Iran tuyên bố phá vỡ mạng lưới gián điệp hạt nhân của Mỹ và phương Tây

Thứ Năm, 21/10/2010, 19:45
Ngày 9/10/2010, Iran công khai thừa nhận một số nhân viên làm việc trong các cơ sở hạt nhân của quốc gia này đã bị mua chuộc để cung cấp thông tin mật cho phương Tây và Mỹ, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh rằng mạng lưới gián điệp đã bị phá vỡ.

Sự thừa nhận của phó tổng thống Iran Ali Akbar Salehi đã cho thấy rõ thực tế là Iran đã và đang chiến đấu quyết liệt chống mọi hoạt động gián điệp nước ngoài tấn công vào các cơ sở hạt nhân của nước này.

Thời gian gần đây, Iran thông báo đã bắt giữ vài gián điệp hạt nhân và chống trả thành công sự tấn công của một sâu máy tính cực kỳ nguy hiểm. Đồng thời Iran cũng tuyên bố những kế hoạch mờ ám này là một phần trong toàn bộ âm mưu bí mật của phương Tây và CIA nhằm phá hoại chương trình hạt nhân đang tiến triển của nước này.

Vừa qua, nhà khoa học hạt nhân của Iran Amiri - người tuyên bố bị CIA bắt cóc - đã trở về nước trong hoàn cảnh bí mật. Mỹ nói, nhà khoa học hạt nhân sẵn sàng đào ngũ với đề nghị khoản tiền 5 triệu USD từ CIA nhưng sau đó ông đã thay đổi ý định.

Trong thời gian qua, Mỹ và đồng minh phương Tây đã cố gắng ngăn cản những tiến bộ hạt nhân của Iran thông qua những nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc do nghi ngờ Tehran có tham vọng sử dụng chương trình hạt nhân dân sự làm vỏ bọc cho kế hoạch bí mật phát triển vũ khí hạt nhân. Nhưng phía Iran đã bác bỏ mọi cáo buộc này và tuyên bố họ chỉ muốn quản lý năng lượng hạt nhân dân sự.

Cũng trong ngày 9/10/2010, Tehran nói rõ ý định nước này sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc - bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc - cũng như với nước Đức vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 năm nay. Bộ trưởng Ngoại giao Iran, Manouchehr Mottaki, nói thời gian đàm phán chính thức sẽ được bàn thảo từ cả hai phía.

Cơ quan thông tấn bán chính thức Fars của Iran trích dẫn lời của Salehi nói rằng, một số nhân viên làm việc trong các cơ sở hạt nhân có được quyền sử dụng thông tin về chương trình hạt nhân của Iran, nhưng Fars không cung cấp chi tiết về loại thông tin mật và khoảng thời gian chính xác diễn ra hoạt động gián điệp.

Salehi nói: "Hiện nay, những con đường này đã bị phong tỏa và khả năng thông tin bị rò rỉ trong tương lai là gần như không thể. Các đồng nghiệp của chúng tôi đã cảnh giác cao độ... Nhân viên và bộ phận quản lý (các cơ sở hạt nhân) đều cùng đi đến kết luận đây là vấn đề của quốc gia và chúng tôi sẽ tự giải quyết những vấn đề của mình".

Ali Akbar Salehi cũng là người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử của Iran. Người tiền nhiệm của Salehi - Gholam Reza Aghazadeh - hồi tháng 4/2008 từng nói, phương Tây đã bí mật tiếp xúc đặt vấn đề mua chuộc đối với một số nhà khoa học hạt nhân của Iran nhưng số người này đã không chấp nhận làm gián điệp cho họ.

Salehi cho biết đặc quyền sử dụng thông tin mật rất hạn chế trong các cơ sở hạt nhân nước này và đây là một phần trong toàn bộ các biện pháp an ninh đang được tăng cường.

Fars cho biết "trong quá khứ, nhân viên trong các cơ sở dễ dàng sử dụng thông tin nhưng điều đó không xảy ra trong tình hình hiện nay nữa".

Theo Salehi, cơ quan hạt nhân của Iran cũng đã xuất bản những cuốn sách nhỏ để phân phát cho toàn bộ nhân viên làm việc trong lĩnh vực hạt nhân và cảnh báo họ về tất cả những kỹ thuật được phương Tây sử dụng nhằm cố gắng mua chuộc họ làm gián điệp. Những cuốn sách nhỏ cũng trình bày tỉ mỉ những biện pháp đề phòng nhằm bảo vệ (thông tin) cũng như cuộc sống của các nhà khoa học.

Salehi nói: "Trong quá  khứ từng tồn tại vấn đề về những hoạt động gián điệp phá hoại nhưng bây giờ chúng tôi thấy rằng những hoạt động này đang ngày càng mờ nhạt".

Những biện pháp bảo vệ cuộc sống của cộng đồng khoa học hạt nhân Iran bao gồm kế hoạch cung cấp nơi ăn chốn ở đầy đủ tiện nghi cho số người này để tránh trường hợp họ bị phương Tây dùng tiền bạc và đời sống vật chất mua chuộc.

Khi nhà khoa học hạt nhân Shahram Amiri từ Mỹ trở về quê nhà hồi tháng 7 vừa qua, Iran đã tổ chức khoản đãi ăn mừng ông như là một anh hùng dân tộc và đồng thời tuyên bố nhà khoa học đã cung cấp cho chính quyền những thông tin có giá trị về CIA.

Trong khi đó chính quyền Mỹ tuyên bố, Amiri tự nguyện đào ngũ sang Mỹ nhưng cuối cùng đã thay đổi ý định và quyết định trở về quê hương mà không nhận 5 triệu USD được trả cho một thứ mà Mỹ mô tả là thông tin có giá trị về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Còn Iran khẳng định Amiri bị CIA bắt cóc hồi tháng 5/2009 khi nhà khoa học đang trên đường hành hương đến những vùng thánh địa Hồi giáo ở Arập Xêút.

Trước sự trở về của Amiri, Iran tuyên bố sự kiện như là nước này đã chiến thắng trong cuộc chiến tình báo với CIA. Mới đây, âm mưu phát tán một sâu máy tính nguy hiểm nhằm phá hoại những khu vực công nghiệp của Iran đã được phát hiện trên các laptop của một vài nhà khoa học làm việc trong nhà máy năng lượng hạt nhân đầu tiên của Iran. Sâu máy tính Stuxnet được thiết kế nhằm tấn công những địa điểm công nghiệp như là nhà máy năng lượng hạt nhân Bushehr của Iran và cũng len lỏi đến Ấn Độ, Indonesia và cả nước Mỹ.

Nhà máy năng lượng hạt nhân Bushehr của Iran.

Nhưng Stuxnet xuất hiện nhiều nhất ở Iran. Theo lời của Salehi, Iran đã nhận diện sâu Stuxnet từ trước đó khoảng 2 - 3 tháng nhưng chỉ đến bây giờ công chúng mới thật sự biết đến.

Salehi nói: "Chúng tôi kiểm soát hoàn toàn các hệ thống máy tính trong nước và những biện pháp triệt để nhất để bảo vệ và miễn dịch trước sự tấn công của Stuxnet đã được tiến hành". Nhưng Salehi không tiết lộ chi tiết về những biện pháp an ninh được thực hiện.

Mới đây, người phát ngôn Ramin Mehmanparast của Bộ Ngoại giao Iran nói, Tehran tin rằng sâu máy tính Stuxnet là một phần trong toàn bộ âm mưu của phương Tây nhằm phá hoại chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên cho đến nay người tạo ra Stuxnet và mục tiêu đích thực của sâu máy tính này vẫn còn nằm trong bí ẩn.

Công ty An ninh mạng Symantec Corp. nói, Stuxnet có lẽ là sản phẩm độc hại của một chính quyền hay một nhóm tư nhân được tài trợ dồi dào. Cũng theo Symantec, nhóm tạo ra Stuxnet có lẽ khoảng từ 5 đến 10 hacker chuyên nghiệp.

Bộ trưởng Tình báo Iran Heidar Moslehi thông báo đã bắt giữ vài người bị nghi ngờ làm gián điệp cho phương Tây nhưng ông không đưa ra chi tiết và cũng không nói rõ những nghi phạm bị bắt giữ này có mối liên quan như thế nào với sâu Stuxnet. Tuy nhiên, nhóm chiến binh Hồi giáo Jundallah (hay, "Những người lính của Thượng đế") tuyên bố trên Internet họ đã bắt cóc một nhân viên làm việc trong một cơ sở xử lý uranium của Iran ở trung tâm thành phố Isfahan.

Thứ trưởng Nội vụ Iran, Ali Abdollahi, xác nhận nạn nhân bị bắt cóc - Amir Hossein Shirani - từng là thợ hàn và tài xế tại cơ sở hạt nhân nhưng nói vụ bắt cóc chỉ nhằm đòi tiền chuộc mà không có động cơ chính trị.

Thứ trưởng Ali Abdollahi nói, Shirani bị sa thải khỏi Isfahan năm 2005 vì trình độ kém cỏi. Theo tin của Cơ quan Thông tấn IRNA trích dẫn lời của Thứ trưởng Abdollahi, Shirani bị nhóm Jundallah bắt cóc cách đây 2 tháng khi người này đang làm công việc tài xế ở miền Nam Iran, nơi nhóm hoạt động

Di An (tổng hợp)
.
.