Hải tặc Somali bắt giữ tàu MV Faina của Ukraina

Thứ Năm, 09/10/2008, 14:15
Vụ hải tặc tại vùng biển Somali bắt giữ tàu MV Faina của Ukraina chở 33 xe tăng T-32 cùng một lượng lớn vũ khí và thủy thủ đoàn gồm 21 người hôm 25/9 đang là tâm điểm chú ý của dư luận thế giới bởi chưa bao giờ Nga và Mỹ lại có chung một hành động trong việc chống cướp biển - cùng phái tàu truy lùng hung thủ.

Đây là vụ cướp biển lớn nhất, liều lĩnh nhất và thách thức dư luận quốc tế lớn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.

Lý lẽ của kẻ cướp

Liên tiếp trong mấy ngày qua, bọn cướp biển luôn tìm mọi cách để thông báo với dư luận về cách thức chúng đã, đang và sẽ làm nếu bị tấn công nhằm thu hút sự quan tâm của dư luận. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, chúng rất thạo nghề và sẵn sàng “tử vì đạo”. Việc hải tặc phủ nhận thông tin về vụ thanh toán nhau xung quanh việc giải quyết tàu MV Faina cho thấy, chúng rất quan tâm tới việc giới truyền thông đã đưa tin.

Tuy đã giảm số tiền chuộc (từ 35 triệu USD xuống 20 triệu USD), nhưng hải tặc Somali quyết không nhân nhượng trong việc phóng thích tàu MV Faina vô điều kiện để đổi lấy mạng sống. Cách đây mấy hôm, bọn chúng thậm chí còn yêu cầu thương lượng với Chính phủ Kenya, đồng thời cảnh báo bất cứ hành động quân sự nào nhằm giải cứu con tin.

Theo giới truyền thông, các cuộc đàm phán (bằng điện thoại) giữa chủ tàu MV Faina với nhóm hải tặc đã bắt đầu từ hôm 1/10. Đây là thông tin của ông Andrew Mwangura, điều phối viên Chương trình Hỗ trợ thủy thủ Đông Phi. Vấn đề thương lượng chính ở đây là khoản tiền chuộc trị giá 20 triệu USD.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn 45 phút hôm 30-9, phát ngôn của nhóm hải tặc (kẻ tự xưng là Sugule Ali) tuyên bố, nguyên nhân giữ tàu MV Faina chỉ là nhằm ngăn chặn việc đánh bắt cá trái phép, xả rác và mang vũ khí qua lãnh hải của họ. Nhưng khoản tiền chuộc 20 triệu USD đã bóc trần những luận điệu mà Sugule Ali đưa ra trước đó.

Mặc dù nhận được thông báo từ Đại sứ Somali tại Nga Mohamed Handule, nhưng người phát ngôn Hải quân Nga Igor Dygalo vẫn khẳng định, sẽ không sử dụng vũ lực để giải cứu con tin trên tàu MV Faina. Phát ngôn viên Igor Dygalo cho biết, việc giải cứu sẽ được tiến hành theo thông lệ quốc tế. Theo Đại sứ Mohamed Handule, Tổng thống Somali đã cho phép Nga tấn công hải tặc trên khu vực lãnh hải và đất liền của quốc gia này.

Nhiều người cho rằng, Nga không muốn nổ súng bởi họ không muốn tàu MV Faina cùng 21 thủy thủ (17 người Ukraina, 3 người Nga và 1 người Latvia) cùng chung số phận với bọn cướp biển. Cho đến nay mới chỉ có Thuyền trưởng Vladimir Kolobkov, người Nga đã chết vì lên cơn đau tim.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Somali Mohamed Jama Ali cũng nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế được phép dùng vũ lực chống lại toán cướp biển. Chính quyền Somali muốn Hải quân Mỹ mở chiến dịch truy quét và bắt giữ nhóm hải tặc. Theo thư ký báo chí của Lầu Năm Góc, ông Geoff Morrell, Mỹ để ngỏ khả năng tấn công quân sự để giải cứu tàu MV Faina.

Không thể mềm lòng!

Theo giới truyền thông, ngoài việc phái tàu chiến Neutrashimy, Nga tiếp tục huy động tàu khu trục tới vùng biển Somali để truy tìm những kẻ bắt cóc. Hải quân Mỹ cũng phái tàu khu trục USS Howard và 2 tàu chiến khác tới vùng biển Somali nhằm ngăn chặn bọn cướp biển chuyển vũ khí trên tàu MV Faina lên bờ.

Mặc dù đã huy động cả tàu chiến và trực thăng, nhưng cho đến nay Mỹ cũng chỉ “siết chặt vòng vây” xung quanh tàu MV Faina. Có tin nói rằng, Mỹ muốn thương đàm với Nga trong việc giải quyết vụ hải tặc này bởi trên tàu MV Faina có công dân Nga, hơn nữa, Nga cũng đã cử tàu chiến tới khu vực biển Somali. Hiện người ta chưa xác định chính xác số hải tặc đang có mặt trên tàu MV Faina, nhưng mọi thông số khá thống nhất ở con số 50 tên.

Hiện có nhiều thông tin khác nhau xung quanh việc hải tặc đã chuyển được số vũ khí và đạn dược trên tàu MV Faina lên bờ, trừ xe tăng. Nhưng theo phát ngôn của nhóm hải tặc Sugule Ali, chúng đồng ý không dỡ số hàng trên tàu MV Faina để lấy khoản tiền chuộc trị giá 20 triệu USD. Đương nhiên, hải tặc yêu cầu chủ tàu MV Faina phải trả 20 triệu USD tiền mặt.

Giới truyền thông cho biết, hải tặc là những tên thiện chiến bởi chúng sinh ra từ các cuộc chiến tranh hoặc có thể là thành viên của những tổ chức vũ trang khác, thậm chí là cựu quân nhân, cảnh sát, lính đặc nhiệm...

Được biết, hải tặc thường hoạt động tại Vịnh Aden nằm giữa Yemen và miền Bắc Somali, nơi có khoảng 20.000 tàu qua lại mỗi năm và đây là một trong những tuyến đường biển chính của thế giới.

Chỉ huy lực lượng giải cứu tàu MV Faina của Mỹ, ông Rear Adm Kendall Card cho biết, họ luôn giám sát chặt chẽ mọi di biến động trên con tàu bị cướp và tiếp tục đàm phán với chúng. Nhiều người đã đề cập tới kinh nghiệm giải cứu 2 thủy thủ Pháp từng bị cướp biển Somali bắt giữ hồi giữa tháng 8. Tổng thống Nicolas Sarkozy đã quyết định cho đặc nhiệm Pháp tấn công giải cứu 2 con tin trước sự trở tay không kịp của hải tặc.

Mặc dù có những quan điểm khác nhau về sự hợp pháp của số vũ khí chở trên chiếc tàu MV Faina, nhưng mọi người đều thống nhất cho rằng, không thể tiếp tục tạo tiền lệ xấu cho hải tặc.

Theo lịch trình, tàu MV Faina sẽ cập cảng Mombasha của Kenya. Nhưng lại có tin nói rằng, số vũ khí này là nhằm cung cấp cho Sudan và nếu đây là sự thật thì điều này vi phạm lệnh cấm vận về vũ khí của Liên Hiệp Quốc năm 2005.

Chỉ riêng từ đầu năm 2008 đến nay, hải tặc Somali đã bắt giữ hơn 30 tàu các loại, chiếm khoảng 50% tổng số vụ cướp biển xảy ra trên thế giới, thu hàng chục triệu USD

Nguyễn Diệu Hương Ly (tổng hợp)
.
.