Hàng lậu trên tàu hỏa: Có dễ kiểm tra?

Thứ Ba, 25/01/2011, 15:15
Mười ngày sau khi Công an Hà Nội bắt giữ 18 tấn hàng lậu chất đầy 4 toa xe trên chuyến tầu Đồng Đăng 4 hôm 6/1, chúng tôi có mặt tại ga Đồng Đăng. 13h, dưới sân ga, nhiều bọc hàng to nhỏ được vứt lăn lóc nhiều nơi, thậm chí được giấu dưới gầm những đoàn tàu hàng đang nằm ở ga.

Phía sau những lỗ hổng ở bờ tường, nơi ngăn cách nhà dân và sân ga, rất nhiều người chỉ chờ cơ hội các nhân viên bảo vệ nhà ga và Tổ công tác chống buôn lậu sao nhãng là nhao ngay ra phía các toa tàu Đồng Đăng để đẩy hàng.

Thời điểm này, mặc dù các lực lượng chức năng đang ra quân quyết liệt chống buôn lậu, hàng giả, nhưng đây cũng là "tháng củ mật" của dân buôn lậu nên cuộc chiến vẫn đang diễn ra khốc liệt…

Lạng Sơn sau "cơn chấn động Đồng Đăng 4"

Ở ga Đồng Đăng vừa bước lên toa ngồi cứng đã thấy dưới gầm ghế là những bao tải hàng. Trong khi đang loay hoay tìm chỗ thì một phụ nữ đã vồn vã mời: "Các em ơi, ngồi đây này". Vừa ngồi xuống, chị ta đã nhờ: "Ngồi sát vào bên trong che giúp chị dây hàng dưới chân với". Hóa ra đống bao hàng dưới ghế là của người phụ nữ này.

Ở hai toa bên cạnh, chỉ có hai hàng ghế chạy dọc toa, còn ở giữa để trống. Lúc này trong toa vẫn trống trơn, chỉ có một vài người cả phụ nữ và đàn ông đứng sẵn, dường như đang sốt ruột chờ đợi lúc tàu chạy...

Một thanh niên lừa lúc nhân viên Tổ công tác lơ là, xách luôn hai chiếc quạt sưởi nhảy lên toa, nhưng vừa nhảy lên thì bị nhân viên nhà tàu phát hiện. Nhưng vừa định nhảy xuống thì cửa toa đã bị chặn bởi một bóng người to béo. Hết đường chạy, anh này quay ra xin xỏ, nhưng không hiệu quả. Bất thần, anh ta ôm chặt lấy người anh nhân viên to béo, trong lúc đó một thanh niên khác lao vào cướp lại chiếc hộp quạt sưởi từ tay người nhân viên và phi qua cửa sổ xuống sân ga, bỏ lại sau lưng những tiếng quát tháo, chửi bới của anh nhân viên khi bất lực trước thủ đoạn của dân "cửu vạn".

13h30’, tàu chuyển bánh, lúc này mới là lúc dân buôn lậu hoạt động sôi động nhất. Tiếng gọi giục giã đẩy hàng vang khắp các toa. Từ phía cửa ga, nơi có những lỗ hổng trên bức tường ngăn cách giữa khu dân cư và sân ga, cửu vạn sầm sập lao về phía đoàn tàu đang chuyển bánh. Từ khắp các ngóc ngách ở sân ga, những bao hàng quần áo, giày dép được kéo ra đẩy lên tàu trong chốc lát. Hàng cứ thế được quăng lên tàu qua cửa sổ, cửa chính, người trên toa tiếp ứng hàng và sắp xếp ngay vào phía trong.

Khi đoàn tàu rời xa dần khỏi sân ga cũng là lúc việc chuyển hàng hoàn tất. Cả toa tàu 20 phút trước còn rộng thênh thang giờ đã có gần chục bao tải lớn được tuồn lên. Lúc này, chỉ còn lại trên tàu nhân viên ngành đường sắt, nhưng chức trách của họ chỉ là soát vé và đảm bảo an ninh trên tàu mà thôi.

Tàu vừa về đến ga Lạng Sơn cũng đã có một đội cửu vạn đứng dưới sân ga và quẳng hàng lên tàu. Toa ghế trống lại có thêm vài bao tải nữa, nhưng dường như việc làm gắt của lực lượng chức năng vừa qua khiến các chủ hàng không dám chuyển một lượng lớn cỡ vài trăm bao như thời điểm trước.

Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Long, Phó Trưởng ga Đồng Đăng cho biết, nhân viên nhà ga chỉ có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa trên tàu. Còn chức năng kiểm tra nguồn gốc, tính pháp lý của hàng hóa trước khi cho lên tàu, đã có Tổ công tác liên ngành (gồm có Công an, thuế, biên phòng, quản lý thị trường, nhà ga).

Còn Trung tá Trần Quốc Tiến, thành viên tổ công tác, ngao ngán lắc đầu: "Mình cũng đã cố gắng làm hết chức trách của mình, nhưng lực lượng thì mỏng, gần 20 người, trong khi người dân đông cả vài trăm, làm không xuể. Chưa kể nhà dân lại sát vách với nhà ga như thế, mình đuổi thì họ chạy vào nhà, khi đi thì họ lại ra. Cứ rình rập thế mãi cũng thành nhờn. Hồi trước dân còn tự tạo xe goòng chạy theo tàu, tới đoạn vắng mới chuyển hàng lậu lên".

Đây chỉ là một phần rất nhỏ trong số 18 tấn hàng lậu bị bắt giữ đêm 6/1.
Hàng lậu tập kết để đưa lên tàu.

Chống buôn lậu bằng đường sắt - một mình Công an làm không xuể

Trên địa bàn TP Hà Nội, có 6 tuyến đường sắt từ Hà Nội đi các tỉnh. Qua điều tra của Công an TP Hà Nội, tình hình buôn lậu qua đường sắt đang diễn biến phức tạp trên các tuyến: Lạng Sơn - Hà Nội, Lào Cai - Hà Nội và Hà Nội - TP HCM. Tương ứng với các tuyến đường sắt này, có 4 điểm tập trung tập kết hàng lậu gồm ga Yên Viên, ga Gia Lâm (tập kết hàng lậu vận chuyển từ Lạng Sơn, Lào Cai về), ga Hà Nội và ga Giáp Bát (tập kết hàng lậu vận chuyển vào các tỉnh miền Trung và miền Nam).

Thực tế thời gian gần đây cho thấy các đối tượng buôn lậu đang tận dụng triệt để đường sắt để vận chuyển hàng lậu. Hàng lậu chủ yếu được vận chuyển trên các chuyến tàu xuất phát từ ga Đồng Đăng, đến ga cuối Gia Lâm, Hà Nội. Mỗi ngày, trên tuyến này có 2 chuyến tàu ngày và tối, vừa chở khách xen lẫn chở hàng. Càng gần đến tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ trên thị trường lớn nên các đối tượng buôn lậu tăng cường hoạt động. Vì vậy, trước thời điểm Công an Hà Nội bắt giữ vụ buôn lậu trên tàu ĐĐ4, lượng hàng hóa chuyển từ Đồng Đăng về Hà Nội lên tới hàng chục tấn mỗi ngày, trong đó có nhiều hàng lậu.

Sở dĩ loại hình buôn lậu đường sắt có cơ hội phát triển là vì tính chất của loại hình vận tải đường sắt là không được dừng tàu để kiểm tra ngang đường; thậm chí nếu có bị bắt thì khi đưa về ga thì cũng dễ tẩu tán và cướp lại hàng.

Các lực lượng chống buôn lậu của Hà Nội, Bộ Công an đã thực hiện nhiều cuộc vây ráp, chặn giữ tàu tuyến Đồng Đăng - Hà Nội vận chuyển hàng lậu nhưng số lượng hàng hóa bắt giữ không nhiều bởi gặp phải sự chống đối quyết liệt, nguy hiểm của các đối tượng.

Ngay như vụ bắt tàu ĐĐ4 đêm 6/1 vừa rồi tại ga Gia Lâm cũng vậy, khi kiểm tra sơ bộ, lực lượng chống buôn lậu của Công an Hà Nội phát hiện trên tàu có 7 toa chất đầy hàng hóa, nghi là hàng lậu nên quyết định tạm giữ để điều tra xác minh, làm rõ. Nhưng khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra thì hàng trăm đối tượng là chủ hàng, bảo kê, cửu vạn đã tràn vào ga Gia Lâm, ngăn cản, chống đối việc kiểm tra, tạm giữ hàng hóa.

Công an Hà Nội đã phải điều cả trăm cảnh sát cơ động mới đưa được 4 toa về ga Hà Nội và chỉ riêng tại 4 toa này, số hàng thu được cũng lên tới 18 tấn với trị giá khoảng trên 12 tỉ đồng.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Trung tá Thành Kiên Trung - Đội trưởng Đội chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an Hà Nội, kể rằng trước khi triệt phá vụ này, dù các anh đã lên phương án rất chi tiết, bài bản nhưng vẫn vất vả mới đưa được 4 toa tàu về ga Hà Nội.

Theo Thượng tá Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Hà Nội, khoảng vài năm trở lại đây, lợi dụng phương tiện tàu hỏa có nhiều ưu thế hơn tuyến đường bộ như chở được lượng hàng lớn, khó dừng tàu kiểm tra nên các đối tượng buôn lậu chuyển hướng sang tuyến đường sắt để đưa hàng lậu từ biên giới phía bắc về Hà Nội và các tỉnh. Do vậy, tình hình buôn lậu trên tuyến đường sắt ngày càng trở nên phức tạp, và chống buôn lậu trên đường sắt cũng trở nên khó khăn hơn.

Nếu chặn sớm tại các ga trước khi về Hà Nội, các đối tượng sẽ huy động số đông người ở các địa phương đó để áp đảo, dùng mọi thủ đoạn đối phó như kéo phanh tàu trước khi về ga để tẩu tán hàng dọc đường, đưa phụ nữ, trẻ em ra "đối đầu", nằm trên đường ray để "ăn vạ", kéo dài thời gian cho "cửu vạn" cướp hàng.

Để công tác kiểm kê hàng lậu được đảm bảo, Công an Hà Nội phải huy động cả Cảnh sát cơ động ra bảo vệ.

Còn ông Nguyễn Công San - Đội trưởng Đội QLTT số 1 - Chi cục QLTT Hà Nội cho rằng: Buôn lậu bằng đường sắt là thủ đoạn không mới và chỉ là một trong nhiều con đường đi của hàng lậu, hàng trốn thuế, gian lận thương mại. Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm quý IV, đặc biệt là sát với tết Nguyên đán thì khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, kéo theo nguồn cung cũng lớn dần. Nhiều doanh nghiệp chọn con đường "cung" một cách hợp pháp bằng việc đẩy nhanh quá trình giao thương, tăng trường lưu thông hàng hóa, một bộ phận các doanh nghiệp, người buôn bán nhỏ lẻ lại tính đến chuyện làm giàu phi pháp. Hàng lậu thời điểm này thường là các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, rượu, bánh kẹo và thuốc lá.

Thủ đoạn thông dụng nhất là tập kết về các vùng ven Hà Nội, sau đó dùng xe tải nhỏ, xe ba gác hoặc xe ôm, cửu vạn xé lẻ để đưa vào thành phố. Một thủ đoạn nữa tưởng như dễ mà lại khó phát hiện đó là buôn lậu bằng đường sắt.

Chỉ tính riêng Đội QLTT số 1, trong tháng cuối năm đã xử lý nhiều vụ buôn lậu vận chuyển bằng đường sắt. Tại ga Yên Viên Đội QLTT số 1 phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Hà Nội cũng đã tiến hành kiểm tra và thu giữ 69 bao hàng với đủ loại: linh kiện điện tử, quần áo, giày dép... từ Lạng Sơn đổ về, trị giá hàng tỉ đồng. Tại ga Hà Nội, đội cũng thu một số lượng hàng có giá trị khoảng 900 triệu đồng đang chuẩn bị tập kết chuyển đi các tỉnh phía Nam.

Từ thực tế công tác chống buôn lậu thời gian qua, Thượng tá Lê Hồng Sơn cho rằng để đạt hiệu quả, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành đường sắt với Công an

Nguyễn Thiêm - Hoàng Thắng - Vũ Kiều
.
.