Học khủng bố ngay trong thành phố

Thứ Hai, 07/06/2010, 09:45
Sau khi bị bắt, thủ phạm vụ khủng bố hụt tại Times Square (New York) ngày 1/5  đã khai ra mối liên hệ với các mạng lưới Hồi giáo cực đoan tại Pakistan. Những nhóm này bành trướng tại các thành phố lớn trong nước mà chính quyền không hề có hành động ngăn chặn nào.

Ngày 1/5, khi cả thế giới nhìn thấy chiếc xe bốc khói trong Times Square, khắp nơi trên nước Mỹ, các phương tiện thông tin đại chúng đều đưa ra cái tít lớn nói về "đường dây Pakistan" và nói về Pakistan như là một "trục khủng bố". Nhưng ngoài những rồi rắm đó, một số câu hỏi vẫn cần được đặt ra.

Đây là Faisal Shahzad, một gã đàn ông Pakistan 30 tuổi có vẻ hoàn toàn bình thường, vào phương Tây một cách đường hoàng để học tập và có một việc làm. Hắn có 2 con và rất hạnh phúc với cô vợ xinh đẹp. Thế thì vì sao một gã đàn ông có vẻ bình thường lại lao vào sự điên rồ?

Giờ đây cần phải nhận dạng ra mối hiểm họa: không ai có thể chắc chắn rằng sẽ không bao giờ còn một Shahzad khác nữa. Có một điều chắc chắn là những tên Hồi giáo cực đoan ở nước ngoài đã hiểu rằng ngày càng khó vượt qua hàng rào an ninh của phương Tây từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, thế là chúng chọn một giải pháp khác: mối đe dọa từ bên trong.

Sự thành công của một vụ khủng bố nghiêm trọng bên trong nước Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian: chỉ cần tìm ra một gã thông minh hơn Shahzad hoặc một nhóm thanh niên vô công rồi nghề  (giống như những tên đã bị bắt vào tháng 12/2009 tại Pakistan vì âm mưu khủng bố chống Mỹ). Mỹ, Anh và các nước phương Tây khác nên xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc.

Tại sao những tên học đòi khủng bố đó lại quá dễ dàng đến Pakistan và đan kết những mối liên hệ với thế giới Hồi giáo cực đoan? Trạm dừng chân đầu tiên của tên khủng bố tập sự từ phương Tây đến là tại Karachi, Lahore hay Islamabad. Từ đấy sẽ bắt đầu cuộc hành trình của hắn.

Chỉ cần đi đến một đền thờ hay trường học Hồi giáo trong khu vực. Nếu 1 gã vô tích sự từ Connecticut hay Virginia có thể tìm đến với các mạng lưới đó, thế thì tại sao Chính phủ Pakistan lại không có hành động gì? Đừng sai lầm mà nghĩ rằng chính quyền không biết đến những địa điểm đó vì bất kỳ một viên cảnh sát hay phóng viên nào cũng biết rõ các khu phố hay đền thờ đáng ngờ. Thật sự thì không có gì phức tạp cả.

Gần 10 năm sau vụ khủng bố 11/9 và 3 năm sau khi quân đội Pakistan tấn công vào Đền Đỏ ở Pendjab, lẽ ra chính quyền phải hành động quyết liệt hơn để triệt phá các mạng lưới khủng bố tại thành thị đó. Tại sao người ta có thể dễ dàng mua gần một số đền thờ các đĩa CD ca ngợi những tên khủng bố tự sát? Tại sao có quá nhiều sách báo khơi gợi lòng thù hận được bán một cách rộng rãi?

Tại sao có quá nhiều băng cassette được phổ biến tràn lan kêu gọi mọi người cầm súng chống lại những kẻ ngoại đạo? Sẽ rất ngây thơ nếu tin rằng tất cả hạ tầng cơ sở thánh chiến đó trong những thành phố của Pakistan là lý do vì sao Faisal Shahzad đã chuyển sang Hồi giáo cực đoan. Và việc quá dễ tiếp cận với hạ tầng đó đã khuyến khích một số kẻ như Shahzad chuyển sang hành động. 

Sự thật là không phải hạ tầng cơ sở thánh chiến đã đặt bom mà là những con người bằng xương bằng thịt. Nhưng tại sao Pakistan lại cho họ phương tiện? Bạn có thể phản biện bằng cách nói rằng, những trò tuyên truyền đó có rất nhiều trên Internet. Nhưng người ta lại không thể đặt bom sau một màn hình vi tính.

Chính vì thế nên những kẻ tập tành khủng bố phải ra nước ngoài để tập luyện. Người ta cũng có thể thắc mắc vì sao lại chọn Pakistan mà không phải là Ai Cập, Syria, Soudan hay Somalia? Người ta không thể chối cãi sự hiện diện của một vài mạng lưới khủng bố tại Pakistan. Nhưng rõ ràng là sự can thiệp bằng vũ lực không phải là giải pháp, như vụ bao vây và tấn công Đền Đỏ đã cho thấy (những nhóm vũ trang vẫn còn hoạt động).

Đôi khi phương thuốc lại càng tệ hại hơn là căn bệnh. Nhưng một khi mà một gã vô tích sự như Faisal Shahzad có thể hiện thực hóa một mơ ước thánh chiến tại Pakistan, điều này cho thấy rằng chúng ta chưa làm gì đáng kể để diệt trừ hiểm họa này

Minh Luân (theo Courrier International)
.
.