Mỹ - Cuba: Hợp tác bí mật chống tội phạm ma túy

Thứ Ba, 20/01/2015, 04:35
Dòng chảy ma túy bất hợp pháp tuôn qua vùng Trung Mỹ và Caribe để tránh né đảo quốc Cuba - đất nước nằm lọt giữa những quốc gia được bọn tội phạm ma túy sử dụng làm trạm trung chuyển. Cuba được coi là nơi không dễ cho hoạt động buôn ma túy, song không mấy ai biết rằng nước này cũng là đối tác bí mật của đối thủ nặng ký kéo dài nhiều thập niên - đó là Mỹ.
Trong khi đương đầu với lệnh cấm vận kéo dài nhiều thập niên từ Washington, chính quyền Cuba vẫn bí mật hợp tác với Mỹ trong chương trình chống tội phạm ma túy với sự chuyển giao thông tin về mọi sự di chuyển của những chiếc tàu hàng vận chuyển ma túy qua vùng Caribe.

Khi mối quan hệ giữa Washington và Havana đang ấm lên như hiện nay đồng thời con đường ma túy Mỹ Latinh đổ vào Mỹ chuyển từ Mexico sang Caribe, các chuyên gia tin rằng sự hợp tác chống ma túy giữa hai quốc gia sẽ càng được thắt chặt hơn nữa.

Mike Vigil, cựu Giám đốc Các chiến dịch quốc tế của Cơ quan Bài trừ ma túy Mỹ (DEA) kiêm đặc vụ phụ trách vùng Caribe, cho biết hoạt động buôn lậu ma túy "đang bắt đầu hướng trở về vùng Caribe cho nên tôi tin rằng chúng ta cần hợp tác sâu hơn nữa với chính quyền Cuba".

Trong mắt giới chức chống ma túy Mỹ, nhiều quốc gia láng giềng nằm gần nước Mỹ nhất thường gặp thất bại trong nỗ lực ngăn chặn hoạt động buôn lậu ma túy. Mexico, nơi 100.000 người bị giết chết trong dòng xoáy bạo lực liên quan đến ma túy trong 8 năm qua, vẫn còn là "quốc gia nguồn và trung chuyển quan trọng cho những chuyến hàng ma túy đến Mỹ" - theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2014.

Ở Jamaica, nạn tham nhũng liên quan đến ma túy được đánh giá là "khó thay đổi được" và "ngày càng lan rộng". Trong khi ở Guatemala, "các tổ chức tội phạm buôn lậu ma túy xuyên quốc gia khá dễ dàng vận chuyển ma túy, hóa chất tiền ma túy và tiền mặt với số lượng lớn" - theo Báo cáo Chiến lược Kiểm soát ma túy Quốc tế (INCSR).
Chó nghiệp vụ dò tìm ma túy tại sân bay quốc tế Jaime Gonzalez, thành phố Cienfuegos, Cuba.

Báo cáo cũng có đôi lời ca ngợi Cuba trong nỗ lực chống buôn lậu ma túy. Khi mà các quốc gia Mỹ Latinh khác ngày càng đòi hỏi thêm nguồn tài chính và nhân lực cho cuộc chiến chống ma túy, Cuba nổi lên như là một trong những đồng minh kiên định và đáng tin cậy nhất của Washington trong cuộc chiến này.

INCSR nêu: "Mặc dù vị trí nằm giữa một số quốc gia trọng yếu xuất khẩu ma túy trong khu vực và thị trường Mỹ, Cuba lại không là nơi tiêu thụ, sản xuất hay trung chuyển ma túy. Nhưng, bọn tội phạm thường men theo những vùng nước bên trong lãnh thổ Cuba để tránh né tàu tuần tra cũng như máy bay trinh sát của Mỹ và Cuba".

Trái ngược với thời hoàng kim trước cách mạng, Cuba dưới chính quyền Fidel Castro nổi tiếng với sự hiện diện khắp nơi của lực lượng cảnh sát, sự trừng phạt nghiêm khắc loại tội phạm ma túy và gần như vắng bóng con nghiện.

Trước khi Chủ tịch Fidel Castro nắm quyền lãnh đạo Cuba, các chuỗi hộp đêm và casino ở Havana công khai bán các chất cấm và các tiệm thuốc phiện có mặt trong mọi ngõ ngách của khu Chinatown ồn ào.

Không lâu sau khi lãnh đạo Cuba vào năm 1959, Chủ tịch Fidel Castro đã ra lệnh đóng cửa mạng lưới casino, đề ra luật chống ma túy vô cùng nghiêm khắc đồng thời đưa người nghiện ngập đến các trại cai nghiện. Thậm chí, hiện nay bất cứ ai sở hữu lượng cần sa dù rất nhỏ cũng có thể bị phạt tù. Với các loại ma túy nặng khác thì án tù càng cao. Chó nghiệp vụ đánh hơi dò tìm ma túy luôn có mặt tại các sân bay quốc tế ở Cuba.

Trong suốt nhiều thập niên sau sau cách mạng, lực lượng an ninh Cuba đã xây dựng hệ thống giám sát chặt chẽ khiến cho bọn tội phạm ma túy phải kiêng dè đến mức không tên trùm nào dám giao dịch ma túy trên đảo quốc này.

Barry McCaffrey, tướng về hưu từng là quan chức chống ma túy dưới chính quyền Tổng thống Bill Clinton và là cựu chỉ huy Bộ Tham mưu Phương Bắc tập trung về Mỹ Latinh của quân đội Mỹ, nhận định: "Chính quyền Cuba không muốn nước này trở thành hang ổ của bọn tội phạm ma túy. Họ coi đó là mối đe dọa cho trẻ em, lực lượng lao động, nền kinh tế cũng như chính quyền".

McCaffrey cho biết thời ông còn đương chức đã có "mọi dạng liên lạc trực tiếp" giữa hai chính quyền Mỹ và Cuba, bao gồm liên lạc radio giữa Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ (USCG) và giới chức Havana. McCaffrey tiết lộ: "Tôi không dám chắc đó là mối quan hệ hợp tác hoàn hảo. Tôi cho rằng vấn đề ma túy là cách tốt nhất để Havana thiết lập sự tiếp xúc với chính quyền Mỹ".

Năm 2013, tòa án ở Cuba đã tuyên xử 628 cá nhân liên quan đến buôn lậu ma túy và 273 người trong số đó mang án tù từ 6 đến 10 năm. Trong sự hợp tác lặng lẽ giữa hai chính quyền, Havana thực hiện các cuộc gọi và gửi email đến Washington - đôi khi bao gồm những hình ảnh - về những chiếc tàu nghi ngờ vận chuyển ma túy.

INCSR nêu rõ: "Cuba vẫn tiếp tục chia sẻ thông tin về tàu thuyền với các quốc gia láng giềng trong đó có  Mỹ, và có được nhiều thành công trong nỗ lực hợp tác này". Cũng theo INCSR, chính quyền Cuba đã kịp thời cảnh báo với USCG đến 17 lần trong năm 2013 về sự hiện diện của những chiếc tàu "đáng nghi ngờ". Tuy nhiên, trong tình hình giảm bớt căng thẳng giữa Havana và Washington, người Cuba lo ngại dòng thác du khách từ Mỹ đến đảo quốc sẽ kéo theo sự hình thành nhu cầu sử dụng ma túy.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.