Cuộc chiến chống những phần tử khủng bố tiềm tàng ở châu Âu:

Gian nan “trông gà hóa cuốc”

Thứ Ba, 08/12/2015, 16:25
Một nhóm thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 25 cười vui ầm ĩ khi đang chơi bóng đá và bóng rổ. Nhưng, không ai nghĩ rằng có một số người trong đó từng gặp rắc rối với cảnh sát, chịu đựng đau khổ và thậm chí vài người không có nhà cửa để quay về.

Những sân chơi thể thao này được tổ chức bởi Arktos - dự án huấn luyện và tư vấn ở thành phố Leuven nằm cách thủ đô Brussels của Bỉ chừng 30km về phía đông. Arktos dành sự quan tâm đặc biệt và dìu dắt những con người dễ bị thương tổn trong xã hội.

Mục tiêu của dự án: biến nguy cơ thành cơ hội, nỗi sợ hãi thành sự cởi mở, cảm giác bị cách ly thành sự tự tin. Trong cuộc chiến chống mối đe dọa khủng bố tiềm tàng trong nước ở châu Âu, những chương trình ngăn ngừa như thế được đánh giá là cực kỳ quan trọng nhằm tiếp cận sớm với những đối tượng trẻ tuổi có cuộc sống bất an trước khi họ hướng đến hệ tư tưởng cực đoan.

Anouar Abdellati.

Thanh niên Bỉ gốc Morocco 24 tuổi tên là Anouar Abdellati bộc bạch: "Cảnh sát hay chặn tôi lại. Mọi người luôn nhìn chúng tôi với ánh mắt nghi ngờ. Khi bước lên xe buýt, mọi người cứ nghĩ tôi đang mang theo quả bom. Tôi không dám hỏi họ bất cứ điều gì. Tôi không tìm được việc làm, không thuê được phòng trọ. Nghe đến tên tôi là mọi người đều lắc đầu". Nhưng bất chấp, Anouar vẫn sống lạc quan. Anh yêu âm nhạc và luôn bận rộn với những video nhạc rap. Anh đánh giá cao những buổi làm việc với Arktos. Theo Anouar: "Con người cần phải thay đổi. Trách nhiệm của chúng ta là phải làm điều gì đó để thay đổi xã hội. Đó là lý do tại sao Arktos được ca ngợi. Tôi cũng có nhiều người bạn không đến với Arktos và họ suy nghĩ theo hướng tiêu cực. Họ bắt đầu căm ghét cảnh sát và thù hận người da trắng".

Smoad El Boudaati.

Châu Âu đã chi hàng triệu euro trong nỗ lực lôi kéo những phần tử cực đoan từ bỏ hệ tư tưởng nguy hiểm này. Năm 2014, Ủy ban châu Âu (EC), triển khai dự án mạng Cảnh báo Cực đoan hóa (RAN) bao gồm 700 chuyên gia và nhân viên hành động trên khắp châu Âu. Một người trong số đó là Moad El Boudaati, phụ trách Thánh đường Trung tâm ở thị trấn nhỏ Vilvoorde vùng Flanders nước Bỉ, nơi có 25% dân số là người Hồi giáo và nổi tiếng là hang ổ của những phần tử cực đoan. Ông cho biết tiến trình loại bỏ tư tưởng cực đoan nơi con người không hề đơn giản.

Theo Moad, sự hợp tác tốt đẹp hơn giữa các thánh đường Hồi giáo và nhân viên xã hội có thể giúp ngăn chặn giới trẻ bị lôi kéo vào con đường cực đoan. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng mọi cuộc thương lượng hiện nay ở châu Âu về việc thành lập một liên minh đánh bom ở Syria đã gây khó khăn không ít cho công việc của ông đồng thời càng khiến cho âm mưu tuyển mộ tân binh thánh chiến của bọn khủng bố trở nên dễ dàng hơn. Moad lập luận: "Thay vì phá vỡ xã hội, có lẽ chúng ta nên nghĩ cách xây dựng nó. Không chỉ đánh bom mà cần phải sử dụng những khả năng khác. Tôi nghĩ chúng ta nên xem xét lại điều này".

An ninh ở Paris được thắt chặt hơn sau những cuộc tấn công khủng bố.

Điều phối viên chống khủng bố của châu Âu Gilles de Kerchove cảnh báo rằng, nhà tù không phải bao giờ cũng là sự lựa chọn đúng để đối phó với những phần tử cực đoan bởi vì sự giam cầm chỉ càng khiến cho các đối tượng này trở nên cực đoan hóa nghiêm trọng hơn. Do đó, Kerchove nhận định những chương trình phục hồi nhân phẩm là vô cùng cần thiết. Kerchove cho rằng châu Âu cần hợp tác chia sẻ thông tin nhiều hơn nữa tại các trạm kiểm soát biên giới cũng như nỗ lực phá vỡ các mạng lưới buôn lậu vũ khí. Kerchove phát biểu: "Chúng tôi không muốn tạo ra một xã hội tràn lan hoạt động gián điệp. Nhưng trong một số trường hợp chúng ta rất cần thông tin, ví dụ như danh sách hành khách đi máy bay được sử dụng để dò tìm nghi can".

Những vụ tấn công khủng bố liên hoàn ở Paris vừa qua đã mang lại cảm giác bất an cho người dân khắp châu Âu. Những cuộc thăm dò dư luận cho thấy nhiều người tự nguyện mất tự do cá nhân để được an toàn hơn.

Bilal Benyaich nhận xét: "Hiện nay châu Âu đang đối mặt với tình trạng căn thẳng tột cùng. Khủng hoảng di cư và mối đe dọa khủng bố nghiêm trọng là những gì mà châu Âu đang lo ngại. Các quốc gia đang tổ chức nhiều cuộc tranh luận khác nhau. Tôi nghĩ chúng ta nên tìm cách tốt nhất để cân bằng giữa an ninh và vấn đề đạo đức. Chúng ta nên tiếp nhận người di cư đồng thời phải bảo đảm rằng họ đúng thật là người di cư". Bilal Benyaich là chuyên gia Viện chiến lược Itinera (tổ chức chuyên về sự bành trướng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Bỉ), nơi ông hợp tác nghiên cứu về các vấn đề di cư và hội nhập. Và, bất chấp những bài diễn văn cứng rắn, giới lãnh đạo châu Âu vẫn đang rất căng thẳng đầu óc.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.