc báo trước với chính quyền nước này về chiến dịch đột kích này. Đội ngũ thanh tra của FDA và một thông dịch viên người Hoa tìm đến vài địa chỉ ở thành phố Thượng Hải của Công ty SCFC. Nhưng lần nào cũng vậy, các đại diện của công ty luôn từ chối tiếp xúc hay không cho nhóm thanh tra vào cửa.

Thậm chí, họ còn nói công ty không xuất hàng đến Mỹ và dĩ nhiên đây là lời nói dối trắng trợn. Trong vòng 1 tháng, FDA phát tín hiệu báo động về hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, cấm sử dụng mọi sản phẩm của SCFC ở nước Mỹ.

Mỗi năm, Mỹ đều nhận được khoảng 20 thông tin mật về thực phẩm nhập khẩu không an toàn vệ sinh, nhưng FDA chỉ thanh tra được khoảng 10 triệu sản phẩm vận chuyển vào nước này hàng năm. Lý do: một phần do thiếu tài chính và quyền hành động. Nhưng trong tháng 1/2011, tình thế đã thay đổi. Tổng thống Barack Obama đã ký Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm cải tổ toàn bộ hệ thống an toàn thực phẩm quốc gia tồn tại gần 3/4 thế kỷ.

Luật mới cho phép FDA - cơ quan điều tiết khoảng 80% thực phẩm tiêu thụ ở Mỹ - ngăn ngừa những bệnh liên quan đến thực phẩm nhiễm khuẩn (ví dụ khuẩn độc salmonella). Đây không phải là vấn đề nhỏ: mỗi năm có 1 trong 6 người Mỹ - mắc phải những bệnh do thực phẩm nhiễm độc gây ra dẫn đến cái chết của 3.000 người. Nhưng một trong những hiệu quả đáng kể nhất là cho phép FDA tiến hành những chiến dịch quy mô lớn để thanh tra một lượng lớn hàng hóa nhập khẩu.

Với khả năng mới này, trong những năm sắp tới FDA sẽ phải chi ra gần 1,4 tỉ USD để tuyển dụng thêm hàng trăm nhân viên biên chế lẫn hợp đồng tư nhân để phục vụ công tác thanh kiểm tra hàng loạt những nhà cung cấp thực phẩm nước ngoài. Vấn đề là, liệu FDA có thể trở thành lực lượng gọi là cảnh sát an toàn thực phẩm của thế giới hay không?

Ngày nay, dĩ nhiên FDA đã là một cơ quan khổng lồ điều tiết lượng thực phẩm trị giá hơn 466 tỉ USD. Tuy nhiên, vai trò quản lý thực phẩm nhập khẩu không hề đơn giản đối với FDA, chủ yếu do sự toàn cầu hóa hiện nay đã dẫn đến việc thực phẩm nước ngoài ồ ạt đổ vào Mỹ. Khoảng 60% lượng trái cây tươi và rau xanh đủ loại - cũng như khoảng 80% hải sản - tiêu thụ ở Mỹ là hàng nhập khẩu, mà phần nhiều trong số đó đến từ những quốc gia có vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2008, FDA cảnh báo melamine - một chất thường được dùng trong sản xuất chất dẻo - được tìm thấy trong sữa bột trẻ em của Trung Quốc và cuối cùng FDA phải cấm nhập khẩu những sản phẩm độc hại như thế.

Khu chợ San Juan de Dios ở thành phố Guadalajara, Mexico.

Trong một vụ việc khác cùng năm, một loạt những trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tiếp đã buộc FDA phải tiến hành điều tra các loại tiêu jalapeno và serrano nhập khẩu từ Mexico. FDA phát hiện sản phẩm bị nhiễm khuẩn độc salmonella. Sau đó FDA nhanh chóng khuyến cáo người dân Mỹ tránh sử dụng những loại tiêu này.

Để đáp ứng nhu cầu điều tra trong những trường hợp như thế, FDA đã cho mở văn phòng đại diện tại nhiều thành phố như là Quảng Đông (Trung Quốc), Mumbai (Ấn Độ) và Mexico City (Mexico). Thậm chí, FDA còn gửi một nhóm chuyên gia về hải sản đến Bangladesh để huấn luyện các quan chức nước này về những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm Mỹ. Luật mới được Tổng thống Obama ký càng tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho FDA mở rộng hoạt động ra khỏi biên giới nước Mỹ.

Bước đầu tiên, FDA sẽ tiến hành tuyển dụng hàng trăm nhân viên có chuyên môn cao để thanh kiểm tra hàng ngàn cơ sở chế biến thực phẩm ở hải ngoại trong những năm sắp tới. Như trường hợp nêu trên ở thành phố Thượng Hải của Trung Quốc. Trường hợp đó buộc FDA phải hợp đồng với những người cấp giấy chứng nhận sản phẩm bên thứ ba. Một vài cơ quan thanh tra và cấp giấy chứng nhận thực phẩm an toàn hiện đang chuẩn bị hợp tác với FDA trong lĩnh vực này. Một trong những ứng viên là Bureau Veritas của Pháp, một công ty đã quen với tiêu chuẩn quản lý thực phẩm của Mỹ. Thời gian qua, Breau Veritas đã phối hợp với FDA kiểm tra cấp chứng nhận đối với sản phẩm tôm của Việt Nam.

Tuy nhiên, còn phải kể đến hai rào cản đối với sự thi hành luật mới là chính trị và đồng tiền. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa cho rằng, ngân sách của FDA phải gói gọn trong 220 triệu USD. Những người ủng hộ luật mới về an toàn thực phẩm của Tổng thống Obama lo ngại nỗ lực cắt giảm ngân sách đối với FDA sẽ xảy ra trong tương lai nếu như các nghị sỉ đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát cả hai viện của Quốc hội Mỹ. Nếu không có nguồn tài chính mạnh, FDA có lẽ sẽ khó hoàn thành được nhiệm vụ của mình trong tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở thành vấn đề mang tính toàn cầu

Trần Phong (tổng hợp)
.
.