Iraq: Ngoi ngóp trên bãi vàng đen

Thứ Năm, 21/06/2012, 22:20

Chính quyền Baghdad đang cho đấu giá hàng loạt hợp đồng khảo sát dầu khí. Đây là vấn đề gây đau đầu cho các công ty nước ngoài vì vấp phải sự hỗn độn ở một đất nước manh mún. Nhưng dù sao cũng hứa hẹn về một nguồn lợi kếch xù  từ dầu mỏ cho các công ty.

Khoảng 40 công ty nước ngoài đang có mặt tại Iraq vào cuối tháng 5 vừa qua đã sẵn sàng đoạt lấy phần thắng trong ván bài. Ở đây là nhiều hợp đồng đấu giá do chính quyền Iraq đưa ra liên quan đến các khu vực nằm ở trung tâm Iraq mà tầng đất ngầm chứa đầy dầu hỏa.                

Đây là lần thứ tư trong vòng 2 năm qua Chính phủ Iraq đưa ra kiểu mời gọi đó. Phương pháp thì vẫn như cũ. Các đối tác tiềm năng được tập họp trong một gian phòng và được “truy vấn”: Kế hoạch sản xuất như thế nào? Dự tính sẽ thu lợi bao nhiêu đôla cho mỗi thùng dầu khai thác được? Sau đó chính phủ sẽ thảo luận và chọn ra đối tác tốt nhất.

"Những trận đấu giá trước rất sôi nổi vì quy tắc thay đổi liên tục. Chẳng hạn như chỉ vài giờ trước khi mở phong bì, chính phủ cho biết rằng ai đòi hỏi một mức lời cao hơn 2 USD trên mỗi thùng dầu sẽ bị loại" - một người thân cận với chính giới kể lại. Mọi người đổ xô ra chụp lấy máy tính, trả giá, thương lượng, hứa hẹn, lừa gạt… Những sự liên kết hối hả được thực hiện. Cuối cùng tất cả đều nhượng bộ điều kiện của chính quyền, ngoại trừ Hãng Total.

Và nếu chẳng ai kiếm được lợi từ các hợp đồng đó cũng chẳng sao: điều cốt yếu là đặt chân được vào thị trường béo bở nhất trong những năm tới đó, mỏ dầu ước tính khoảng 200 tỉ thùng. Con số này còn cao hơn cả của Iran hay thậm chí Arập Xêút.

Xe bồn chở dầu sang Iraq.

Có quá nhiều dầu hỏa đến mức dư thừa. Ở miền Nam Iraq, khi những người chăn dê xua bầy gia súc đi, chân chúng lại dẫm vào các con rạch đen có mùi hăng chảy bên rìa những cánh đồng. Còn thợ hồ tại Basora chỉ có một mối lo là vàng đen sẽ phun ra khi họ đào móng xây nhà. Bởi vì dầu hỏa có ở khắp nơi: sát mặt đất trên những đồng bằng dọc theo vịnh Ba Tư; ẩn sâu dưới lòng đất trong vùng núi đông bắc. Và khi người ta không tìm thấy dầu hỏa tức là bên dưới lại có một vỉa khí đốt.

Chỉ gần đây, các công ty nước ngoài mới nhắm đến vùng đồng bằng Lưỡng Hà. Chính xác là vào cuối năm 2009 với việc ký kết những hợp đồng đầu tiên. Ba mươi năm chiến tranh, cấm vận rồi đến sự chiếm đóng của Mỹ khiến cho đất nước chìm vào trong tình trạng hỗn mang đến mức không thể làm việc được. Đa số các hạ tầng kiến trúc, như "những ống dẫn dầu chiến lược" đi từ bắc xuống nam, đều đã bị tàn phá. Hiện nay một trang mới đã được mở ra.

Tất nhiên là tình hình chính trị vẫn còn rất căng thẳng. Quyền hành phân chia giữa các tộc Shite, Sunni và Kurd theo thỏa ước Arbil 2010 đã không hiệu quả. Người Sunni trách Thủ tướng Nouri al-Maliki (lãnh tụ đảng Shite) đã không muốn chia sẻ quyền hành. Người ta đang lo ngại một sự đổ vỡ. Tuy nhiên cả 3 sắc tộc đều nhất trí về 1 điểm : dầu hỏa là ưu tiên hàng đầu - vực dậy nền kinh tế, đưa đất nước ra khỏi khó khăn.

Kiệt quệ, nợ nần, Iraq đang hoang tàn. Đường sá, bệnh viện, nền kinh tế… cần phải tái thiết lại tất cả. Còn thiếu 1 triệu nhà ở, 5.000 trường học. Chi phí cho tái thiết sẽ vượt quá  500 tỉ USD, một con số khổng lồ nhưng doanh thu từ dầu hỏa thừa sức trang trải. Thử xem qua vài số liệu để hiểu: đường biểu diễn sản xuất của Iraq tăng chậm, mỗi ngày khai thác hơn 3 triệu thùng dầu, tức bằng với năm 1980 trước cuộc chiến với Iran. Chỉ trong tháng 4, việc xuất khẩu dầu thô đã mang lại 9 tỉ USD. Nếu đúng như các chuyên gia dự báo, Iraq sẽ tăng gấp đôi mức sản xuất trong vòng 4 năm, mỗi năm nước này sẽ thu hơn 200 tỉ USD. Vấn đề chỉ còn là thời gian.

Nhưng cần phải tăng tốc ngay từ bây giờ. Đó là nỗi ám ảnh chủ yếu: phải thúc đẩy sự sản xuất để bù đắp bằng số lượng. Nhưng còn phải vượt qua sự ù lì hành chính. Một doanh nhân phương Tây đã quen với những cuộc thương thảo hành lang kể lại nỗi nhọc nhằn: "Bộ Dầu hỏa và Bộ Tài chính luôn cản trở nhau vì họ không cùng tiếng nói chính trị. Các quan chức địa phương rất lo lắng, họ tính toán rất kỹ trước khi đưa ra quyết định. Mọi việc đều chậm trễ". Hơn thế nữa, khung cán bộ lại không đủ để quản lý những lời mời gọi đầu tư vì rất nhiều quan chức đã trốn ra nước ngoài dưới thời Saddam Hussein. Sự thiếu hụt nhân lực khiến cho chính phủ phải  yêu cầu những quan chức đến tuổi nghỉ hưu nên tiếp tục làm việc để giải quyết hồ sơ.

Sự mờ mịt về luật pháp cũng khiến mọi việc phức tạp thêm. Dự luật về dầu hỏa vẫn còn đang được thảo luận từ 5 năm qua. Người ta vấp phải một vấn đề nhạy cảm: mối quan hệ giữa Baghdad và tỉnh Kurdistan phía bắc vốn có quy chế tự trị. Đối với chính quyền trung ương, không còn nghi ngờ gì; chỉ Bộ Dầu hỏa mới có thẩm quyền đàm phán với nước ngoài. Và qua trung gian một công ty nhà nước, Somo, Baghdad sẽ thu tiền rồi phân phối lại cho các địa phương tùy theo dân số. Như thế tỉnh Kurdistan sẽ nhận được 17% ngân sách, tức khoảng 17 tỉ USD trong năm nay.

Nhưng người Kurdistan ngày càng để lộ mong muốn độc lập và nghĩ rằng họ sẽ làm tốt hơn bằng cách đàm phán trực tiếp với các công ty nước ngoài. Hơn nữa Hiến pháp cũng cho họ quyền đó. Họ đã ký khoảng 30 hợp đồng với các công ty ngoại quốc nhiều ưu đãi hơn Baghdad. Vào cuối năm 2011, Công ty Exxon của Mỹ đã ký một hợp đồng khiến cho chính quyền trung ương tức giận. Như thế vẫn chưa hết. Baghdad cáo buộc người Kurdistan đã buôn lậu dầu hỏa bằng xe bồn qua Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Như thế mỗi ngày có 25.000 thùng dầu thô giá 30 USD/thùng đã vượt biên giới tây bắc. Thế nhưng đó là điều mà ai cũng biết, thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành một quy định về hải quan đối với các xe bồn.

Tóm lại, quan hệ giữa 2 sắc tộc đang rất căng thẳng. Càng nghiêm trọng hơn khi vào tháng 4 vừa qua chính quyền Kurdistan đột nhiên ngừng tham gia vào việc xuất khẩu dầu. Đáp lại, Baghdad đe dọa sẽ cắt nguồn tài chính. Nhưng thủ tướng người Shite  đang liều vì nếu làm thế sẽ có khả năng người Kurdistan ngã sang phía người Sunni và sức mạnh chính trị của cộng đồng Shite càng suy yếu hơn.

Biểu tượng của sự xung khắc đó chính là thành phố Kirkouk ở miền Bắc mà Baghdad và cộng đồng Kurde đang tranh giành chủ quyền. Người Kurdistan cố lôi kéo các công ty nước ngoài bằng mọi cách để chứng tỏ rằng họ kiểm soát được khu vực. Về phía chính quyền trung ương, họ đàm phán với các công ty như Exxon, BP và Total để hiện đại hóa hạ tầng. Công việc của những đối tác nước ngoài thật tinh tế. Có nên hợp tác với người Kurdistan "phóng khoáng" hơn nhưng có nguy cơ đoạn giao với Baghdad và những mỏ dầu phía nam? Hoặc bắt chước theo Shell, vẫn ngầm bắt tay với người Kurdistan nhưng đàm phán với Baghdad để đòi hỏi các điều kiện tốt hơn? Ai cũng muốn chộp lấy cơ hội tốt nhất. Cuộc săn tìm vàng đen chỉ mới bắt đầu

Minh Luân (theo L'Express)
.
.