Kẻ đánh bom tự sát từng được bồi thường đến 1 triệu bảng Anh

Thứ Sáu, 03/03/2017, 19:45
Khi điều tra vụ đánh bom tự sát gần đây nhất ở Iraq, giới chức Anh và Iraq phát hiện đây là một chiến binh IS người Anh, từng là một cựu tù nhân Guantanamo. Trớ trêu thay, chính y đã được Chính phủ Anh bồi thường đến 1 triệu bảng Anh.

Hồ sơ ngồi tù Guantanamo của Al-Harith từng được WikiLeaks công bố trực tuyến - có đề cập đến việc đi du lịch sang Sudan của y với Abu Bakr, một chiến binh al-Qaeda khét tiếng.

Jamal al-Harith, một kẻ cải đạo Hồi có tên khai sinh là Ronald Fiddler, đã kích nổ một quả bom xe hơi tại một căn cứ quân sự Iraq gần Mosul. Hắn được trả tự do khỏi trại giam của Mỹ tại Guantanamo và chiến thắng trong việc đòi bồi thường sau khi "tố" các mật vụ Anh im lặng đồng lõa trong vụ ngược đãi y.

Al-Harith được trả tự do sau nỗ lực vận động hậu trường từ Chính phủ Công đảng của ông Tony Blair. Khi gia nhập đạo quân thánh chiến, hắn mang tên Abu-Zakariya al-Britani, từ Thổ Nhĩ Kỳ thâm nhập vào Syria năm 2014 để gia nhập lực lượng IS tại Iraq. các nhà điều tra Anh cũng đặt ra khả năng số tiền trước đây họ bồi thường cho Al-Harith - lấy từ tiền thuế của người dân Anh - đã được y cung cấp cho IS!

Leon Jameson, 53 tuổi, anh trai của Al-Harith, nói với tờ The Times rằng, tiếc cho em trai đã quá lãng phí cuộc đời: "Tôi nghĩ bình thường nó không dám làm chuyện sai trái. Nhưng nếu nó gia nhập lực lượng của những kẻ cực đoan thì ai cũng biết chuyện gì sẽ đến. Tôi xấu hổ vì quyết định của nó. Phải chi nó xin tôi một lời khuyên trước khi hành động thì đâu đến nỗi".

Thời trẻ, Ronald Fiddler là người đam mê thể thao, từ bóng đá, bóng rổ, bóng bàn cho đến võ karate. Trong thời gian học lớp 6 ở trường, Ronald Fiddler đột ngột chuyển sang đạo Hồi sau khi gặp gỡ một số người bạn Hồi giáo hồi thập niên 1990. Người anh Jameson chỉ biết được điều này khi em trai mua một quyển kinh Côran về nhà. Ban đầu tất cả mọi người còn tỏ vẻ ủng hộ vì thấy chẳng có gì sai trái.

Hồi đầu tuần, tổ chức IS công bố bức ảnh Al-Harith đang ngồi cười toe toét bên trong chiếc xe bom, với dây điện và một nút kích hoạt bom trên nền ảnh. Một tuyên bố tung ra sau đó của nhóm khủng bố IS cho biết: "Người anh em 'xin tử vì đạo' Abu Zakariya al-Britani - có lẽ Thánh Allah đã đón nhận anh ấy - đã kích hoạt chiếc xe chứa bom của mình tại một tổng hành dinh quân đội Rafidhi, gây tổn thất nặng cho binh sĩ Rafidhi trong làng Tal Kisum, hướng tây nam Mosul (Iraq). "Rafidha" là thuật ngữ lăng mạ mà IS nói về người Hồi giáo dòng Shiite, bị IS coi như dị giáo.

Là con trai trong gia đình dân nhập cư gốc Jamaica, Ronald Fiddler từng có nghề thiết kế trang web khá ổn định. Theo trang web cũ của Cage - một tổ chức quyền con người - mang tên Cageprisoners, Ronald Fiddler từng học tiếng Ả rập 4 năm và dạy tiếng Anh tại trường Đại học Khartoum ở Sudan. Hắn còn học nghề y tá, kinh doanh máy vi tính, từng làm quản trị viên cho một trường Hồi giáo ở Manchester.

Năm 2001, Ronald Fiddler du lịch tới thành phố Quetta (Pakistan) để "nghỉ hè". Lúc Mỹ tấn công Afghanistan, Fiddler tìm cách vào Iran nhưng bị Taliban bắt giam vì nghi ngờ là gián điệp Anh. Khi đặc nhiệm Mỹ thấy anh ta trong trại giam của Taliban, họ đánh giá Fiddler là "phần tử đem lại nguy cơ cao đối với nước Mỹ" do có lẽ "tên này có tham gia các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ". Hồ sơ ngồi tù Guantanamo của Al-Harith từng được WikiLeaks công bố trực tuyến - có đề cập đến việc đi du lịch sang Sudan của y với Abu Bakr, một chiến binh al-Qaeda khét tiếng.

Ronald Fiddler bị lính Mỹ bắt tại Pakistan như một nghi can cảm tình viên Taliban, trước khi bị đưa sang Guantanamo (Cuba) một năm sau đó. Vào thời điểm y được trả tự do, Bộ trưởng Nội vụ Anh lúc đó David Blunkett nói: "Những ai biết hối cải … sẽ thật sự không còn là mối đe dọa cho sự an toàn của người Anh".

Cay đắng thay, 13 năm sau, IS gọi y là "thánh tử vì đạo" cùng với việc công bố bức ảnh của y. Người vợ Shukee Begum của Al-Harith từng sang tận Syria cùng với 5 con của họ để tìm cách thuyết phục chồng cùng quay về Anh nhưng thất bại. Rồi cô ta bị bắt làm con tin trước khi nhanh trí tìm đường trốn thoát.

Sau khi được phóng thích mà không có tội danh, ngày 9-3-2004, Al-Harith quay về Anh đoàn tụ với gia đình. Cùng với 3 cựu tù nhân Guantanamo khác hợp thành nhóm Tipton 3, họ đệ đơn kiện Ronald Rumsfeld, khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Nỗ lực này thất bại, trong khi vụ kiện Chính phủ Anh của Al-Harith thành công hơn, với 1 triệu bảng tiền bồi thường, đổi lại Al-Harith đồng ý không nói về chuyện ở Guantanamo.

4 chiến binh gốc Anh khác “tử vì đạo” cho IS

1. Mohammed Emwazi / Jihadi John

Emzawi được biết đã tử trận trong một cuộc không kích vào tháng 1-2015. Về sau, IS công bố một đoạn băng tổ chức tang lễ cho chiến binh này, IS gọi là Abu Muharib al-Muhajir. Emwazi khiến cả thế giới bị sốc khi xuất hiện trong video tháng 8-2014, trong đó y chửi rủa phương Tây và chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley.

Y còn tiếp tục xuất hiện trong vô số các video khác của IS, kể cả những video quay cảnh giết nhà báo Mỹ Steven Sotloff và các tình nguyện viên nhân đạo Anh David Haines và Alan Henning.

 2. Reyaad Khan

Khan 20 tuổi khi hắn có mặt trong video tuyên truyền của IS tựa đề "Không còn sự sống nếu không có thánh chiến" hồi tháng 6-2016 cùng 2 người gốc Anh khác kêu gọi người dân phương Tây tham gia thánh chiến. Khan là người gốc Cardiff, tham gia trong lực lượng IS tại Syria từ cuối 2013. Thấy con đeo súng trường Kalashnikov chéo vai, mẹ của Khan khóc lóc cho rằng con trai duy nhất của bà đã bị IS tẩy não.

Ngày 21-8-2015, trong lúc đi trên xe quân sự tại Raqqah (Syria), y bị máy bay điều khiển từ xa RAF bắn chết - theo xác nhận của ông David Cameron  (Thủ tướng Anh lúc đó).

3. Ruhul Amin

Amin (26 tuổi) - được xuất hiện trong video tuyển binh sĩ cho IS dài 13 phút cùng với Reyaad Khan - đeo kính râm và đội khăn quấn trên đầu.  Y là tên khoác lác, chẳng hạn trên chương trình Good Morning Britain của đài truyền hình ITV hồi tháng 7-2014, y khoe đã tham gia vài trận chiến ở Syria. Y thiệt mạng trong cùng trận không kích khiến Khan tử vong.

4. Junaid Hussain

Chuyên gia máy vi tính kiêm hacker Hussain là chiến binh quan trọng của IS trước khi bị máy bay không người lái phục kích và giết chết ngày 24-8-2016. Mới 21 tuổi mà Hussain đã trở thành nhân vật "số 3" trong danh sách chiến binh IS cần bị tiêu diệt của Lầu Năm Góc. Gốc gác Birmingham, Hussain bỏ Anh sang Syria vào năm 2013.

Tháng 6-2016, y có liên quan đến âm mưu tấn công lễ diễu hành nhân ngày lực lượng vũ trang Anh ở Nam London. Kế hoạch làm nổ nồi áp suất - có thể gây thương vong lớn cho binh sĩ và người qua đường - đã bị phá hỏng sau khi Hussain tuyển dụng nhà điều tra mặc thường phục của nhật báo Sun.

Trước đó, tháng 6-2012, y bị giam 6 tháng vì tạo cuộc báo động giả đến đường dây nóng chống khủng bố và phát hành quyển sổ địa chỉ của cựu Thủ tướng Tony Blair.

Lê Đào (theo The Telegraph)
.
.