JMB - một Taliban thứ hai ở Nam Á

Thứ Ba, 18/08/2009, 08:40
Từ 11h 30’ đến 12h trưa ngày 17/8/2005, gần 500 quả bom đã đồng loạt phát nổ tại 300 địa điểm khắp 50 thành phố lớn nhỏ của Bangladesh. Sân bay quốc tế, nhiều cơ quan chính quyền và một số khách sạn ở thủ đô Dhaka cũng trở thành mục tiêu của vụ đánh bom hàng loạt này.

Các vụ đánh bom đã giết hại 2 người và làm bị thương 50 người khác. Đến đầu giờ chiều cùng ngày, phong trào Hồi giáo cực đoan Jamaat-ul-Mujahedeen Bangladesh (JMB) lên tiếng nhận trách nhiệm đã gây ra vụ đánh bom hàng loạt kinh hoàng này.

Trước đó, JMB là thủ phạm đã gây ra các vụ đánh bom tại hai thành phố Bogra và Natore vào ngày 15/1/2005 làm chết 2 người và làm bị thương 70 người, các vụ đánh bom vào các lễ hội dân gian tại hai thành phố Sherpur và Jamalpur vào ngày 12/5/2005 làm chết 10 người và làm bị thương 25 người.

Giọt nước làm tràn ly gây phẫn nộ dư luận trong và ngoài Bangladesh, đó là việc JMB thực hiện một vụ đánh bom tự sát tại thủ đô Dhaka vào ngày 8/4/2006 giết hại 12 dân thường và làm bị thương 30 người khác.

Cũng cần nhắc thêm rằng, vào ngày 14/11/2005, JMB cũng đã giết hại dã man 2 quan tòa tại thành phố Jhalakathi ở miền Nam Bangladesh. Đó là chưa kể đến việc JMB còn gửi thư, nhắn tin đe dọa sát hại hàng ngàn viên chức chính phủ, nhân viên cảnh sát, sĩ quan quân đội, quan tòa và hàng trăm nhà báo, trí thức, các nhà hoạt động nhân quyền trên khắp lãnh thổ Bangladesh từ tháng 9/2004 đến tháng 12/2005.

Đây chính là những lý do khiến Chính phủ Bangladesh quyết định triển khai một chiến dịch an ninh quy mô nhằm trấn áp các hoạt động mang tính khủng bố của phong trào Jamaat-ul-Mujahedeen Bangladesh (JMB) vốn được dư luận quốc tế đánh giá là một phong trào Taliban thứ hai ở Nam Á.

JMB được bí mật thành lập tại thủ đô Dhaka của Bangladesh vào năm 1999 bởi một nhóm giáo sĩ Hồi giáo cực đoan do Shayhk Abdur Rahman cầm đầu với mục tiêu là hoạt động vũ trang quá khích nhằm lật đổ chính quyền dân cử hiện hành và thay vào đó là một nhà nước Hồi giáo cực đoan cai trị theo Luật Sharia.

Để đạt được mục tiêu này, JMB được tổ chức theo mô hình phong trào Taliban đang cầm quyền tại Afghanistan vào thời kỳ đó. Đây là lý do khiến JMB đã gửi một lượng lớn thành viên đến AfghanistanPakistan để được đào tạo tại các trường Hồi giáo do Taliban quản lý.

Bản thân Rahman cũng đã nhiều lần đến thủ đô Kabul của Afghanistan để tiếp xúc với các nhân vật chóp bu của Taliban, kể cả giáo chủ Mollah Omar. Ngoài ra, JMB còn có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda. Không những được huấn luyện nghiệp vụ khủng bố và đánh bom tự sát mà JMB còn được tài trợ về tài chính từ Al-Qaeda.

Về mặt nhân lực, JMB đã tuyển dụng được 100.000 thành viên chính thức và 100.000 cảm tình viên hoạt động khắp nơi. JMB đã thiết lập các cơ sở chính tại 12 tỉnh, thành phố của Bangladesh. Tại những nơi này, JMB mở các trường Hồi giáo và các trung tâm đào tạo, huấn luyện đội lốt các cơ sở giáo dục. Việc huấn luyện nghiệp vụ khủng bố và tác chiến đều dựa vào nội dung các cuộn băng video quay cảnh các chiến binh Al-Qaeda đang huấn luyện tại các căn cứ ở Afghanistan.

Thành viên JMB bị bắt giữ.

Đến năm 2001, với sự giúp đỡ của Taliban và Al-Qaeda, JMB còn thành lập thêm một đơn vị đặc biệt chuyên thực hiện các vụ đánh bom tự sát có tên gọi Lữ đoàn Shahid Nasirullah Arafat với số lượng thành viên đông đến 2.000 người gồm toàn thanh thiếu niên từ 15 đến 20 tuổi được chọn lựa từ các trường Hồi giáo do JMB quản lý.

Để thuận lợi trong việc điều hành các hoạt động tuyên truyền, vận động và vũ trang chống lại chính quyền, JMB được chia thành 4 đơn vị là Rajshahi, Khulna, Dhaka và Chittagong. Toàn bộ hoạt động của 4 đơn vị này đều đặt dưới sự chỉ huy của một hội đồng lãnh đạo tối cao do Rahman đứng đầu cùng với các thành viên là các giáo chủ Bangla Bhai (bạn thân của thủ lĩnh Taliban Mollah Omar), Siddiqul Islam, Mohammad Abdullah al-Galib.

Kể từ khi mới thành lập vào năm 1999, ngoài Taliban và Al-Qaeda, JMB còn có quan hệ với gần 20 tổ chức Hồi giáo cực đoan trên thế giới. Để duy trì hoạt động, ngoài việc tổ chức trộm cướp, bảo kê, thu thuế bất hợp pháp và buôn lậu, TMB còn được tài trợ về tài chính bởi nhiều cá nhân, tổ chức Hồi giáo cực đoan trong và ngoài Pakistan, các quốc gia vùng Vịnh như Kuwait, UAE, Bahrein, Arập Xêút và Libye. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ có gần 10 tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở đặt tại các quốc gia Hồi giáo và Arập cũng tài trợ cho các hoạt động khủng bố của JMB.

Lần đầu tiên, dư luận mới biết đến sự tồn tại của JMB là vào tháng 5/2001 khi Cảnh sát Bangladesh thu giữ nhiều tài liệu quan trọng liên quan đến cơ cấu tổ chức, mô hình hoạt động cũng như cương lĩnh hành động của TMB tại nhiều trường Hồi giáo do JMB quản lý ở thủ đô Dhaka và nhiều thành phố khác.

Cũng trong các vụ lục soát này, cảnh sát còn thu giữ 100 quả bom cháy và bắt giữ 8 thành viên JMB. Để trả thù, JMB tổ chức phục kích tấn công một xe tuần tra của cảnh sát ở ngoại ô thành phố Chittagong khiến 4 nhân viên cảnh sát thiệt mạng.

JMB thực hiện các vụ đánh bom khủng bố đầu tiên vào ngày 13/2/2003 tại 6 thành phố ở miền Bắc Bangladesh nhân lễ hội Ngày Ngôn ngữ quốc tế của mẹ.

Kể từ đó cho đến tháng 2/2006, JMB đã gây ra hàng trăm vụ đánh bom khủng bố, đánh bom tự sát, giết hại quan tòa, nhà báo, nhân viên cảnh sát mà kinh hoàng nhất là vụ đánh bom hàng loạt tại 300 địa điểm khắp 50 thành phố của Bangladesh vào ngày 17/8/2005.

Sau các vụ việc này, Chính phủ Bangladesh quyết định trấn áp thẳng tay các hoạt động mang tính chất khủng bố của JMB. Đến ngày 2/6/2006, sau nhiều tháng truy đuổi, cảnh sát đã bắt giữ được Rahman cùng 5 thành viên cấp cao của JMB đang lẩn trốn tại thành phố Sylhet ở miền Bắc Bangladesh.

Ngày 30/3/2007, Rahman cùng 5 thành viên cấp cao của JMB đã bị hành hình bằng cách treo cổ. Tuy vậy, JMB vẫn còn lén lút hoạt động tại các vùng nông thôn của Bangladesh để củng cố lực lượng dựa vào sự hỗ trợ tích cực của Al-Qaeda, Taliban và tổ chức Hồi giáo cực đoan Harkat-ul-Jihad  al Islami ở Pakistan

H.P. (theo Global Security)
.
.