Honduras: Quân đội đảo chính bắt giữ Tổng thống

Thứ Hai, 06/07/2009, 08:05
Rạng sáng ngày 28/6 vừa qua, quân đội Honduras đã tiến hành "bắt nóng" Tổng thống Manuel Zelaya tại nhà riêng và đưa đến một căn cứ không quân ở Tegucigalpa. Trước đó, ông Zelaya tuyên bố vẫn kiên quyết tổ chức (ngày 28/6) cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp có thể giúp ông kéo dài nhiệm kỳ tổng thống bất chấp Tòa án tối cao nước này cho rằng cuộc trưng cầu này là bất hợp pháp.  

Theo lời thư ký riêng của Tổng thống Zelaya, Carlos Enrique Reina, một toán lính đã bắt giữ Tổng thống Manuel Zelaya và tước vũ khí những người cận vệ của ông sau khi bao vây tư dinh tổng thống trước lúc rạng đông ngày 28/6, trong hành vi mà những người thân cận với ông gọi là cuộc đảo chính. Ông Zelaya sau đó đã bị đưa đến một căn cứ không quân bên ngoài thủ đô Tegucigalpa.

Vụ bắt giữ Tổng thống Zelaya diễn ra khoảng một giờ đồng hồ trước khi các phòng phiếu mở cửa, để người dân có thể cho biết muốn triệu tập hội nghị sửa đổi bản Hiến pháp hay không. "Chúng tôi coi đây là một cuộc đảo chính. Điều này thật đáng tiếc" - nhân vật lãnh đạo nghiệp đoàn và cũng là đồng minh của ông Zelaya, Rafael Alegria, phát biểu với Đài Phát thanh Honduras Cadena de Noticias.

Đài Phát thanh quốc gia Honduras HRN dựa theo các nguồn tin thông thạo cho biết, ông Zelaya đã bị đưa đi lưu vong tại Costa Rica ngay trong ngày 28/6. Hiện tại, chưa có giới chức quân sự hay văn phòng tổng thống nào xác nhận là có đảo chính hay cưỡng bức lưu vong.

Ngay sau khi ông Zelaya bị bắt, hàng chục chiếc xe vận tải nhỏ màu trắng chở đầy binh sĩ đã chạy đến dinh tổng thống ở trung tâm thủ đô Tegucigalpa, chặn lối ra vào và đóng cánh cửa sắt lớn trên con đường đồi dẫn đến tòa nhà chính phủ. Những tranh cãi về cuộc trưng cầu dân ý gia hạn nhiệm kỳ tổng thống đã biến thành một cuộc khủng hoảng chính trị tại Honduras, sau khi Tổng thống Zelaya cương quyết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định đối với yêu cầu cho phép Tổng thống được tranh cử nhiệm kỳ thứ hai. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao và quân đội Honduras đã chống lại cuộc trưng cầu này.

Ngày 27/6, các nhân vật đối lập tại Honduras đã vận động để truất phế Tổng thống Manuel Zelaya. Những đại biểu thuộc đảng Quốc gia trung hữu tuyên bố với báo chí là họ đã thành lập một ủy ban Quốc hội để điều tra Tổng thống, sau khi cho rằng ông này vi phạm Hiến pháp và sẽ yêu cầu Quốc hội bỏ phiếu truất phế ông ta.

Trước đó, ngày 24/6, ông Zelaya đã ra lệnh cách chức tướng Romeo Vasquez, Chỉ huy trưởng quân đội Honduras, cũng như chấp nhận đơn từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng Tòa án tối cao nước này tuyên bố quyết định của Tổng thống là vi hiến và phục hồi chức vụ cho tướng Vasquez.

Tổng thống Zelaya là một đồng minh của Tổng thống Hugo Chavez và cũng đang tìm cách có thể tiếp tục ra tranh cử. Ông Zelaya tuyên bố rằng, Quốc hội đang muốn đảo chính đối với ông, khi vận động quân đội không tuân lệnh Tổng thống và từ chối đưa những thùng phiếu đến các địa phương cho cuộc bỏ phiếu ngày 28/6.

Ngày 27/6, nhiều người đã tập trung ở thủ đô Tegucigalpa hò hét bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Zelaya và tỏ quyết tâm tiến hành tổ chức trưng cầu dân ý. Ông Zelaya nói trước đám đông rằng khi quân đội không tuân lệnh tổng thống là lúc trở về thời kỳ đen tối trước đây của Honduras.

Ông đã nói chuyện với một số tướng lĩnh trong quân đội rằng nếu họ chỉ quan tâm đối với thành phần giàu có trong nước thì Honduras không bao giờ có thể tiến bộ. Ông cho rằng quân đội không nên để bị thao túng hay bị lợi dụng, bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ cải cách, làm thay đổi lịch sử và tạo sự thay đổi cho đất nước.

Honduras là một trong những nước nghèo nhất châu Mỹ. Kinh tế tăng trưởng chậm và sự phân phối tài sản đang ở mức phân cực lớn và mức lương bình quân rất thấp, nhiều người vẫn đang sống dưới mức nghèo khổ. Theo ước tính tỉ lệ thất nghiệp ở nước này lên tới 28%. Hiến pháp Honduras ấn định tổng thống chỉ có một nhiệm kỳ duy nhất.

Nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống Zelaya chấm dứt trong năm tới và ông này muốn sửa đổi Hiến pháp để tái tranh cử. Hiện Tổng thống Zelaya chỉ còn nhận được khoảng 30% ý kiến ủng hộ của dân chúng, nhưng các nhà phân tích cho rằng với lời hứa hẹn giúp đỡ, tranh đấu cho quyền lợi người nghèo, ông Zelaya có thể thu nhận được sự ủng hộ của những cộng đồng cư dân nông thôn trong cuộc trưng cầu dân ý này.

Ngay sau khi có tin về vụ đảo chính, một quan chức giấu tên của Chính phủ Mỹ cho biết: "Chúng tôi chỉ thừa nhận ông Zelaya là Tổng thống hợp hiến duy nhất của Honduras". Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi tất cả phe phái ở Honduras cần phải tôn trọng tiến trình dân chủ và quy định của luật pháp.

Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton, thì tố cáo những hành động của quân đội Honduras là vi phạm Hiến chương Dân chủ liên châu Mỹ. Khắp nơi trên thế giới, những lời tố cáo vụ đảo chính tại Honduras vang lên ngày càng nhiều, nhất là các nước thuộc cánh hữu châu Mỹ Latinh. Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez, đã đặt quân đội trong tình trạng báo động sau vụ đảo chính tại Honduras.

Khi được đưa đến San José, Costa Rica, Tổng thống Zelaya tuyên bố: "Nếu Mỹ không đứng đằng sau vụ đảo chính này thì những kẻ đảo chính sẽ không thể duy trì quyền lực". Trước đó, Nhà Trắng đã bác bỏ bất cứ dính líu nào vào vụ lật đổ Tổng thống Zelaya.

Hiện Mỹ có khoảng 550 đến 600 quân trú đóng ở căn cứ không quân Soto Cano của Honduras với nhiệm vụ chống buôn lậu ma túy, hỗ trợ các chiến dịch cứu trợ và nhân đạo. Ông Zelaya cũng cho biết thêm vẫn luôn coi mình là Tổng thống Honduras. 8 bộ trưởng trong nội các của ông Zelaya cũng đã bị quân đội bắt giữ sau đó. Hiện Quốc hội Honduras đã chỉ định Chủ tịch quốc hội, Roberto Micheletti, làm tổng thống mới của Honduras

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.