Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn:

Gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng sao chưa bị xử lý?

Thứ Sáu, 18/03/2011, 15:15
Sau khi Chuyên đề ANTG đề cập đến 3 sai phạm chính trong nhiều sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), nhiều độc giả liên lạc với tòa soạn và tỏ ra rất bức xúc trước những vi phạm gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho Nhà nước vẫn chưa bị xử lý trách nhiệm. Bạn đọc yêu cầu báo cần làm rõ và đưa ra trước công luận những sai phạm nghiêm trọng tại Tổng công ty Sabeco trong thời gian qua.

Trước yêu cầu chính đáng của bạn đọc, chúng tôi tiếp tục thông tin những sai phạm nghiêm trọng xảy ra trong 2 năm 2008 và 2009 tại Tổng công ty Sabeco mà hậu quả của nó còn dai dẳng cho đến ngày hôm nay.

Những sai phạm nghiêm trọng chưa được làm rõ trách nhiệm

Sabeco là một doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công nghiệp (cũ), ngày 31/3/2004 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm chuyển Sabeco sang tổ chức và hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con (Quyết định số 50/2004 QĐ-TTg) và đến ngày 28/12/2007, chuyển sang hoạt động theo mô hình Tổng Công ty Cổ phần với số vốn điều lệ 6.412 tỉ đồng; trong đó vốn Nhà nước là 5.745 tỉ đồng (chiếm 90% vốn điều lệ). Hiện Sabeco có 12 công ty con (số vốn đầu tư vào các công ty này là 1.809 tỉ đồng), 22 công ty liên doanh, liên kết (số vốn đầu tư vào các công ty này là 1.242 tỉ đồng).

Với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, mua bán  các loại bia, cồn, rượu, nước giải khát, các loại bao bì, nhãn hiệu cho ngành bia, rượu, nước giải khát và thực phẩm; Kinh doanh vật tư, nguyên liệu, thiết bị, phụ tùng có liên quan đến ngành sản xuất bia, rượu, nước giải khát; Xuất nhập khẩu các loại: sản phẩm bia, rượu, nước giải khát, vật tư, nguyên liệu, thiết bị phụ tùng; hương liệu, nước cốt để sản xuất bia, rượu, nước giải khát.

Hiện nay, trên cả nước có 24 nhà máy sản xuất bia lấy thương hiệu bia Sài Gòn và phụ thuộc vào việc Tổng công ty SABECO cung ứng toàn bộ nguyên, vật liệu chính gồm Malt, Houblon (chiếm 90% giá trị nguyên liệu phải nhập khẩu), lon nhôm, thùng, nút và nhãn. Còn các  nguyên liệu phụ khác mới được Tổng Công ty Sabeco giao cho các đơn vị tự thực hiện. Chính những quy định này đã gây rất nhiều khó khăn và thiệt hại lớn cho các đơn vị thành viên bởi: Nguyên liệu mà Tổng Công ty Sabeco mua rồi "ép" các đơn vị tiêu thụ thường cao hơn giá thị trường và chất lượng thì lại không tốt. Chính vì vậy, nhiều lần, các đơn vị thành viên đã có văn bản kiến nghị gửi lên Tổng Giám đốc Sabeco kiến nghị Tổng Giám đốc để cho các đơn vị thành viên được chủ động nhập, mua các nguyên liệu chính này vì giá thấp hơn, chất lượng tốt hơn so với nguyên liệu Tổng Công ty Sabeco cung cấp, rất tiếc những đề nghị chính đáng làm lợi cho các công ty thành viên đã không được Tổng Công ty chấp thuận.

Theo số liệu của Phòng Kế hoạch cung tiêu Sabeco, từ ngày 31/7/2007 đến ngày 23/2/2009, Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Minh đã ký 4 hợp đồng mua Malt các loại với số lượng 69.500 tấn với thời hạn hết năm 2010 và dài hạn, với giá từ 482,03 euro/tấn - 609,3 euro/tấn (tùy loại); 10 hợp đồng mua Houblon với số lượng 74.914 kga có thời hạn đến ngày 31/1/2010 với giá từ 120 euro/kga đến 310 euro/kga.

Theo chúng tôi được biết thì giá Malt do Tổng Giám đốc Sabeco mua cung cấp cho các nhà máy sản xuất bia trong năm 2009 là 12.090 đồng/kg, trong khi giá Malt cùng loại, cùng thời điểm được Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây báo cáo Sabeco được mua có 10.236 đồng/kg, chênh lệch giảm 1.854đồng/kg, nên với tổng số lượng Malt trong năm Sabeco cung cấp là 114.500 tấn Malt thì số tiền các công ty sản xuất bia Sài Gòn phải gánh tăng so với giá của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây là 212,283 tỉ đồng (114.500 x 1.854.000). Như vậy chỉ riêng việc Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Minh ký hợp đồng mua Malt với các nhà cung cấp quy định giá mua không đổi kéo dài từ 3-4 năm và trong khi Nghị quyết HĐQT Sabeco quy định giá mua Malt chỉ ký hợp đồng cho 1 năm. Việc ký hợp đồng quy định giá mua với thời gian dài này dẫn đến việc Sabeco mất hàng trăm tỉ đồng khi giá Malt trên thị trường giảm.

Giá mua Houblon cao do Sabeco cung cấp cho các nhà máy trong năm 2009 là 6.046.296 đồng/kga, trong khi giá Houblon cao cùng loại, cùng thời điểm do Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây báo cáo Sabeco được mua có 3.230.350 đồng/kga; chênh lệch giảm 2.815.946 đồng/kga nên với tổng lượng Houblon cao Sabeco nhập trong năm 2009 là 36.500kga thì số tiền chênh lệch tăng so với Công  ty CP Bia Sài Gòn- Miền Tây (SG-MT) là 102,782 tỉ đồng (36.500kga x 2.815.946 đồng/kga). Việc mua Houblon viên được tính tương tự cũng có chênh lệch là 45,662 tỉ đồng (19.500kga x 2.341.683 đồng/kga).

Như vậy riêng việc Tổng Công ty Sabeco mua 2 loại nguyên liệu này đã làm thiệt hại (tăng so với giá mua do Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây đề xuất) số tiền là 360,727 tỉ đồng. Tuy nhiên, thiệt hại của Sabeco chưa phải đã hết vì thực chất theo Ban Kiểm soát chất lượng của Sabeco xác nhận, từ tháng 1 đến 10/2010 trung bình có khoảng 15% khối lượng Malt, Houblon không đạt các tiêu chuẩn về chỉ tiêu do Sabeco đề ra như độ ẩm, pH, kolbach, cỡ hạt, protein hòa tan... phải xử lý trong quá trình nấu thì Malt, Houblon mới đạt yêu cầu kỹ thuật nhưng Sabeco không có biện pháp xử lý kỹ thuật vì thế nguyên liệu kém chất lượng mà Sabeco mua đã gây thiệt hại trực tiếp đến sản lượng bia làm ra.

Theo tính toán của các chuyên gia sản xuất bia thì thiệt hại do nguyên liệu kém chất lượng sẽ làm giảm 0,5% sản lượng thành phẩm trên hàng trăm triệu lít bia được sản xuất mỗi năm của Tổng Công ty. Nếu tính trung bình mỗi năm Sabeco sản xuất khoảng 400 triệu lít bia  nhân với 0,5% thì số thiệt hại này được xem là không nhỏ.

Nhà máy Bia Sài Gòn.

Một điều khó hiểu khác nữa là Tổng Công ty Sabeco đã không phạt các nhà cung cấp theo quy định tại Điều 11.3 của hợp đồng "Nếu lô hàng không đạt một số chỉ tiêu nhưng Sabeco vẫn có thể sử dụng được thì Bên bán chịu phạt 0,5% giá trị lô hàng cho một chỉ tiêu không đạt". Và cho đến thời điểm này, ông Tổng Giám đốc Sabeco vẫn chưa bị xem xét trách nhiệm trong vụ thiệt đơn thiệt kép này. Đây là một nghịch lý tồn tại nhiều năm nay ở Tổng Công ty Sabeco, chính nghịch lý này dẫn đến sự nghi kị, mất đoàn kết nghiêm trọng giữa lãnh đạo các công ty hợp tác sản xuất Bia Sài Gòn với lãnh đạo Tổng Công ty, giữa Tổng Giám đốc Tổng công ty với các thành viên trong Hội đồng Quản trị dẫn đến việc khiếu kiện liên tục và kéo dài nhiều năm qua.

Đã rõ dấu hiệu cố ý làm trái

Cũng theo hồ sơ mà chúng tôi có được thì chỉ trong hợp đồng CrownSaigon/Sabeco No: 098 mà ông  Nguyễn Quang Minh đã ký kết với Công ty TNHH Crown Beverage CANSSAIGON  mua 400.000.000 lon nhôm rỗng và nắp với giá 98,00 USD/1.000 bộ. Cao hơn giá thị trường của các công ty trong nước hơn 22 USD/1.000 bộ lon (giá của TANAKA là 75,00USD/1.000 bộ). Tính sơ bộ hợp đồng này đã gây thiệt hại cho Tổng Công ty gần 9,6 triệu đôla.

Trong bản hợp đồng này, ngoài việc ông Minh đã làm sai nguyên tắc, không tổ chức đấu thầu hoặc chào hàng cạnh tranh thì một điều chứng tỏ việc Tổng giám đốc Sabeco cố ý làm trái là: Trước đó, năm 2007, ông Hoàng Chí Thành, Phó TGĐ, hoặc năm 2008, bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Phó TGĐ được Tổng Giám đốc ủy quyền ký kết các hợp đồng mua lon bia 333, cũng như những hợp đồng ông Nguyễn Quang Minh ký trước đó với các đối tác thì trong các hợp đồng này đều tồn tại "Điều 6. Quy định giá cạnh tranh":

6.1 Nhà cung cấp có giá cạnh tranh: Các nghĩa vụ của bên B phụ thuộc việc bên A vẫn duy trì tính cạnh tranh về giá của các sản phẩm là tổng trị giá sản phẩm (trên cơ sở giá CIF), thuế nhập khẩu, thông quan, chi phí vận chuyển trong nước và kho hàng, chi phí cho việc mua bán ngoại tệ do một nhà cung cấp bên thứ ba chào hàng cho bên B. Bên A có quyền từ chối sau cùng để đáp ứng giá cả cạnh tranh đối với tỉ lệ khối lượng của họ tại Việt Nam.

6.2 Giá chào cạnh tranh: được xem là "Giá chào cạnh tranh" theo hợp đồng này, một giá chào của bên thứ ba phải làm thành văn bản và phải:

6.2.1 Liên quan đến các sản phẩm có cùng cấp loại và chất lượng với các sản phẩm, hoặc thích hợp đối với bên B;

6.2.2 Có các số lượng thương mại ít nhất là một trăm mười (110) triệu lon trong một thời hạn 12 tháng;

6.2.3 Có giá thấp hơn, có xem xét đến việc giảm thuế, tiền cước vận chuyển đến nơi sản xuất, chi phí kho bãi, dịch vụ kỹ thuật, hỗ trợ khuyến mãi, các loại thuế phải trả và các phí tổn hoặc giảm giá khác.

6.3 Thông báo về giá chào hàng: nếu bên B nhận được giá chào hàng cạnh tranh, thì bên B sẽ thông báo cho bên A bằng văn bản về chào giá thấp hơn đó và các điều khoản và điều kiện của giá chào hàng cạnh tranh. bên A sau đó sẽ có mười (10) ngày làm việc để trả lời cho Khách hàng (Bên B) liên quan đến quyết định của bên A phải đáp ứng giá chào hàng cạnh tranh đó.

6.4 Quyền chọn về giá cạnh tranh: Có hiệu lực từ ngày nhận thông báo, bên A sẽ có quyền chọn hoặc là:

6.4.1 Giảm giá cho khách hàng (Bên B) nhằm tranh thủ với giá chào hàng cạnh tranh, trong trường hợp này việc giảm giá đó sẽ có hiệu lực cho đến khi hoặc là khối lượng được chào theo giá chào cạnh tranh được giao, hoặc:

6.4.2 Thông báo cho Khách hàng (bên B) rằng mình không muốn tiếp tục cung cấp các sản phẩm với giá thấp hơn đó.

Giá bán của Bên A áp dụng cho điều khoản 5 (giá ưu đãi) và điều khoản 6 (quy định giá cạnh tranh) được xác định bằng giá bán trừ đi bất kỳ khoản giảm giá nào và các chi phí hỗ trợ cho công tác khuyến mãi thị trường nếu có được chào trong suốt thời gian hiệu lực của hợp đồng này.

Chính nội dung trong điều khoản quan trọng này sẽ buộc các đối tác bán hàng phải điều chỉnh giá bán khi giá thị trường xuống để tránh gây thiệt hại cho Tổng Công ty. Nhưng điều khuất tất là trong Hợp đồng 098 mà ông Nguyễn Quang Minh đã ký kết với Công ty TNHH Crown Beverage CANSSAIGON  nói trên lại không có điều khoản quan trọng này. Chính vì vậy khi đối tác khác chào bán giá 75,00USD/1.000 bộ thì ông Minh không thể hạ giá mua đối với CrownSaigon.

Để minh chứng thêm cho hành vi cố ý làm trái của Tổng Giám đốc Sabeco, chúng tôi xin dẫn thêm dẫn chứng: Cùng một nhà cung cấp, cùng một ngày 19/8/2008, Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Minh đã ký 2 hợp đồng một với CrownSaigon/Sabeco No: 098 và một với CrownHànội/Sabeco No:02 với giá và điều kiện khác nhau. Hợp đồng No:02 ký với CrownHànội mua 20 triệu bộ lon với giá trị hợp đồng là 2.232.000USD (106 USD/1.000 bộ lon) thì có tồn tại Điều 6 trong hợp đồng. Vì thế khi giá thị trường giảm, hợp đồng này đã được điều chỉnh giảm giá trị còn 1.628.000 USD; giá mua thực tế giảm từ 106USD xuống còn 74USD/1.000 bộ lon (giảm 32USD/1.000 bộ lon). Còn trong hợp đồng số CrownSaigon/Sabeco No: 098 thì không có hề có Điều 6 nên Sabeco chịu thiệt hại lớn như đã nêu trên.

Vì thế trong sai phạm này với cương vị Tổng Giám đốc khi đặt bút ký kết hợp đồng trị giá trên 40 triệu USD thì buộc ông Minh phải biết hợp đồng không thể thiếu Điều 6 - điều khoản quan trọng. Rõ ràng đây là việc làm cố ý, còn việc có trục lợi từ những lắt léo này hay không thì trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng.

Không dừng ở những sai phạm trên, ngày 3/2/2009, ông Nguyễn Quang Minh ký hợp đồng SABECO/JC009 với Tập đoàn Joh-Bank-Joln GmbH mua của tập đoàn này 4.000kg Houblon cao, vụ mùa 2008 sản phẩm xuất xứ Hop Magnum Đức với giá 120 euro/kga hiệu lực hợp đồng 30/9/2009. Chỉ 17 ngày sau (20/2/2009) ông Minh ký hợp đồng SABECO/NICoI mua của tập đoàn này 4.100kga, đúng mặt hàng, đúng mùa vụ sản xuất, đúng nơi xuất xứ Hop Magnum - Đức, nhưng với giá lên tới 265,61 euro/kga, cao hơn hợp đồng trước tới 145,61 euro/kga, nghĩa là tới hơn 220%.

Chỉ với một hợp đồng mua 4.100kga Houblon cao, ông Minh đã nâng giá (so với đối tác trước) 582.440 euro, tương đương 1 triệu USD. Trong thực tế, giá mặt hàng này cùng thời điểm giao hàng tại kho Nhà máy Bia Sài Gòn, Tập đoàn Malthop chỉ chào 72 euro/kga. Dự kiến năm 2009, Sabeco sẽ sản xuất và tiêu thụ từ 920 đến 930 triệu lít bia các loại. Theo "giá trời ơi" mà Tổng giám đốc Nguyễn Quang Minh đã ký với các đối tác thì riêng với hai loại nguyên liệu chủ yếu này, năm 2009 Sabeco đã mất đứt không dưới 50 triệu euro.

Những viện dẫn và phân tích trên cho thấy, đã rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật về tội: "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" của Tổng giám đốc Sabeco. Vấn đề mà dư luận đặt ra là: tại sao các cơ quan chức năng chưa làm rõ những sai phạm nghiêm trọng này?

Nhóm PV Pháp luật
.
.