KACH: Tổ chức khủng bố khét tiếng của người Israel

Thứ Sáu, 03/08/2007, 11:30
Ngày 17/8/2005, Asher Weissgan, 38 tuổi, một tài xế người Israel, đánh cắp súng tiểu liên của một cảnh sát rồi bắn chết 4 người, làm bị thương 7 người tại Bờ Tây sông Jordan.

Tất cả 11 nạn nhân đều là công nhân Palestine được Weissgan chở đến làm việc  tại công trường xây dựng khu định cư Shiloh của người Israel. Điều tra của Cảnh sát Israel cho biết Weissgan là thành viên cốt cán trong tổ chức Thanh gươm của David, một nhánh của tổ chức khủng bố KACH khét tiếng cực đoan của người Israel ở Bờ Tây.

Trong thời gian bị giam giữ tại nhà tù  Ayalon ở thành phố Tel-Aviv, Weissgan bất ngờ qua đời vào ngày 22/12/2006. Nguyên nhân cái chết của Weissgan được xác định là do tự tử nhưng nhiều người cho rằng, các thành viên KACH đã tổ chức giết hại viên tài xế này để bịt đầu mối.

Trước đó vào ngày 4/8/2005, Eden Natan-Zada, 24 tuổi, lính dự bị của quân đội Israel, đã bất ngờ xả súng vào một nhóm các nhà hoạt động nhân quyền người Israel gốc Arập và cả người nước ngoài biểu tình tại thành phố Shfaram ở miền Bắc Israel, làm 4 người chết và 11 người bị thương để phản đối hành động đàn áp người Palestine của Chính phủ Ariel Sharon. 

Thế nhưng, chính vụ thảm sát người Hồi giáo Palestine tại đền thờ Abraham ở thành phố Hebron vào ngày 15/2/1994 của tổ chức KACH mới bị cộng đồng quốc tế lên án và liệt vào danh sách tổ chức khủng bố quốc tế cần phải trấn áp.

Vào lúc 5 giờ ngày 25/2/1994, trong lúc 800 người Hồi giáo Palestine đang cầu nguyện bên trong đền thờ Abraham thì Baruch Goldstein, 38 tuổi, một nhà vật lý làm việc tại Bộ Quốc phòng Israel, dùng súng tiểu liên bắn xối xả vào đám đông những người cầu nguyện làm chết 29 người và làm bị thương 125 người khác.

Thế nhưng, Goldstein đã phải trả giá cho hành vi tội ác của mình khi bị những người sống sót vây bắt và đánh đập đến chết. Theo điều tra của nhà chức trách Israel, Goldstein chính là kẻ cầm đầu phân nhánh của tổ chức KACH tại thành phố Hebron.

Trong khi dư luận còn chưa hết bàng hoàng về vụ thảm sát tại đền thờ Abraham thì chỉ một năm sau lại tiếp tục xảy ra vụ giết hại Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin vào ngày 4/11/1995. Điều gây sốc cho mọi người là thủ phạm không phải là người Palestine mà là một công dân Israel tên Yigal Amir, thành viên của tổ chức KACH tại thành phố Jerusalem.

Trước khi trở thành một tổ chức khủng bố khét tiếng, KACH là một tổ chức chính trị - dân tộc cực đoan được thành lập vào năm 1997 bởi giáo sĩ Do Thái giáo Meir Kahane. Về nhân thân, Meir Kahane sinh năm 1932 tại thành phố New York, Mỹ. Là một người có tư tưởng Do Thái cực đoan, năm 1968, Kahane sáng lập ra tổ chức Phong trào bảo vệ người Do Thái (JDL) chuyên tấn công vào cộng đồng dân cư người Hồi giáo, nhất là những người Hồi giáo gốc Arập sinh sống trên lãnh thổ Mỹ.

Thông qua hoạt động của JDL, Kahane đi khắp nước Mỹ để thuyết giảng cho chủ nghĩa một quốc gia Israel hùng mạnh không có người Arập ở Trung Đông, còn được gọi là chủ nghĩa Kahane. Bị buộc tội là mầm mống gây bất ổn cho xã hội Mỹ, năm 1971, Kahane bị trục xuất khỏi lãnh thổ Mỹ.

Năm 1973, trở về Israel, tham gia bầu cử Quốc hội, Kahane trúng cử đại biểu Quốc hội với tư cách là đại diện của tổ chức KACH. Thừa thắng, KACH tiến hành hàng loạt các chiến dịch bài người Arập và cả người Palestine một cách cực đoan khiến Chính phủ Israel phải lên án. Việc để cho một tổ chức dân tộc cực đoan phát triển mạnh mẽ đã khiến xã hội Israel bị xáo trộn, bởi sự ra đời của nhiều tổ chức dân tộc cực đoan khác lấy tư tưởng bài xích người Arập của KACH làm cương lĩnh như tổ chức Thanh gươm David, Trấn áp những kẻ phản bội...

Năm 1980, Kahane bị bãi miễn chức vụ đại biểu Quốc hội và bị tuyên phạt 6 tháng tù giam về tội âm mưu tổ chức tấn công vào ngôi đền Mount của người Hồi giáo Arập. Năm 1984, Kahane lại ra tranh cử đại biểu Quốc hội, đại diện cho tổ chức KACH và lại trúng cử.

Trước nguy cơ phát triển của các phong trào dân tộc cực đoan tại Israel dựa theo mô hình của KACH, Quốc hội Israel đã biểu quyết một đạo luật cấm các tổ chức chính trị có tư tưởng dân tộc cực đoan tham gia chính trường. Với sự ra đời của đạo luật này, Kahane mất quyền tranh cử đại biểu tại kỳ bầu cử Quốc hội năm 1988.

Trong khi đó, do bị giám sát chặt chẽ nên tổ chức KACH bớt hô hào bài xích người Arập, nhưng lại tìm cách phát triển các chi nhánh ở hầu hết các thành phố lớn nhỏ của Israel cho đến khi Kahane bị ám sát bởi một người Arập, tên là El Sayyid Nosair vào ngày 5/11/1990 khi ông này đến thành phố New York tham dự một Hội nghị Do Thái giáo quốc tế.

Tổ chức KACH cho rằng, người Arập và người Palestine phải chịu trách nhiệm về cái chết của Kahane, nên phát động nhiều cuộc trả thù đẫm máu vào người Arập và người Palestine, kể cả những người Israel gốc Arập. Tại Mỹ, Anh và Canada, tổ chức KACH cũng tổ chức nhiều vụ tấn công nhắm vào cộng đồng dân cư người Hồi giáo gốc Arập.

Đỉnh điểm của các chiến dịch trả thù này là vụ thảm sát dân thường tại đền thờ Abraham vào ngày 25/2/1994 gây ra bởi Baruch Goldstein, kẻ đứng đầu một phân nhánh của tổ chức KACH tại thành phố Hebron. Sau sự việc nghiêm trọng này, tổ chức KACH rút lui vào hoạt động bí mật do bị buộc tội hoạt động khủng bố và bị liệt vào danh sách tổ chức khủng bố quốc tế.

Tuy nhiên, hành động mạnh tay này của Chính phủ Israel cũng như cộng đồng quốc tế vẫn không ngăn được việc một thành viên của tổ chức KACH tên Yigal Amir bắn chết Thủ tướng Yitzhak Rabin vào ngày 4/11/1995.

Tuy bị nghiêm cấm và lên án nhưng tổ chức KACH vẫn bí mật hoạt động với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức dân tộc cực đoan khác. Hậu quả là đã xảy ra các vụ tấn công giết hại người Palestine và người Arập mà mới nhất là vụ Asher Weissgan (được đề cập ở phần đầu) vào ngày 17/8/2005

Hoàng Phú (Theo Global Security)
.
.