Gian nan cuộc chiến chống “cát tặc” trên sông Sài Gòn

Thứ Sáu, 31/03/2017, 12:00
Việc khai thác cát bừa bãi tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, gây sạt lở bờ sông, làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình và an toàn giao thông đường thủy, khiến dư luận hết sức bức xúc. Lòng sông ngày càng rộng ra, nhà của dân đôi bờ chực ngã ào xuống nước vì bị xói mòn, xâm thực với mức độ nghiêm trọng. Những đồng tiền thu được từ khai thác cát trái phép đang làm mờ mắt “cát tặc”.


Hà Bá nuốt nhà dân

Chúng tôi làm một chuyến “khảo sát” dọc sông Sài Gòn, hướng lên cầu Bình Phước (quận Thủ Đức, TP HCM giáp ranh Bình Dương). Cả đời gắn bó với sông nước, ông Ba, một ngư dân cho hay: “Ngày trước sông Sài Gòn cá tôm đầy vơi, con nước lên xuống êm đềm. Còn bây giờ nước sông đục ngầu, ăn sâu vào tận nhà dân, nhiều nơi “Hà Bá” cuốn trôi cả nhà cửa ruộng vườn. Không biết rồi đây dân mình sẽ đi về đâu nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn?”. Một tiếng thở dài và cái nhìn xa xăm của người đàn ông như nhớ về thời “huy hoàng” của nghề đánh bắt.

Nơi tập kết của một công ty khai thác cát.

Cách cầu Bình Phước khoảng 200 mét, ông Ba chỉ tay vào những căn nhà đang bị sạt lở móng, nằm xiêu vẹo. Nước sông “nuốt chửng” cả con đường bê tông, nhiều ngôi nhà dân lâu nay không người ở, bị bỏ hoang trơ trọi giữa bờ đất nham nhở.

Đối diện bờ sông của phường Hiệp Bình Phước là địa phận phường An Phú Đông, quận 12. Nước sông cũng đã mon men đến gần con đường của dân cư nơi này. Sợ mất đất, nhiều hộ gia đình đã bỏ công, bỏ của đóng các cọc gỗ, cọc dừa nhằm chống xói mòn. Thế nhưng dù cố gắng đến đâu cũng như muối bỏ bể.

Những ngày cuối năm 2016, người làng mai ở Hiệp Bình Phước đã phải chịu thiệt hại nặng nề do bờ bao chống triều cường bị sạt lở. Hàng ngàn gốc mai chuẩn bị cho mùa tết bị nhấn chìm trong biển nước khiến người dân lâm vào cảnh nợ nần.

Ông Sáu, một thổ dân nói: “Người ta bảo rằng con sông này ngày càng hung hãn bởi nhiều yếu tố tác động lên nó: thủy triều, dòng chảy, địa chất và “cát tặc”. Nhưng vốn sinh sống lâu năm trên mảnh đất cha ông để lại, chúng tôi lại tin rằng chính “cát tặc” lén lút nạo vét dòng sông mới là nguyên nhân chính”.

Cùng suy nghĩ với ông Sáu, anh H., người dân sinh sống tại phường Long Phước, quận 9, cũng cho rằng sự lộng hành của “cát tặc” là nguyên nhân chính dẫn đến hàng chục héc-ta đất bị xóa sổ. Dẫn chúng tôi xem khu vực “cát tặc” lộng hành một thời gian dài, khoát tay chỉ ra sông Sài Gòn, anh H., nói: “Hằng đêm chúng dùng vòi rồng hút cát, có khi liền lúc hàng chục chiếc “tấn công” hỏi làm sao còn đất, làm sao không sạt lở? Hàng chục héc-ta đất của người dân khu vực này đã bị mất trắng. Giờ chỉ mong cơ quan chức năng vào cuộc một cách quyết liệt mới có thể giữ đất”.

Vận chuyển cát trên sông Sài Gòn.

Đứng trên cầu Bình Phước quan sát, có ít nhất ba điểm tập kết khai thác cát hoạt động liên tục ngày đêm. Ven lùm cây ven bờ sông, một vài tàu của bọn “cát tặc” mồ côi vẫn tranh thủ thọc vòi hút cát giữa ban ngày. Các đoàn xe tải liên tục ra vào điểm tập kết “ăn hàng”. Nhà xe không che đậy, bao bạt cẩn thận làm cát rơi vãi ra quốc lộ 1, bụi mịt mù, ảnh hưởng không ít tới sức khỏe, đời sống người dân quanh khu vực.

Một cán bộ phường An Phú Đông cho hay, phía phường đã nhận được tin người dân phản ánh xe cộ ra vào chở cát gây bụi. Phường đã làm công văn yêu cầu Công an quận 12, Thanh tra giao thông vào cuộc xử lý các đoàn xe quá khổ quá tải. Tuy nhiên tình hình không có gì thay đổi bởi 2 cơ sở tập kết này được cấp giấy phép, đi vào hoạt động đã nhiều năm nay do vậy rất khó xử lý.

Chặn đứng vòi rồng

Ngược sông Sài Gòn lên hướng Long Bình, Long Phước (quận 9, TP HCM giáp ranh Đồng Nai). Địa phận mà giới “cát tặc” đánh giá là “mỏ vàng”, vì chất lượng cát ở đây vàng óng bán rất đắt hàng. Sau thời gian dài “cát tặc” làm ăn ở đây, thống kê của cơ quan chức năng cho thấy có hơn 40 héc-ta đất của các hộ dân đã bị “bốc hơi” nhanh chóng. Trước tiếng kêu cứu khẩn thiết của người mất đất, Thủy đoàn 3 thuộc Cục CSGT (Bộ Công an) đã đóng quân chốt chặn ở điểm Long Phước và một điểm ở khu vực đảo Dừa (phường Phú Hữu, quận 9).

Phương án này sớm đạt được hiệu quả, Thủy đoàn 3 nhiều lần phối hợp với trạm Cảnh sát đường thủy (CSĐT) Cát Lái, Bộ đội Biên phòng tiến hành đẩy đuổi “cát tặc” ra khỏi địa bàn. Anh Nguyễn Văn Thông, ngụ phường Long Phước nói: “Từ khi có Thủy đoàn 3 chốt chặn, tình hình đỡ hơn trước, “cát tặc” đã bớt lộng hành. Người dân không còn phải vất vả, thức trắng đêm giữ đất. Cảnh hai tay gom gạch đá để đẩy đuổi tàu khai thác cát đi nơi khác cũng không còn”.

Lợi nhuận cao từ cát khiến nhiều kẻ sẵn sàng bỏ tàu.

Theo anh Thông, lợi nhuận từ cát quá lớn, trữ lượng và chất lượng cát ở Long Phước còn dồi dào, có lẽ “cát tặc” chỉ tạm thời án binh bất động. Khi nào lực lượng chốt chặn, Thủy đoàn 3, rút đi, rất có thể có chúng sẽ hoạt động ráo riết trở lại.  

Trạm CSĐT Cát Lái và Thủy đoàn 3 quản lý vùng sông Sài Gòn kéo dài hơn 30 km từ Ngã ba Đèn Đỏ đến cầu Đồng Nai. Trước đợt kết thúc cao điểm tấn công trấn áp tội phạm vào ngày 15-2 vừa qua, trạm CSĐT Cát Lái có một cuộc rượt đuổi “cát tặc” gay cấn. Đêm tối, phát hiện bọn chúng thả vòi rồng sục cát lên, hai ca nô tuần tra của cảnh sát liền bật đèn pha ra hiệu lệnh dừng lại. Ngay lập tức, chúng nổ máy ghe chạy tốc độ cao và lạng lách.

Khi ca nô cảnh sát tăng cường áp sát mạn tàu thì chúng liều lĩnh dùng vòi rồng phun cát ngập tràn khoang ca nô. Nhiều phát súng chỉ thiên không làm chúng sợ hãi. Ca nô suýt bị chìm, cảnh sát phải điện đàm cho đồng đội đến ứng cứu. Đẩy đuổi, bắt giữ bên này, chúng chạy dạt sang phía Đồng Nai nên càng khó cho lực lượng truy bắt.

“Cát tặc” khu vực này cực kỳ manh động, chúng sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng. Có hôm tàu tuần tra liên ngành Cảnh sát - Thủy đoàn - Biên phòng bố ráp bao vây. “Cát tặc” nhảy xuống sông lặn mất tích trước khi đồng bọn tháo “lỗ lù” để nước tràn vào gây chìm tàu.

Dẫn chúng tôi ra bờ sông, nơi đang đậu chiếc ghe khai thác cát cỡ lớn, Đại úy Nguyễn Minh Tuấn (trạm CSĐT Cát Lái) cho hay, đầu nậu sẵn sàng vứt bỏ chiếc ghe và máy móc trị giá khoảng 700-800 triệu đồng mà không chịu đến đóng phạt. Đa phần “cát tặc” là người dân Khơme dưới miền Tây lên làm thuê mướn cho chủ tàu. Những “cát tặc” bị dẫn giải về trụ sở lúc kiểm tra đều không có giấy tờ tùy thân, chỗ ở không nơi đăng ký tạm trú.

Đầu nậu không bao giờ “xuất đầu lộ” diện. Chúng ma lanh trong việc tận dụng nguồn nhân lực rẻ tiền, nếu bị bắt cũng chỉ có thể phạt hành chính rồi thả về, sau đó lại tiếp tục... hút cát trộm. Còn nữa, mỗi khi bị bắt giữ hay buộc phải đánh chìm tàu, các chủ tàu lại cho đóng hoặc trang bị phương tiện công suất lớn hơn, hiện đại hơn tăng cường tận thu nhằm... bù lỗ.

Bờ kè của nhà dân bị đổ sụp xuống sông.

Nhưng chừng đó chưa đủ để nói lên sự quỷ quyệt của giới đầu nậu “cát tặc”. Mỗi lần cơ sở báo tin có tàu đang khai thác cát, trạm CSĐT Cát Lái, Thủy đoàn 3 định nhổ neo rời đi làm nhiệm vụ thì “cát tặc” đã bỏ chạy qua phía cầu Đồng Nai. Chúng sớm cài cắm hệ thống “chim lợn” cảnh báo ở khắp mọi nơi, chúng giả thành người đi câu cá, bắt cua để theo dõi các động tĩnh của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, bằng các biện pháp nghiệp vụ để đánh lừa lũ “chim lợn” cán bộ chiến sĩ Trạm CSĐT Cát Lái, ra quân chặn bắt thành công nhiều vụ hút trộm cát...

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Trạm CSĐT Cát Lái cho biết, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ như Cảng vụ Đồng Nai, hải quan... lực lượng chức năng đồng loạt ra quân, đúng thời điểm “phá án”, tất cả phóng ra sông Sài Gòn chặn đứng vòi rồng. Tuy bất ngờ, nhưng vốn là dân sông nước, nhiề uđối tương đã nhanh chân nhảy ùm xuống sông, lẩn trốn trong bụi rậm, kênh rạch.

Trong đợt truy quét tấn công “cát tặc”, lực lượng chức năng đạ bắt giữ được 3 vụ khai thác cát trái phép, 1 tàu hút cát, gần chục đối tượng...

Xử lý - cần có biện pháp mạnh

Bắt được “cát tặc” đưa về xử lý răn đe đã khó, công tác trục vớt máy móc, ghe cát bị đánh chìm càng khó khăn hơn. Bởi nếu không sớm trục vớt, “cát tặc” lại điều đồng bọn “tời” lên để tiếp tục hành nghề. Bộ giàn máy móc hút cát nặng hàng chục tấn, phải dùng cần cẩu chuyên dụng loại lớn. Lực lượng liên ngành từng có ý định thuê thợ lặn giỏi ở địa bàn phối hợp với đội cứu hộ cứu nạn (Cảnh sát PCCC TP HCM) thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi chưa đặt được vấn đề thì “cát tặc” đã nhắn tin đe dọa trả thù...

“Cát tặc” gây ra nhiều hệ lụy tác động nghiêm trọng đến môi trường cảnh quan, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống người dân. Đầu nậu “cát tặc” vẫn thản nhiên thu siêu lợi nhuận từ cát dòng sông và đứng nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Chưa có một “án điểm” nào xứng đáng dành cho “cát tặc” nhằm mang tính răn đe giáo dục.

Đại úy Tuấn cho biết: “CSĐT đang nghiên cứu phương án để xử lý hình sự chủ ghe cát, đầu nậu thu gom cát theo Luật Khoảng sản. Nếu các đối tượng này đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính lần đầu thì lần hai có thể bị xử lý hình sự theo điều khoản quy định”.

Trung tá Nguyễn Sinh Thu, trạm trưởng CSĐT Cát Lái cho rằng, xử lý hình sự đối tượng khai thác, thu gom cát lậu là biện pháp mạnh mới mong hạn chế tình trạng. Cũng nên hạn chế cấp phép cho các công ty nạo vét, khơi thông dòng chảy để tận thu, không loại trừ khả năng các đơn vị này câu kết với “cát tặc”.

Hiện tại cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường đã dừng cấp phép khai thác cát trên chiều dài sông Sài Gòn từ Ngã ba Đèn Đỏ đến cầu Đồng Nai. Mặc dù đơn vị đã có phương án, kế hoạch ứng phó nhưng các anh vẫn lo, một khi Thủy đoàn 3 rút quân đi với lực lượng mỏng, phương tiện hạn chế sẽ khó đối phó nếu “cát tặc” quay lại càng manh động và liều lĩnh hơn.

PV
.
.