Không nhận đủ tiền chuộc, những kẻ khủng bố hành quyết 2 phóng viên?

Thứ Ba, 14/03/2017, 14:30
Hai phóng viên của đài RFI Ghislaine Dupont và Claude Verlon bị bắt cóc và hành quyết sau đó ít ngày tại Mali vì những kẻ khủng bố không nhận đủ tiền chuộc.

Trong suốt 1 năm, khi tạp chí "Envoyé spécial" cử Geoffrey Livolsi, Michel Despratx, Antoine Husser, Loup Krikorian và Marielle Krouk đi điều tra vụ việc các con tin của Công ty Arlit bị bắt cóc tại Niger và nhờ chính phủ Pháp tiến hành thương thuyết mà họ được trả tự do vào tháng 10-2013, nhóm 5 phóng viên đã lần ra mối liên hệ với một vụ khác: 2 phóng viên của đài RFI Ghislaine Dupont và Claude Verlon bị bắt cóc và hành quyết sau đó ít ngày tại Mali vì chúng không nhận đủ tiền chuộc.

Điểm khởi đầu là vụ bắt cóc 6 nhân viên nam và 1 nhân viên nữ làm việc tại khu mỏ Areva của Công ty Arlit vào ngày 16-9-2010 bởi một nhóm chiến binh AQMI (nhánh của Al-Qaeda tại Bắc Phi). Vụ việc xảy ra lúc nửa đêm, sau một buổi tiệc giữa các đồng nghiệp với nhau. Họ kể lại rằng, khoảng 2 giờ 30 sáng, họ bị lôi ra khỏi giường một cách thô bạo rồi bị đẩy lên một chiếc xe mà chưa kịp mang giày. Xe chạy về hướng rặng Ifoghas ở miền đông bắc Mali do phe Hồi giáo kiểm soát.

Claude Verlon và Ghislaine Dupont.

Trong số 7 con tin đó có 4 công dân Pháp là Pierre Legrand, Marc Feret, Thierry Dol và Daniel Larribe bị giam giữ suốt 3 năm. Khi 4 người Pháp đó được trả tự do vào tháng 10-2013, nước Pháp tự hào đã cứu được 4 con tin còn sống. Nhưng tạp chí "Envoyé spécial" sau khi tiến hành điều tra cặn kẽ đã đưa ra một câu chuyện khác, một vụ bê bối tầm cỡ quốc gia, làm hình ảnh của Tổng thống, Bộ Quốc phòng và Cục tình báo đối ngoại (DGSE) bị hoen ố.

Nhóm bắt cóc do tên Abou Zeid chỉ huy. Từ năm 2003, tên này chuyên tổ chức bắt cóc các du khách ở miền nam Algeria. Cuộc điều tra cho thấy có 2 nhóm đàm phán cùng làm việc song song.

Được hỗ trợ bởi Areva và DGSE, cựu điệp viên Jean-Marc Gadoullet được chính phủ Pháp giao nhiệm vụ đàm phán việc trả tự do cho các con tin. Chính thức thì công ty Areva trả tiền, nhưng Văn phòng Tổng thống mới là nơi điều hành công việc. Gadullet gặp được Abou Zeid và tên này đồng ý trả tự do cho các con tin. Nhưng việc đàm phán không thành, Gadullet bị thương vào tháng 11-2011. Ông này trở về Pháp để dưỡng thương nhưng hứa sẽ tiếp tục nhiệm vụ.

Một nhà đàm phán khác cũng là cựu điệp viên của DGSE-Pierre-Antoine Lorenzi- là giám đốc Công ty bảo an Amarante, được Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian giới thiệu.  "Envoyé spécial" mô tả đó là một cuộc chiến giữa những nhà đàm phán, nhưng rồi họ thất bại, tiền bạc bị mất, chính phủ Pháp từ chối trả thêm tiền. Trong thời gian đó, các con tin liên tục bị khủng bố tinh thần: "Chúng tôi liên tục bị lôi đi thẩm vấn, nhiều khi chúng tôi cứ tưởng sẽ bị đem ra hành quyết. Nỗi thù hận và trò đùa tàn nhẫn của bọn bắt cóc dành cho chúng tôi không khác gì một thứ cực hình" - Thierry Dol kể lại.

Ngày 1-4-2012, AQMI đi đến thỏa thuận với chính phủ Pháp: con tin Marc Feret sẽ được trả tự do với số tiền chuộc 6,5 triệu euro. Gadullet hy vọng rằng, thỏa thuận này sẽ giúp mở ra cơ hội đàm phán tiếp theo về số phận của 3 công dân Pháp còn lại. Ông đến Niamey (Niger) và chờ lệnh của chính phủ Pháp để nhận con tin. Nhưng chẳng có gì xảy ra như dự tính.

Ngày 3-5-2012, gần đến vòng 2 của cuộc bầu cử Tổng thống, Công ty Areva mới được biết "nhiệm vụ đã bị hủy bỏ". Phải chăng tướng Benoit Puga, tham mưu trưởng của ứng viên Nicolas Sarkozy, đã tự quyết định hủy bỏ nhiệm vụ giải thoát con tin như đài  France 2 đã đưa tin? Hậu quả nghiêm trọng là Abou Zeid không còn tin tưởng và Marc Feret cùng các bạn mình phải bị giam giữ thêm 18 tháng. Sau khi được tự do, Marc Feret đã đệ đơn kiện để biết rõ sự thật và muốn biết "ai đã quyết định hoãn việc thả tự do cho ông vì lý do gì đó".

Khi lên cầm quyền, Tổng thống Francois Hollande đã áp dụng nguyên tắc mới: "Nước Pháp sẽ không trả tiền để chuộc các con tin". Nhưng trái với nguyên tắc thường xuyên được nhắc đến đó, cuộc điều tra đã cho thấy Chính phủ Pháp đã ngấm ngầm chi ra hàng chục triệu euro để giải thoát các con tin. 30 triệu euro từ quỹ bí mật của chính phủ đã được chi ra để giải thoát cho Pierre Legrand, Marc Feret, Thierry Dol và Daniel Larribe vào ngày 29-10-2013 sau 1.139 ngày bị giam giữ.

Về mặt danh chính ngôn thuận, hai phóng viên Ghislaine Dupont và Claude Verlon của đài truyền hình RFI đến Mali để tường thuật về cuộc bầu cử quốc hội của nước này, nhưng theo "Envoyé spécial", họ đến đấy để bí mật điều tra về khả năng bòn rút tiền chuộc các con tin của…

Công ty Arlit. Ghislaine Dupont và Claude Verlon bị bắt cóc và hành quyết đúng 3 ngày sau khi 4 con tin trên được trả tự do. Nhiều dữ kiện bị lần ra và nhóm phóng viên của tạp chí "Envoyé spécial" phát hiện sự thật là tiền chuộc của chính phủ Pháp đã không đến tay bọn bắt cóc. Nhiều nhân chứng quan trọng nhắc đến sự bòn rút tiền. Một số người trung gian (tài xế, cận vệ, lính canh…) đã không được trả tiền và họ cảm thấy bị lừa dối. Và để trả thù, nhóm AQMI đã hành quyết 2 phóng viên đài RFI vào ngày 2-11-2013.

Phóng sự điều tra của nhóm phóng viên "Envoyé spécial" khiến người ta liên tưởng ngay đến tình huống tương tự xảy ra hơn một năm trước đây: Ngày 3-5-2016, nhóm khủng bố Abu Sayyaf (ASG) đã tung video clip đe dọa cắt cổ công dân người Canada tên Hall nếu chính phủ Canada trì hoãn cuộc thương lượng về tiền chuộc.

Trước đó một tuần, ASG đã hạ sát ông John Ridsdel, người đồng hương của Hall. "Việc chấp thuận trả tiền chuộc sẽ tạo nguồn tài chính đáng kể cho các tổ chức khủng bố, giúp chúng tiếp tục những hành vi giết chóc vô lối nạn nhân vô tội trên toàn thế giới.

Quan trọng hơn, việc trả tiền chuộc sẽ gây nguy hiểm cho mỗi cá nhân trong số hàng triệu người Canada đang sống, làm việc và đi du lịch toàn cầu hằng năm" - ông Justin Trudeau, Thủ tướng Canada, nhấn mạnh như vậy vào tối 3-5. Ông Trudeau cho biết đã nói chuyện trực tiếp qua điện thoại với Thủ tướng Anh David Cameron về chuyện "không trả tiền chuộc" và được ông này ủng hộ hết mình.

Trong khi đa số chuyên gia chống khủng bố đồng cảm với ông Trudeau thì vẫn có một số người nghi ngờ tính trung thực của nhà lãnh đạo Canada. Bởi trên thực tế, có những trường hợp phải đáp ứng yêu sách của bọn khủng bố, thông thường do gia đình nạn nhân chi trả trong khi tuyên bố chính thức của chính phủ là kiên quyết giữ vững lập trường. Thật ra, rất khó đánh giá lập trường "nói không với tiền chuộc" của chính phủ Canada nói riêng và chính phủ các nước nói chung là đúng hay sai một cách tuyệt đối.

Đối với gia đình nạn nhân, đó là một quyết định sai vì xác suất con tin bị giết rất lớn. Đối với chính phủ, trước cảnh "trên đe (áp lực của gia đình nạn nhân) dưới búa" (trả tiền chuộc đồng nghĩa với nối giáo cho giặc), thật khó đưa ra một quyết định gọi là đúng đắn cho cả đôi đàng.

Ông Fred Burton, Phó Chủ tịch Công ty Dự báo chiến lược Stratfor (Mỹ), đánh giá: Đằng sau tuyên bố của Thủ tướng Canada có thể có một động thái khác- một động thái cần thiết phải có - của người đứng đầu nhà nước. Cơ quan tình báo của quốc gia đó luôn nhận được lệnh từ người đứng đầu chính phủ làm mọi cách để đưa công dân của mình về nước một cách an toàn, hoặc thương lượng với khủng bố giảm giá tiền chuộc, hoặc giải cứu con tin bằng biện pháp quân sự.

Tại Mỹ, vào đầu năm 2016, luật pháp còn cho phép truy tố người nhà nạn nhân nếu họ huy động tiền để trả tiền chuộc nhưng luật này chẳng mấy lâu sau không còn áp dụng nữa. Chính phủ Pháp và Italy xưa nay ít khi "lên gân" như Canada, trong đa số trường hợp, họ âm thầm thương lượng với những kẻ bắt cóc và trả tiền chuộc để cứu công dân của mình. Các nước phương Tây đã chi ra 120 triệu euro cho AQMI từ năm 2008 đến 2013. Trong đó nước Pháp dẫn đầu khi chi 55 triệu euro.

Hãng thông tấn Mỹ AP vào năm 2011 có được một lá thư của Al-Qaeda. Theo đó, 2 cựu nhân viên ngoại giao Canada Robert Fowler và Louis Guay bị Al-Qaeda bắt cóc năm 2009 tại Niger đã được thả sau khi nộp 1,1 triệu USD tiền chuộc.

Cho tới nay, vẫn chưa rõ ai trả tiền chuộc. Fowler mãi sau này mới chia sẻ trong cuốn tự truyện "Season in the Hell" rằng, ông không tin Al-Qaeda thả mình vì "vẻ ngoài dễ mến" (một tên phiến quân nói với ông như thế). Một công điện của Bộ Ngoại giao Mỹ bị WikiLeaks tiết lộ năm 2011 cũng cho rằng, Fowler và Guay được thả nhờ có tiền chuộc dù chính phủ Canada luôn phủ nhận điều này.

CBS News hồi tháng 8-2015 đưa tin: một công ty Thụy Điển phải trả hơn 70.000 USD để cứu một nhân viên bị IS bắt cóc. Từ năm 2010, các tổ chức cực đoan ở Trung Đông gồm IS và các nhóm khác thu về khoảng 125 triệu USD nhờ các vụ bắt cóc. Những khoản tiền này đến chủ yếu từ các nước châu Âu, nơi chính quyền có chính sách linh hoạt hơn về việc đàm phán với khủng bố.

Tháng 11-2010, chiếc tàu mang tên Sambo Dream với sức chở hơn 2 triệu thùng dầu, có 5 thành viên thủy thủ đoàn là người Hàn Quốc và 19 người còn lại mang quốc tịch Philippines đang thực hiện hành trình chở số dầu trị giá 170 triệu USD từ Iraq tới Mỹ thì gặp hải tặc. Andrew Mwangura, điều phối viên Chương trình trợ giúp thủy thủ Đông Phi cho biết: "Lúc đầu, bọn cướp biển đòi 20 triệu USD, sau đó, theo tôi được biết, qua các cuộc thương lượng, chúng đồng ý giảm xuống còn 9,5 triệu USD". Trước đó, một chiếc tàu của Singapore với 19 thủy thủ bị hải tặc hồi tháng 6 tại Vịnh Aden cũng đã được thả khi bọn hải tặc nhận xấp xỉ 2,8 triệu USD.

Ông Gar Pardy - nguyên trưởng ban cố vấn Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Canada - từng tham gia giải cứu hơn 100 con tin bị bắt cóc đòi tiền chuộc trên toàn thế giới tiết lộ trên tờ "Ottawa Citizen": "Tôi không thể cung cấp thông tin chi tiết nhưng có thể khẳng định rằng, nếu ai đó bị bắt cóc mà được thả ra thì chắc chắn là nhờ có tiền chuộc. Bọn khủng bố không bao giờ thả con tin vì "trái tim nhân ái". Đó là chuyện không có thật. Còn chuyện lính đặc nhiệm xông pha vào hang ổ khủng bố giải cứu con tin chỉ có trong trí tưởng tượng của các nhà biên kịch Hollywood".

Con tin Warren Rodwell, 54 tuổi, bị ASG bắt cóc năm 2011 và 472 ngày sau mới được thả (ảnh cắt từ video clip của ASG).

Ở một khía cạnh khác, bà Aisha Ahmad - giáo sư Trường ĐH Toronto, chuyên nghiên cứu phương thức kiếm tiền của các nhóm thánh chiến - nhận định rằng, trả hay không trả tiền chuộc cũng đều bất lợi. Theo bà, nếu trả tiền chuộc, con tin được thả nhưng bọn khủng bố giống như hùm mọc cánh, khả năng gây hại của chúng càng lớn.

Trái lại, nếu từ chối trả tiền chuộc, người thân của con tin sẽ bị hành quyết công khai. "Sẽ là điên rồ nếu nghĩ rằng không trả tiền chuộc thì bọn khủng bố sẽ từ bỏ việc bắt cóc trong tương lai. Không thể dễ dàng như vậy. Mỗi lần con tin bị chặt đầu là mỗi lần uy tín và sức nặng lời đe dọa của chúng càng tăng lên. Điều này khiến bọn chúng kiên trì đòi tiền chuộc cho con tin tiếp theo" - bà Ahmad phân tích.

Quay trở lại câu chuyện của 2 phóng viên đài truyền hình RFI, món tiền chuộc khi đến tay bọn khủng bố đã bị ai đó xà xẻo trước đó từng xảy ra: Ông Warren Rodwell là một con tin người Úc của ASG từ năm 2011. Những kẻ bắt cóc lúc đầu đòi 1 triệu peso Philippines (21.327 USD), sau đó tăng lên 40 triệu peso (853.116 USD). Sau hơn 15 tháng thương lượng, có tin ASG đồng ý thả Rodwell với số tiền là 7 triệu peso. Chính quyền Philippines tiếp nhận ông Rodwell ngày 21-3-2013 nhưng 2 hôm sau, ông Rodwell mới được bàn giao cho chính quyền Úc. Chuyện gì xảy ra trong 2 ngày đó?

Trang tin Rappler của Philippines dẫn nguồn tin thông thạo cho biết sau khi phủ nhận vụ trả tiền chuộc, ông Al Rasheed Sakalahul, Phó tỉnh trưởng tỉnh Basilan nói, ông thấy chỉ có 4 triệu peso (khoảng 100.000 USD) được đếm trước mặt đại diện ASG và em vợ ông Rodwell, còn 3 triệu peso đi đâu thì không biết. Theo Rappler, có lẽ nó rơi vào tay cò trung gian và "ai đó" phía Philippines. Nhưng dù sao đi nữa thì Warren Rodwell vẫn "tốt số" hơn hai phóng viên Ghislaine Dupont và Claude Verlon!

Minh Luân - Quang Học (tổng hợp)
.
.