Vụ lái xe tải lao xe, kéo lê CSGT trên Quốc lộ 5:

Khi lái xe manh động – Xử lý thế nào?

Thứ Tư, 16/12/2015, 20:20
Những ngày qua, dư luận hết sức bất bình, phẫn nộ trước vụ việc lái xe tải sau khi vi phạm Luật Giao thông, bị Cảnh sát giao thông (CSGT) ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra trên Quốc lộ 5 đã liều lĩnh lao xe, kéo lê đồng chí CSGT trên đường gây thương tích nặng. Hành vi chống người thi hành công vụ trên của lái xe không chỉ là coi thường pháp luật mà còn hết sức bất nhân, coi thường tính mạng người khác, cần phải được xử lý nghiêm khắc trước pháp luật.

Đối tượng ngày càng manh động, liều lĩnh

Chiều 14-12, khi tới thăm Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt, cán bộ Đội CSGT số 5 Công an TP Hà Nội đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi không cầm được nước mắt khi chứng kiến những vết thương bầm dập khắp người anh. Bên giường bệnh chăm sóc con trai, bà Bùi Thị Tố Lan cho biết, Đạt vừa trải qua ca phẫu thuật nối 3 xương sườn trái bị gãy, bác sĩ yêu cầu anh cần vận động đi lại để tránh xẹp phổi, song thương tích khiến Đạt chấn thương cột sống nên không thể ngồi dậy được. Bị tài xế xe tải tông thẳng vào người rồi kéo lê hàng chục mét trên đường, việc Thượng úy Đạt giữ được mạng sống là điều hết sức may mắn.

Trước đó, khoảng 9 giờ ngày 12-12, tổ công tác của Đội CSGT Số 5, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội do Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt chỉ huy trong quá trình làm nhiệm vụ tại nút giao Sài Đồng - Quốc lộ 5 đã phát hiện một chiếc xe tải vi phạm Luật Giao thông, va chạm với một xe ôtô con nên ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Phớt lờ yêu cầu của CSGT, lái xe tải đã tăng ga đâm thẳng vào Thượng úy Đạt khiến đồng chí Đạt bị hất lên phía trên.

Để không bị rơi xuống đường, Thượng úy Đạt phải bám vào cần gạt nước, tai gương của xe tải. Mặc cho yêu cầu dừng xe của CSGT, tài xế xe tải đã tiếp tục nhấn ga bỏ chạy khoảng gần 50 m rồi đột ngột phanh gấp hất đồng chí Đạt ngã xuống đường gây chấn thương nặng vùng ngực, bụng. Ngay sau đó, lái xe tải đã bỏ trốn khỏi hiện trường.

Tại hiện trường, Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt ngất lịm, quần áo bị kéo rê rách nát, thấm đầy máu. Ngay sau đó, Cán bộ chiến sĩ (CBCS) trong tổ công tác cùng với người dân khẩn trương đưa Thượng úy Đạt vào bệnh viện cấp cứu.

Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt đang được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức.

Mặc dù tài xế xe tải đã bỏ chạy, song nhiều người dân đi trên đường đã chứng kiến vụ việc và cung cấp biển số của chiếc xe tải là 89L-0211. Từ biển kiểm soát của chiếc xe này, Đội CSGT Số 5 đã phối hợp với Công an quận Long Biên, Hà Nội tập trung xác minh, rà soát truy bắt lái xe gây tai nạn, chống người thi hành công vụ. Cho đến 13 giờ 20 phút cùng ngày, được sự vận động của Cơ quan Công an, gia đình, đồng thời biết không thể trốn thoát, lái xe gây tai nạn là Đoàn Văn Chuyên (24 tuổi) ở xã Văn Khê, huyện Văn Lâm, Hưng Yên đã đến Công an phường Phúc Đồng (quận Long Biên) trình diện.

Đối tượng Chuyên khai nhận hiện đang lái xe thuê cho một công ty TNHH sản xuất đồ gỗ tại huyện Yên Mỹ, Hưng Yên. Được biết đối tượng Chuyên đã có 2 tiền án về tội cướp giật và trộm cắp tài sản.

Ngày 14-12, Thượng tá Nguyễn Viết Chức, Phó trưởng Công an quận Long Biên cho biết, hành vi của Đoàn Văn Chuyên có dấu hiệu của tội “Chống người thi hành công vụ” và “Giết người” nên Công an quận đã chuyển đối tượng và hồ sơ tới Phòng PC45 Công an Hà Nội để tiếp tục điều tra, xử lý.

Theo thống kê sơ bộ của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, từ đầu năm 2015 đến nay, toàn địa bàn Hà Nội xảy ra 14 vụ chống lại CSGT đang làm nhiệm vụ.

Điều đáng lo ngại là đối tượng vi phạm Luật Giao thông, khi bị phát hiện, kiểm tra đã tìm mọi cách chống lại CSGT ngày càng manh động, côn đồ, gây nguy hiểm đến tính mạng lực lượng thi hành pháp luật.

Gần đây nhất, khoảng 14 giờ 45 phút chiều ngày 18-10, trên đường Giải Phóng, đoạn qua ngã ba Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ cũng xảy ra vụ chống người thi hành công vụ khiến một cán bộ CSGT bị thương. Theo đó, vào khoảng thời gian trên, Phạm Đức Ân lái xe ôtô BKS98A - 080.94 vi phạm giao thông, chạy quá tốc độ, lạng lách, vượt phải sai quy định.

Phát hiện ôtô vi phạm, Trung úy Phan Đức Ngọc, cán bộ Đội CSGT Số 14, Phòng CSGT Hà Nội đã ra hiệu yêu cầu Ân dừng xe. Tuy nhiên, Ân không những không chấp hành hiệu lệnh của CSGT mà bất ngờ tăng tốc độ đâm thẳng vào Trung úy Phan Đức Ngọc, khiến đồng chí Ngọc bị hất bay qua capô xe, gãy chân phải. Sau đó, Ân tiếp tục lái xe bỏ chạy. Đến 21 giờ 30 phút cùng ngày, Công an quận Hoàng Mai đã bắt giữ Ân khi đối tượng đang trốn tại tổ 20, phường Thịnh Liệt.

Tại Cơ quan Công an, Phạm Đức Ân khai nhận, trước đó, Ân chở khách từ Bắc Giang về Hà Nội, khi đến nút giao gầm cầu chui đường Vành đai 3 - Pháp Vân thì bị tổ CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra. Ân không chấp hành mà nhấn ga bỏ chạy, thoát khỏi chốt CSGT trên. Ra đến đường Giải Phóng, Ân tiếp tục di chuyển với tốc độ cao, lạng lách, vượt phải sai quy định nên bị đồng chí Ngọc ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Ân không chấp hành, cố phóng xe để tẩu thoát và đã gây thương tích cho đồng chí Ngọc.

Theo lời khai của Ân, cú va chạm với chiến sĩ CSGT trên khiến kính chắn gió phía trước của xe ôtô bị vỡ. Ân đưa xe vào một gara ôtô ở phường Thịnh Liệt để sửa nhưng do thiếu tiền, Ân bắt xe khách về Bắc Giang lấy tiền. Vừa trở lại Hà Nội, Ân liền bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Hiện trường vụ chống người thi hành công vụ trên Quốc lộ 5.

Làm thế nào để hạn chế tình trạng chống người thi hành công vụ?

Qua các vụ chống người thi hành công vụ nêu trên cho thấy sự manh động, liều lĩnh của các đối tượng ngày càng gia tăng, thể hiện sự coi thường pháp luật. Điều này đang dấy lên hồi chuông báo động về sự xuống cấp về đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân. Vấn đề đặt ra đối với cơ quan chức năng hiện nay là làm thế nào để hạn chế được tình trạng chống người thi hành công vụ nhằm lập lại kỷ cương, đảm bảo an ninh trật tự xã hội.

Trên các diễn đàn mạng xã hội, có rất nhiều ý kiến của người dân về vấn đề CSGT kiên quyết truy đuổi, xử lý đối tượng vi phạm Luật Giao thông, các vụ CSGT phải nhảy lên nắp capô, bám cần gạt nước ôtô… khi gặp các trường hợp lái xe liều lĩnh chống đối. Tuy có nhiều ý kiến khác nhau nhưng hành vi chạy trốn, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT đều bị lên án và phản đối mạnh mẽ bởi hành vi này không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn gây rất nhiều nguy hiểm cho chính chủ phương tiện và người tham gia giao thông. Vì vậy, khi có hiệu lệnh dừng xe của CSGT, người tham gia giao thông cần tuyệt đối chấp hành.

Bên cạnh đó, xây dựng hình ảnh lực lượng CSGT ứng xử văn minh, lịch sự là mong muốn của người dân đối với những người thi hành công vụ. CSGT cần có thái độ vui vẻ, nhắc nhở lịch sự những người có vi phạm với lỗi nhỏ hoặc vô ý, với người cao tuổi, người từ địa phương khác đến còn bỡ ngỡ với đường sá, giao thông… Khi người dân cảm thấy an tâm khi gặp CSGT, không bỏ chạy khi nhận được hiệu lệnh dừng xe thì ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông cũng sẽ được nâng cao.

Đối tượng Đoàn Văn Chuyên tại cơ quan Công an.

Theo đại diện Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, trong giao ban, họp đơn vị, vấn đề hạn chế tình trạng chống người thi hành công vụ này luôn được chỉ huy phòng và các đội quán triệt tới CBCS để nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, đồng thời phòng ngừa, bảo vệ chính bản thân. Trong quy trình tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông cũng có một số tình huống cụ thể, CBCS CSGT đều được học, tập huấn. Thế nhưng tình huống trong thực tế thì không giống nhau, đòi hỏi việc xử lý hết sức linh hoạt, mềm dẻo của những người thực thi nhiệm vụ nhưng trên hết, việc dừng xe phải đúng quy trình, quy định.

Đối với số CBCS mới ra trường, trước khi phân công về các đơn vị địa bàn đều được tổ chức tập huấn và bố trí làm việc cùng với những đồng chí có kinh nghiệm để bồi dưỡng, kèm cặp. Bên cạnh đó, văn hóa ứng xử luôn là một nội dung được tập huấn thường xuyên cho CBCS, nhắc nhở trong các cuộc họp giao ban, không chỉ đối với lực lượng làm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông ngoài đường mà với cả các bộ phận tiếp dân, xử lý vi phạm…

Tuy nhiên, quan trọng nhất là CSGT khi thi hành công vụ phải chấp hành nghiêm điều lệnh, tư thế tác phong, văn hóa ứng xử trong giao tiếp. Điều này sẽ hạn chế thấp nhất hiện tượng chống người thi hành công vụ. Đại diện Phòng CSGT Công an Hà Nội bày tỏ quan điểm.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, văn phòng luật sư Nguyễn Anh:

Cần xét xử lưu động để răn đe, cương quyết không cho hưởng án treo…

Liên quan đến vụ việc tài xế Đoàn Văn Chuyên lao xe, kéo lê Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt trên Quốc lộ 5, Luật sư Nguyễn Anh Thơm đánh giá: Hành vi của lái xe điều khiển ôtô bỏ chạy khi vi phạm và lao xe vào người đang thi hành nhiệm vụ là hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe con người được pháp luật bảo vệ. Người lái xe ôtô nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức  bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Do đó, hậu quả xảy ra đến đâu thì lái xe ôtô phải chịu trách nhiệm đến đó.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích, trong những năm gần đây, liên tục xảy ra tình trạng các đối tượng vi phạm giao thông ngang nhiên chống lại lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ, khiến nhiều CBCS bị thương, thậm chí hy sinh. Tình trạng chống người thi hành công vụ diễn biến hết sức phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn rất manh động, liều lĩnh như điều khiển phương tiện lao thẳng vào lực lượng CSGT, tạt axít, dùng hung khí gây thương tích…

Để ngăn chặn tái diễn những vụ việc chống lại Lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ, trước tiên cần nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ của CSGT. Khi tuần tra kiểm soát trên đường cần phải thực hiện đúng quy định của lực lượng Công an. CSGT trước tiên phải biết tự bảo vệ bản thân mình trước những tình huống có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của bản thân.

Trước tình huống lái xe ôtô có hành vi không chấp hành  hiệu lệnh và có dấu hiệu hung hăng bỏ chạy thì CSGT không nên mạo hiểm đứng chặn đầu xe mà nên đứng ở vị trí an toàn cho bản thân. Trường hợp lái xe cố bỏ chạy thì ghi biển số xe để truy phạt sau hoặc cần thiết thì thông báo cho các lực lượng khác truy đuổi bằng xe chuyên dụng nhưng phải đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho những người tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, cần thiết phải thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc xử lý hình sự các đối tượng chống lại lực lượng CSGT. Đối với các vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng thì cần thiết phải xét xử lưu động tại địa phương nơi xảy ra vi phạm để tuyên truyền, răn đe và giáo dục chung cho mọi người biết tình trạng chống người thi hành công vụ sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc.

Mặt khác đối với nhóm tội chống lại lực lượng CSGT đang thi hành nhiệm vụ, khi xét xử thì Tòa án cương quyết không cho hưởng án treo. Có như vậy mới đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Hương Vũ
.
.