Kenya: Bắt cóc tống tiền đe dọa ngành du lịch

Thứ Năm, 27/10/2011, 11:30

Đảo Lamu, một trong những khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng của quốc gia Đông Phi Kenya, đang rơi vào tình trạng khốn khó do vụ các băng đảng tội phạm Somalia bắt cóc 2 du khách phương Tây mới đây - một phụ nữ Pháp lớn tuổi tàn tật và một du khách Anh.

Du khách người Anh David Tebbutt bị giết, còn người vợ tên là Judith của anh bị bắt cóc vào tháng 9 vừa qua tại khu nghỉ dưỡng ở Kiwayu gần Lamu, cách thủ đô Nairobi của Kenya 503km về phía đông nam, rồi sau đó bị giữ làm con tin ở nước láng giềng Somalia. Ngày 1/10, người phụ nữ Pháp tàn tật 66 tuổi Marie Dedieu bị các tay súng của nhóm phiến quân Al-Shabaab của Somalia bắt cóc ngay tại nhà trên đảo Manda - Bộ trưởng Du lịch Najib Balala của Kenya đưa tin trên tài khoản Twitter của ông.

Với nền công nghiệp du lịch chiếm khoảng 10% GDP của Kenya và 9% lực lượng lao động chính thức, người ta lo lắng đất nước này có thể rơi vào khó khăn trước sự đe dọa của loại tội phạm bắt cóc tống tiền nhằm vào du khách nước ngoài. Năm 2010 đánh dấu một kỷ lục mơ ước cho Kenya - hơn 1 triệu du khách nước ngoài tìm đến Kenya và mang về cho nhà nước Đông Phi xấp xỉ 1 tỉ USD.

Sau ngày 1/10, phần đông những khách sạn quanh Lamu lập tức nhận được một loạt những yêu cầu hủy đặt phòng, và nhiều chủ khách sạn phải cho nghỉ việc ít nhất một nửa số nhân viên của mình. Do tình trạng bắt cóc tống tiền lan tràn, Fuzz Dyer - người sở hữu  một phần khu nghỉ dưỡng sang trọng Manda Bay (với doanh thu khoảng 3,5 triệu USD một năm), gần nơi người phụ nữ Pháp tàn tật bị bắt cóc - buộc phải cho đóng cửa khu du lịch mà giá phòng một đêm ở đây đến 850 USD, gỡ bỏ trang web của doanh nghiệp và từ đó đẩy 90 nhân viên vào cảnh thất nghiệp. Cùng chung số phận, khu nghỉ dưỡng sang trọng Majlis - nơi siêu sao Hollywood Angelina Jolie dừng chân trong những căn phòng có giá cả ngàn USD một đêm - cũng trở nên tiêu điều.

Bộ trưởng Kế hoạch Kenya Wycliffe Oparanya cho biết, đất nước ông đang tăng cường an ninh sau những vụ bắt cóc và giết hại người nước ngoài dọc theo vùng bờ biển Lamu đe dọa cắt đứt nguồn thu nhập từ du lịch và gây cản trở cho kế hoạch đầu tư 5,3 tỉ USD vào cảng. ông trả lời phỏng vấn qua điện thoại: "Chính quyền đã thành lập đơn vị đặc biệt giải quyết mối đe doạ, nhất là để trấn an du khách và bảo đảm các nhà đầu tư không bỏ đi. Kenya đang phải gánh vác những vấn đề của Somalia".

Đảo Lamu đem lại 73,7 tỉ shilling (đơn vị tiền tệ Kenya - khoảng 731 triệu USD) cho Kenya trong năm 2010 - khu vực kiếm ngoại tệ lớn hàng thứ hai nước này sau xuất khẩu chè. Sau ngày 1/10, chính quyền Anh khuyến cáo công dân họ khi đến Kenya nên “tránh những chuyến đi lại không cần thiết” vào trong vùng biên giới dài 150km với Somalia, quốc gia bị nội chiến xé nát trong hai thập niên.

Kenya đang có mục tiêu thu hút 3 triệu du khách và thu về khoản tiền hơn gấp đôi từ công nghiệp du lịch trong năm 2012. Những đồng USD từ du lịch đặc biệt cần thiết cho Kenya sau sự sụt giá của đồng shilling trong nước. Nhưng, trong tình hình an ninh bất ổn như hiện nay, theo Khalid Shapi (người đại diện cho Tui - tổ chức vận động hồi hương lớn nhất Kenya) hàng chục du khách đã hủy các chuyến đi đến Lamu và đặt chỗ trước ở đảo Zanzibar của quốc gia láng giềng Tanzania, hay ở nơi khác của Kenya.

Bộ trưởng Du lịch Najib Balala vừa qua đã có cuộc gặp giới quan chức ở Lamu để ngồi vào bàn luận về vấn đề giám sát an ninh, đồng thời khẳng định thủ phạm gây tác động xấu đến quần đảo là "bọn tội phạm ở Somalia". Về phần mình, chính quyền hứa hẹn thắt chặt an ninh hơn nữa, song cư dân địa phương lập luận rằng cảnh sát đã hành động tắc trách và hết sức chậm trễ trong việc giải cứu người phụ nữ Pháp lớn tuổi tàn tật.

Quân đội Kenya đang được triển khai để bảo vệ đảo du lịch Lamu.
Người Kenya biểu tình ở Lamu phản đối vụ bắt cóc phụ nữ Pháp lớn tuổi bị tàn tật ngay sau khi vụ việc xảy ra.

Giới chuyên gia về hoạt động du lịch, như Mike Macharia - CEO của Hiệp hội Các chủ khách sạn Kenya (KAHC), cũng cho rằng, dịch vụ cố vấn không rõ ràng của công ty du lịch cộng với phản ứng yếu kém của chính quyền địa phương đã trực tiếp gây tác động xấu đến ngành du lịch. Còn theo nhận định của giới chuyên gia an ninh, bọn cướp biển Somalia vốn chọn mục tiêu là những chiếc tàu chở hàng ngoài khơi bây giờ tỏ ra liều lĩnh hơn trên đất liền. Thậm chí bọn chúng cũng có người đưa tin từ trong ngành du lịch. Fuzz Dyer nói, ông buộc phải bỏ 15.000 USD/tháng để ký hợp đồng bảo vệ với tổ chức an ninh  tư nhân do chính quyền không có hành động gì hiệu quả để chống lại bọn tội phạm.

Kenya đang cố gắng tăng lượng du khách đến nước này lên gấp ba, tức 3 triệu người, vào năm 2015 để giúp hoàn thành mục tiêu 10% tăng trưởng kinh tế. Kenya cũng đang tìm cách phát triển một cảng thương mại thứ hai ở Lamu vào khoảng đầu tháng 11/2011, theo Giám đốc dự án Peter Oremo thuộc Cơ quan Quản lý cảng Kenya (KPA). Giai đoạn đầu của dự án, là xây dựng 3 bến tàu (dự kiến hoàn thành vào năm 2015), tiếp theo là mở những con đường ôtô mới, một đường sắt, một đường ống dẫn dầu và nhà máy lọc  dầu, vài sân bay và 3 thành phố du lịch nghỉ dưỡng trên đảo Lamu với chi phí tổng cộng 25 tỉ USD vào năm 2030.

Kenya cũng đang nỗ lực xây dựng lại tiếng tăm là điểm đến du lịch an toàn sau làn sóng bạo lực năm 2007 nổ ra do cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi dẫn đến cái chết của khoảng 1.500 người. Cuộc xung đột bạo lực đã gây tổn thất nặng cho ngành du lịch và nông nghiệp Kenya khi mà đất canh tác bị bỏ hoang. Trong những năm gần đây, các lực lượng hải quân nước ngoài tăng cường thêm nhiều cuộc tuần tra trong vùng Vịnh Aden và Ấn Độ Dương để chống bọn cướp biển Somalia thường xuyên đe dọa tấn công tàu hàng và bắt cóc con tin đòi tiền chuộc.

Những cuộc tấn công tàu hàng do bọn cướp biển Somalia thực hiện trong khu vực đã tăng lên mức kỷ lục trong nửa đầu năm 2011, với 187 tàu bị tấn công và 12 vụ chiếm tàu - theo số liệu của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) thuộc Liên Hiệp Quốc. Thậm chí thời gian sau này bọn cướp biển còn hợp tác với nhóm phiến quân Hồi giáo Al-Shabab nhắm đến mục tiêu du khách nước ngoài.

Quanh đảo Lamu còn có một số vấn đề về khả năng của hải quân và cảnh sát Kenya trong việc đối phó với bọn cướp biển dày dạn kinh nghiệm. Và vấn đề hiện nay là Kenya phải lấy lại niềm tin của người nước ngoài nếu muốn vực dậy ngành du lịch đang bị đe dọa nghiêm trọng

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.