Hành trình đến nhà tù của thủ lĩnh đảng phát xít ở Hy Lạp

Chủ Nhật, 11/07/2021, 14:17
Ngày 2-7, lực lượng chống khủng bố Hy Lạp đã bắt giữ Christos Pappas, phó thủ lĩnh đảng phát xít Bình Minh Vàng, tại thủ đô Athens. Tháng 10-2020, Christos Pappas bị tuyên án 13 năm tù vì hàng loạt tội danh liên quan đến khủng bố nhưng hắn đã bỏ trốn chỉ vài giờ trước khi cảnh sát áp giải vào tù.

Từ nhân viên bán hàng đến “phó tướng” đảng phát xít

Christos Pappas sinh năm 1962 và lớn lên ở thủ đô Athens. Hắn luôn tự hào rằng mình là hậu duệ của một gia đình sùng đạo và thường xuyên khoe khoang về người cha giữ chức đại tướng quân đội Elias Ch. Pappas, một trong những tay sai thân tín nhất của kẻ độc tài Hy Lạp Georgios Papadopoulos và dường như vị tướng này đã truyền lại tất cả những tư tưởng sai lệch của mình cho con trai.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Christos chọn nhập ngũ 26 tháng và được điều động đến đơn vị hải quân Hy Lạp. Từ khi còn là một thanh niên, Christos đã không bao giờ che giấu thái độ phân biệt chủng tộc cũng như bài xích dân nhập cư và thậm chí, hắn còn thành lập hẳn một tờ báo và một nhà xuất bản tên Illiforous ở ngay thủ đô Athens để truyền bá những tư tưởng thân phát xít của mình. 

Do không bán được sách báo, Christos chọn cách làm nhân viên bán hàng nuôi thân và sau nhiều năm chuyển từ chỗ làm này sang chỗ làm khác, hắn định cư tại vùng Ioannina, Hy Lạp để làm nhân viên môi giới cho cửa hàng đồ nội thất Coco-Mat vào năm 1997.

Christos Pappas tranh biện trước Nghị viện Hy Lạp khi còn trên đỉnh cao quyền lực.

Nhiều năm sau, hắn tìm được chỗ đứng trong đảng Bình Minh Vàng - một đảng phái chính trị được Nikolaos Michaloliakos thành lập vào năm 1980, sau khi Nikolaos xuất bản một cuốn tạp chí đầy rẫy những tuyên ngôn bạo lực và ủng hộ chế độ độc tài quân sự đẫm máu. 

Sau nhiều năm không tiếng tăm, Bình Minh Vàng nổi lên trong cuộc suy thoái kinh tế năm 2009 và vào năm 2012, đảng chiếm được số ghế nhiều thứ 3 trong quốc hội. 

Tuy nhiên, uy tín của đảng dần sụt giảm trầm trọng sau khi Bình Minh Vàng bị phát hiện đứng đằng sau hàng loạt vụ tấn công chết người nhằm vào người di cư, những nhà hoạt động chống phát xít và chúng đã mất tư cách tranh cử năm 2019. 

Hàng loạt lãnh đạo, trong đó có Christos, bị bắt giữ năm 2013 và bị xét xử trong một phiên toà được đánh giá là có quy mô ngang ngửa với phiên toà Nuremberg.

Tuy chỉ là phó tướng, nhưng sự bạo lực và cực đoan của Christos không hề thua kém thủ lĩnh Nikolaos. Hắn thường tự xưng là “học giả” của Bình Minh Vàng và rất hãnh diện khi được đặt biệt danh Hermann Goering - một trong những tên Đức Quốc xã tàn ác nhất.

Sau khi đảng Bình Minh Vàng giành được tới 21 ghế nghị viện, “Christos bắt đầu lạm dụng quyền đặc nhiệm chính trị và công khai chửi bới người hùng dân tộc Hy Lạp Manolis Glezos vì ông Glezos đã giật cờ phát xít Đức khỏi ngọn đồi Acropolis trong cuộc kháng chiến năm 1941. Sau đó, hắn tiếp tục nhục mạ Bộ trưởng Tài chính kiêm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras trong một cuộc tranh biện tại nghị viện.

Tuy nhiên, những bê bối của Christos cũng không gây phẫn nộ bằng những tư tưởng hắn liên tục truyền bá dưới cái danh Bình Minh Vàng. Trong một bài viết trên tờ tạp chí mang tên “Antepithesis” do đảng này tự xuất bản, Christos khẳng định cho dù Đức Quốc xã đã bị đánh bại, tư tưởng dã man của chúng sẽ tiếp tục làm lay động hàng triệu người trung thành và để minh họa cho bài viết này, hắn chọn một bức tranh vẽ biểu tượng Đức Quốc xã đẫm máu.

Cú ngã ngựa của Bình Minh Vàng

Người dân Hy Lạp chỉ nhận ra bộ mặt khủng bố của Bình Minh Vàng sau vụ sát hại rapper kiêm nhà hoạt động xã hội Pavlos Fyass.

Đêm 18-9-2013, sau khi đâm gục Pavlos, thủ phạm Giorgos Roupakias bình tĩnh quay vào xe hơi ngồi đợi cảnh sát. Lúc một cảnh sát yêu cầu hắn bước ra khỏi xe, hắn điềm nhiên nhận là “đồng đội” của viên sĩ quan và khi sĩ quan này hỏi “Anh cũng là cảnh sát à?”, hắn khai nhận mình là thành viên Bình Minh Vàng. 

Trước phiên tòa, Roupakias khẳng định rằng mình hạ sát anh Pavlos là vì lý do tự vệ do bị anh này tấn công trong một trận ẩu đả ngẫu nhiên trên phố. Tuy nhiên, những lời khai của hàng loạt nhân chứng đã cho thấy đây là một vụ giết người có chủ đích.

Khi 3 thành viên đảng Bình Minh Vàng đang xem bóng đá trong một quán ăn ở vùng Keratsini, chúng tình cờ bắt gặp anh Pavlos - lúc này đang là một nghệ sĩ và nhà hoạt động xã hội chống phân biệt chủng tộc cũng như chủ nghĩa phát xít rất nổi tiếng trong giới trẻ Hy Lạp. 

Theo như dữ liệu trích xuất từ camera an ninh và từ điện thoại của cả 3, chúng bắt đầu gọi điện cho một số thành viên khác cấp cao của đảng Bình Minh Vàng, trong đó có một kẻ tên Giorgos Patelis.

Christos Pappas bị áp giải đến tòa án năm 2015.

Khoảng 23h30 đêm hôm đó, Giorgos Patelis bắt đầu gửi tin nhắn đồng loạt đến hơn 10 tên đồng đảng, yêu cầu chúng có mặt ngay lập tức và Giorgos Roupakias nhanh chóng có mặt cùng một loạt những tên du côn. 

Tay chân của Roupakias hăm dọa nhóm bạn của Pavlos. Trong khi bạn bè đã bỏ chạy, Pavlos quay lại đối mặt với nhóm hung thủ và bị khoảng 6-7 người vây đánh. Lúc này, Roupakias mới rời khỏi xe, đến gần Pavlos và đâm gục anh. Theo bác sĩ khám nghiệm tử thi, cách gây án và vết thương trên thi thể nạn nhân cho thấy đây là một vụ mưu sát tinh vi.

Cuộc điều tra vụ án giết người dần trở thành cuộc điều tra đảng Bình Minh Vàng và đến năm 2014, Bình Minh Vàng đã lộ bộ mặt thật là một tổ chức khủng bố và phải đối mặt với 32 cáo buộc từ tham nhũng, trốn thuế đến hành hung, mưu sát người nhập cư, người da màu, người đồng tính. Hàng loạt lãnh đạo bị bắt giữ, còn Christos lại chủ động đầu thú ngày hôm sau do tự tin rằng mình không có gì để che giấu và sợ hãi. 

Tháng 10- 2014, tại phiên tòa xét xử các thành viên đảng Bình Minh Vàng, Christos cùng hơn 50 đồng phạm bị tống giam 18 tháng để chuẩn bị cho phiên toà năm 2015. Sau khi ra tù để hầu toà, Christos bị cấm rời khỏi Hy Lạp cũng như phải giao nộp lại hộ chiếu cho cơ quan chức năng.

Ngày 7-10-2020, phiên tòa kéo dài tới sau 5 năm đã kết thúc, 68 bị cáo, bao gồm Christos đều phải lãnh án tù do cầm đầu nhóm khủng bố dưới vỏ bọc đảng phái chính trị, sở hữu vũ khí trái pháp luật, hành hung người nhập cư và đỉnh điểm là sát hại anh Pavlos Fyass. 

Với tư cách là kẻ cầm đầu hầu hết những phi vụ phi pháp của Bình Minh Vàng, Christos phải nhận mức án lên đến 13 năm tù.

Cuộc chạy trốn của tên phát xít

Ngày 23 tháng 10 năm 2020, Christos vứt lại điện thoại và thiết bị theo dõi ở nhà và bỏ trốn chỉ vài giờ trước khi cảnh sát chuẩn bị áp giải hắn vào tù. Luật sư của hắn tuyên bố tên phát xít sẽ nhất quyết không đầu thú và hắn bỏ trốn vì tin rằng bản án của mình sẽ được xoá bỏ. Lực lượng chống khủng bố của Hy Lạp lập tức vào cuộc truy tìm Christos ở thị trấn Ioannina, Bỉ, Pháp, Áo… nhưng thất bại.

Nhiều cơ quan tình báo đã vào cuộc và đến tháng 1-2021, một số sĩ quan chống khủng bố khu vực Bờ Biển Ngà tin rằng Christos đang được một tà giáo ở Serbia che giấu và hiện đang lẩn trốn ở một nhà nguyện ở quốc gia này. 

Một số khác thì khẳng định Christos đang ẩn náu ở một nhà nguyện Esphigmenou ở Hy Lạp - nơi tụ tập của những tu sĩ bảo thủ từ những năm 1970. Nhiều năm trôi qua, nhà nguyện tọa lạc trên ngọn núi Athos hiểm trở dần được cải tạo thành một pháo đài vô cùng khó xâm nhập, bất chấp những nỗ lực của chính phủ Hy Lạp. 

Tu sĩ Vartholomaios, người được chính phủ Hy Lạp giao cho nhiệm vụ quản lý nhà nguyện Esphigmenou, cũng tin rằng những tín đồ trên đảo đang che giấu Christos.  Tuy nhiên chính bản thân ông cũng không thể yêu cầu các tu sĩ của mình lục soát nơi này.

Lực lượng chống khủng bố Hy Lạp mai phục Christos tại nơi Christos Pappas lẩn trốn ngày 1-7-2021.

Tháng 2-2021, lực lượng chống khủng bố Hy Lạp đã khám xét nhà nguyện và hòn đảo, nhưng họ không hề tìm thấy bất cứ dấu vết nào của Christos. 

Một sĩ quan cảnh sát tin rằng, nếu Christos không trốn tại đảo Athos, có lẽ đây chỉ là một “trạm trung chuyển” trên hành trình trốn đến Serbia hoặc Kosovo. 

Cảnh sát Hy Lạp đã phát lệnh truy nã quốc tế Christos. Một số cơ quan tình báo cũng đồng tình và cho biết, Christos đang được Vojislav Seseji, một tội phạm chiến tranh có mối quan hệ thân thiết với Christos và cả một số tu sĩ Hy Lạp, giúp đỡ.

Seseji từng phải ngồi tù 10 năm ở Thuỵ Sĩ, đã đến Thessaloniki, Hy Lạp năm 2017 để tham gia một cuộc họp báo của Bình Minh Vàng. Một số thông tin tình báo cho biết, nhiều nhân chứng từng nhìn thấy Christos cải trang thành một tu sĩ, lọt qua cửa khẩu Macedonia và chạy trốn. 

Phóng viên Parras, người từng theo dấu Bình Minh Vàng suốt nhiều năm liền, nhận định thông tin này khớp với việc Christos bắt đầu để râu sau khi bị bắt và vào thời điểm bị tuyên án, trông hắn giống hệt một tu sĩ.

Đầu tháng 6-2021, một người dân giấu tên đã gọi điện cho cảnh sát Hy Lạp để báo tin rằng họ nhìn thấy một người đàn ông rất giống Christos đang sống trong một căn hộ ở ngay trung tâm Athens, Hy Lạp. 

Chủ của căn hộ này là một người phụ nữ người Ukraina tên Irina Krusenitska, không hề có quan hệ với Christos, đảng Bình Minh Vàng và các tổ chức phát xít quốc tế…và chính vì vậy nên an ninh Hy Lạp lúc đầu đã cho rằng đây chỉ là một trò đùa. Quá trình điều tra sau đó cho thấy thông tin này là có cơ sở và lực lượng chống khủng bố Hy Lạp quyết định bí mật giám sát căn hộ này. 

Đến đầu tháng 7, cơ quan chức năng nhận thấy lịch sử truy cập Internet cùng nội dung một số cuộc gọi từ căn hộ rất đáng ngờ. 21h30 ngày 1-7, các sĩ quan chống khủng bố đã ập vào bắt giữ Christos - đã cạo râu và tăng khá nhiều cân để nguỵ trang. 

Christos đầu hàng và thậm chí còn phân bua rằng cảnh sát không cần bắt hắn ta vì đằng nào tuần sau hắn cũng định đầu thú. Người phụ nữ 52 tuổi che giấu Christos là tình nhân của hắn ta và bà vừa phải nhận án tù 30 tháng cho hành vi bao che tội phạm.

Ngay sau khi Christos sa lưới, luật sư của hắn là Periklis Stavrianakis tuyên bố: “Thân chủ của tôi đã bị cảnh sát bắt giữ và ông Christos chưa hề thông báo với tôi về ý định đầu thú. Ngoài ra, tôi có biết đến căn hộ này từ trước khi ông Christos bị bắt giữ, tuy nhiên ông Christos nói rằng đây chỉ là nơi ở của một người quen, không liên quan đến Bình Minh Vàng. Hiện tại, sức khoẻ ông Christos rất yếu và ông sẽ sớm phải thi hành mức án 13 năm tù ở nhà tù Domokou”.

Huyền Thi
.
.