Kenya: Đội xạ thủ bắn tỉa bảo vệ tê giác

Thứ Năm, 17/03/2016, 11:00
Trong khu bảo tồn thiên nhiên Borana ở Kenya, những biện pháp nghiêm khắc mới nhất được áp dụng nhằm mục đích bảo vệ những con tê giác trước sự săn lùng của bọn tội phạm săn trộm. Đó là nhiệm vụ của một đơn vị xạ thủ bắn tỉa, được lực lượng đặc nhiệm nổi tiếng SAS của Anh huấn luyện.

Có thời điểm quần thể tê giác ở Kenya lên đến 200.000 con, sau đó con số sụt giảm cả trăm ngàn lần, chỉ còn độ 200 con vào giữa thập niên 1980. Kể từ khi các khu bảo tồn được thành lập khắp Kenya, số lượng tê giác phục hồi được khoảng 600 con. Lewa và Borana chính là 2 khu bảo tồn trong số đó. Những con tê giác trắng và đen được đưa đến Borana bắt đầu từ năm 1984, rất nhanh chóng sau đó bọn săn trộm tìm thấy chúng.

Michael Dyer, lãnh đạo khu bảo tồn Borana, thú thật: "Chúng tôi bị mất 17 con từ số lượng 90 con. Chúng tôi bị đánh bại trước những thủ đoạn và sức mạnh vũ trang của bọn săn trộm. Tình thế buộc chúng tôi phải được trang bị lực lượng bảo vệ vũ trang hùng hậu". Đó là lý do thúc đẩy Michael Dyer tuyển mộ một cựu sĩ quan đặc nhiệm SAS của quân đội Anh để huấn luyện cho đội bảo vệ được tuyển chọn kỹ lưỡng từ người dân địa phương.

Dyer cho biết: "Đội bảo vệ hoạt động với các nhóm 4 người gồm xạ thủ bắn tỉa, 2 tay súng trường và một người phát tín hiệu báo động. Tất cả đều được trang bị ống nhòm ban đêm và thiết bị phát radio kỹ thuật số để khi cần thiết họ có thể gọi hỗ trợ trên mặt đất và từ trên không".

Một con tê giác bị bọn săn trộm sát hại.

Đội bảo vệ của Michael Dyer chịu trách nhiệm giám sát nghiêm ngặt 102 con tê giác và khi phát hiện bọn săn trộm thì họ không bắt giữ mà tiêu diệt ngay. Một thành viên của đội bắn tỉa không úp mở: "Nếu hắn đến để giết chết những con tê giác, hắn sẽ cướp đoạt cả cộng đồng. Chúng tôi sẽ tiêu diệt hắn ngay lập tức".

Dyer cũng nói thêm: "Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cho bọn săn trộm cơ hội đầu hàng. Song điều này chỉ xảy ra khi chúng không còn khả năng kháng cự".

Nhờ sự ra đời của đội xạ thủ bắn tỉa mà trong tháng 7-2015, khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã chỉ bị mất một con tê giác. Mặc dù vậy, việc sử dụng đội quân tư nhân có làm dấy lên sự lo ngại về tính pháp lý và đạo đức hay không? Một người chăn gia súc phát biểu: "Bọn săn trộm là những kẻ xấu xa, ác độc. Đôi khi chúng tôi nhìn thấy bọn chúng trong thị trấn. Những người nghèo bất ngờ giàu lên. Chúng không thể tiêu tiền ở địa phương. Chúng tôi buộc chúng phải rời khỏi địa phương".

Những con tê giác trắng và du khách tham quan Công viên quốc gia Nakuru ở Kenya.

Bất chấp mọi lời kêu gọi khẩn thiết từ những tổ chức và người nổi tiếng, nhu cầu săn lùng tê giác vẫn tiếp tục gia tăng không ngừng trên thế giới. Bởi vì, người ta có niềm tin mù quáng cũng như hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học rằng sừng tê giác có khả năng chữa bách bệnh. Những con tê giác không hề biết bên cạnh chúng luôn túc trực những tay súng thiện xạ. Bọn săn trộm trong khu bảo tồn Borana thường sử dụng loại xe máy Boda boda rẻ tiền nhập khẩu từ Trung Quốc để đi vào trong bụi rậm rồi lấy vũ khí cất giấu sẵn.

Đội bảo vệ ở khu bảo tồn Borana.

Sau khi bắn gục một con tê giác, bọn chúng bắt đầu cưa lấy sừng. Xu hướng mới là chúng lấy luôn mảnh da đầu của tê giác dính với chiếc sừng - bởi vì nó được những kẻ sành sỏi coi như là thứ nhãn hiệu bảo chứng! Bọn săn trộm có thể kiếm được 21.000 USD với 9kg sừng tê giác và thậm chí giá bán còn có thể tăng đến 570.000 USD trên thị trường đen. Cuộc xung đột đẫm máu giữa hai bên vẫn sẽ tiếp tục tăng cao khi mà niềm tin vào tác dụng chữa ung thư của chiếc sừng tê giác ở châu Á vẫn tồn tại.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.