JSOC và sứ mạng săn người

Thứ Bảy, 03/11/2012, 15:45

Trong cuốn sách “Nước Mỹ tuyệt mật: Sự nổi lên của nhà nước Mỹ an ninh mới", hai phóng viên tờ Washington Post là Dana Priest và William M. Arkin đã tiết lộ sự phát triển ngoạn mục của JSOC, hay Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt của quân đội Mỹ, với một số chi tiết chưa từng được phơi bày công khai trước đây. JSOC gia tăng sứ mạng thu thập thông tin tình báo phối hợp với những cuộc đột kích tiêu diệt phần tử khủng bố, phần lớn được tiến hành trên lãnh thổ Iraq và Afghanistan, cũng như tại một số quốc gia khác bao gồm Yemen, Pakistan, Somalia, Philippines, Nigeria và Syria.

Tổng thống Mỹ đặc biệt cho phép JSOC chọn đối tượng trong danh sách tiêu diệt để giết hơn là bắt sống. Giới phê bình cáo buộc sứ mạng săn người của JSOC thực chất là ám sát - một hành vi bị luật pháp nước Mỹ cấm.

Được thành lập năm 1980 và tái tổ chức trong vài năm sau, lực lượng JSOC phình ra từ 1.800 binh sĩ vào trước ngày 11/9/2001 đến khoảng 25.000 người như hiện nay - quân số dao động bất thường tùy theo sứ mạng được giao. JSOC có bộ phận tình báo riêng, phi đội máy bay không người lái (drone) riêng, thậm chí mạng vệ tinh chuyên dụng riêng. JSOC cũng có đội ngũ chuyên gia chống khủng bố mạng từng đánh sập nhiều trang web thánh chiến.

Bí mật tuyệt đối là một trong những đặc điểm của JSOC. Khi hợp tác làm việc với các cơ quan chính quyền dân sự hay sứ quán Mỹ ở hải ngoại, sĩ quan JSOC không bao giờ mặc quân phục. Khi tham gia chiến đấu, họ cũng không hề đeo lon hay mang bảng tên. Họ luôn giấu mình đằng sau nhiều tên gọi - Đội quân bí mật ở Bắc Virginia, Task Force Green, Task Force 11, Task Force 122. Bộ phận lãnh đạo JSOC cũng không bao giờ nói chuyện công khai. Nhiều sĩ quan an ninh quốc gia cho biết những chiến dịch của JSOC tương tự với chiến dịch của CIA, và tổ chức nhận lệnh trực tiếp từ Tổng thống hay Bộ trưởng Quốc phòng.

Dưới thời Tổng thống George W. Bush, những chiến dịch của JSOC hiếm khi được báo cáo bởi vì chúng được coi là "những hoạt động quân sự thông thường" không đòi hỏi có sự khai báo như thế. Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh những sứ mạng nhạy cảm của JSOC chỉ được thông báo đến Quốc hội có chọn lọc.

Đội JSOC tham gia giải cứu (nhưng thất bại) 52 con tin người Mỹ bị bắt ở sứ quán Mỹ tại Tehran ngày 24/4/1980.

Lực lượng chết người

Tính bí mật của JSOC cũng khiến cho nhiều sĩ quan chỉ huy quân đội thông thường hoài nghi, do đó nó hiếm khi được sử dụng trong những cuộc xung đột. Chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld đã thổi sinh khí mới vào JSOC. Nòng cốt của JSOC bao gồm Delta Force của quân đội, SEAL Team 6 của hải quân, Đội chiến thuật đặc biệt 24 của không quân và Trung đoàn bay thực hiện chiến dịch đặc biệt 160 cùng với Trung đoàn biệt động 75 của quân đội Mỹ.

Ở Iraq và Afghanistan, hoạt động chống Al-Qaeda của JSOC không cần đến giấy phép bổ sung. Tại các quốc gia khác - trong đó bao gồm Algeria, Iran, Malaysia, Mali, Nigeria, Pakistan, Philippines, Somalia và Syria - lực lượng JSOC buộc phải có sự phê chuẩn chiến thuật từ quốc gia liên quan hay ít nhất là sự chấp thuận của giới quan chức cao cấp Mỹ. Ví dụ tại Philippines, JSOC có thể sử dụng tâm lý chiến để gây xáo trộn hàng ngũ quân địch hay gài bẫy điệp viên Al-Qaeda, song nó cần sự phê chuẩn của Nhà Trắng. Để tấn công một số mục tiêu ở Somalia cũng cần sự đồng ý của ít nhất là Bộ Quốc phòng Mỹ, trong khi chiến dịch tấn công ở Pakistan và Syria đòi hỏi sự chấp thuận từ tổng thống.

Sự tin cậy của quân phiến loạn Iraq vào công nghệ hiện đại cũng mang lại thuận lợi khác cho JSOC và các đối tác của tổ chức, nhất là Cơ quan An ninh quốc gia (NSA). NSA rất giỏi trong việc định vị các tín hiệu điện tử ở Iraq. Một phiên bản mới của thiết bị cảm biến gọi là que dò mạch điện tử (EDR) mang theo bên người giúp binh sĩ đặc nhiệm dò được vị trí của chiếc điện thoại di động đặc biệt nào đó đang hoạt động. EDR sẽ phát ra tiếng "bíp" khi binh sĩ tiến gần đến đối tượng đang sử dụng điện thoại di động mục tiêu. Giết kẻ thù là việc dễ nhưng tìm ra vị trí của kẻ thù là phần khó nhất, giới chỉ huy của JSOC nhận định. 

Nhưng nhờ Roy Apseloff, Giám đốc Trung tâm Khai thác truyền thông quốc gia Mỹ (NMEC) - đặt trụ sở tại Fairfax chuyên phân tích các tài liệu mà quân đội và cộng đồng tình báo thu giữ được - mà bộ sưu tập vũ khí tình báo của JSOC được hiện đại hóa đáng kể.  Roy Apseloff đề nghị cung cấp cho Phó giám đốc phụ trách chiến dịch của JSOC, Chuẩn tướng Stanley A. McChrystal một nhóm nhỏ của ông giúp nghiên cứu những chiến lợi phẩm tịch thu được trong những cuộc đột kích của lực lượng đặc nhiệm.

Đội của Apseloff tải xuống dữ liệu từ các thiết bị di động lưu trữ dữ liệu (USB), điện thoại di động và máy tính bị khóa hay bị hỏng hóc để dò tìm những cái tên, thông điệp bí mật và hình ảnh. Sau đó đội sẽ xử lý và lưu trữ dữ liệu, liên kết nó đến thông tin khác giúp các chuyên gia phân tích của JSOC tìm ra không chỉ một phần tử khủng bố mà toàn bộ mạng lưới của chúng.

Hình ảnh từ một video được quân đội Mỹ tiết lộ năm 2006 cho thấy người đàn ông được tin là Abu Musabal-Zaqawi, thủ lĩnh Al-Qaeda ở Iraq.

Chuyên nghiệp hóa thẩm vấn

Thách thức khác mà JSOC phải đối mặt là con người: đội ngũ nhân viên thẩm vấn được huấn luyện nghèo nàn có ít thông tin về tù nhân và không biết phải đặt những câu hỏi gì hay hỏi như thế nào cho hiệu quả. Tệ hơn nữa là một số thành viên của Task Force 121 đã tra tấn tù nhân. Ngay trước khi những bức ảnh về nhà tù Abu Ghraib của quân đội Mỹ bị phơi bày vào năm 2004, một báo cáo mật đã cảnh báo đội ngũ sĩ quan JSOC đang tham gia ngược đãi tù nhân hay giấu họ trong những trại giam bí mật.

Người của JSOC cũng giam cầm cả mẹ, vợ và con gái của đối tượng khi lục soát tìm kiếm mà không có người này ở nhà. Báo cáo cảnh báo những vụ giam giữ người như thế này cũng như chiến dịch tầm soát quy mô khác là phản tác dụng trong cuộc chiến ở Iraq. Một cuộc điều tra kéo dài 4 tháng vào  năm 2004 đối với hệ thống nhà tù của JSOC ở Iraq cho thấy đội ngũ sĩ quan thẩm vấn chỉ cung cấp cho tù nhân bánh mì và nước uống cho suốt 17 ngày.

Những tù nhân khác bị nhốt trong xà lim nhỏ đến mức họ không thể đứng hay nằm, và còn bị tra tấn bằng thứ âm nhạc điếc tai nhằm phá rối giấc ngủ. Còn một số tù nhân khác bị lột trần truồng, xối nước lạnh cóng rồi bị tra khảo trong những căn phòng cực kỳ oi bức hay ngoài trời giá rét kinh khủng. Cuối cùng, 34 binh sĩ đặc nhiệm của JSOC đã bị kỷ luật.

McChrystal ra lệnh cho sĩ quan chỉ huy tình báo của ông là Michael Flynn chuyên nghiệp hóa hệ thống thẩm vấn. Mùa hè năm 2005, các chuyên gia khai thác USB, máy vi tính, điện thoại di động, tài liệu để sử dụng trong những cuộc thẩm vấn. Bản đồ giấy được lột khỏi những bức tường để thay vào đó là những màn hình phẳng và bản đồ vi tính hóa cực kỳ hiện đại. Những tù nhân chịu hợp tác sẽ được hướng dẫn sử dụng chuột vi tính giúp xác định những mục tiêu khủng bố tiềm ẩn. JSOC sử dụng những quy định trong Cẩm nang chiến trường của quân đội (AFM) để thẩm vấn tù nhân.

Tuy nhiên, sĩ quan thẩm vấn của JSOC còn được phép biệt giam  tù nhân - với sự cho phép của thượng cấp hay trong một số trường hợp từ nhóm luật sư cố vấn của Bộ Quốc phòng Mỹ - trong vòng 90 ngày trước khi chuyển sang trại giam quân đội bình thường. Hệ thống thẩm vấn mới cũng bao gồm một nhóm sĩ quan Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và nhân viên tòa án có mặt để thu thập bằng chứng cần thiết cho phiên tòa xét xử ở Tòa án Hình sự trung ương Iraq ở Baghdad. Từ năm 2005 đến 2007, hai nhóm này đã gửi hơn 2.000 cá nhân đến tòa án xét xử.

Đầu năm 2006, bằng cách sử dụng băng thông rộng và theo dõi thường xuyên, JSOC đã tiến hành một loạt những cuộc đột kích, như là chiến dịch Arcadia thu thập và phân tích hình ảnh video dài 662 giờ thực hiện trong 17 ngày. Chiến dịch bắt giữ được 92 đĩa CD và nhiều thùng chứa tài liệu, từ đó dẫn đến một loạt những cuộc đột kích khác nhằm vào 14 địa điểm và thu giữ nhiều ổ cứng máy tính, USB đồng thời phát hiện một tầng hầm chứa 794 đĩa CD, trong đó bao gồm nhiều bản sao chiến dịch tuyên truyền tinh vi của mạng lưới Al-Qaeda. Chiến dịch Arcadia, bắt đầu triển khai vào ngày 7/6/2006, tiêu diệt được Abu Musab al-Zarqawi, thủ lĩnh Al-Qaeda ở Iraq.

Các phóng viên đang tác nghiệp tại nơi Zarqawi bị máy bay Mỹ giết chết.

Sứ mạng phi quân sự

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng giao cho JSOC nhiệm vụ phi quân sự, bao gồm sứ mạng theo dõi nguồn tài chính từ các ngân hàng quốc tế để tài trợ cho các mạng lưới khủng bố. Đồng thời, JSOC cũng nhúng tay vào những "chiến dịch tâm lý" được đổi cách gọi là những "chiến dịch thông tin quân sự" để nghe có vẻ nhẹ nhàng hơn. Hàng ngày, JSOC đều gửi các nhóm nhỏ binh sĩ mặc thường phục đến các sứ quán Mỹ để giúp những nơi này tiến hành một số chiến dịch thu thập thông tin tình báo.

Sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Obama nhanh chóng phối hợp với JSOC, sử dụng tổ chức này nhiều hơn người tiền nhiệm. Ví dụ như năm 2010, Obama bí mật ra lệnh cho binh sĩ JSOC ám sát những thủ lĩnh Al-Qaeda ở Bán đảo Arập. Tình hình bất ổn ở thế giới Arập cũng buộc Nhà Trắng trì hoãn một số sứ mạng của JSOC. Khả năng giết người chuyên nghiệp của JSOC bộc lộ rõ qua số người chết. Năm 2008, chỉ riêng ở Afghanistan, binh sĩ của JSOC tấn công cả thảy 550 mục tiêu, giết chết 1.000 người.

Năm 2009, binh sĩ đặc nhiệm triển khai 464 chiến dịch tiêu diệt từ 400 đến 500 chiến binh Hồi giáo. Tại Iraq, JSOC thực hiện 300 cuộc đột kích chỉ trong vòng một tháng. Hiện nay trên 50% binh sĩ Delta Force của JSOC được tặng thưởng huy chương Purple Hearts. Nhưng, mỗi một cuộc tấn công của JSOC đều làm bị thương hay giết chết không ít dân thường, hoặc phá hủy nhà cửa hay phương kế sinh nhai của một số người - tất cả đã làm lộ ra những hiệu quả ngược khủng khiếp gây bất bình tràn lan tại nhiều quốc gia.

Tỉ lệ thành công của JSOC về tấn công đúng nơi đúng chỗ chỉ là 50%, theo tiết  lộ của hai sĩ quan chỉ huy của tổ chức. Còn McChrystal trả lời trong một cuộc phỏng vấn: "Đôi khi những hành động của chúng tôi có tác dụng ngược"

Trang Thuần - Di An (tổng hợp)
.
.