Hiểm họa từ những bãi giữ xe dã chiến

Thứ Năm, 17/04/2014, 13:20

Bất chấp kinh tế đang suy thoái, bất chấp những đại gia choáng váng sau các cú knock-out trong kinh doanh... thì tỉ lệ người dân sở hữu xe ôtô vẫn đang ngày một nhiều lên. Có cung thì có cầu, hàng loạt bãi giữ xe ngoài trời theo lối dã chiến được dựng lên để phục vụ cho nhu cầu gửi xe của người sở hữu ôtô, xe máy… Thậm chí, tại TP HCM, nhiều điểm rửa xe còn "thâm canh tăng vụ" thêm dịch vụ giữ xe đêm cho khách.

Mặc dù đa phần đây đều là những bãi giữ xe có đăng ký kinh doanh, đáp ứng đủ yêu cầu về phòng cháy chữa cháy... nhưng một khi hiểm họa xảy ra, thì khách hàng gửi  xe cũng không biết bấu víu vào đâu để đòi bồi thường.

Hoặc nếu có thể níu chủ bãi xe để đòi đồi thường, thì cái ngày nhận được số tiền bồi thường chính là ngày… không hẹn trước.

Vụ cháy bãi giữ xe ngoài trời tại phường 4, quận 8, TP HCM là một điển hình.

Xe khách cháy, chủ bãi khóc ròng

Trao đổi với PV Chuyên đề ANTG, anh Võ Trung Nhân chủ bãi giữ xe bị cháy vào trưa 5/4 vừa qua trên đường Cao Lỗ, quận 8, TP.HCM, đoạn đối diện Bệnh viện Quận 8 liên miệng nói: "Thú thật là cho đến giờ, tôi vẫn chưa biết tính làm sao".

Theo lời kể của anh Nhân thì anh là nhân viên chụp X-Quang của một bệnh viện, vợ là điều dưỡng. Mấy năm trước, vợ anh có vấn đề về sức khỏe nên phải nghỉ ở nhà. Đồng lương của nhân viên chụp X-Quang không đủ lo cho cuộc sống gia đình bởi ngoài bệnh tật của vợ, anh còn phải lo tiền ăn tiền học cho hai cô con gái nhỏ. Cháu đầu 6 tuổi, cháu thứ hai mới 4 tuổi.

Vay mượn khắp nơi được 470 triệu đồng, anh đăng ký thành lập doanh nghiệp, thuê lại phần diện tích chờ xây dựng của chủ đất mở bãi giữ xe có tên Phát Đạt. Đó là bãi giữ xe "dã chiến" đúng nghĩa, trên phần diện tích hơn 1.000m2 được thuê lại với giá 12 triệu đồng/tháng, anh quây bằng những tấm tôn, phân ô để bảo quản xe của khách gửi. Bao vây phần bên hông và phía sau bãi giữ xe là bạt ngàn cỏ khô, rác sinh hoạt…

Tại đây, anh thu của khách gửi ôtô tháng là 500 nghìn/tháng, còn khách gửi xe máy tháng là 80 nghìn/tháng. Đa phần xe gắn máy được gửi tại bãi giữ xe của anh Nhân là xe của các chủ tiệm cầm đồ mang lại gửi.

Vụ cháy bãi xe trên đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8 vào trưa ngày 5/4,

"Mỗi tháng, sau khi trừ chi phí đi thì tôi còn dư được khoảng 10 triệu đồng. Làm suốt 2 năm mới trả được chút nợ thì xảy ra chuyện không may này", anh Nhân buồn bã nói.

Số tiền anh vay để thành lập bãi giữ xe thời gian đầu toàn là tiền vay của cá nhân với lãi suất cao. Về sau, các ban ngành, tổ chức xét thấy hoàn cảnh của anh khó khăn mới cho vay theo lãi suất ưu đãi. Anh lấy tiền, có thể được xem là "giải quyết đời sống khó khăn cho cán bộ công nhân viên" này cộng với tiền sinh lợi mỗi tháng mà anh dành dụm được từ bãi giữ xe trả bớt cho các khoản vay của cá nhân để giảm lãi, mới vừa thư thư thì ngọn lửa bùng lên đã cướp của anh tất cả.

"Trưa đó, chỉ có mỗi cậu tôi là ông Bùi Minh Lâu, 63 tuổi ngồi ở cửa chính để trông coi bãi xe. Khoảng hơn 13 giờ, người ta phát hiện đám cháy sát cạnh bãi giữ xe. Đang thời tiết khô nóng, lại gió nhiều nên ngọn lửa bùng cháy dữ dội, bén vào hàng trăm chiếc xe gắn máy và một chiếc xe ôtô khách đang gửi tại bãi xe. Sáng nay theo thống kê mới nhất thì có tổng cộng 335 chiếc xe gắn máy bị hư hỏng trong vụ cháy, trong đó có 297 chiếc xe gắn máy và một xe ôtô cháy trơ khung. Vài chục chiếc còn lại bị lửa táp cháy yên, cháy máy…", anh Nhân kể.

Theo xác định của cơ quan chức năng thì nguyên nhân vụ hỏa hoạn là do người dân sinh sống tại khu vực này đốt rác ngay cạnh bãi giữ xe, nhưng không kiểm soát được ngọn lửa nên dẫn đến hậu quả trên.

"Chủ xe có tìm đến anh để thương lượng bồi thương chưa?", tôi hỏi anh Nhân. "Có rồi, sáng giờ họ cùng tôi làm việc tại trụ sở UBND phường để khai báo thiệt hại. Tôi có xin họ thư thả cho tôi làm việc để cố trả nợ, mấy chục năm tôi cũng sẽ cố để trả cho hết. Chứ bây giờ tôi làm gì có tiền mà bồi thường. Thiệt hại ước tính khoảng 2 tỉ đồng, mà chắc là hơn. Nói thiệt với anh là cho đến giờ tôi cũng chưa biết phải tính sao. Phía UBND phường có hướng dẫn tôi báo cáo toàn bộ thiệt hại lên UBND quận để xin ý kiến về công tác hỗ trợ nếu có", anh Nhân cho biết.

Hiện tại, bãi xe của anh Nhân đang nhận được sự hỗ trợ của lực lượng dân phòng phường 4, quận 8 để đảm bảo về công tác an ninh.

Sở Cảnh sát Phòng cháy - Chữa cháy (PCCC) TP HCM cũng vừa đưa ra khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác tuyệt đối không nên nấu nướng, vứt tàn thuốc, đốt cỏ rác gần khu dân cư, nhà xưởng, bến bãi nhất là khu vực gần rừng cây để đề phòng hỏa hoạn.

Một ngày sau khi vụ cháy xảy ra Phòng Pháp chế điều tra xử lý về cháy nổ thuộc Sở Cảnh sát PCCC TP HCM đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an quận 8 tiến hành khám nghiệm, đo đạc hiện trường vụ cháy tại bãi giữ xe của anh Nhân để làm rõ nguyên nhân. Sau khi đo đạc và thống kê các phương tiện bị cháy, Phòng pháp chế đã chuyển hồ sơ vụ cháy cho Công an quận 8 thụ lý.

Ngoài việc kiểm tra và đo đạc hiện trường bên trong bãi giữ xe, Phòng Pháp chế còn đo đạc và lấy mẫu cháy tại khu vực ngoài bãi xe trong đó có khu vực đồng cỏ và bãi rác, nơi đầu tiên phát cháy dẫn đến việc bãi xe gặp hỏa hoạn nghiêm trọng.

Hàng trăm chiếc xe máy cháy trơ khung.

Tại hiện trường, nhiều người dân có xe gửi trong bãi đã tụ tập ở đây để xem kết quả điều tra, một số xe bị cháy sém, chủ nhân của các phương tiện này xin đem xe về, nhưng do công tác điều tra chưa hoàn tất nên các trường hợp này không được giải quyết.

Trao đổi với báo chí, ông Tế Ngọc Đức - Chủ tịch UBND phường 4, quận 8 cho biết, nguyên nhân nhận định ban đầu là do cháy rác lan vào bên trong bãi giữ xe và lúc xảy ra cháy, một người dân đã thấy có người đốt rác nên phía Cơ quan điều tra đã mời người đốt rác này về trụ sở để làm rõ. Phía UBND phường đang chờ kết quả điều tra nguyên nhân vụ cháy mới có hướng giải quyết.

Trước mắt việc đền bù cho các chủ xe bị thiệt hại sẽ do phía chủ bãi giữ xe và chủ phương tiện tự thỏa thuận với nhau. Nếu như kết quả không được đồng thuận giữa hai bên, phường sẽ đứng ra tổ chức hòa giải. Riêng trường hợp các chủ xe thuộc diện gia đình khó khăn, chiếc xe bị cháy là phương tiện duy nhất trong gia đình dùng để mưu sinh, chủ xe có hộ khẩu tại phường thì UBND phường 4 sẽ kết hợp với Ban vận động Quỹ vì người nghèo và Mặt trận Tổ quốc xem xét từng trường hợp, hỗ trợ phương tiện giúp họ ổn định cuộc sống.

Gửi xe dã chiến, may nhờ rủi chịu (?)

Tại TP HCM, có rất nhiều bãi giữ xe dã chiến như kiểu bãi giữ xe vừa gặp hỏa hoạn. Đây là các bãi giữ xe được thành lập từ các khu đất trống chờ xây dựng được chủ đất cho người có nhu cầu mở bãi xe thuê mướn với thời hạn từ 3 đến 5 năm.

So với giá giữ xe tại các khu cao ốc, tầng hầm chung cư, siêu thị… thì những bãi giữ xe này có giá rất rẻ. Quan trọng hơn, bãi xe đáp ứng được nhu cầu gửi xe của khách.

Anh Đào Tuấn Minh, ngụ phường 26, quận Bình Thạnh cho biết, đọc thông tin bãi xe ở quận 8 bị cháy lớn, xe biến dạng hoàn toàn mà ngày chủ xe được chủ bãi giữ xe bồi hoàn là không biết khi nào, anh cảm thấy lo lắng bởi anh có chiếc ôtô phải gửi ngoài bãi giữ xe dã chiến cách nhà khá xa với mức giá 800 ngàn/tháng.

Khám nghiệm hiện trường vụ cháy bãi giữ xe.

"Bãi xe tôi gửi nằm gần chung cư Thanh Đa, bên dãy lô số. Bãi này cũng tương tự bãi giữ xe bị cháy ở quận 8. Chủ bãi xe dựng cọc sắt lợp tôn, phân ô cho khách gửi xe. Khách gửi xe tháng tại đây như tôi, mỗi lần lấy xe ôtô đi công việc thì được cho gửi lại xe honda miễn phí vì nhà xa. Đi công chuyện về, nếu trong dãy nhà xe còn chỗ thì vào đậu, không thì cứ quẳng đại ngoài trời phủ bạt lên. Nếu muốn thuê một chỗ cố định để mát xe, tránh mưa nắng thì phải chi thêm cho bảo vệ bãi xe mỗi tháng 100 ngàn", anh Minh nói.

Đối diện với con hẻm nhà anh Minh ở có tầng hầm của khu chung cư, trước đây anh vẫn gửi xe tại đây. Nhưng từ đầu năm 2014, do người sở hữu căn hộ chung cư mua xe hơi tăng đột biến, bãi xe đã không còn chỗ để cho khách gửi tháng.

"Ngày trước, giá để xe tại chung cư mỗi tháng là 1,2 triệu/tháng. Sau lên, 1,4 triệu/tháng và giờ là 1,6 triệu/tháng nhưng vẫn không có chỗ để gửi. Đành phải gửi ngoài mấy bãi xe dã chiến thôi chứ biết sao bây giờ", lời của anh Đào Tuấn Minh.

Có những bãi xe dã chiến phần diện tích để xe được tận dụng tối đa, khách gửi xe phải để lại chìa khóa nhằm giúp nhân viên bãi xe có thể điều khiển xe của khách thuận tiện cho việc xe ra vào. Nhân viên giữ xe cũng có dăm bảy loại, có mấy cậu nhóc trông xe, được cánh tài xế gửi quen chỉ cho cách điều khiển xe ôtô vài mươi phút ngày hôm trước. Hôm sau nửa đêm lấy chìa khóa xe của khách khác, đề máy nhảy lên thực hành.

Sáng khách lấy xe, thấy xe móp đầu hay bể đèn chỉ biết vò đầu bứt trán kêu xui xẻo rồi thôi. Với bãi giữ xe có camera, là bãi lớn thì còn có thể yêu cầu chủ bãi cho xem camera an ninh để bắt đền. Còn với bãi xe không có camera thì chịu chết. Đa phần ở các bãi giữ xe kiểu này, khách gửi xe ôtô đều để theo kiểu nhìn mặt khách nhớ xe gửi. Lắm khi, nhân viên giữ xe ghi cho khách cái phiếu xe là mảnh giấy được xé vội từ vở học trò, trên đó ghi biển số xe và ngày giờ khách gửi xe. Chủ yếu, tin nhau là chính. Ngoài ra, không còn ràng buộc gì.

Ở một vài bãi giữ xe ôtô dã chiến, còn xuất hiện cả tình trạng "luộc" đồ xe của khách không thân thiết. Anh Nguyễn Văn Định, tài xế của một công ty kinh doanh tại tỉnh Bình Dương, tài xế của chiếc xe hiệu Innova, từng là nạn nhân của bãi giữ xe nằm trong hẻm lớn cạnh chợ phường 25, quận Bình Thạnh.

Theo lời kể của anh Định thì mỗi sáng anh đón nhân viên tại con hẻm trên đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh để chở đến công ty làm việc. Chiều, anh chở trả nhân viên về địa điểm trên. Để thuận lợi cho công việc, ban đầu anh xin gửi xe có trả phí tại một khách sạn gần đó. Nhưng được ít lâu, lấy lý do khách lưu trú đi xe ôtô nhiều, chủ khách sạn đề nghị anh gửi xe chỗ khác. Sau cả ngày Chủ nhật loay hoay tìm chỗ giữ xe mới, anh phát hiện ra bãi giữ xe nằm trong hẻm cạnh chợ phường.

"Ban đầu, mấy ông giữ xe nói giá giữ xe tháng là 600 ngàn/tháng. Mình thấy bãi giữ xe dơ quá, cũng ngán. Nhưng lại nghĩ gửi ở đây thì tiện quá nên đành chấp nhận. Tính mình cẩn thận, nên mỗi lần để xe ở đâu đều quan sát xe rất kỹ. Đêm hôm trước mình gửi xe thấy còn đầy đủ, sáng hôm sau mình lấy xe thì thấy mất bánh xe sơ-cua để dưới gầm xe. Mình hỏi nhân viên gửi xe thì mấy ổng hùng hổ, nói mình vu oan giá họa cho mấy ổng, đòi đánh luôn cả mình. Mình hoảng quá, xin lỗi rồi lên xe đi. Đó là đêm đầu tiên mà cũng là đêm cuối cùng mình gửi xe tại bãi xe này, bỏ luôn tiền xe cả tháng vừa đóng", anh Định cho biết.

Vậy nên, lời khuyên hãy nghĩ về chỗ đậu xe trước khi quyết định mua xe là lời khuyên luôn luôn hợp lý

Kinh Hữu
.
.