Hệ thống nhà tù ngầm bí mật của CIA ở Somalia

Thứ Năm, 04/08/2011, 20:15

Là một phần trong chương trình chống khủng bố mở rộng của CIA, tình báo Mỹ cũng sử dụng một nhà tù bí mật nằm dưới tầng hầm của tổng hành dinh Cơ quan An ninh quốc gia Somalia (hay gọi tắt là NSA của Somalia để phân biệt với NSA của Mỹ).

Nằm khuất trong góc tối của Sân bay quốc tế Aden Adde thủ đô Mogadiashu của quốc gia đông bắc châu Phi Somalia là khu vực được rào thép gai vây kín mít thuộc sở hữu của CIA. Nằm bên bờ biển Ấn Độ Dương, khu nhà trông như một cộng đồng dân cư kín cổng cao tường, với hơn chục tòa nhà có tháp canh bảo vệ ở mỗi góc khu nhà. Cạnh bên khu vực là 8 hangar (nhà chứa máy bay) và số lượng máy bay trong đó cũng thuộc sở hữu của CIA.

Theo các quan chức của sân bay và tình báo Somalia, địa điểm được hoàn thành cách đây khoảng 4 tháng, được binh sĩ nước này canh gác cẩn mật nhưng lại nằm dưới sự kiểm soát của người Mỹ. Tại khu nhà, CIA chỉ huy chương trình huấn luyện chống khủng bố cho nhân viên tình báo và điệp viên mật Somalia phục vụ những chiến dịch tiêu diệt thành viên của Al-Shabab, nhóm chiến binh Hồi giáo liên kết chặt chẽ với Al-Qaeda.

Là một phần trong chương trình chống khủng bố mở rộng của CIA, tình báo Mỹ cũng sử dụng một nhà tù bí mật nằm dưới tầng hầm của tổng hành dinh Cơ quan An ninh quốc gia Somalia (hay gọi tắt là NSA của Somalia để phân biệt với NSA của Mỹ). Nhà tù giam giữ thành viên nhóm Shabab hay những nghi can liên quan đến chúng, trong đó một số tù nhân bị bắt trên đường phố Kenya rồi sau đó bị dẫn độ bằng máy bay bí mật đến Mogadishu.

Nhà tù ngầm tuy do NSA Somalia chính thức quản lý, song CIA chịu trách nhiệm trả lương cho nhân viên tình báo đồng thời trực tiếp thẩm vấn tù nhân. Nhân viên tình báo Somalia nhận lương tháng mỗi người 200USD từ Mỹ. Thông tin về nhà tù ngầm bí mật được cung cấp bởi quan chức tình báo Somalia, thành viên cao cấp của Chính quyền liên bang quá độ Somalia (TFG), và một số quan chức Mỹ. Họ tiết lộ rằng các nhân viên CIA miễn cưỡng tiếp xúc làm việc với giới lãnh đạo chính trị Somalia, những người mà họ đánh giá là tham nhũng và không đáng tin cậy.

Theo mô tả của các cựu tù nhân, nhà tù ngầm bí mật gồm một hành lang dài chạy dọc theo những xà lim nhỏ bẩn thỉu, không có cửa sổ, không khí ẩm thấp và hôi hám. Tù nhân không được phép ra ngoài trời. Một số bị cầm tù 1 năm hoặc nhiều hơn. Tù nhân bị giam trong nhà tù luôn chịu sự tra khảo của nhân viên tình báo Mỹ và Pháp, bởi vì chính sách của Somalia là cho phép người nước ngoài, bao gồm CIA, thẩm vấn tù nhân. Ở đây, người Pháp làm việc chung với lực lượng Liên minh châu Phi AMISOM.

Ahmed Abdullahi Hassan, công dân Kenya 26 tuổi, người được coi là mất tích trong khu ổ chuột Eastleigh ở thành phố Nairobi miền  Nam Kenya khoảng tháng 7/2009. Sau khi Hassan biến mất, gia đình đã thuê luật sư nhân quyền Mbugua Mureithi để đấu tranh đòi công lý. Chính quyền Kenya tuyên bố Hassan không do họ bắt giữ và cũng không biết người này đang ở đâu.

Số phận của Hassan chìm trong bí ẩn cho đến đầu năm nay, khi một tù nhân bị giam trong nhà tù ngầm ở Mogadishu liên lạc với Clara Gutteridge - nhà điều tra nhân quyền làm việc cho tổ chức Anh Reprieve - và tiết lộ với bà rằng Hassan bị giam ở đây.

Theo lời kể của tù nhân này, Hassan bị Cảnh sát Kenya bắt  giam kín ở Nairobi trước khi bị dẫn độ đến Mogadishu vào ngay đêm hôm sau. Sau khi nhận được thông tin quý giá này, Gutteridge bắt đầu làm việc với luật sư người Kenya của Hassan để xác định nơi Hassan bị giam. Tuy nhiên bà Gutteridge chưa đưa vụ việc ra tòa án. Về phía mình, quan chức Mỹ phủ nhận việc CIA dẫn độ Hassan mà nói tình báo Mỹ chỉ cung cấp thông tin giúp bắt giữ Hassan - một phần tử khủng bố nguy hiểm  trên đường phố.

Tổ chức quốc tế giám sát nhân quyền HRW và Reprieve có bằng chứng cho thấy lực lượng an ninh và tình báo Kenya đã tạo điều kiện giúp Mỹ cũng như các chính quyền khác thực hiện rất nhiều cuộc dẫn độ, bao gồm 85 người bị chuyển đến Somalia chỉ riêng trong năm 2007.

Khu vực sân bay quốc tế Aden Adde ở Mogadishu nhìn từ trên không.

Giám đốc nhà tù ở Mogadishu tiết lộ cho Gutteridge câu chuyện Hassan là mục tiêu của tình báo Kenya bởi vì họ cho rằng anh ta là "cánh tay phải" của Saleh Ali Nabhan, lúc đó là thủ lĩnh của Al-Qaeda ở Đông Phi.

Nabhan, công dân Kenya gốc Yemen, nằm trong số những nghi can hàng đầu bị chính quyền Mỹ truy nã do liên quan đến cuộc tấn công một khách sạn và một chiếc máy bay của IsraelMombasa, Kenya, năm 2009. Hassan cũng bị nghi ngờ có vai trò trong vụ đánh bom tòa đại sứ Mỹ ở KenyaTanzania năm 1998.

Một báo cáo tình báo bị rò rỉ từ Cục Cảnh sát chống khủng bố Kenya trong tháng 10/2010 cho biết, Hassan là "cựu trợ tá cho Nabhan… bị thương trong trận đánh gần dinh tổng thống ở Mogadishu năm 2009". Tuy nhiên, tính xác thực của báo cáo chưa được chứng minh một cách độc lập, mặc dù thực tế Hassan có một chân bị cưa cụt dưới đầu gối như mô tả của một cựu tù nhân ở Mogadishu.

Hai tháng sau khi Hassan được cho là bị dẫn độ đến nhà tù ngầm bí mật ở Mogadishu, Nabhan bị giết chết trong chiến dịch tiêu diệt khủng bố có tên "Cán cân thiên đường" diễn ra ngày 14/1/2009 trên không phận Somalia trong khi luật sư của Hassan đang chuẩn bị hồ sơ đưa vụ việc của anh ra tòa án Mỹ thì bà Gutteridge bị trục xuất khỏi Kenya.

Nhà tù ngầm bí mật, nơi đang giam giữ Hassan, nằm trong cùng một tòa nhà một thời thuộc sở hữu của Cơ quan An ninh quốc gia NSS nổi tiếng của Somalia trong suốt chế độ quân sự của Siad Barre (cai quản Somalia từ năm 1969 đến 1991).

Trong cuộc phỏng vấn của báo chí ở Mogadishu, một quan chức chính phủ xác nhận nhân viên tình báo Mỹ "đang hợp tác với tình báo của chúng tôi" và "huấn luyện cho họ". Còn về nỗ lực chống khủng bố của Mỹ, quan chức này nói thẳng "Chúng tôi cần nhiều hơn, nếu không bọn khủng bố sẽ chiếm cả đất nước".

Một số quan chức Somalia cũng cho biết, ngoài sự hiện diện của CIA ở Mogadishu trong chương trình chống khủng bố còn có thêm nhân viên tình báo quân sự Mỹ. Khi được hỏi số nhân viên này là người của Bộ Tham mưu chiến dịch đặc biệt Mỹ (JSOC) hay của Cục Tình báo quân sự Mỹ (DIA), quan chức tình báo Somalia trả lời: "Chúng tôi không biết. Họ không nói với chúng tôi".

Một dự luật chi tiêu quân sự được Ủy ban về quân sự của Thượng nghị viện Mỹ thông qua vào cuối tháng 6 năm nay cho phép viện trợ hơn 75 triệu USD trợ giúp chương trình chống khủng bố của Mỹ nhằm vào mục tiêu là 2 nhóm Shabab và Al-Qaeda ở Somalia. Tuy nhiên, dự luật không cho phép cung cấp thêm tiền bạc cho quân đội Somalia. Mà thay vào đó, gói hỗ trợ tài chính dùng cho việc vũ trang cho quân đội Mỹ và tài trợ cho lực lượng của AMISOM, nhất là ở Uganda, Burundi, Djibouti, Kenya và Ethiopia.

Trong tháng 4 vừa qua, một người Somalia tên Ahmed Abdulkadir Warsame bị Mỹ cho là có liên quan đến nhóm khủng bố Shabab đã bị binh sĩ JSOC bắt tại Vịnh Aden. Hắn bị biệt giam trên một chiếc tàu Mỹ trong hơn 2 tháng và trong tháng 7 này, hắn được chuyển đến New York để xét xử tội khủng bố. Vụ án Warsame đã làm bùng lên cuộc tranh cãi pháp lý về chính sách bắt giam và dẫn độ nghi can khủng bố của chính quyền Barack Obama, nhất là các chiến dịch chống khủng bố mở rộng ở SomaliaYemen

Trần Phong (tổng hợp)
.
.