Italia: Phanh phui đường dây trốn thuế tồn tại 13 năm

Thứ Sáu, 07/11/2014, 11:45

Hôm 21/10 vừa qua, Cảnh sát Tài chính Italia thông báo đã đưa ra một nhóm các nhà thầu bị nghi ngờ lập ra một hệ thống trốn thuế từ năm 2001 do hai nhà thầu Pierino Tulli và Maurizio Ladaga với mục đích làm giả các hóa đơn của những công ty trung gian thầu lại các thị trường thuộc lĩnh vực an ninh và dọn dẹp vệ sinh công nghiệp.

Một khi tiền đã thu vào và được gửi tại Saint-Marin và Luxembourg, các công ty này tuyên bố phá sản rồi những công ty mới lại được thành lập. Tổng cộng có 62 người bị tình nghi dính líu đến vụ việc với các mức độ khác nhau.

Cảnh sát cũng đã niêm phong những tài sản trị giá hơn 100 triệu euro, trong đó gồm hàng trăm bất động sản, 2 xí nghiệp cùng hàng trăm tài khoản ngân hàng. Trốn thuế là một vấn nạn mà Chính phủ Italia cố phòng chống. 

Theo một nghiên cứu năm 2012 của một viện tư nhân, năm 2011 nền kinh tế ngầm (buôn lậu, mafia hay thuê mướn địa ốc lậu) chiếm khoảng 35% GDP, tức 540 tỉ euro. Năm 2013, Cảnh sát Thuế vụ công bố đã khám phá hơn 56 tỉ euro tiền trốn thuế của năm 2012. Cảnh sát thu về được khoảng 13 tỉ euro vào năm 2013 và con số tương đương năm 2014.

Cuộc đấu tranh chống trốn thuế của Italia đã đưa ra được vài tên tuổi lớn, từ Dolce & Gabbana, Maradona đến Silvio Berlusconi, cựu Thủ tướng đã bị phạt tù nhưng chuyển sang lao động công ích trong vụ Mediaset.   

Đây không phải là lần đầu mà những scandal liên quan đến tham nhũng bùng phát tại Italia. Chúng ta không thể quên chiến dịch "Mani Pulite" (Bàn tay sạch) giai đọan 1992-1993 đã phơi bày mối liên hệ đặc biệt giữa văn phòng của các đảng phái chính trị với thế giới kinh tế tài chính.

Chiến dịch kết thúc bằng hàng chục vụ bắt giữ, 2 vụ tự tử, sự biến mất của các phong trào như Dân chủ Thiên Chúa giáo và đảng Xã hội, bù lại là sự hình thành chủ nghĩa Berlusconi. Nhưng theo nhà chính trị học Ilvo Diamanti, đặc điểm trong chiến dịch "Bàn tay sạch" dù sao vẫn là "nếu người ta lấy cắp, không phải là để bỏ vào túi riêng mà nhằm tài trợ cho đảng phái chính trị của họ".

Tất cả đều thay đổi khi ông Berlusconi bước vào thương trường. Điều này kèm theo nạn tham nhũng phổ biến vì chính ông ta chứng tỏ rằng "tất cả đều có thể mua được".

Vụ tham nhũng lớn nhất có dính líu trực tiếp đến ông Berlusconi: việc mua chuộc 2 quan tòa của Viện Kiểm sát Roma để có được một bản án có lợi cho ông ta trong vụ án Mondadori. Phải chờ 20 năm sau công lý mới được làm sáng tỏ. Và cuối cùng vào năm 2013, ông Berlusconi bị buộc phải bồi thường số tiền 500 triệu euro.

Còn có những vụ tham nhũng cổ điển liên quan đến công cuộc tái thiết sau vụ động đất tại Aquila năm 2009, hay vụ tham nhũng liên quan đến cuộc Triển lãm 2015 tại Milano. Và cuối cùng là vụ việc mới đây với những món tiền khổng lồ phải cần đến 3 năm điều tra.

Vấn đề là từ nhiều năm qua người dân Italia đã quá quen thuộc với hiện tượng đó. Quen thuộc đến mức họ ngày càng gộp chung giới chính trị gia và tham nhũng. Cuối cùng, nạn tham nhũng còn có một trở ngại đáng kể khác: đó là mẹ của mọi băng đảng mafia

Mê Linh (theo Nouvel Observateur)
.
.