Kết thúc điều tra vụ ám sát Phó thống đốc thứ nhất ngân hàng trung ương Nga

Thứ Bảy, 16/06/2007, 11:30
Chiều 22/5/2007, Viện Kiểm sát tối cao Nga đã tuyên bố kết thúc cuộc điều tra đối với vụ ám sát Phó thống đốc thứ nhất Ngân hàng Trung ương Nga Andrei. Theo đó, cựu giám đốc của 2 ngân hàng Alexey Frenkel là kẻ chủ mưu trong vụ ám sát kể trên.

Alexey Frenkel bị bắt từ hôm 11/1/2007 và sẽ phải ra hầu tòa trong thời gian tới. Theo ông Igor Trunov, luật sư của Alexey Frenkel cho biết, thân chủ của ông ta có quyền được xét xử tại một phiên tòa do Hội đồng bồi thẩm nhân dân thực hiện. Nếu điều này diễn ra thì tội trạng của Alexey Frenkel sẽ được giảm đi đáng kể.

Cựu Giám đốc Alexey Frenkel năm nay 35 tuổi (đã tốt nghiệp Khoa Kinh tế Trường đại học Tổng hợp Lomonosov, Moskva, Nga), nhưng đã có nhiều mánh khóe trong lĩnh vực ngân hàng.

Ông ta bị Ngân hàng Trung ương Nga rút giấy phép hoạt động tại 2 ngân hàng do bị cáo buộc rửa tiền gây thiệt hại cho nhà nước tới hàng chục tỉ rúp.

Nhiều người cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến vụ ám sát Phó thống đốc thứ nhất Ngân hàng Trung ương Andrei Kozlov được điều tra nhanh chóng bởi đích thân Tổng thống Putin đã ra lệnh.

Được biết, chỉ 2 ngày sau vụ ám sát Phó thống đốc Andrei Kozlov, ngày 15/9/2006, Tổng thống Putin đã triệu tập một phiên họp bất thường để bàn các biện pháp chống tội phạm tài chính.

Pháp y và cảnh sát tại khu vực hiện trường vụ án.

Tại đây, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh, vụ ám sát Andrei Kozlov là dấu hiệu chứng tỏ cuộc chiến chống tội phạm kinh tế đã bước vào giai đoạn quyết liệt.

Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng khẳng định, sẽ tiếp tục thực hiện những biện pháp làm trong sạch hệ thống ngân hàng Nga mà ông Andrei Kozlov đang tiến hành.

Trở lại vụ án, ngay sau khi nhận được tin báo, Cảnh sát Moskva đã có mặt tại hiện trường và nhận định vụ ám sát tối 13/9/2006 có liên quan tới những quyết định mới được ông Andrei Kozlov vừa thông qua.

Ông đã ký quyết định rút giấy phép hoạt động kinh doanh của 44 ngân hàng chi nhánh của Ngân hàng Trung ương vì bị cáo buộc có liên quan tới rửa tiền kể từ đầu năm 2006.

Thượng tuần tháng 9/2006, ông Andrei Kozlov còn đưa ra lời kêu gọi áp dụng những biện pháp cứng rắn nhằm chống lại các chủ ngân hàng có liên quan tới hoạt động rửa tiền.

Sau khi biết tin về vụ ám sát Phó thống đốc thứ nhất Ngân hàng Trung ương Andrei Kozlov, ngày 14/9/2006, Chủ tịch Hiệp hội các ngân hàng khu vực Nga Alexander Murychev và ông Anatoly Aksakov, Nghị sĩ Quốc hội, Phó chủ tịch Ủy ban Các tổ chức tín dụng và thị trường tài chính của Quốc hội đều cho rằng, đây là một vụ giết người theo đơn đặt hàng.

Phó thủ tướng Alexander Zhukov cũng cho rằng, vụ ám sát liên quan tới công việc chuyên môn của ông Andrei Kozlov. Trưởng Công tố Moskva Yuri Syomin cũng có nhận định tương tự.

Riêng Chủ tịch Công đoàn tư bản và doanh nghiệp toàn Nga Alexander Shokhin thì nói thẳng, nguyên nhân dẫn tới cái chết của ông Andrei Kozlov liên quan tới việc thu hồi giấy phép kinh doanh của nhiều ngân hàng.

Nhiều người còn cho rằng, cái chết của ông Andrei Kozlov có liên quan nhiều tới “thế lực đen” đang “điều hành” một phần xã hội Nga. Chính vì điều tra theo những nhận định kể trên nên cảnh sát đã bắt giữ được 7 nghi can trong 3 tháng 10, 11 và 12/2006.

Đó là những kẻ đã môi giới và trực tiếp ám sát ông Andrei Kozlov. Chúng hành động rất chuyên nghiệp nên ông Phó thống đốc Andrei Kozlov đã bị bắn chết ngay ở bên ngoài câu lạc bộ bóng đá Spartak Moskva lúc 21h ngày 13/9/2006.

Giới chuyên môn đánh giá cao trình độ  cũng như năng lực làm việc của Phó thống đốc  Andrei Kozlov, bởi ông từng là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính của Ngân hàng Trung ương Nga (trước năm 1997), sau đó được bổ nhiệm làm Phó thống đốc thứ nhất Ngân hàng Trung ương từ tháng 4/2002.

Thời gian gần đây tỉ lệ các ngân hàng kinh doanh “có vấn đề” trong tổng số 1.200 ngân hàng đang hoạt động trên khắp nước Nga đã bị Andrei Kozlov đóng cửa khá nhiều và đều đặn.

Ngoài việc ký quyết định chấm dứt hoạt động đối với những ngân hàng “có vấn đề”, ông Andrei Kozlov còn có một đóng góp vô cùng quan trọng, đó là đưa ra dự thảo luật về đảm bảo an toàn tiền gửi, khôi phục lòng tin của khách hàng trong hệ thống ngân hàng sau những bê bối năm 1998

Nguyễn Diệu Hương Ly (theo Tân Hoa xã, BBC)
.
.