Mối đe dọa từ biệt đội cảnh sát tử thần

Thứ Hai, 18/07/2016, 18:30
Mới đây, vụ sát hại luật sư hoạt động nhân quyền Willie Kimani, 32 tuổi, cùng với 2 người khác một lần nữa phơi bày ra ánh sáng sự tàn bạo của cảnh sát Kenya - lực lượng hành pháp được gắn hỗn danh "biệt đội tử thần".

"Bạn bè tôi đi tắm sông và tình cờ phát hiện một xác chết nên gọi cho tôi" - Jackson (không phải tên thật) muốn nói đến con sông Ol Donyo Sabuk nằm cách trung tâm thủ đô Nairobi của Kenya chừng nửa giờ đường ôtô. Jackson và đám bạn lập tức báo cảnh sát.

Đây không phải là lần đầu tiên họ phát hiện xác chết trôi sông nhưng lần này xác chết liên quan đến một vụ án gây xôn xao dư luận ở Kenya. Chỉ vài hôm sau, họ tiếp tục tìm thấy xác chết thứ 3.

Luật sư Willie Kimani.

Cả 3 xác chết sau đó được xác định danh tính là luật sư Willie Kimani cùng với thân chủ của ông Josephat Mwendwa và tài xế taxi Joseph Muiruni. Báo cáo khám nghiệm pháp y tiết lộ có dấu hiệu cho thấy cả 3 người đàn ông đã bị tra tấn tàn bạo. Những cái chết nhanh chóng dẫn đến nhiều cuộc biểu tình trên khắp cả nước Kenya. Trong khi đó, các công tố viên buộc tội cảnh sát đứng sau những vụ giết người bởi vì nạn nhân Mwendwa từng lập đơn kiện chống lại một sĩ quan cảnh sát.

Những vụ hành hình người ngoài luật pháp do lực lượng cảnh sát tiến hành như thế này đang bị chỉ trích dữ dội tại Kenya. Trong khi đó, cảnh sát cố né tránh vụ sát hại luật sư Willie Kimani đồng thời mô tả vụ việc thật ra chỉ là sự cố riêng lẻ liên quan đến một cảnh sát hồ đồ mà thôi. 4 sĩ quan cảnh sát sau đó đã bị bắt giữ nhưng họ không hề bị buộc tội.

Người dân biểu tình sau cái chết của luật sư Willie Kimani ở Nairobi, ngày 4-7-2016, với quan tài biểu tượng mang dòng chữ "Chấm dứt giết người phi pháp".

Mặc dù tại vùng thung lũng Mathare ở Nairobi, tội phạm lan tràn do thất nghiệp nhưng người dân địa phương phê phán cảnh sát quá mạnh tay trong nỗ lực duy trì an ninh. Juliet Wanjira, người phụ nữ mặc chiếc áo thun in dòng chữ "Stop Police Executions" (Chấm dứt  ngay những vụ hành hình của cảnh sát) và là nhà hoạt động cho Trung tâm Xã hội công lý Mathare (MSJC), từng thực hiện báo cáo về những trường hợp thanh niên địa phương bị cảnh sát bắn chết "một cách phi pháp".

Anthony Mburu, nhà hoạt động khác của MSJC, cũng tuyên bố anh từng chứng kiến cảnh 4 thiếu niên bị một nhóm cảnh sát bắn chết: "Họ bị đến 6 sĩ quan cảnh sát săn đuổi. Họ tách nhau ra để chạy theo các hướng khác nhau nhưng cũng bị cảnh sát chia nhau ra để đuổi theo. Một thiếu niên chạy đến một cửa hàng và bị bắn chết trước khi kịp chạy vào bên trong. Thiếu niên khác cầu xin tha tội song vẫn bị bắn 2 lần cho đến khi chết hẳn".

Tổ chức giám sát nhân quyền phi chính phủ Nhóm Pháp Y Độc lập (IMLU) báo cáo: cảnh sát giết chết 97 người chỉ riêng trong năm 2015. Mới đây nhất là hồi tháng 4-2016, IMLU cho biết 8 nghi can trộm cướp - trong độ tuổi từ 15 đến 26 - bị bắn chết ở cự ly gần khi đang quỳ gối hay nằm dưới đất. Trong cuộc chiến chống chiến binh Hồi giáo và sau những cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng, lực lượng cảnh sát Kenya ra tay đàn áp mọi người và ưu tiên chọn mục tiêu là các cộng đồng Hồi giáo trên khắp đất nước.

Năm 2015, một báo cáo từ tổ chức nhân quyền chính thức của Kenya mô tả những vụ nổ súng của cảnh sát như là "cuộc chiến khủng bố chống khủng bố" và nêu lên 25 vụ giết người.

Giữa các năm 2012 và 2014, 3 giáo sĩ Hồi giáo bị cho là liên quan đến chiến binh Al-Shabab bị giết chết tại thành phố ven biển Mombasa. Những người ủng hộ họ tố cáo chính "những biệt đội tử thần" của cảnh sát đã sát hại họ.

Mwenda Njoka, người phát ngôn cho Bộ Nội vụ Kenya, nhấn mạnh rằng chính quyền đang cố gắng chống lại những vụ giết người phi pháp: "Chúng tôi có cơ chế pháp lý thông qua Cơ quan Giám sát chính sách độc lập (POA)". Nhưng theo các nhà hoạt động của IMLU, trong số 40 vụ giết người được báo cáo đến IPOA vào năm nay chỉ có 1 vụ được xử lý. Và, còn hàng chục vụ khác không hề được giải quyết.

Charles Owino, người phát ngôn cho cảnh sát Kenya, lên tiếng bác bỏ tuyên bố của nhóm nhà hoạt động IMLU đồng thời lập luận: "Cảnh sát có mặt để bảo vệ dân thường. Chúng tôi không thể cho phép tình huống như là một nhóm tội phạm vũ trang lảng vảng khắp nơi".

Owino cũng giải thích rằng trong lực lượng cảnh sát có những người tàn bạo và họ đã bị buộc tội và trừng phạt, đồng thời nhấn mạnh rằng nói chung cảnh sát luôn tuân thủ những quy định của luật pháp.

Owino nói những bước cải tổ trong lực lượng cảnh sát Kenya cũng đang được tiến hành. Song, tổng thống Uhuru Kenyatta bày tỏ mối lo ngại về tiến trình cải tổ diễn ra quá chậm chạp.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.