Guatemala – Trong địa ngục của các băng đảng

Thứ Năm, 27/10/2011, 15:45

Tội phạm kinh niên, nghèo đói cùng cực và tham nhũng lan tràn Guatemala tiếp tục chìm sâu vào bạo lực. Và giới trẻ của đất nước lớn thứ 3 của Trung Mỹ do thiếu cơ may trong cuộc sống sẵn sàng gia nhập thế giới băng đảng Mara đang ngày đêm gây kinh hoàng cho cuộc sống dân thường.

Alma đã giết người, tham gia những vụ cưỡng bức và cưỡng đoạt tài sản của người khác. Cô hút thuốc lá như điên và coi nhà tù như quán trọ. Cô xăm mình vằn vện để cố gột sạch chất nữ tính khiến người ta phải rùng mình kinh sợ. Nhưng cuộc sống giang hồ cũng có cái giá của riêng nó - Alma mang thai 6 tháng bị người tình đánh đập đến sẩy thai.

Rồi Alma muốn giũ bỏ cuộc sống nhơ nhớp, tránh xa băng đảng. Hậu quả là Alma nhận hai viên đạn ghim vào người dẫn đến liệt hai chân. Nay ở tuổi 24, Alma bị đồng bọn trước đây tuyên án tử vì dám rời bỏ băng đảng. Cô buộc phải trốn chạy khỏi khu phố của mình đến nương náu trong một căn phòng bẩn thỉu, ngày ngày làm công việc đóng gói quà trong một cửa hàng lớn để kiếm sống.

Bạo lực đã thành dịch hoành hành đất nước Guatemala, xé nát cuộc đời của bao đứa trẻ như Alma. Một số đứa chỉ cỡ 10 tuổi, còn những đứa lớn hơn cũng hiếm khi sống được đến 25 tuổi. Chúng được vũ trang như lính tráng để lao vào những cuộc chiến băng đảng đẫm máu trong những khu ổ chuột của Guatemala City.

"El Abuelo", thành viên Mara 25 tuổi, một trong những thủ lĩnh của băng đảng đáng sợ nhất Barrio 18 đang bị giam giữ.

Băng đảng Mara - trong đó hai băng mạnh nhất là Mara Salvatrucha và Barrio 18 - nắm quyền kiểm soát thành phố. Không có luật lệ cho đám dân nghèo và cũng chẳng có hy vọng nào về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bạo lực trở nên "bình thường hóa" sau nhiều cuộc trấn áp, ngăn chặn của giới chính khách và cũng do nạn tham nhũng.

14 năm sau hiệp ước hòa bình kết thúc cuộc thảm sát do sự đụng độ giữa quân đội và người Maya, đất nước Guatemala chỉ hơn 13 triệu dân, trở thành một trong những nơi nguy hiểm nhất hành tinh. Trung bình một ngày xảy ra 18 vụ giết người, trong đó  98% số vụ không hề được cảnh sát điều tra và được xếp vào loại hồ sơ gọi là "không theo dõi". Buôn bán ma túy, buôn người, giết hại phụ nữ, buôn vũ khí… rồi bệnh tật sinh ra do nghèo đói, thất nghiệp đầy rẫy và biết bao gia đình tan nát vì chiến tranh.

Guatemala City, người ta nhanh chóng cảm nhận được bầu không khí chết chóc ở mọi ngóc ngách của thành phố. Vào năm 2010,  cánh tài xế xe buýt bị giết chết giữa ban ngày ban mặt để cưỡng đoạt tài sản. Các công ty giao thông vận tải đành phải cắt đặt một vệ sĩ vũ trang trên từng chiếc xe buýt cho an toàn. Đêm xuống, Guatemala như trong tình trạng giới nghiêm vì đường sá vắng tanh. Không ai dám ra đường. Không ai dám dừng đèn đỏ vì sợ bị tấn công…

Còn ở Mezquital, nơi sinh trưởng của cô bé Alma, những tay anh chị có mặt khắp nơi. Những đứa trẻ khoảng 7 - 8 tuổi có nhiệm vụ canh gác đường phố, canh chừng sự xuất hiện bất ngờ của cảnh sát.

"El Smoorf", 24 tuổi, thành viên Mara bị tống vào tù vì tội giết người.

Các băng đảng Mara nổi lên vào cuối thập niên 90 thế kỷ trước. Sau hiệp ước hòa bình, hàng chục ngàn người Guatemala lánh nạn ở Mỹ quay về quê hương và mang theo cả văn hóa băng đảng của người da đen ở Los Angeles với những quy tắc "danh dự", tập tục và thậm chí cách sống dựa vào buôn ma túy, bắt cóc tống tiền và ám sát.

Trong một đất nước mà cứ hai người thì một người không có việc làm hợp pháp phải luôn tìm cách xoay sở để tồn tại, do đó băng đảng dễ dàng lôi kéo những thiếu niên hàng ngày trông thấy cha mẹ chúng đổ mồ hôi sôi nước mắt chỉ để kiếm vài đồng quetzal (đơn vị tiền tệ Guatemala) gia nhập tổ chức.

Bọn Mara tạo cho đám trẻ con một "mái ấm gia đình" với những quy tắc sống khắc nghiệt thể hiện qua những hình xăm gớm ghiếc trên khắp thân thể. Một số còn xăm cả lên mặt. Kín đáo hơn, đó là 3 dấu chấm xăm trên bàn tay tượng trưng cho "vida loca" - tức cuộc sống trải qua 3 giai đoạn: bệnh viện, nhà tù rồi đến nhà xác.

Khoảng 20.000 thành viên trẻ tuổi không phải là nguyên nhân mà là hậu quả của làn sóng bạo lực hủy hoại Guatemala.  Juan Carlos Molina, chuyên gia tâm lý học nhiều năm nghiên cứu văn hóa băng đảng phân tích: "Động cơ của hiện tượng này - đó là sự căm thù. Những trận đòn roi mà bọn trẻ con phải gánh chịu từ người mẹ, tư tưởng trọng nam khinh  nữ, tệ rượu chè be bét, loạn luân. Tất cả những thứ đó tạo nên một nguồn năng lượng tiêu cực khổng lồ từ rất sớm. Cuối cùng chúng thấy cần phải đấu tranh. Băng đảng Mara mang lại cho chúng cơ hội để trút hết sự căm hờn.

Tại thủ đô Guatemala, tiếng còi hú rền của xe chữa cháy là âm thanh quen tai đối với mọi người dân. Người ta đã quen với việc sử dụng súng ống ở khắp mọi nơi: trước trung tâm thương mại, trạm đổ xăng, trong xe buýt và taxi... Con số gây kinh hoàng ở Guatemala: 3 triệu người dân và 2 triệu vũ khí lưu thông trong xã hội…  Người bán hàng giấu mình đằng sau tấm lưới sắt, dân nhà giàu thì nấp kín sau những bức tường cao ngất luôn được trang bị camera theo dõi. Nếu như bạo lực có gốc rễ từ trong gia đình, thì bạo lực cũng sống được nhờ tham nhũng và hệ thống tư pháp yếu ớt của Guatemala.

"Neck", nay đã chết, gặp vợ là Marylin trong nhà tù.

Các nhà tù ở Guatemala trở thành "tổng hành dinh" của bọn băng đảng Mara. Nhờ những "quan hệ phức tạp" bên trong nhà tù, bọn chúng có trong tay điện thoại di động, vũ khí và ma túy.

Cựu công tố viên Erneato hiện đang làm cố vấn cho kế hoạch thành lập một lực lượng cảnh sát mới với sự hợp tác của Tây Ban Nha. Ông đang cố phục hồi những cuộc điều tra bị bỏ qua trong quá khứ. Công tố viên Erneato nói rằng: "Chúng tôi huấn luyện cho các thanh niên sẵn sàng theo đuổi những cuộc điều tra đến cùng. Nhưng người dân đã không còn niềm tin vào cảnh sát nữa rồi. Người ta chỉ yêu cầu chúng tôi giết sạch bọn Mara đang hàng ngày quấy nhiễu cuộc sống của họ".

Hiện nay, trên toàn đất nước Guatemala, những đội an ninh dân sự bắt đầu mọc lên để tự thực thi công lý với những cuộc chiến trừng phạt đẫm máu. Vòng xoáy bạo lực và căn bệnh sợ hãi kinh niên bóp nghẹt xã hội Guatemala lại trở thành nguồn lợi béo bở cho những công ty an ninh tư nhân do các cựu quan chức của chế độ quân sự dựng lên. Họ có lực lượng nhân viên đông hơn cảnh sát đến 6 lần!

Tất cả những ai còn có chút tin tưởng vào tương lai ở Guatemala đều cố sức giành giật giới trẻ với bọn tội phạm băng đảng. Họ đã cứu cuộc đời của một vài thanh thiếu niên. Giáo hội phúc âm thuyết giảng đạo đức với những cựu marero thành viên băng đảng. Hector Waldemar, huấn luyện viên quyền Anh ở Guatemala, rong ruổi khắp nước để tìm kiếm những nhân tài để đào tạo trở thành nhà vô địch. Còn Elubia thì lập ra xưởng sản xuất để tạo việc làm lôi chúng trở về với cuộc sống bình thường.

Dường như sự trấn áp không phải thuốc chữa bách bệnh mà tất cả là do sự thiếu giáo dục, sự mong manh của cuộc sống gia đình và cấu trúc xã hội cũng như sự không trừng phạt đối với các thế lực mạnh nhất nuôi dưỡng bạo lực

Thục Miên (tổng hợp)
.
.