Indonesia: Những khu rừng sẽ vắng tiếng chim hót

Thứ Ba, 23/01/2018, 17:51
Hiện nay, các nhà bảo tồn môi trường thiên nhiên thường đề cập đến vấn đề gọi là cuộc khủng hoảng chim cảnh.

Theo Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (IUCN) đặt trụ sở tại Gland (Thụy Sĩ), có khoảng 50 loài chim biết hót khác nhau sống trong môi trường tự nhiên ở Indonesia và sự sinh tồn của chúng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Chúng bị đánh bẫy triệt để trong thiên nhiên để cung cấp cho các thị trường chim cảnh siêu lợi nhuận. Đó là lý do ngày nay nhiều khu rừng trở lên im ắng vắng tiếng chim hót.

Hầu như bất cứ loài chim cảnh đẹp và hót hay nào cũng có thể tìm thấy tại các chợ sinh vật cảnh ở thủ đô Jakarta của Indonesia cũng như trên khắp đất nước này. Pramuka ở Jakarta là khu chợ động vật hoang dã lớn nhất ở châu Á và có lẽ trên thế giới.

Chim ác là Jimat giống Java ở CCBC; chim khướu Sumatra.

Bị khai thác kinh doanh đến tận diệt

Andrew Owen, chuyên gia quản lý các loài chim ở vườn thú Chester nước Anh, nhận định: “Indonesia thực sự là nước có số lượng lớn các loài chim và có hơn 140 loài đang bị đe dọa. Một số loài chim quý được luật pháp bảo vệ song chúng ta vẫn nhìn thấy chúng bị chào bán công khai ngoài chợ”.

Theo nghiên cứu công bố năm 2015 của tổ chức phi lợi nhuận giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã TRAFFIC (Anh), khoảng 20.000 con chim được bán ra tại 3 khu chợ chim ở Jakarta chỉ trong 1 ngày và phần lớn trong số đó bị bẫy trong thiên nhiên.

Ajie Ruslan, Giám đốc khu chợ Pramuka khẳng định nơi đây không bán những loài chim bị đe dọa nhưng thực tế lại khác. Chim ác là xanh lục Java được xếp hàng đầu trong danh sách các loài bị đe dọa và hiện nay rất khó tìm thấy chúng trong rừng mà lại xuất hiện trong khu chợ ở thành phố Bandung Tây Java. Con chim ác là được nuôi trong Trung tâm Gây giống bảo tồn Cikananga (CCBC) được nữ quản lý Anais Tritto đặt tên là “Jimat” - theo tiếng Indonesia nghĩa là “vật mang đến phúc lành”.

Tháng 12-2014, Tritto và đồng nghiệp chụp hình con chim trong khu chợ để làm bằng chứng và cho biết: “Những bức ảnh cho thấy con chim ác là có màu xanh lam - không phải màu bình thường của loài. Bởi vì, khi bị nhốt trong lồng, màu sắc chim đã thay đổi từ lục sang lam”.

Trong tự nhiên, ác là có màu lục bởi vì chúng ăn nhiều côn trùng có màu này do chứa sắc tố gọi là lutein. Tritto giải thích: “Trong khu chợ, chim chỉ được cho ăn viên thức ăn công nghiệp, dế và sâu bột (mealworm) cho nên chúng có màu lam”. Cuối cùng, đội chuyên gia Cikananga khẩn trương đến khu chợ ở Bangdung để tịch thu con chim.

“Sau khi được mang về Cikananga, con chim được ăn thực phẩm chứa lutein và dần dần nó chuyển về màu lục tự nhiên”, Tritto nói.

Ade Imansyah nói chuyện với trẻ em Java.

Cikananga là nhà của những loài chim quý hiếm nhất trong số những loài chim quý hiếm - như là chim khướu Sumatra và chim khướu đầu đỏ. Mặc dù Cikananga được bảo vệ bằng những bức tường cao nhưng những con chim quý nơi đây vẫn bị bẫy lén để mang ra chợ bán.

Nhân viên Jonathan Beilby ở Cikananga tiết lộ: “Bọn trộm thường tập trung bẫy loài sáo nâu, mỗi con bán được với giá 1,5 triệu rupiah hay hơn 100 USD, tức cao hơn lương tháng của một số người”. Hiện nay, khu vực CCBC được bảo vệ bằng bức tường sắt cao với đàn chó tuần tra thường xuyên và mạng lưới camera an ninh giám sát cả khu vực nuôi, gây giống chim. Hệ thống camera cũng cho phép đội chuyên gia CCBC theo dõi sát sao các tổ trứng chim.

Andrew Owen chia sẻ: “Người chơi chim cảnh đều muốn sở hữu chim ác là để sử dụng chúng như là thầy dạy hót cho những loài chim khác. Đơn giản là chim ác là có nhiều điệu hót phức tạp”.

Anais Tritto ở CCBC.

Tiếng hót đẻ ra tiền

Heri Pranoto là người đặc biệt đam mê nuôi chim cảnh để tham gia tranh Presidents Cup - giải thưởng trị giá khoảng 80.000 USD dành cho con chim hót hay nhất. Trên hiên nhà Pranoto là lồng gỗ trang trí hoa văn công phu nuôi một con chim chích chòe lửa đuôi trắng đắt tiền. Bên trong 2 chiếc lồng khác treo phía bên ngoài sân hiên là 2 con chim chích chòe lửa và chích chòe than. Tổng cộng, Pranoto nuôi trong nhà đến 5 con chim quý, trong đó có một con chim chiến thắng 5 lần giải Presidents Cup.

Cả 2 loài chim chích chòe này hiện đang được nuôi trong lồng với số lượng lớn vì chúng được sử dụng phổ biến trong những cuộc thi chim hót. Hiện nay, Heri Pranoto đang trợ giúp quản lý cuộc thi chim hót nằm dưới sự điều hành của Hiệp hội nuôi chim PBI mà anh là thành viên.

Ngoài Presidents Cup còn có cuộc thi chim hót khác quy mô nhỏ hơn với giải thưởng thắng cuộc chỉ vài trăm USD. Những con chim dự thi được chấm điểm theo 3 yếu tố - chất giọng, độ vang và tính phức tạp. Bầu không khí trong cuộc thi rất sôi động và chủ nhân những con chim thi tài hót hầu hết là đàn ông. Họ huýt sáo liên tục và làm đủ cử chỉ để khích lệ chim.

Tony Sumampau - cũng là người giàu có và có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong PBI - bình luận về văn hóa nuôi chim cảnh ở Java: “Ở Java, một người đàn ông đích thực phải có căn nhà, người vợ, ngựa - hay phương tiện giao thông khác - và vũ khí cũng như... một con chim cảnh. Đó mới là người Java thực thụ”.

Theo Sumampau, thú nuôi và chơi chim cảnh là nét văn hóa lâu đời của người Java nên từ đó không thể nhân danh bảo tồn động vật mà “bắt buộc mọi người từ bỏ thú vui sở hữu chim cảnh cho riêng mình”. Bất chấp điều đó, CCBC vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó trẻ em ở Java có thể trở thành “những người canh giữ môi trường” một cách hiệu quả.

Theo Sumampau, nên khuyến khích những người bán chim nên nuôi chim để cung cấp cho thị trường hơn là dựa vào bọn bẫy chim trong môi trường hoang dã. Sumampau nhấn mạnh: “Hiện nay, PBI có điều lệ cấm sử dụng những con chim bắt ngoài thiên nhiên để tham gia các sự kiện thi hót. Chúng tôi cũng khích lệ các hội khác noi theo chúng tôi”.

Những khu rừng yên lặng

Hiện nay, rất nhiều khu rừng ở Java không còn là thiên đường an toàn cho những loài chim hoang dã. Mount Malabar, khu rừng được bảo vệ và trở thành nơi được tổ chức phi chính phủ Bảo tồn Quốc tế (CI) đặt trụ sở chính tại Washington (Mỹ) chọn để giao trả những loài bị đem bán ngoài chợ trời vật nuôi cảnh về cho thiên nhiên hoang dã. Một phần thành công của CI là nhờ hợp tác với những thợ săn động vật và thợ đặt bẫy đã giải nghệ.

Một người trong số đó tên là Uwas nói: “Tôi thường săn ở Mount Malabar và biết rõ khu rừng. Tôi bẫy bất cứ loài chim nào - từ con lớn đến con nhỏ. Bất cứ sinh vật nào sống trong khu rừng này”. Loại bẫy của Uwas khá đơn giản chỉ với vài nhánh cây và sợi dây tạo thành dạng thòng lọng thắt cổ chân chim. Nhưng hiện nay bọn săn bắt trộm sử dụng những phương pháp kỹ thuật cao có thể bẫy được bất cứ sinh vật nào vô tình bay ngang qua. Công việc hiện thời của Uwas là sử dụng kiến thức cá nhân về khu rừng để giám sát và bảo vệ động vật hoang dã.

Bẫy chim đơn giản của Uwas; một khu chợ chim ở Java.

Uwas thú nhận: “Trước đây tôi đi săn vì thất nghiệp và cần tiền. Nhưng khi bắt đầu làm việc ở đây, tôi nhận thức được tầm quan trọng của động vật hoang dã và khu rừng”.

Các chuyên gia ở CCBC muốn thả những con chim quý đã nuôi dưỡng và gây giống ra môi trường hoang dã nhưng vẫn không thành công vì khó tìm được địa điểm an toàn. Và mặc dù, những cuộc tuần tra thường xuyên được tiến hành song những vụ bẫy chim lén lút vẫn diễn ra trong khu rừng Mount Malabar. Vấn đề là, với khoảng 30 triệu người dân Indonesia đang sống trong nghèo khổ và công việc bẫy chim cung cấp cho thị trường vật nuôi cảnh mang đến nguồn thu nhập cho họ.

Tại khu vực đồi rừng xanh và đất nông nghiệp gần Cikananga là công viên hoang dã Taman Safari - chiếm diện tích 260 hecta - của Tony Sumampau. Công viên được xây dựng nhằm mục đích cung cấp nơi ở an toàn cho những giống chim quý như là sáo nâu cánh đen đặc biệt bị đe dọa. Khu vực công viên có đủ không gian và cây cối cho phép chim làm tổ, tìm kiếm thức ăn và sinh đẻ.

Do công viên là vùng đất thuộc sở hữu cá nhân cho nên Sumampau dễ dàng bảo vệ động vật quý hiếm. Sumampau giải thích: “Chúng tôi hợp tác với cộng đồng người dân địa phương ở đây để khuyến khích họ không mua những con chim cảnh bị bẫy trong thiên nhiên”. Mục đích chính của Sumampau là “cung cấp cho thị trường những con chim được nuôi nhốt. Điều đó cho phép mọi người mua chim dễ dàng để nuôi trong nhà mà không vi phạm luật pháp”.

Ade Imansyah, nhà giáo dục ở CCBC, thường xuyên đến thăm những ngôi trường ở Java để tổ chức những buổi nói chuyện với trẻ em về sự cần thiết phải bảo vệ môi trường hoang dã. Trong những ngôi làng vùng cao nằm cách xa thành phố đến nhiều giờ được ô tô như thế này, phần đông trẻ em có cha mẹ làm nghề nông. Ade Imansyah giải thích với chúng rằng chim không chỉ là sinh vật xinh đẹp và hót hay mà chúng còn bảo vệ cây trồng nhờ ăn côn trùng gây hại cho mùa màng. Nói cách khác, chim đang ngày đêm âm thầm bảo vệ sự sống của con người.

Imansyah phát biểu: “Tôi hy vọng bọn trẻ sẽ hiểu được rằng các loài động vật hoang dã cũng như chim mang lại lợi ích cho chính chúng cũng như cha mẹ chúng và nông nghiệp”. Nếu như, nỗ lực bảo vệ loài chim thành công thì chắc chắn những khu rừng ở Java sẽ trở lại rộn ràng tiếng hót của chúng.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.