Hàng loạt chiêu lừa trong lĩnh vực chứng khoán

Thứ Tư, 16/04/2014, 14:30

Ngày 26/3 vừa qua, cơ quan CSĐT Công an TP HCM (PC46) đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án, chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân TP HCM đề nghị truy tố bị can Trần Quốc Trung (28 tuổi, ngụ TP Biên hòa, Đồng Nai), nguyên nhân viên môi giới công ty cổ phần chứng khoán Phú Hưng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 140 Bộ Luật hình sự. Liên quan đến việc lừa đảo trong lĩnh vực chứng khoán. trong thời gian qua cơ quan CSĐT cũng đã thụ lý nhiều vụ, với số tiền các đối tượng chiếm đoạt lên đến hàng tỉ đồng...

Chiêu lừa 3,6 tỉ đồng của nhân viên môi giới

Tiền thân của Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng là Công ty cổ phần Chứng khoán Âu Lạc được Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 15/11/2006, trụ sở chính tại P.7, Q.3. Ngày 10/11/2008, công ty chuyển về P.Tân Phú, Q.7 và đổi tên thành Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (gọi tắt Công ty PHS), còn trụ sở tại P.7, Q.3 được chuyển thành Chi nhánh Công ty Chứng khoán Phú Hưng.

Ngày 6/2/2009, Chi nhánh Công ty PHS tuyển Trần Quốc Trung làm nhân viên môi giới. Nhiệm vụ chính của Trung là tư vấn khách hàng mở tài khoản, quản lý chăm sóc tài khoản của khách hàng. Với nhiệm vụ này, Trung được Công ty PHS phân công quản lý 4 tài khoản cá nhân đứng tên gồm: tài khoản số 022C002920 đứng tên Trương Thị Thúy Hà; tài khoản số 022C030109 đứng tên Huỳnh Hữu Hội; tài khoản số 022C004924 đứng tên Võ Thị Phỉ và tài khoản số 022C003961 đứng tên Phạm Xuân Thành.

Ngoài ra, với mục đích đầu tư chứng khoán cho cá nhân, ngày 28/10/2008, Trần Quốc Trung cũng trực tiếp đứng tên ký hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán số 022C001799, đồng thời nhờ một số bạn bè đứng tên ký hợp đồng mở tài khoản, sau đó ủy quyền lại cho Trung toàn quyền giao dịch gồm: tài khoản số 022C006639 đứng tên Hoàng Thủy Ngọc và tài khoản 022C033868 đứng tên Nguyễn Thị Anh Phượng.

Lợi dụng nhiệm vụ được giao, Trung đã nhờ nhân viên giao dịch Lê Thị Như Thanh tiến hành thay đổi mật khẩu, địa chỉ thư điện tử và số điện thoại của 4 khách hàng mà Trung đang trực tiếp quản lý, chăm sóc là: Trương Thị Thúy Hà, Huỳnh Hữu Hội, Võ Thị Phỉ và Phạm Xuân Thành. Trung thực hiện việc này với mục đích là làm sao cho chủ tài khoản không thể đăng nhập và không nhận được thông tin giao dịch (vì thông thường sau khi lệnh mua, bán khớp lệnh thành công, công ty chứng khoán sẽ gửi tin nhắn thông báo về địa chỉ thư điện tử hoặc số điện thoại mà chủ tài khoản đã đăng ký).

Tiếp đó, Trung sử dụng user (quyền đăng nhập vào phần mềm giao dịch) do công ty cấp cho mỗi nhân viên môi giới để đăng nhập vào phần mềm giao dịch. Sau đó, Trung tiến hành lập và giả chữ ký của chủ tài khoản trên các phiếu lệnh bán chứng khoán, nhiều lần đặt lệnh bán cổ phiếu có trong tài khoản của các cá nhân. Sau khi bán được cổ phiếu trong tài khoản, Trung ký giả giấy xác nhận rút tiền, chuyển khoản nội bộ sang các tài khoản mà Trung được ủy quyền giao dịch và sau đó rút ra chiếm đoạt.

Với thủ đoạn như trên, Trung đã bán tổng cộng 90.700 cổ phiếu các loại trong tài khoản của bà Trương Thị Thúy Hà, chiếm đoạt hơn 1,5 tỉ đồng; bán 57.900 cổ phiếu trong tài khoản của bà Võ Thị Phỉ, chiếm đoạt gần 900 triệu đồng; bán 13.500 cổ phiếu trong tài khoản của ông Huỳnh Hữu Hội, chiếm đoạt 212 triệu đồng và bán 63.600 cổ phiếu trong tài khoản số của ông Phạm Xuân Thành, chiếm đoạt gần 950 triệu đồng.

Tại Cơ quan điều tra, bà Trương Thị Thúy Hà cho biết: Khoảng năm 2007, bà Hà ký hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại Công ty Âu Lạc, trên hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán. Bà Hà đăng ký 2 số ĐTDĐ và địa chỉ email để công ty liên hệ thông báo khi phát sinh các giao dịch mua bán, chuyển rút tiền liên quan đến tài khoản mà bà đăng ký đứng tên. Sau khi mở tài khoản, công ty chứng khoán đã phân công Trần Quốc Trung phụ trách tư vấn chăm sóc tài khoản của bà Hà.

Trong quá trình giao dịch, bà Hà không có ủy quyền, không cho bất kỳ ai mượn tài khoản để giao dịch mua bán cũng như chuyển, rút tiền trong tài khoản… Đến ngày 18/11/2011, khi kiểm tra tài khoản thì bà Hà mới tá hỏa khi phát hiện hàng chục ngàn cổ phiếu biến mất mà không rõ lý do.

Còn ông Huỳnh Hữu Hội thì được dì ruột là bà Võ Thị Phỉ nhờ đứng tên ký hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khóa tại Công ty PHS vào ngày 17/11/2009. Cũng như các khách hàng khác, trên hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán, ngoài thông tin cá nhân ông Hội còn đăng ký số ĐTDĐ và địa chỉ email để công ty liên hệ thông báo khi phát sinh các giao dịch mua bán. Do đứng tên giúp cho bà Phỉ, nên toàn bộ các giao dịch, rút tiền, chuyển khoản liên quan đến tài khoản do ông Hội đứng tên thì đều do bà Phỉ trực tiếp thực hiện. Chỉ khi nào bà Phỉ đồng ý thì ông Hội mới được quyền thực hiện các giao dịch chuyển rút tiền.

Ông Hội khẳng định, ngoài bà Phỉ ra, ông không ủy quyền và không cho bất kỳ ai mượn tài khoản để giao dịch. Các chữ ký trên các phiếu lệnh chứng khoán và trên các giấy xác nhận rút tiền đều không phải do ông ký.

Tương tự trường hợp bà Trương Thị Thúy Hà, ông Huỳnh Hữu Hội, hai nạn nhân còn lại là bà Võ Thị Phỉ và ông Phạm Xuân Thành cũng bị mất một số lượng lớn chứng khoán hết sức vô lý trong khi tài khoản của họ được hoàn toàn bảo mật...

Phan Thiên Hậu (trái) và Huỳnh Thái Học.

Làm việc với Cơ quan điều tra, Lê Thị Như Thanh  cho rằng: Thanh làm việc tại Chi nhánh PHS từ tháng 4/2010 đến tháng 3/2011. Nhiệm vụ chính của Thanh là lưu ký, đặt lệnh mua bán, thay đổi thông tin cho khách hàng… Liên quan hành vi sai phạm của Trần Quốc Trung, do Trung đề nghị Thanh thay đổi mật khẩu, địa chỉ thư điện tử và số điện thoại của các chủ tài khoản giao dịch chứng khoán do bà Phỉ, bà Hà, ông Hội và ông Thành đứng tên.

Mặc dù Thanh biết rõ Trung không được 4 chủ tài khoản trên ủy quyền, nhưng trong thời gian này Trung được công ty phân công chăm sóc các tài khoản trên và Trung nói với Thanh là do chủ tài khoản đề nghị thực hiện giúp nên Thanh tin tưởng thay đổi thông tin theo yêu cầu của Trung mà không kiểm tra lại.

Theo đánh giá của Cơ quan CSĐT, mặc dù không được các chủ tài khoản  giao dịch chứng khoán ủy quyền hay cho mượn tài khoản để giao dịch, nhưng  lợi dụng công việc được giao, bằng thủ đoạn tinh vi Trung đã sử dụng user để đăng nhập vào phần mềm giao dịch, lập và giả chữ ký của các chủ tài khoản trên các phiếu lệnh bán chứng khoán, chiếm đoạt của 4 khách hàng do Trung "chăm sóc" với tổng số tiền hơn 3,6 tỉ đồng.

Lộ diện hàng loạt chiêu lừa chứng khoán

Nếu như Trần Quốc Trung bằng thủ đoạn gian xảo để thay đổi thông tin của khách hàng, lừa bán một số lượng lớn cổ phiếu của khách hàng có trong tài khoản để chiếm đoạt tiền, đút túi riêng thì trong thời gian qua Cơ quan CSĐT - Công an TP HCM đã thụ lý nhiều vụ lừa đảo trong lĩnh vực chứng khoán với hàng loạt thủ đoạn hết sức tinh vi.

Điển hình như trường hợp Phan Thiên Hậu (ngụ P.21, Q.Bình Thạnh), nguyên Trưởng phòng Môi giới Công ty cổ phần Chứng khoán V.Đ (trụ sở tại Q. 3) đã thực hiện các chiêu thức bán khống chứng khoán số lượng lớn, thu lợi hàng tỉ đồng chỉ trong một thời gian ngắn.

Được biết, Phan Thiên Hậu ký hợp đồng lao động với Công ty cổ phần Chứng khoán V.Đ (viết tắt Công ty V.Đ) vào tháng 6/2009 với chức danh Trưởng phòng Môi giới. Nhưng do trong quá trình công tác, Hậu đã thực hiện một số hành vi vi phạm pháp luật nên đã bị Công ty V.Đ chấm dứt hợp đồng lao động vào đầu tháng 12/2009. 

Trong thời gian làm việc tại Công ty V.Đ, phần việc chính của Hậu là phụ trách việc lưu ký, cầm cố, đặt lệnh, ứng trước… trong hoạt động kinh doanh chứng khoán. Để thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, Công ty V.Đ đã sử dụng phần mềm BOSC và  Hậu được quyền truy cập, thực hiện các nghiệp vụ trên phần mềm này.

Tuy nhiên, nhằm chiếm đoạt tiền trái phép từ hoạt động chứng khoán, lợi dụng nhiệm vụ được giao, Hậu đã mượn tài khoản chứng khoán 087C000645 cùng tài khoản tiền mặt tại ngân hàng đứng tên Trần Văn Hiển và mượn 2 CMND của người thân mở tài khoản chứng khoán 087C000678 đứng tên Phan Thành Nhân và tài khoản chứng khoán 087C001178 đứng tên Nguyễn Thị Mỹ Phương cùng tài khoản tiền mặt tại ngân hàng. Phan Thiên Hậu đã được những người trên ủy quyền giao dịch và toàn quyền sử dụng các tài khoản này.

Sau khi nắm "công cụ" trong tay, Hậu tiến hành lưu ký khống 50.000 cổ phiếu ACB vào tài khoản 087C000645 và chỉ đạo nhân viên lưu ký, lưu ký khống 159.300 cổ phiếu EIB, PMC, DIG, SSI vào các tài khoản mà Hậu được ủy quyền. Sau đó Hậu bán để lấy tiền sử dụng cho cá nhân. Với hành vi này, Phan Thiên Hậu đã chiếm đoạt của Công ty V.Đ hơn 4,4 tỉ đồng.

Ngoài ra, Phan Thiên Hậu còn chỉ đạo nhân viên môi giới làm thủ tục, ký tên giả các nhà đầu tư trên các hợp đồng cầm cố chứng khoán, cầm cố 250.900 cổ phiếu các loại để vay tiền tại một ngân hàng thương mại và Công ty V.Đ. Toàn bộ số tiền vay được chuyển về các tài khoản tiền gửi thanh toán tương ứng mở tại ngân hàng đứng tên Phan Thiên Hậu và những tài khoản mà Hậu được ủy quyền. Mặc dù không có sự đồng ý của ngân hàng thương mại cho vay và Công ty V.Đ, nhưng Hậu vẫn chỉ đạo các nhân viên Phòng Môi giới tự ý giải tỏa trái phép chứng khoán cầm cố bằng công cụ trên phần mềm BOSC. Sau đó đặt lệnh bán toàn bộ chứng khoán đang cầm cố, chiếm đoạt hơn 2,5 tỉ đồng.

Cũng với thủ đoạn lừa hết sức tinh vi, chỉ trong 3 tháng, Công ty cổ phần Chứng khoán Đ.V. (viết tắt Công ty Đ.V.), trụ sở tại  Q.1 cũng bị chính nhân viên của mình lừa đảo, chiếm đoạt số tiền gần 7,5 tỉ đồng. Đối tượng trong vụ lừa đảo này là Huỳnh Thái Học (36 tuổi), Học vào làm việc tại Công ty Đ.V. từ tháng 1/2009. Với chức vụ là quyền Trưởng phòng Giao dịch, nhiệm vụ của Học là quản lý hoạt động giao dịch chứng khoán thông qua hệ thống phần mềm Smart Connect (phần mềm quản lý toàn bộ tài sản của khách hàng) và phần mềm Nova (phần mềm quản lý toàn bộ chứng khoán của khách hàng) cài đặt trên hệ thống máy tính của công ty.

Với việc quản lý đó, Học có thể can thiệp vào hệ thống bút toán thanh toán trong việc mua bán chứng khoán hằng ngày. Lợi dụng việc này, Học đã nhờ bà Cao Tuyết Ngọc và Huỳnh Thị Kim Ngân (cùng ngụ Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đứng tên mở 2 tài khoản giao dịch chứng khoán tại Công ty Đ.V., sau đó ủy quyền cho Học giao dịch. Ngoài ra, Học còn "mượn" tài khoản giao dịch chứng khoán của bà Tăng Bích Thy đứng tên để mua bán chứng khoán. Toàn bộ hoạt động trên các tài khoản này đều do Học quản lý và thực hiện giao dịch.

Từ tháng 9 đến tháng 11/2009, mặc dù tài khoản không có tiền, không có khả năng thanh toán nhưng Học đã sử dụng dịch vụ bảo lãnh tiền mua, ứng trước tiền mua, ứng trước tiền bán chứng khoán, nhập khống tiền vào tài khoản, chèn hoàn ứng giả trên các tài khoản trên để chiếm đoạt của công ty. Với hành vi phạm tội như trên, Huỳnh Thái Học vừa bị TAND TP HCM tuyên phạt 16 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Một chuyên gia doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán cho biết, tình trạng lừa đảo qua việc cầm cố, bán khống chứng khoán... xảy ra nhiều trong thời gian qua là do công tác kiểm soát, quản lý rủi ro còn nhiều kẽ hở. Tuy nhiên, chế tài xử lý các vi phạm này chưa thật nặng, chưa đủ sức răn đe. Mức xử phạt hiện nay chủ yếu vẫn là phạt hành chính, rút chứng chỉ hành nghề của nhân viên hoặc giấy phép của công ty chứng khoán vi phạm. Vì vậy, để ngăn chặn tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán thì cần xử lý nghiêm đối tượng vi phạm trước pháp luật

K.Ngân
.
.