Hiểm họa chết người

Thứ Bảy, 14/08/2010, 06:20
Gabriel Garcia Marquez, văn sĩ Colombia nổi tiếng, người từng đoạt giải Nobel Văn học năm 1982, tác giả của cuốn tiểu thuyết bất hủ "Trăm năm cô đơn", hiện là Tổng biên tập kiêm chủ bút tờ nhật báo Cambio đầy uy tín ở thủ đô Bogota. Ông vừa có bài viết nhân Ngày Quốc tế chống vũ khí nguyên tử (6/8), xin trích dịch để bạn đọc tham khảo.

Vào thời điểm của ngày hôm nay, trên thế giới có cả thảy hơn 50 ngàn đầu đạn hạt nhân. Hiểm họa nguyên tử đang lởn vởn trên đầu nhân loại, dư sức tiêu diệt 4 lần nhiều hơn tất cả các hành tinh quay quanh hệ mặt trời, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối cân bằng trong Thiên hà. Không một ngành khoa học nào, không một nền kỹ nghệ nào phát triển đến "chóng mặt" như công nghiệp hạt nhân cả, cho dù nó mới chỉ xuất hiện cách đây có hơn nửa thế kỷ mà thôi. Không một sáng chế "kỳ tài" nào lại ảnh hưởng sâu sắc tới số phận của nhân loại đến thế.

Điều an ủi duy nhất trong tiềm thức mọi người, là việc bảo tồn cuộc sống trên trái đất "rẻ" hơn gấp nhiều lần so với "đại dịch" hạch tâm.

Cách đây 3 thập niên, vào năm 1981, Quỹ Nhi đồng Liện Hiệp Quốc (UNICEF) đã soạn thảo chương trình trợ giúp 500 triệu trẻ em nghèo khó nhất trên thế giới. Bao gồm mức y tế tối thiểu, nền giáo dục sơ khởi, cải thiện điều kiện vệ sinh, cung cấp thực phẩm và nước uống sạch. Toàn bộ chương trình lên tới cái giá khổng lồ là 100 tỉ USD. Nhưng thực ra số tiền ấy chỉ ngang bằng với kinh phí sản xuất 100 chiếc phi cơ ném bom chiến lược dạng B-1B, thậm chí còn ít hơn so với 7.000 đơn vị tên lửa có cánh nữa.

Một ví dụ khác về việc bảo vệ sức khỏe nhân loại: Với 10 chiếc tàu sân bay chạy năng lượng hạch tâm dạng Nimitz (trong tổng số 15 chiếc người Mỹ cần hạ thủy), đủ sức phòng ngừa bệnh sốt rét trong 14 năm cho hơn một tỉ người dân trên quả đất, cũng như bảo toàn sinh mạng cho hơn 140 triệu con trẻ châu Phi luôn bị chứng bệnh nguy hiểm ấy đe dọa.

Còn đây là ví dụ so sánh trong lĩnh vực lương thực thực phẩm: Theo thống kê của Tổ chức Nông lương quốc tế (FAO), vào năm 2009, trên toàn thế giới có chừng 600 triệu người bị nạn đói đe dọa. Những nguồn calorine tối thiểu mà họ cần được cung cấp có trị giá ít hơn con số 149 đơn vị tên lửa dạng MX... Chỉ 27 chiếc MX xuyên lục địa thôi, cũng đủ số tiền trợ giúp cho nền nông nghiệp của các quốc gia thuộc thế giới thứ ba (gần 100 nước) trong vòng 4 năm.

Ví dụ đặc trưng cho nền giáo dục: chỉ cần 2 cỗ tàu ngầm hạt nhân thôi cũng đủ xóa sạch nạn mù chữ  cho cả thế giới rồi.

Một điều cần lưu ý thêm: nền công nghiệp quân sự đã giữ "làm tù binh" phần chất xám lớn nhất của nhân loại. Thay vì tham gia vào việc phát triển nền văn minh, người ta lại ưu tiên lực lượng tinh túy này cho việc chế ra các vũ khí hủy diệt thế giới.

Nhưng người ta không chỉ chống lại loài người, mà cả thiên nhiên nữa. Từ buổi sơ khai, khi trên mặt đất xuất hiện sinh vật sống đầu tiên, phải mất 380 triệu năm sau loài bướm mới biết bay, thêm 180 triệu năm nữa để hoa hồng dại biến thành loài hoa đẹp nhất. Phải trôi qua 4 kỷ nguyên địa chất, để con người biết hát hay hơn chim hót và biết hy sinh vì tình yêu. Nhưng cái "kỷ nguyên vàng son" của nền khoa học tân kỳ ngày nay lại chế ra một điều trái khoáy: Chỉ cần một nút nhấn hạch tâm là mọi sự lại trở về buổi bình minh hoang sơ - khi mà sự sống chưa phôi thai.

Điều phải làm bây giờ là mọi người có lương tri cùng hợp lực lại, ngăn cản những thế lực hiếu chiến muốn "làm cỏ" nhân loại. Đây là một hiểm họa chết người rất đáng báo động - cho cả thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau!

Kim Dung (tổng hợp)
.
.