Kẻ nào khủng bố Đại sứ quán Mỹ tại Yemen?

Thứ Năm, 09/10/2008, 11:15
Trong vụ tấn công khủng bố Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Sanaa hôm 17/9, mặc dù nhà chức trách Yemen đã bắt được Abu al-Ghaith Al-Yamani, thủ lĩnh của Nhóm vũ trang Hồi giáo Jihad có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, tổ chức đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công khủng bố này, nhưng hiện cơ quan chức năng Yemen vẫn chưa đưa ra được những bằng chứng xác thực.

Tấn công vào các quyền lợi của Mỹ và phương Tây

Theo giới truyền thông Yemen, lực lượng cảnh sát và an ninh đã bắt được thủ lĩnh Abu al-Ghaith Al-Yamani cùng 5 thành viên của Nhóm vũ trang Hồi giáo Jihad (Islamic Jihad) ngay sau khi chúng nhận trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố Đại sứ quán Mỹ hôm 17/9 khiến 19 người chết và một số người khác bị thương.

Abu al-Ghaith Al-Yamani và người của chúng đã lên kế hoạch tấn công các đại sứ quán Arập Xêút, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất. Lực lượng an ninh cho biết, hiện đang có một mạng lưới đa dạng và phức hợp với nhiều nhánh khủng bố đang hoạt động tại Yemen.

Trước khi bắt Abu al-Ghaith l-Yamani và người của Nhóm vũ trang Hồi giáo Jihad, Cảnh sát Yemen đã bắt giữ khoảng 25 phần tử tình nghi liên quan đến vụ tấn công kể trên.

Do đó, nhiều người cho rằng, mục đích nhận trách nhiệm của Nhóm vũ trang Hồi giáo Jihad là nhằm gây thanh thế, khẳng định tên tuổi và gây áp lực để nhà chức trách Yemen trả tự do cho các tay súng của họ đang bị giam giữ.

Trước đó 2 tháng (tháng 7), lực lượng an ninh Yemen cũng mới tiêu diệt 5 nghi can Al-Qaeda và bắt hơn 30 thành viên Al-Qaeda khác.

Washington đã gửi một đội điều tra đặc biệt tới Yemen để giúp chính quyền địa phương làm rõ vụ tấn công khủng bố hôm 17/9. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, trên những quả bom đã phát nổ có ký hiệu của Al-Qaeda, nhưng Mỹ vẫn chưa khẳng định được tổ chức nào đứng sau vụ đánh bom khủng bố.

Những kẻ khủng bố đã lên kế hoạch khá tỉ mỉ trước khi tấn công Đại sứ quán Mỹ. Chúng đã mặc trang phục quân đội, đi trên những chiếc ôtô giống với xe của lực lượng an ninh Yemen. Bọn khủng bố đã nổ súng vào lực lượng bảo vệ Đại sứ quán Mỹ sau khi họ từ chối mở cổng.

Vụ tấn công khủng bố này là vụ thứ hai nhằm vào các cơ sở của Mỹ tại Yemen trong khoảng 6 tháng qua. Trước đó, vào tháng 3/2008, Đại sứ quán Mỹ tại Yemen cũng đã bị tấn công.

Kể từ năm 2003, Đại sứ quán Mỹ ở Yemen đã bị tấn công 4 lần. Năm 2000, tàu khu trục USS Cole đậu ngoài khơi Yemen đã bất ngờ trở thành mục tiêu của bọn khủng bố, khiến 17 thủy thủ Mỹ thiệt mạng. Mỹ coi Yemen là đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng nước này cũng là căn cứ địa của các nhóm Al-Qaeda.

Đã có 10 người châu Âu và 4 người Yemen chết trong các vụ tấn công nhằm vào khách du lịch trong 15 tháng qua. Tính đến nay cơ quan chức năng Yemen đã bắt giữ hơn 30 nghi can, nhưng vẫn chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng bởi lời khai của chúng không khớp với những gì thu thập được tại hiện trường, cũng như các tài liệu điều tra khác. Vụ khủng bố Đại sứ quán Mỹ hôm 17-9 cũng thể hiện một sự leo thang trong các vụ tấn công nhằm vào những mục tiêu của Mỹ và phương Tây tại Yemen. Đồng thời cũng chứng tỏ “những kẻ tử vì đạo” đang phát triển “kỹ năng” trong cuộc chiến chống Mỹ.

“Mất bò mới lo làm chuồng”?

Ngay sau khi Đại sứ quán Mỹ bị tấn công và một số đại sứ quán khác bị đe dọa, an ninh ở thủ đô Sanaa đã được tăng cường. Bộ Nội vụ Yemen đã bố trí nhiều đơn vị cảnh sát và an ninh giám sát, tuần tra tại những đại sứ quán kể trên. Đây là lực lượng có nhiệm vụ ứng cứu và ngăn chặn những vụ tấn công khủng bố có thể xảy ra trong thời gian tới.

Những vụ tấn công, khủng bố nhằm vào các lợi ích của Mỹ và phương Tây ở thủ đô Sanaa đã buộc Bộ Ngoại giao Mỹ phải di tản toàn bộ nhân viên sứ quán không cần thiết ra khỏi Yemen và những người này vừa mới bắt đầu quay trở lại làm việc từ cuối tháng 8/2008. Các văn phòng công ty dầu khí của Mỹ và phương Tây cũng thường xuyên bị đe dọa khủng bố khiến mọi người không an tâm.

Cách đây 2 năm (15/9/2006), Yemen đã chặn đứng 2 vụ tấn công vào cơ sở lọc và chứa dầu. 4 phần tử khủng bố đã bị tiêu diệt khi định lao những chiếc ôtô chở đầy bom vào 2 cơ sở lọc và chứa dầu nằm ở Mareb, một tỉnh phía đông bắc và Haramut, một tỉnh có cảng biển Dubba. Theo thống kê, Yemen đã trở thành “Đệ nhất quốc gia súng đạn” bởi nước này đang sở hữu trên 60 triệu khẩu súng các loại.

Bạo lực ở Yemen đã tăng lên kể từ tháng 2/2006 sau khi 23 phạm nhân đào tẩu thành công từ một nhà tù an ninh được bảo vệ nghiêm ngặt. Tổng thống Li Abdullah Saleh đã ra lệnh điều tra nội bộ, nhất là trong lực lượng an ninh và cảnh sát để tìm ra kẻ tiếp tay cho những phạm nhân bỏ trốn.

Điều đáng nói là nơi giam giữ 23 phạm nhân nằm trong sự kiểm soát của Lực lượng tình báo quân đội và quản lý của Cục An ninh chính trị. Mỹ đã treo giải thưởng trị giá 5 triệu USD cho ai bắt được Jamal al-Badawi và Fawaz al-Rabihi, 2 tội phạm chính, nguy hiểm nhất trong số 23 tên đã vượt ngục

Nguyễn Diệu Hương Ly (tổng hợp)
.
.