Giao dịch mua bán thẻ cào ĐTDĐ: Tham lãi cao sập bẫy lừa

Chủ Nhật, 14/09/2014, 10:35

Với cái mác giám đốc một công ty chuyên về dịch vụ viễn thông, Trần Quốc Bảo (SN 1987, NKTT: KP 3, thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận; tạm trú tại P.17, Q.Gò Vấp, TP HCM) đã “dụ” hàng loạt “con mồi” sa bẫy bởi khoản lợi nhuận quá hấp dẫn khi đầu tư vào việc mua bán thẻ cào (card) điện thoại di động (ĐTDĐ). Hậu quả là nhiều người đã bỏ ra tiền tỷ để mua card nhưng không nhận được hàng, còn Giám đốc Trần Quốc Bảo thì “ôm” hàng chục tỉ đồng của các nạn nhân rồi… biến mất.

Nạn nhân liên tiếp "sập bẫy" lừa

Được Sở Kế hoạch & Đầu tư TP HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 24/6/2011 nhưng Công ty TNHH Dịch vụ Viễn thông Tin học (DVVTTH) miền Nam do Trần Quốc Bảo làm giám đốc chỉ hoạt động cầm chừng và không bao lâu thì Giám đốc công ty bị tố đã chiếm đoạt của nhiều cá nhân lên đến hàng chục tỉ đồng.

Trong số các nạn nhân tố bị Trần Quốc Bảo lừa tiền qua việc mua card điện thoại di động (ĐTDĐ) thì chị V.T.T.Tr (SN 1966, ngụ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) có lẽ là người bị Bảo chiếm đoạt tiền nhiều nhất (gần 31,8 tỉ đồng).

Theo chị Tr, khoảng tháng 4/2011, bà Đặng Thị Kim Oanh (mẹ của Bảo) giới thiệu chị Tr mua bán thẻ cào ĐTDĐ của các hãng Viettel, Vinaphone, Vietnamobile, Mobicard với Trần Quốc Bảo. Do tin tưởng mẹ con bà Oanh là người cùng địa phương, hơn nữa Bảo chào giá hết sức hấp dẫn: với loại thẻ có mệnh giá 100.000 đồng, Bảo chỉ bán lại cho chị Tr giá 88.000đồng, vì vậy chị Tr chấp nhận hợp tác làm ăn.

Thời gian đầu, chị Tr mua của Bảo số lượng card có trị giá dao động từ 40 đến 160 triệu đồng/lần. Mỗi lần đặt mua thì 3-4 ngày sau chị nhận được hàng qua đường bưu điện hoặc chuyển hàng về Ninh Thuận theo nhà xe T.T.

Tháng 7/2011, Bảo nói với chị Tr là có mối bán ở Đà Lạt và Đắk Lắk với số lượng 300-400 triệu đồng/ngày. Vì vậy, Bảo muốn chị Tr để lại hàng cho Bảo bán dùm, không cần phải chuyển hàng về Ninh Thuận để bán nữa. Thấy hàng được tiêu thụ dễ dàng với số lượng lớn nên chị Tr. đồng ý.

Thời gian đầu, chị Tr giao tiền đến đâu, Bảo giao card đến đấy. Tiếp đến, ngày 9/9/2011, Bảo ký hợp đồng không số với chị Tr với nội dung: Hàng ngày (từ thứ hai đến thứ bảy) chị Tr đặt cọc cho Trần Quốc Bảo số tiền 5 triệu đồng để mua card ĐTDĐ. Sau 3 ngày kể từ ngày đặt hàng, nếu Bảo giao card không đúng hẹn thì Bảo phải bồi hoàn số card mà chị Tr đã đặt và chịu phạt lãi 20% trên tổng số giá trị đơn hàng.

Hợp đồng có giá trị từ ngày 9/9/2011 đến ngày 9/9/2012. Tuy nhiên, thực tế hợp đồng này Bảo không đưa vào hệ thống sổ sách kế toán của Công ty TNHH DVVTTH miền Nam theo dõi mà biến việc mua bán thẻ card giữa giám đốc Công ty TNHH DVVTTH miền Nam và chị V.T.T.Tr là mua bán với tư cách là cá nhân. Về phía chị Tr, thấy việc hợp tác làm ăn "thuận buồm xuôi gió" và có "hợp đồng" hẳn hoi, nên chị Tr đã tin tưởng giao tiền cho Bảo ngày càng nhiều hơn.

Siêu lừa Trần Quốc Bảo và Lã Thị Thanh.

Mở rộng đối tượng để lừa, Bảo tiếp tục nhắm đến những người bạn học cũ của Bảo hiện đang có thu nhập ổn định và điều kiện kinh tế khá giả. Trong đó, chị T.N.K.T (SN 1987, ngụ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) là một trong những nạn nhân của Bảo. Chị T. cho biết, để thuyết phục chị hợp tác làm ăn, Bảo giới thiệu là mua thẻ card ĐTDĐ sẽ có lợi nhuận rất cao, lãi 2% - 3% so số tiền bỏ ra để mua thẻ. Trước khoản lợi nhuận quá hấp dẫn như vậy nên chị T đã đồng ý tham gia.

Từ ngày 1/9/2011 đến ngày 1/11/2011, chị T đã 8 lần chuyển tiền vào tài khoản do Trần Quốc Bảo chỉ định với tổng số tiền hơn 4,3 tỉã đồng để mua card. Tất cả những lần chuyển tiền vào để mua card đều được Bảo thanh toán tiền đầy đủ, đúng hạn, không có gì phải nghi ngờ.

Tuy nhiên, đến lần chuyển tiền tiếp theo vào ngày 5/11/2011 với số tiền 945 triệu đồng để mua card có trị giá gần 1,1 tỉ đồng thì chị không ngờ rằng, Bảo đã chiếm đoạt số tiền này và bỏ trốn. Cùng cảnh ngộ với chị T.N.K.T, anh D.Đ.B (SN 1987, ngụ P. Phước Mỹ, TP. Phan Rang, Ninh Thuận) cũng bị bạn học cũ  Trần Quốc Bảo lừa với số tiền lên đến hơn 2 tỉ đồng.

Không chỉ người quen, bạn học, mà kể cả người thân họ hàng cũng đều bị Trần Quốc Bảo cho vào bẫy. Đó là trường hợp của anh Đ.X.Th (SN 1981, HKTT Ninh Thuận; tạm trú P.27, Q.Bình Thạnh, TP  HCM). Anh Th là con cô cậu ruột với Bảo.

Cũng vì tin tưởng Bảo và cũng bị hấp dẫn với mức giá sau chiết khấu là 91% - 92% (mua thẻ cào 100.000đ, Th thanh toán cho Bảo 91.000 - 92.0000 đồng) nên chỉ trong một thời gian ngắn hơn nửa tháng (từ 24/10 đến 11/11/2011), Th đã chuyển tiền mua thẻ cho Bảo tổng cộng gồm 7 đợt. Trong 4 đợt đầu, Bảo giao hàng đầy đủ và đúng hẹn nhưng đến 3 đợt cuối cùng với tổng số tiền gần 2,5 tỉ đồng, Bảo đã chiếm đoạt tiền và không giao hàng.

"Giám đốc" ôm tiền tỉ… biến mất

Được biết, sau khi thành lập công ty hơn 4 tháng, ngày 12 và 14/11/2011, Cơ quan CSĐT Công an Q.Gò Vấp, TP HCM đã nhận được nhiều đơn tố cáo của các cá nhân (ngụ tại tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận) về việc Trần Quốc Bảo và mẹ ruột là bà Đặng Thị Kim Oanh (SN 1965) đã chiếm đoạt tiền của họ thông qua việc mua bán thẻ cào ĐTDĐ.

Tại Cơ quan điều tra, bà Đặng Thị Kim Oanh khai nhận là bà có giới thiệu cho bà Tr, ông D (SN 1963, ngụ huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) mua thẻ cào của Trần Quốc Bảo và chỉ có vài lần bán giúp thẻ cào của Bảo cho ông D. Còn sau đó việc mua bán thẻ cào giữa các cá nhân này và Bảo như thế nào bà Oanh không biết.

Quá trình xác minh, điều tra, Cơ quan CAĐT Công an TP HCM có đủ căn cứ xác định: Trần Quốc Bảo đã nhận của 6 cá nhân (ngụ tại tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận) với tổng số tiền hơn 38 tỉ đồng để bán thẻ cào ĐTDĐ. Nhưng sau đó không thực hiện mà đã chiếm đoạt tiền bỏ trốn. Trên cơ sở đó, ngày 29/7/2014, Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án hình sự, ra quyết định khởi tố bị can và truy nã Trần Quốc Bảo về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" tại Điều 140 Bộ luật Hình sự.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ Trần Quốc Bảo dễ dàng đưa vào "bẫy" nhiều nạn nhân, chiếm đoạt hơn 38 tỉ đồng chỉ trong một thời gian rất ngắn (từ tháng 4/11/2011) là do các nạn nhân vì ham mức chiết khấu cao, hưởng mức chênh lệch lớn giữa giá mua và giá bán và đặc biệt là có nhiều cơ hội để mua được những lô hàng giá rẻ. Tuy nhiên, điều đáng nói là các nạn nhân đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỉ đồng để mua card ĐTDĐ mà họ chỉ nói bằng miệng, không hề làm hợp đồng mua bán giữa các bên. Vì vậy, khi rủi ro xảy ra, họ không hề có một loại giấy tờ nào có giá trị để chứng minh là đã có giao dịch mua bán và đã bị lừa.

Có thể nói, việc mua bán card ĐTDĐ là mặt hàng được nhiều đối tượng lợi dụng để thực hiện lừa đảo trong thời gian qua với số tiền lừa đảo, chiếm đoạt khá lớn, lên đến hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Điển hình, đó là vụ "siêu lừa" Lã Thị Thanh (SN 1973, NKTT: Q.1, TP HCM) - Giám đốc Công ty TNHH Quang Anh (đối tượng bị truy nã đặc biệt và đã bị bắt), hiện Cơ quan CSĐT Công an TP HCM  đang thụ lý hồ sơ vụ án.

Thông tin điều tra ban đầu được biết, Lã Thị Thanh đã làm giả các giấy tờ, tài liệu mang tên Công ty Viễn thông Viettel - Tập đoàn Viễn thông Quân đội thể hiện việc Công ty TNHH Quang Anh đang thực hiện hợp đồng mua bán thẻ điện thoại trị giá 500 tỉ đồng với Viettel. Sau đó sử dụng các giấy tờ giả mạo này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty TNHH Viễn thông Bò Cạp Vàng, Công ty CP Bất động sản và Kỹ thuật xăng dầu, cùng 13 cá nhân khác tại TP HCM, Hà Nội với số tiền trên 200 tỉ đồng.

Đối với đối tượng Trần Quốc Bảo, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cho biết đã phát lệnh truy nã đối tượng này. Vì vậy, để phục vụ công tác điều tra, yêu cầu ai phát hiện Trần Quốc Bảo ở đâu báo ngay cho Cơ quan CSĐT - Công an TP HCM, Đội 8 - PC46, số điện thoại: 0838640508 – 0919845678

K.Ngân
.
.