Khi một số cán bộ hải quan tiếp tay buôn lậu

Thứ Ba, 16/12/2014, 08:40
Tại kỳ họp Quốc hội vừa quan, chống buôn lậu và gian lận thương mại đang là vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu quan tâm. thực tế trong thời gian qua cho thấy, một trong những lực lượng chống buôn lậu là Hải quan nhưng vẫn có không ít cán bộ Hải quan biến chất, tiếp tay cho đối tượng buôn lậu.

Điển hình mới nhất là trong tháng 11 này, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM (PC46) đã triệt phá một đường dây buôn lậu có quy mô lớn. Trong đó, 3 cán bộ Hải quan đã bị bắt do tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT gần trăm tỉ đồng.

Gạo, trấu, mỳ gói… đội lốt hàng cao cấp xuất khẩu

Ngày 24/9/2013, tại Cảng Cát Lái, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam kiểm tra phát hiện trên tờ khai số 19877/XKD, ngày 20/9/2013, do Công ty CP Thực phẩm công nghệ Sài Gòn (viết tắt Công ty TPCN Sài Gòn) mở, ghi tên hàng xuất khẩu trong 2 container số hiệu TGHU 6056447 và số DFSU 6684861 là thuốc lá điếu hiệu Caraven “A”, số lượng 3.000 thùng với tổng trị giá 23,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế thì hàng hóa chứa trong 2 container trên không phải là mặt hàng thuốc lá điếu hiệu Craven “A” mà là 20.000 kg gạo. Lực lượng kiểm tra đang tiến hành thực hiện lệnh khám xét phương tiện vận tải 2 container trên thì bất ngờ có một đối tượng vận chuyển tiếp 2 container chứa 2.059 thùng thuốc lá điếu hiệu Bastos và Craven “A” vào Hải quan cảng khu vực IV nhằm mục đích đánh tráo 2 container chứa gạo nêu trên. Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn Khu vực IV đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng trên để phục vụ công tác điều tra, xử lý.

Ngày 3/10/2013, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Buôn lậu” và chuyển hồ sơ, tang vật cho Cơ quan CSĐT - Công an TP HCM để điều tra xử lý theo thẩm quyền.

Theo kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan CSĐT: Khoảng tháng 6/2013, bà Trần Thị Bích Tuyền đứng đại diện (không có giấy tờ chứng minh) người của Công ty Blue C.T Campuchia, (trụ sở tại Campuchia) đến Công ty TPCN Sài Gòn (Q.1, TP HCM) mua 6.000 thùng thuốc lá hiệu Craven “A” để xuất khẩu sang Campuchia. Để có hàng giao cho Trần Thị Bích Tuyền, Huỳnh Dũng Tấn - Trưởng Chi nhánh Bình Đông (thuộc Công ty TPCN Sài Gòn) ký hợp đồng mua của Công ty TNHH MTV TM Lâm Kim Ngọc (gọi tắt Công ty Lâm Kim Ngọc) số hàng trên với tổng trị giá 51 tỉ đồng. Tuy nhiên, với mục đích là làm giả bộ hồ sơ xuất khẩu để chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT. Các đối tượng đã bàn bạc với nhau để khai khống trên tờ khai Hải quan là xuất khẩu mặt hàng thuốc lá nhưng hàng hóa thực tế là gạo, có giá rẻ hơn nhiều so với thuốc lá. Để có container rỗng chứa gạo xuất sang Công ty Blue C.T Campuchia, các đối tượng đã thuê Nguyễn Quốc Dung (ngụ P.7, Q.Tân Bình) thực hiện việc này.

Thông qua Công ty S.T Logistic, Nguyễn Quốc Dung đã thuê được 2 container rỗng số DFSU 6684861 và số IGHU 6056447 từ Hãng tàu MCC của Công ty TNHH Maersk Việt Nam.

Tuy nhiên, khi tàu vận chuyển 2 container chứa 20.000kg gạo chuẩn bị khởi hành đi từ Cảng Cát Lái – TP HCM thì đã bị Đội Kiểm soát chống buôn lậu Khu vực miền Nam bắt giữ.

Với thủ đoạn tương tự, trước đó ngày 27/4/2013 và ngày 4/9/2013 Công ty TPCN Sài Gòn mở tờ khai Hải quan số 17721/XKD xuất bán cho Công ty Blue C.T Campuchia 6.000 thùng thuốc lá, nhưng thực tế hàng hóa chứa trong 4 container là 60.000kg gạo và lô hàng này cũng đã được xuất đi, Cơ quan CSĐT – Công an TP HCM đã có văn bản đề nghị Hãng tàu MCC của Công ty TNHH Maersk Việt Nam, Công ty S.T và Công ty TPCN Sài Gòn làm thủ tục tái xuất 4 container hàng trên đưa trở lại cảng ICD Transimex Việt Nam, để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Tiến Lộc (bìa trái) và các đối tượng trong vụ án.

Mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT xác định, không chỉ những lô hàng gạo “đội lốt” thuốc lá xuất khẩu khống sang Campuchia đã bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ trong năm 2013. Thực tế, Trần Thị Bích Tuyền với Lê Dũng – Giám đốc Công ty TPCN Sài Gòn đã có quan hệ làm ăn gian lận từ năm 2011 cho đến khi bị bắt. Mặt hàng mà các đối tượng sử dụng để khai báo Hải quan cho Công ty TPCN Sài Gòn xuất khẩu là hàng có giá trị cao như thuốc lá, đường, sữa, bột ngọt... nhưng hàng thực xuất có giá trị rất thấp hơn rất nhiều như gạo, mì gói, có khi cả trấu…

Vì sao ba cán bộ Hải quan bị bắt?

Theo Nghị định số 119/2007/ NĐ-CP ngày 18/7/2007 của Chính phủ, tại Điều 26 quy định việc kinh doanh các sản phẩm thuốc lá phải có giấy phép của Bộ Công thương. Thế nhưng, từ tháng 5/2011 đến 31/8/2011, Công ty TPCN Sài Gòn chưa được Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh thuốc lá, nhưng trong khoảng thời gian đó, Công ty này vẫn ngang nhiên qua mặt được cơ quan Hải quan, xuất khẩu trót lọt nhiều lô hàng “thuốc lá” sang Campuchia.

Theo đó, để xuất lô hàng 500 thùng thuốc lá hiệu Craven “A”, trị giá hơn 3,3 tỉ đồng cho Công ty Dang Toung Mine – Campuchia (do Trần Thị Bích Tuyền làm đại diện), ngày 18/5/2011, Huỳnh Dũng Tấn chỉ đạo Vũ Thị Thùy Dương (kế toán) mở tờ khai hải quan điện tử số 676 cho Công ty TPCN Sài Gòn xuất khẩu, sau đó giao cho Trần Thị Bích Tuyền làm thủ tục xuất khẩu lô hàng. Hàng hóa được vận chuyển về cửa khẩu Tịnh Biên - tỉnh An Giang để làm thủ tục xuất khẩu sang Campuchia. Mặc dù Công ty TPCN Sài Gòn không có giấy phép kinh doanh thuốc lá, nhưng Nguyễn Thanh Lâm (cán bộ đăng ký tờ khai - công chức Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên - An Giang) vẫn tiếp nhận hồ sơ ký duyệt và trình Chi cục Trưởng cửa khẩu Tịnh Biên duyệt lệnh hình thức mà không kiểm tra hàng hóa của tờ khai số 676 ngày 18/5/2011 nêu trên. Do “lọt” qua được khâu này, nên lô hàng được hai cán bộ Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên tiến hành kiểm hóa, ký tờ khai và xuất khẩu trót lọt sang Campuchia.

Thấy lô hàng xuất khẩu lọt qua cửa Hải quan rất dễ dàng nên các đối tượng bàn cách xuất khẩu hàng hóa có giá trị cực thấp như mì gói, trấu… nhưng trong tờ khai hải quan vẫn thể hiện hàng xuất khẩu là thuốc lá điếu. Để việc xuất khống được dễ dàng, thuận lợi, Trần Thị Bích Tuyền giao cho Nguyễn Ngọc Mẫn (nhân viên giao nhận tự do) làm sao “móc nối” được với các cán bộ Hải quan trực tiếp kiểm hàng của công ty xuất khẩu. Sau một thời gian tìm hiểu, Mẫn đã tiếp cận được  với Nguyễn Tiến Lộc - cán bộ Hải quan Cảng Sài Gòn  Khu vực IV TP HCM. Sau khi bàn bạc, theo thỏa thuận, Mẫn sẽ chi 20% tiền thuế GTGT của lô hàng cho Lộc. Ngược lại, Lộc chịu trách nhiệm kiểm hóa những tờ khai xuất khẩu do lãnh đạo Chi cục Hải quan phê duyệt kiểm tra hàng theo tỉ lệ. Nếu tờ khai được phân luồng xanh (tức hàng không phải kiểm tra), thì Lộc cũng vẫn được hưởng 20% tiền thuế GTGT của lô hàng.

Cũng giống như Nguyễn Thanh Lâm (cán bộ Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên - tỉnh An Giang), lô hàng thuộc 4 tờ khai số 5218; 5219; 5220 và 5221 mở ngày 27/6/2011 của Công ty TPCN Sài Gòn mặc dù không có giấy phép kinh doanh thuốc lá, nhưng cũng không hiểu sao vẫn được Lê Hà (cán bộ tiếp nhận giải quyết đăng ký tờ khai - Hải quan cảng Sài Gòn khu vực IV) tiếp nhận hồ sơ, trình lãnh đạo duyệt lệnh hình thức kiểm tra 10% hàng hóa. Với lô hàng này, Nguyễn Tiến Lộc được phân công kiểm hóa 10% hàng hóa khai báo trên tờ khai. Do đã có  “ăn chia” với các đối tượng xuất khẩu lô hàng trên, nên Lộc bỏ qua, không kiểm tra hàng hóa thực tế, nhưng vẫn ghi khống là “đã mở kiểm tra 10% lô hàng, hàng đúng khai báo” của mỗi tờ khai. Lộng hành hơn, Lê Tiến Cường mặc dù không đến Hải quan cảng Sài Gòn khu vực IV để làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa, nhưng vẫn ký vào ô số 11, xác nhận là đại diện Công ty TPCN Sài Gòn làm thủ tục xuất khẩu và đã chứng kiến việc kiểm tra hàng hóa xuất khẩu chứa trong container.

Ngoài mặt hàng khai báo hải quan là thuốc lá, ngày 8/7/2011, Công ty TPCN Sài Gòn tiếp tục đứng tên mở Tờ khai hải quan điện tử số 6020 với nội dung xuất khẩu 15.300 thùng dầu ăn Tường An cho Công ty Dang Toung Mine – Campuchia, trị giá lô hàng hơn 5,7 tỉ đồng. Với lô hàng này, các đối tượng thuê 5 container rỗng (loại 40 feet) vận chuyển về Long An đóng trấu và mì sợi. Sau đó các container này được chuyển về hạ bãi tại cảng ICD Transimex và hợp thức hóa bằng bộ hồ sơ mua bán dầu ăn nêu trên xuất sang Campuchia. Vì đã nhiều lần nhận tiền lót tay nên Lộc không kiểm hóa hàng hóa thực tế nhưng vẫn ghi đã mở kiểm tra 5% lô hàng.

Hành vi buôn lậu của các đối tượng trên được thực hiện trót lọt là do có sự tiếp tay của 3 cán bộ Hải quan. Trong đó, Nguyễn Tiến Lộc đã nhận tiền “lót tay” 514 triệu đồng. Tương tự, vì động cơ vụ lợi cá nhân, hai công chức hải quan Lê Hà và Nguyễn Thanh Lâm cũng đã cố ý giải quyết hồ sơ xuất khẩu thuốc lá theo các tờ khai hải quan xuất khẩu hàng hóa của Công ty TPCN Sài Gòn không đúng quy định. Với hành vi phạm tội như trên, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã khởi, bắt tạm giam Nguyễn Tiến Lộc tội “nhận hối lộ”, Lê Hà và Nguyễn Thanh Lâm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trước đó, tháng 1/2014 và tháng 3/2014, Cơ quan CSĐT - Công an TP HCM đã bắt tạm giam 9 đối tượng liên quan đến vụ án buôn lậu gạo với thủ đoạn tương tự như trên xảy ra tại Công ty TPCN Sài Gòn. Trong 9 bị can này có Lê Dũng - Giám đốc Công ty TPCN Sài Gòn, Trần Thị Bích Tuyền, Hứa Châu – Giám đốc Công ty Lâm Kim Ngọc và Nguyễn Ngọc Mẫn về tội “Buôn lậu”.

Từ tháng 2/2011 đến tháng 11/2012, Công ty TPCN Sài Gòn lập và ký khống 69 hợp đồng mua hàng trong nước với giá trị hàng hóa hơn 892 tỉ đồng, có số tiền thuế GTGT tương ứng hơn 81 tỉ đồng để xuất khẩu, lập và ký khống 17 hợp đồng ngoại thương xuất khẩu hàng sang Campuchia với tổng trị giá hàng hóa gần 716,5 tỉ đồng có thuế suất bằng 0, tạo dựng 5 bộ hồ sơ xin hoàn thuế với số tiền đã được Cục thuế TP HCM giải quyết hoàn gần 92,6 tỉ đồng.

K.Ngân
.
.