Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm Hà Nội:

"Khắc tinh của tội phạm nguy hiểm"

Thứ Năm, 19/06/2008, 09:30
Là một trong những lực lượng nòng cốt của Cảnh sát hình sự, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (CSHSĐN) Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC14) Công an TP Hà Nội luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, liên tục lập nhiều chiến công, phá nhiều vụ án...

Hốt gọn nhóm “thủy tặc” trên sông Hồng

Tôi vẫn còn nhớ như in những ngày cuối tháng 1/2008, thời gian tâm điểm của trận rét “lịch sử” của cả miền Bắc trong hàng chục năm lại đây. Trong những ngày giá rét ấy, Đội CSHSĐN phối hợp với một số lực lượng của PC14 Công an Hà Nội xuất sắc hoàn thành chuyên án mang bí số VA145P.

Tôi đến, căn phòng trên tầng 3, số 7 phố Thiền Quang, đại bản doanh của Đội CSHSĐN, Công an TP Hà Nội. Vẫn những chiếc tủ đơn sơ và những chiếc bàn gỗ có tuổi đời hàng vài chục năm. Nằn nì mãi, Trung tá Võ Hồng Phương, Đội trưởng mới “bật mí” cho chúng tôi một ít thông tin về chuyên án.

Mấy năm trở lại đây vào mùa khô nước xuống thấp, lòng sông để lộ cồn bãi và nhiều chướng ngại vật đe dọa an toàn đường thủy nội địa. Trong khi đó xuất hiện nhiều tàu thuyền có tải trọng lớn đi sai luồng dẫn đến mắc cạn.

Thượng tá Nguyễn Đức Chung, Trưởng phòng PC14 tham gia chỉ huy, phá án.

Lợi dụng tình trạng này, các dịch vụ cứu hộ cứu nạn mọc lên như nấm sau mưa. Dọc tuyến sông Hồng từ Phú Thọ về Hà Nội khoảng 70km có tới 6 công ty cứu hộ, cứu nạn và nhiều dịch vụ hoa tiêu khác. Có công ty chọn phương án làm ăn không lành mạnh hành xử theo “luật rừng” để giành quyền cứu hộ. Đã từng xuất hiện tình trạng một tàu mắc cạn nhưng có đến... vài công ty cứu hộ đến “xí phần” gây ra xô xát. Rồi phải chờ cho các công ty này giải quyết xong thuyền mới được cứu. Và dĩ nhiên chủ tàu sẽ phải chịu giá cắt cổ.

Thấy thủ đoạn “ăn vạ” bị lộ tẩy, các đối tượng chuyển sang thành lập các công ty chuyên cứu hộ, cứu nạn phân chia địa bàn hoạt động. Một số công ty lợi dụng giấy phép kinh doanh để ép các chủ tàu thuyền phải ký hợp đồng cứu hộ cứu nạn dài hạn với chúng, thậm chí ngang nhiên cưỡng đoạt tiền của các chủ tàu.

Đoạn sông mà bọn “thủy tặc” lộng hành một thời gian.

Qua công tác nắm tình hình và quản lý địa bàn, Công an Hà Nội nhận được nhiều nguồn tin về ổ nhóm lưu manh do tên Báu “Cửu” cầm đầu cùng hàng chục đối tượng khác đội lốt công ty TNHH dùng xuồng máy chuyên đi cưỡng đoạt tiền của các chủ tàu thuyền qua đoạn Chèm. Ban giám đốc Công an  TP đã chỉ đạo PC14, mà chủ công là Đội CSHSĐN lập chuyên án đấu tranh.

Các trinh sát của đội được tỏa đi nhiều hướng, bí mật xác minh nhân thân, quan hệ xã hội của Đỗ Mạnh Báu (tức Báu “Cửu”), là đối tượng anh chị cầm đầu trong nhóm. Từ đó thông qua công tác quản lý đối tượng trọng điểm, tiến hành rà soát xác minh bí mật nhân thân lai lịch của hơn 20 đối tượng đồng bọn khác.

Thế rồi các anh phải đóng vai là người nhà của các tàu bị hại, “ăn sóng ngủ sàn” trên tàu từ Phú Thọ về Hà Nội hàng tháng trời để trực tiếp nắm những thủ đoạn của các đối tượng. Khu vực Chèm, cầu Thăng Long cũng luôn được các anh “đảo qua, quấy lại” để nắm quy luật, cách thức hoạt động của băng nhóm.

Sau khi thu thập đủ chứng cứ, ngày 23/1/2008, PC14 Hà Nội mà chủ công là Đội CSHSĐN chia làm 5 mũi, bao vây, mật phục nhằm tóm gọn ổ nhóm.

Ngay trong ngày hôm đó, các trinh sát bắt quả tang 3 đối tượng đang cưỡng đoạt tiền của chủ tàu PT1341 tại khu vực Chèm. Qua đấu tranh khai thác PC14 đã khám xét, bắt khẩn cấp đối với 4 đối tượng khác trong ổ nhóm.

Bọn chúng là Nguyễn Văn Thụ (ở xã Đại Đồng, xã Thụy Phương, Từ Liêm) là Giám đốc Công ty TNHH Thành Đạt; Đỗ Mạnh Báu (tức Báu "Cửu", ở xóm 17 xã Đông Ngạc, Từ Liêm); Lê Văn Thảo (tức Thảo "Đặng", ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy) và Nguyễn Văn Tuấn ở Thụy Phương, Từ Liêm.

Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cũng đã thu giữ thuyền gắn máy, 15 thẻ nhân viên, 11 quyển hóa đơn thu tiền và toàn bộ vật chứng liên quan. Từ đây, bộ mặt thật của bọn chúng đã được lật tẩy.

Năm 2006, Nguyễn Văn Thụ đã thành lập Công ty TNHH Cứu hộ, cứu nạn Thăng Long có trụ sở tại xã Đại Đồng, Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội. Để tiến hành thu tiền trái phép của các tàu, thuyền qua lại khu vực Chèm, Thụ đã mua 2 tàu cao tốc và 4 thuyền nhẹ lắp máy Bông sen án ngữ tại chân cầu Thăng Long. --PageBreak--

Mỗi chuyến tàu qua lại đều bị người của Thụ thu tiền từ 50 đến 100 ngàn đồng gọi là phí dịch vụ đưa dẫn tàu qua bãi cạn. Song thực chất chúng chỉ thu tiền chứ không hề đưa dẫn tàu qua luồng. Nếu tàu nào không nộp sẽ bị chúng chửi bới, đe dọa. Sự việc đã bị lực lượng CSGT đường thủy phát hiện, xử lý hành chính nhiều lần đồng thời đình chỉ hoạt động.

Để đối phó với việc kiểm tra của các cơ quan chức năng, tháng 11/2007, Thụ đã xin đổi tên Công ty Cứu hộ cứu nạn Thăng Long thành Công ty TNHH Thành Đạt.

Cùng thời gian này, xuất hiện một số đối tượng người Hà Tây cũng hoạt động theo phương thức này xuống tranh chấp lãnh địa làm ăn. Thụ đã nhờ Báu "Cửu" (kẻ đã có nhiều tiền án tiền sự) xuống dàn xếp với nhóm đối tượng người Hà Tây. Cuộc thương lượng ổn thỏa nên Thụ mời Báu "Cửu" về làm phó giám đốc. Báu rủ thêm Thảo “Đặng” một tên lưu manh từng có tiền án về tội cướp giật cùng tham gia. Sau đó chúng tuyển thêm gần 20 đối tượng khác, họp thành một ổ nhóm.

Trung bình mỗi tháng chúng thu của các tàu thuyền 200 triệu đồng tiền lệ phí qua lại trên sông Hồng. Để hợp thức hóa nguồn thu này, chúng tự in biên lai thu tiền, không theo quy định của Bộ Tài chính và thảo ra các bản hợp đồng kinh tế, ép các chủ tàu phải ký kết hợp đồng dẫn luồng hoa tiêu cả năm. Tàu thuyền nào không ký hợp đồng chúng lập sổ theo dõi ngầm để khi những tàu thuyền đi qua Chèm là chúng kéo nhau ra chửi bới, đe dọa, không cho đi qua luồng nước sâu.

Thượng tá Nguyễn Đức Chung, Trưởng phòng PC 14 cho biết: Đây là một trong những thủ đoạn hoạt động tội phạm mới. Các đối tượng lợi dụng kẽ hở của luật pháp, bằng cách lập các công ty TNHH cứu hộ cứu nạn để cưỡng đoạt tài sản của thuyền bè qua lại trên sông.

“Tuổi nhỏ” vẫn lập công lớn

Thành lập từ năm 1992, tính đến nay Đội CSHSĐN Hà Nội mới đang tuổi “trăng tròn”. Thế nhưng hàng chục chiến công mà Đội đã lập từ khi ra đời (đặc biệt là từ năm 1997 đến nay) thì không hề nhỏ chút nào. Một trong số đó là Chuyên án C97 phá ổ nhóm chuyên dùng hung khí để cướp xe máy.

Trung tá Đào Anh Tuấn, Đội phó Đội CSHSĐN nhớ lại. Quãng thời gian từ năm 1994 đến 1997 (thời điểm mà một chiếc xe gắn máy không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là thứ tài sản rất có giá trị) tại địa bàn TP Hà Nội và một số tỉnh giáp ranh đã xảy ra một số vụ án đối tượng dùng hung khí cướp xe. Đặc biệt trong khoảng thời gian từ tháng 7/1996 đến tháng 7/1997, tại Hà Nội đã xảy ra tới 21 vụ án đối tượng dùng gậy, mỏ lết tấn công bị hại và cướp tài sản.

Cùng thời gian này, trên nhiều tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, Thái Nguyên... cũng xảy ra gần 30 vụ cướp với thủ đoạn tương tự. PC14 Hà Nội (chủ công là Đội CSHSĐN) đã xác lập chuyên án nhằm đấu tranh, phá tan ổ nhóm này.

Với thủ đoạn tinh vi, hoạt động trên phạm vi rộng, thường xuyên thay đổi địa bàn với nhiều đối tượng tỉnh ngoài, bọn tội phạm đã gây nhiều khó khăn trong quá trình điều tra, thu thập tài liệu của Cơ quan Công an. Qua một thời gian nghiên cứu hoạt động, kết hợp với việc rà soát đối tượng ở một số địa bàn của thành phố... đơn vị đã xây dựng kế hoạch mật phục trên một số địa bàn trọng điểm.

20h45’ ngày 9/7/1997, khi các đối tượng đang thực hiện hành vi cướp tài sản tại đoạn đường từ Sài Đồng lên đê Hội Xá (Gia Lâm, Hà Nội) thì các trinh sát đã phát hiện và truy đuổi. Các đối tượng vứt lại xe máy, bỏ chạy về phía cánh đồng. Không để chúng thoát, các trinh sát nhanh chóng tổ chức lực lượng bao vây khu vực mà đối tượng có thể ẩn nấp. Sau hơn 2 giờ liên tục truy xét, lần theo dấu vết các đối tượng, 3 tên trong ổ nhóm cướp tài sản đã sa lưới. Qua đấu tranh khai thác, bọn chúng khai nhận đã gây ra các vụ cướp tại địa bàn Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc.

Việc triệt phá ổ nhóm này đã góp phần làm giảm tình hình cướp có vũ khí trên các tuyến giao thông, mang lại sự yên bình cho người dân.

Ngoài ra, Đội CSHSĐN còn phá nhiều vụ án như vụ án cướp tiệm vàng Kim Trang (30 Hàng Đậu) vào ngày 19/12/1998, đối tượng dùng súng AK để bắn lại Lực lượng Công an. Vụ án bắt cóc trẻ em, đe dọa giết người nước ngoài xảy ra vào ngày 20/4/1999; vụ ổ nhóm tội phạm cực kỳ nguy hiểm do Dũng “palestin” cầm đầu...

Thượng tá Dương Văn Giáp, Phó trưởng Phòng PC14 Công an TP Hà Nội cho biết, Đội CSHSĐN là đội có truyền thống trong lực lượng hình sự nhiều năm nay. Từ sau năm 2004, đội là lực lượng nòng cốt của Phòng, tích cực tham gia điều tra phá án với các địa phương khác. Chức năng, nhiệm vụ được giao của CSHSĐN gồm phòng, chống khủng bố, bạo loạn, giải cứu con tin; phòng, chống các loại tội phạm nguy hiểm như giết người, cướp tài sản, tội phạm cướp có vũ trang, các băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, côn đồ hung hãn đâm thuê chém mướn, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; đối tượng buôn bán, tàng trữ sử dụng vũ khí trái phép; truy bắt số đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm...

Đội CSHSĐN, dưới sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo Công an TP Hà Nội luôn hoàn thành nhiệm vụ tấn công trấn áp tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân

Minh Tiến
.
.