Hàng chục Website tại Hàn Quốc, Mỹ bị tin tặc đánh sập

Thứ Tư, 22/07/2009, 23:35
Ngày 9/7 vừa qua, Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) vừa đưa ra cảnh báo về khả năng xảy ra một đợt tấn công thứ ba vào các website ở nước này sau khi hàng chục website của một số cơ quan công quyền ở Hàn Quốc và Mỹ bị tin tặc làm tê liệt hôm 4/7 và 7/7.

Lời cảnh báo về đợt tấn công thứ ba

NIS đã tăng cường kiểm soát an ninh tại tất cả các hệ thống mạng, đồng thời cho rằng, trong đợt tấn công thứ ba, tin tặc có thể nhắm tới hệ thống hạ tầng như cơ sở năng lượng và viễn thông. Theo ước tính sơ bộ, vụ tấn công vừa qua đã gây thiệt hại tới 6.000 tỉ won/ngày (khoảng 5 tỉ USD).

Chính vì thế nên NIS đang hợp tác với Mỹ và một số quốc gia khác để truy tìm thủ phạm đã làm tê liệt 12 website của Hàn Quốc và 14 website của Mỹ vừa qua. NIS cũng cho rằng, website của họ cũng có thể là mục tiêu bị tấn công nên đã "rào dậu" cẩn thận. NIS nhận định, những vụ tấn công vừa qua được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và các tin tặc đều là người giỏi chuyên môn. Giới chuyên môn cho rằng, tin tặc đã thực hiện cuộc tấn công bằng mạng botnet với khoảng 50.000 máy tính.

Theo thống kê, cả website của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã bị đánh sập trong nhiều giờ. NIS cho biết, website của Văn phòng Tổng thống, Bộ Quốc phòng và Quốc hội cùng Ngân hàng Shinhan, cổng Internet hàng đầu Naver của Hàn Quốc đã bị đánh sập hoặc khó truy cập kể từ chiều 7/7.

Đến sáng 8/7, những website kể trên vẫn không thể truy cập hoặc không ổn định. Hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết về các thiệt hại (tài chính, rò rỉ thông tin...) sau vụ tấn công này. Có tin nói rằng, mạng máy tính của quân đội Hàn Quốc bị tấn công với tần suất lên tới 95.000 vụ/ngày, trong đó hơn 10.000 vụ tin tặc và hơn 81.000 vụ bị nhiễm virút.

Website của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cũng rơi vào tình trạng tương tự sau khi bị tin tặc tấn công. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ lại từ chối cung cấp chi tiết về vụ máy tính bị tấn công từ hôm 4/7, chỉ thừa nhận việc này đã xảy ra. Mặc dù đã được khắc phục, nhưng tới hôm 7/7, việc truy cập vào các website kể trên vẫn chưa trở lại bình thường.

Ngoài ra, website của Cục Mật vụ, Bộ An ninh nội địa, Nhà Trắng, Bộ Quốc phòng, Sở Giao dịch chứng khoán New York, Sàn chứng khoán Nasdaq... cũng bị tin tặc mò tới. Hiện Bộ An ninh nội địa đang tiến hành điều tra vụ việc. Trong một báo cáo (tháng 6), cơ quan chức năng của Mỹ thừa nhận, đã có hơn 16.000 vụ tấn công và đe dọa tấn công máy tính trong năm 2008, tăng gấp ba lần so với năm 2007.

Giới chuyên môn cho rằng, tấn công mạng là một phần của cuộc chiến không đối xứng và việc làm tê liệt hệ thống thông tin đối phương đã và đang là nhiệm vụ trọng tâm của bất cứ cơ quan đặc biệt nào.

Nhiều người thậm chí còn nhận định, tấn công mạng không chỉ nhằm mục đích đánh cắp thông tin, đánh sập website, mà còn để biểu dương sức mạnh trước đối phương. Điều này càng trở nên cấp thiết khi cả người dân, chính phủ và các cơ quan hữu trách đều cần lên mạng, do đó, việc sử dụng Internet làm vũ khí tấn công website là điều dễ xảy ra.

Chiến lược an ninh mạng

Theo tờ New York Times, trước chuyến công du tới Nga của Tổng thống Mỹ Barack Obama (từ 6 đến 8-7), Washington và Moskva vẫn không thể nhất trí về cách đối phó trước mối đe dọa ngày càng gia tăng về các cuộc tấn công mạng máy tính. Nhiều chuyên gia cho rằng, mạng máy tính đã và đang là chủ đề tranh luận sôi nổi và nó sẽ tiếp tục được thảo luận tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (tháng 11).

Sở dĩ có tình trạng này bởi đây là vấn đề nhạy cảm, động chạm tới nhiều lĩnh vực như quyền kiểm duyệt Internet. Theo giới truyền thông, nhiều quốc gia trong đó có Mỹ đang phát triển một loại vũ khí đặc biệt - "bom máy tính". "Bom máy tính" có thể làm tê liệt, thâm nhập vào những website được bảo vệ nghiêm mật nhất.

Cách đây không lâu (ngày 23/6), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã ký sắc lệnh thành lập Bộ Tư lệnh An ninh mạng (Bộ chỉ huy mạng) để giám sát và   bảo vệ mạng máy tính cũng như hoạt động trong lĩnh vực này của quân đội Mỹ kể từ tháng 10 tới.

Theo phát ngôn viên của Lầu Năm Góc Bryan Whitman cho biết, trụ sở Bộ Chỉ huy mạng có thể được đặt tại Fort Meade, Maryland và họ chỉ có trách nhiệm bảo vệ hệ thống máy tính của quân đội chứ không "bao sân" đối với mạng máy tính của chính phủ hay người dân Mỹ.

Theo thống kê, Lầu Năm Góc đang điều hành khoảng 15.000 mạng điện tử cùng 7 triệu máy tính và các trang thiết bị công nghệ thông tin khác. Tướng Keith Alexander từng báo cáo với Ủy ban Quân sự thuộc Hạ viện về việc cần thiết phải xây dựng một lực lượng chiến tranh ảo cho tương lai.

Giới chuyên môn và quân sự coi đây là sự thay đổi về chiến lược trong học thuyết chiến tranh của Mỹ - Washington ngày càng lo ngại về hiểm họa gián điệp mạng đến từ nhiều nước trên thế giới. Cách đây mấy tháng, Tổng thống Barack Obama từng tuyên bố, sẽ bổ nhiệm một chỉ huy trực thuộc Nhà Trắng để phối hợp trong việc phòng chống tội phạm mạng.

Theo giới thạo tin, trong năm 2008 Quốc hội Mỹ đã thông qua đề xuất "tác chiến mạng" kéo dài trong 5 năm với trị giá lên tới 17 tỉ USD. Việc này đã chấm dứt cuộc tranh cãi "Ai chịu trách nhiệm bảo vệ nước Mỹ trước các cuộc tấn công trên mạng".

Theo kế hoạch được duyệt, các chuyên gia có thể bí mật xâm nhập vào máy chủ đặt ở một nước nào đó để phá hủy trước khi nó được triển khai tới Mỹ. FBI từng nhận định, tấn công mạng là mối đe dọa lớn đối với nước Mỹ sau chiến tranh hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Không chỉ bây giờ mà cách đây nhiều năm giới chức Mỹ đã bày tỏ mối lo lắng đối với sự an toàn của mạng máy tính (cả dân sự và quân sự). Mạng máy tính của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc từng bị tin tặc tấn công nhiều lần và đến nay chưa có bất cứ thống kê nào đề cập tới những thiệt hại kể trên. Được biết, Mỹ từng chi hơn 100 triệu USD để sửa chữa những thiệt hại từ các cuộc tấn công ảo cũng như những vấn đề khác về mạng lưới

Nguyễn Diệu Hương Ly (tổng hợp)
.
.