Hiểm họa tử các “thánh chiến quân” đến từ Mỹ

Thứ Ba, 12/01/2010, 15:20
Sau vụ khủng bố 11/9/2001, nước Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, tăng cường an ninh trong nội địa, siết chặt kiểm soát xuất nhập cảnh và cả sinh hoạt thường ngày của ngay chính người dân Mỹ.

Thế nhưng, 8 năm sau, nước Mỹ không những không an toàn hơn, mà còn đang dần trở thành nơi "xuất khẩu" lực lượng khủng bố Hồi giáo cực đoan! Hàng loạt vụ việc gần đây cho thấy lực lượng “thánh chiến” Mỹ cũng nguy hiểm không kém Taliban hay Al-Qaeda.

Vai trò của "thánh chiến quân Chicago" trong vụ khủng bố Mumbai 2008

David Headley, 49 tuổi, có tên gốc là Daood Gilani, mang 2 dòng máu Mỹ và Pakistan (cha là người Pakistan, mẹ người Mỹ) sinh tại Washington DC, lớn lên và cư trú tại thành phố Chicago, nổi tiếng là "kinh đô tội phạm".

Headley bị nhà chức trách cáo buộc tội giúp đỡ bọn khủng bố vụ đánh bom hàng loạt tại thành phố Mumbai của Ấn Độ vào tháng 11/2008 làm chết 160 người. Các nhà điều tra đang tiếp tục khai thác Headley để khám phá nhiều điều chưa biết về mạng lưới thánh chiến toàn cầu mà y tham gia.

Theo các nhà điều tra FBI, Gilani bắt đầu có mối liên hệ với tổ chức Hồi giáo cực đoan Lashkar-e-Taiba (LeT) cách nay 4 năm. Cuối năm 2005, Gilani nhận được lệnh gọi phải đến Ấn Độ để thực hiện việc điều nghiên thực địa chuẩn bị cho một âm mưu khủng bố. Vì thế, tháng 2/2006, y đổi tên thành David Headley để dễ dàng qua mắt Cơ quan An ninh Ấn Độ.

Các chuyến đi Ấn Độ của Headley bắt đầu từ tháng 9/2006. Lấy cớ làm việc cho một tổ chức về di dân, Headley đã nhiều lần lai vãng các địa điểm trọng yếu ở Mumbai như các khách sạn Oberoi và Taj, các tụ điểm công cộng như Leopold Café, Nariman House và Chhatrapati Shivaji Terminus - ga xe lửa chính của Mumbai. Thời gian này, các quân cờ khác trong nhóm khủng bố vẫn chưa được tuyển mộ.

Tháng 3/2008, sau khi tham gia một khóa huấn luyện của LeT ở vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát, Headley và các đồng sự bắt đầu thảo luận các địa điểm khả dĩ để nhóm khủng bố đi bằng đường biển đổ bộ lên đất liền. Sau đó, từ tháng 4 đến 7/2008, Headley dùng thuyền đi vòng quanh khu vực cảng Mumbai để xác định chính xác vị trí đổ quân. Ngày 15/9/2008, mục tiêu tấn công được thông báo cho nhóm khủng bố là thành phố Mumbai.

Ngày 26/11/2008, 10 tay súng đã đổ bộ lên Mumbai bằng thuyền tại Công viên Budhwar, nơi an ninh lơi lỏng nhất nằm ở phía nam thành phố. Vụ tấn công hàng loạt sau đó 3 ngày đã khiến Mumbai tê liệt, làm cho giới chức an ninh toàn cầu bàng hoàng khi nhận ra trình độ tổ chức mạng lưới khủng bố chớp nhoáng được góp nhặt từ những "quân cờ" rải rác khắp nơi.

Sau vụ Mumbai, Headley tiếp tục tìm kiếm các nhóm khác để tham gia hoạt động khủng bố. Y đã bị bắt khi chuẩn bị thực hiện vụ đánh bom một tòa soạn báo ở Đan Mạch. Quá trình điều tra đã giúp các nhà điều tra khai thác thêm vai trò của y trong vụ Mumbai. Tại Tòa án khu vực Chicago ngày 7/12/2009, ngoài tội âm mưu khủng bố tòa soạn báo Đan Mạch, Headley còn bị buộc tội tham gia giúp đỡ vạch kế hoạch khủng bố trong loạt tấn công ở thành phố Mumbai.

Hiểm họa từ hiện tượng "cực đoan hóa" thanh niên Mỹ

Trong một phát biểu vào đầu tháng 12 vừa qua, Bộ trưởng An ninh nội địa Janet Napolitano đã đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ về mối hiểm họa khủng bố từ ngay trong lòng nước Mỹ. Bà Napolitano đã không quá lời. Theo báo cáo của giới chức an ninh, trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến nay, đã có ít nhất 15 vụ việc liên quan đến thành phần Hồi giáo cực đoan Mỹ xảy ra trên đất Mỹ hoặc ở nước ngoài.

Trong đó, riêng năm 2009 đã chiếm hơn một nửa số vụ việc. Trong phần lớn vụ việc, thành phần nghi can khủng bố chủ yếu là người gốc Arập và theo đạo Hồi, thuộc thành phần di cư hoặc sinh ra ở Mỹ. David Headley là một trong những phần tử Hồi giáo cực đoan nguy hiểm xuất thân từ nước Mỹ.

Trước Headley, nước Mỹ từng có Jose Padilla, bị bắt tại sân bay quốc tế O'Hare, Chicago, tháng 5/2002; Kevin James cùng 3 bạn tù khác âm mưu lập một "ổ khủng bố" chống người Do Thái tại khu vực Los Angeles; Daniel Maldonado, người Houston, bị kết án 10 năm tù vào tháng 2/2007 vì tham gia  huấn luyện với Al-Qaeda tại Somalia...

Tháng 1/2009, Bryant Neal Vinas, công dân Mỹ gốc Latinh cư trú tại Long Island và chuyển đạo sang Hồi giáo, đã khai nhận với cơ quan chức trách rằng y từng được Al-Qaeda huấn luyện trong chuyến đi Pakistan hồi năm 2008 và có âm mưu tấn công các mục tiêu ở Mỹ.

Tháng 7/2009, Daniel Boyd, công dân Bắc Carolina theo đạo Hồi, từng tham gia huấn luyện khủng bố ở Afghanistan và Pakistan, đã cùng 6 người nữa âm mưu cung cấp tư liệu cho khủng bố và tuyển một thanh niên Mỹ gửi ra nước ngoài.

Ngày 23/9/2009, Najibullah Zazi, công dân Colorado gốc Afghanistan, bị buộc tội âm mưu đánh bom nước Mỹ; ngày 24/9, Hosam Maher Hsein Smadi, 19 tuổi, gốc Jordan, bị bắt ở Dallas khi y đang chuẩn bị kế hoạch cho nổ một xe bom cạnh tòa cao ốc trong thành phố.

Ngày 5/11/2009, Nidal M. Hasan, một bác sĩ tâm lý quân y gốc Palestine, đã xả súng điên loạn giết chết 13 người và làm hàng chục người khác bị thương tại Căn cứ quân sự Fort Hood. Hasan theo đạo Hồi, vì vậy các nhà điều tra đang xác định xem y có liên quan đến các nhóm Hồi giáo cực đoan hay Al-Qaeda hay không.

Cũng trong tháng 11/2009, giới chức an ninh đã bắt giữ một nhóm 15 người gốc Somalia ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, vì tuyển mộ thanh niên Hồi giáo gốc Somalia để gửi sang Somalia tham gia huấn luyện và chiến đấu cùng với các nhóm khủng bố ở đó.

Vụ mới nhất là 5 thanh niên trong độ tuổi trên dưới 20, đến từ khu ngoại ô Washington DC thuộc bang Virginia, bị bắt tại Pakistan ngày 9/12 vừa qua khi đang trên đường đến khu bộ lạc Bắc Waziristan, miền Bắc Pakistan. Giới chức an ninh Pakistan cho viết, nhóm thanh niên này đã đến Pakistan từ ngày 30/11 theo lời triệu tập của một "tuyển trạch viên" thuộc một nhóm Hồi giáo cực đoan ở thành phố cảng Karachi, Pakistan.

Tại Karachi, 5 thanh niên này định tham gia một trường Hồi giáo và tiếp xúc với một nhóm khác có tên gọi là Jamaat-ud-Dawa ở thành phố Lahore. Do dáng dấp người phương Tây nên 5 thanh niên Mỹ dễ bị giới chức an ninh địa phương phát hiện và bị tóm gọn trên đường đến Bắc Waziristan - cứ địa của Al-Qaeda.

Những vụ việc trên đây đang làm đảo lộn chiều hướng tư duy từ sau vụ khủng bố 11/9/2001 rằng hiện tượng "cực đoan hóa" chỉ có ở châu Âu do cựu lục địa được xem là "vùng đất hứa" của làn sóng người di cư đến từ các quốc gia Arập và Hồi giáo Trung Đông, Nam Á và châu Phi.

Nước Mỹ thời kỳ "hậu Bush" đang trở nên chín muồi về cái gọi là mầm mống khủng bố Hồi giáo cực đoan. Đây là một nguy cơ lớn. Theo giới chuyên gia an ninh quốc tế, thành phần Hồi giáo ở Mỹ khác châu Âu ở chỗ chúng có cuộc sống tương đối khá, được trang bị nhiều phương tiện kỹ thuật trong sinh hoạt và học tập.

Tuy nhiên, xu hướng di cư toàn cầu, sự lan truyền ngày càng rộng của chủ nghĩa cực đoan và đặc biệt là chính sách chống khủng bố sai lầm của chính quyền Mỹ thời Tổng thống George W. Bush và các đồng minh đã đặt nước Mỹ ở thế đối đầu với thế giới Hồi giáo, từ đó làm gia tăng nguy cơ Hồi giáo cực đoan tiến hành khủng bố ngay trong lòng nước Mỹ.

Mặt khác, phương tiện truyền thông hiện đại (Internet, điện thoại di động...) cũng đang ngày càng trở thành một thứ công cụ hữu hiệu trong tay bọn khủng bố cực đoan trong việc quảng bá tư tưởng Hồi giáo cực đoan và kêu gọi, tuyển mộ thánh chiến quân từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là Mỹ

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.