Khối bom 500kg và vụ sát hại người hùng chống mafia

Thứ Ba, 01/08/2017, 08:21
Ngày 19-7 vừa qua, tại nhiều nơi trên khắp đất nước Italy đã diễn ra các hoạt động tưởng nhớ thẩm phán Paolo Borsellino bị mafia đảo Sicily ám sát cách đây đúng 25 năm. Vụ ám sát này xảy ra chỉ 57 ngày sau khi người bạn thân của ông - thẩm phán Giovanni Falcone - thiệt mạng vì khối bom nửa tấn nổ tung trên đường ông đi qua.

2 thẩm phán Giovanni Falcone và Paolo Borsellino được xem là những người anh hùng trong cuộc chiến không khoan nhượng chống lại các tổ chức mafia tại Sicily và toàn Italy. Vụ ám sát 2 thẩm phán đã dẫn tới cuộc truy quét quyết liệt các băng đảng mafia, nhiều ông trùm và hàng trăm thành viên bị bắt giữ. Ngày nay tên của họ được dùng làm tên gọi cho sân bay Palermo, thủ phủ của Sicily.

Đất nước Italy những năm 80-90 của thế kỷ XX được đánh dấu bằng sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố chính trị - mafia với nhiều cuộc tấn công kinh hoàng cùng sự thao túng gần như không giới hạn của các mạng lưới mafia trong mọi lĩnh vực - đặc biệt là kinh tế và chính trị.

Thẩm phán Borsellino (ảnh nhỏ) và hiện trường vụ đánh bom sát hại ông vào ngày 19-7-1992.

Chào đời ngày 18-5-1939 tại Palermo, thành phố lớn nhất ở đảo Sicily và được xem là “thánh địa” của mafia, ký ức thời thơ ấu của thẩm phán Giovanni đã ghi khắc hình ảnh vùng Magione quê nhà bị bom đạn tàn phá khi quân Đồng minh đổ bộ lên Italy năm 1943. Học xong trung học, Giovanni Falcone theo học Trường Võ bị hải quân ở Livorno một thời gian rồi chuyển sang ngành luật.

Tốt nghiệp năm 1961, Giovanni Falcone trải qua 3 năm tập sự để chính thức trở thành luật sư hình sự, rồi cũng chỉ một thời gian ngắn sau, ông được bổ nhiệm làm thẩm phán. Trên cương vị và trách nhiệm của mình, hằng ngày ông chăm chú theo dõi tình hình trên khắp cả nước với hy vọng tìm ra phương thức khắc chế sự bành trướng và sức mạnh của mafia, từ đó ông được xem là một trong những người đầu tiên xác lập được hệ thống thượng tầng của gia đình mafia nổi tiếng lớn mạnh nhất của đảo Sicily - tập đoàn Cosa Nostra.

Vùng Sicily và thành phố Palermo từ lâu vốn là lãnh địa của Cosa Nostra. Vào giai đoạn vàng son ở những thập niên 80, 90, Cosa Nostra gây bao kinh hoàng khắp miền nam Italy. Các bố già qua nhiều thời kỳ, từ anh em nhà Greco với “giáo hoàng” Michele và “thượng nghị sĩ” Salvatore, rồi ông trùm khát máu Toto Riina tung hoành khắp Sicily suốt một thời gian dài.

Trong một bài báo đăng vào năm 1985, tờ LExpress nhận định: mệnh lệnh từ các bố già mafia chính là thứ luật bất thành văn duy nhất nhưng uy lực nhất ở Palermo. Những tên đồ tể của Cosa Nostra kiểm soát Sicily bằng pizzo, loại thuế mà giới kinh doanh phải đóng để được yên thân. Ngoài thu thuế bảo kê, Cosa Nostra làm giàu nhờ buôn bán vũ khí, ma túy và vươn vòi bạch tuộc vào cả lĩnh vực kinh doanh mãi dâm và bất động sản.

Tháng 5-1980, Giovanni Falcone được giao nhiệm vụ chỉ đạo ban điều tra chuỗi hoạt động tội phạm ở Palermo liên quan tới một đường dây ma túy lớn, do hai tay thủ lĩnh mafia khét tiếng bấy giờ là Rosario Spatola và Salvatore Inzerillo điều khiển. Từ Sicily, số lượng ma túy cực lớn được chuyển đi New York cho Gambino - gia tộc mafia hùng mạnh nhất ở Mỹ.

Để hỗ trợ cho Giovanni Falcone, tháng 5-1982, chính quyền trung ương phái đến Palermo một vị tướng trong ngành cảnh sát. Tuy nhiên chỉ 4 tháng sau, vị tướng cảnh sát này bị mafia bắn gục trên đường phố. Bản thân thẩm phán Giovanni Falcone khi kết hôn với Francesca Morvillo, đám cưới của họ cũng tiến hành trong vòng bí mật tuyệt đối để bảo đảm tính mạng cho người vợ; không một vị người khách nào được mời, kể cả họ hàng hai bên, không chụp ảnh kỷ niệm, tất cả diễn ra lặng lẽ trong buổi tối ngày Thứ bảy tại một nhà thờ nhỏ và xưa cũ.

Thẩm phán Giovanni Falcone đưa ra một phương thức mới trong việc điều tra, dò theo dòng tiền để thu thập bằng chứng. Ông nhanh chóng bắt giữ được 53 tay chân trong đường dây ma túy Spatola - Inzerillo - Gambino. Sau đó, ông chuyển sang một ban đặc biệt, phối hợp cùng nhiều thẩm phán chuyên điều tra về tội phạm mafia.

Trong nhóm này có người bạn thân Paolo Borsellino cùng hai thẩm phán nổi tiếng khác. Những vị thẩm phán can trường lặng lẽ vạch ra chuyên án Maxi, lần theo từng tổ chức chân rết mafia ở Sicily. Khởi đầu từ tháng 2-1986 cho đến khi kết thúc chuyên án vào tháng 12-1987, gần 500 tên mafia bị đưa ra tòa, mà báo chí khi ấy thường gọi là “phiên tòa Maxi”.

Một trong những tình tiết quan trọng nhất của phiên tòa Maxi là lời khai của Tommaso Buscetta, người đầu tiên dám “nằm vùng” trong băng đảng mafia theo sách lược mà Giovanni Falcone đưa ra. Làm nhân chứng trong phiên tòa kéo dài hàng tuần liền, Tommaso Buscetta thu hút mọi sự chú ý của công luận và giới truyền thông bởi những tiết lộ liên quan đến nội bộ tổ chức mafia Cosa Nostra khét tiếng.

Không dừng lại ở những thành công của phiên tòa Maxi, Giovanni Falcone còn bắt tay làm việc với Rudolph Giuliani, lúc đó đang làm thẩm phán trong các quận phía nam thành phố New York (Mỹ) từ năm 1988. Hai vị thẩm phán đưa ra nhiều sách lược phối hợp tấn công vào hai gia đình mafia là Gambino và Inzerillo.

Tháng 6-1989, thẩm phán Giovanni Falcone nhận lời đe dọa công khai: một túi thể thao chứa chất nổ dẻo đặt tại căn nhà sát bờ biển, nơi Giovanni cùng gia đình đang có chuyến nghỉ hè. Nhưng Giovanni Falcone không hề nao núng, ông vẫn bình thản tiếp tục công việc trong tâm thế sẵn sàng đem tính mạng mình đương đầu với mafia.

Cuối tháng 5-1992, những tay chân mafia ẩn nấp trong một tòa nhà đã sử dụng điều khiển từ xa làm nổ tung khối bom 500kg được đặt trên đường từ sân bay quốc tế Palermo về trung tâm thành phố, lộ trình của Giovanni Falcone. Sức công phá kinh hoàng của quả bom đã khiến thẩm phán Giovanni Falcone cùng vợ và 3 người cận vệ đi cùng trong hành trình trở về Palermo thiệt mạng ngay tức khắc.

Chính phủ Italy tuyên bố quốc tang, mọi kênh truyền hình của Italy và nhiều hãng thông tấn trực tiếp truyền đi hình ảnh lể tang của thẩm phán anh hùng Giovanni Falcone.

Tiếp nối sự nghiệp dở dang của Giovanni Falcone là người bạn thân của ông từ thuở thiếu thời, thẩn phán Paolo Borsellino. Chưa kịp đưa những kẻ thủ ác ra ánh sáng thì chưa đầy 2 tháng sau khi bạn mình bị ám sát, vào ngày 19-7-1992, một chiếc ôtô cài bom đã phát nổ trên phố Mariano D'Amelio của thành phố Palermo, giết chết Paolo Borsellino cùng 5 cận vệ thân tín...

Tuy nhiên, các tình tiết liên quan đến vụ ám sát cho thấy mafia không phải là hung thủ duy nhất. Đầu mối của mọi sự nghi ngờ tập trung vào cuốn nhật ký bị thất lạc. Đây là vật bất ly thân mà ngay cả khi đi ngủ, Paolo Borsellino đều không rời, ông thường dùng nó để lưu lại mọi tình tiết cũng như chứng cứ thu thập được khi điều tra các băng đảng mafia vào đầu thập niên 1990.

Hai thẩm phán hàng đầu trong cuộc chiến chống mafia - Giovanni Falcone và Paolo Borsellino cùng bị ám sát năm 1992. Ảnh: Tony Gentile.

Một bức ảnh cho thấy một cảnh sát vùng Carabiniere vội vã rời khỏi hiện trường vụ đánh bom xe, trên tay anh ta mang chiếc cặp nhỏ nghi ngờ chứa cuốn nhật ký của Borsellino.

Nội dung của quyển nhật ký đã trở thành trung tâm của phiên tòa xét xử với cáo buộc cho rằng, đã có một thỏa thuận ngầm giữa chính quyền thời đó với mafia. 10 bị cáo bị bêu tên trước tòa bao gồm cựu Bộ trưởng Nội vụ Nicola Mancino, 3 cựu quan chức cấp cao của lực lượng cảnh sát bán quân sự Carabiniere và 4 thành viên mafia, trong đó có “bố già của các bố già” Salvatore Riina, biệt danh “quái vật” - thủ lĩnh của băng đảng Corleonesi.

Theo phía công tố, mục tiêu của chính quyền khi bắt tay với mafia là nhằm ngăn chặn những vụ tấn công của bọn tội phạm nhắm vào quan chức chính phủ. Đổi lại, nhà cầm quyền khoan hồng hơn đối với các tên tội phạm đang bóc lịch trong tù, đồng thời kết án nhẹ hơn. Ông Salvatore Borsellino, em trai của thẩm phán Paolo Borsellino và giới công tố Palermo cho rằng, ông Borsellino bị sát hại vì đã phát hiện thỏa thuận được lập ra giữa chính phủ với giới tội phạm.

Các hãng tin Reuters, AFP, AP từng bình luận: bản thỏa ước này là vết nhơ của nền Đệ nhị Cộng hòa Italy (từ năm 1992 đến nay). Cái chết của hai vị thẩm phán đã gây nên cơn địa chấn khắp Italy, khích động phong trào đấu tranh chống mafia lan rộng trên toàn quốc. Chính quyền Italy trước sức ép của công luận đã càn quét quyết liệt. Ngày 15-1-1993, ông trùm Toto Riina bị bắt, kết thúc gần 20 năm lẩn trốn ngoài vòng pháp luật.

Việc bắt Toto Riina được coi là đòn giáng mạnh vào Cosa Nostra, bởi đó là thời điểm chúng đang điên cuồng tổ chức các hoạt động khủng bố ám sát các thẩm phán, cảnh sát và những người dám lên tiếng chống lại mafia. Ngoài việc đã ra lệnh ám sát 2 thẩm phán Giovani Falcone và Paolo Borsellino, Toto Riina còn bị cáo buộc đã tiến hành các hoạt động tội ác như đánh bom chuyến tàu từ Napoli đi Milan dịp Giáng sinh năm 1984, khiến 17 người chết và 267 người bị thương. Cuối cùng, “quái vật” Toto Riina bị kết án chung thân.

Để tri ân cho những cống hiến và sự hy sinh trong trận chiến với mafia, hai người đồng chí luôn sát cánh bên nhau Giovanni Falcone và Paolo Borsellino được tặng thưởng huân chương vàng “Phụng sự” trong năm 1992. Đến ngày 13-11-2003, hai vị thẩm phán quá cố còn được truy tặng danh hiệu “Anh hùng quốc gia”. Máu vẫn tiếp tục đổ nhưng quyết tâm và sự hy sinh đã mang lại kết quả. Những năm gần đây, giới tư pháp và hành pháp Italy liên tục “cất vó” nhiều ông trùm: Bernardo Provenzano, Salvatore Lo Piccolo... Cosa Nostra suy yếu và vị thế tổ chức mafia lớn mạnh nhất về tay Ndrangheta.

Ngày 16-2-2017, Viện Công tố Palermo mở phiên tòa được xem là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tư pháp Italy khi triệu tập 178 nhân chứng để lấy lời khai, nổi bật trong số nhân chứng này là cựu Tổng thống Giorgio Napolitano, Chủ tịch Thượng viện Pietro Grasso, những người từng giữ vai trò công tố viên chống mafia.

Toto Riina - “quái vật” sa lưới 24 năm trước cũng xuất hiện giúp làm sáng tỏ những vụ việc có liên quan tới “thỏa ước với ma quỷ” mà thẩm phán Paolo Borsellino đã phát hiện. Giới chức tư pháp Italy cho rằng, trong “thỏa ước với ma quỷ” ngoài vai trò của Toto Riina, còn có cựu Bộ trưởng Nội vụ Nicola Mancino, Tướng Mario Mori, những người từng chỉ huy đơn vị đặc nhiệm của Hiến binh (ROS) và một số chính trị gia khác vì bất lực trước làn sóng bạo lực đẫm máu do các tổ chức mafia tiến hành trên đảo Sicily mà những quan chức này đã tìm cách tiếp cận với bọn tội phạm để thỏa thuận chấm dứt các vụ tấn công. Đổi lại, các tổ chức mafia nhận được một số đặc ân như giảm nhẹ chế độ biệt giam cho hơn 300 thành viên mafia bị giam tại các nhà tù.

Tại lễ tưởng niệm thẩm phán Paolo Borsellino được tổ chức ở Hội đồng Thẩm phán Tối cao Italy (CSM) ngày 19-7 vừa qua, Tổng thống Italy Sergio Mattarella phát biểu: “Cái chết anh hùng của Paolo Borsellino và trước đó là thẩm phán Giovanni Falcone cùng những người cận vệ chính là giới hạn cuối cùng của công lý. Đã có rất nhiều trở ngại trong việc đưa những thủ phạm ra trước pháp luật”.

Đại diện của Ủy ban Quốc gia chống mafia do ông Rosi Bindi dẫn đầu cũng có mặt tại Palermo để nói chuyện với các nhân chứng của vụ ám sát, trong đó có Antonio Vullo, người thứ 6 trong đội cận vệ và Fiammetta, con gái của thẩm phán Borsellino.

Tổng thống Sergio Mattarella sinh ra tại Palermo, từng giữ cương vị Thẩm phán Tòa án Hiến pháp. Anh trai của ông là Piersanti Mattarella, cũng là một chính trị gia của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và Thống đốc Sicily từ năm 1978.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng tin CNN vào ngày 19-3-2015 (khi vừa nhậm chức), Tổng thống Sergio Mattarella lần đầu tiên tiết lộ chi tiết câu chuyện người anh trai của ông bị mafia Sicily ám sát năm 1980. Ông kể lại: “Khi ấy anh tôi đang ngồi trong xe với dự định đi đến Mass cùng vợ và các con của mình. Một sát thủ tiếp cận chiếc xe và bắn nhiều phát vào anh ấy bất chấp việc vợ anh dùng tay che đầu cho anh và chị ấy cũng bị thương”.

Ông Mattarella nhanh chóng đến hiện trường vụ ám sát sau khi nhận được điện thoại từ một người cháu. “Tôi đưa anh ấy đến bệnh viện nhưng không còn cơ hội nào để cứu sống. Anh ấy đã mất. Ký ức ấy đối với tôi vô cùng đau đớn... Trước đây, tôi không có ý định dấn thân vào con đường chính trị, nhưng rồi biến cố ngày ấy đã tác động và dẫn dắt tôi đến với chính trị. Anh ấy bị mafia sát hại vì anh ấy dám chống lại sự ảnh hưởng và quyền lợi họ.

Trong suốt mấy năm qua, tôi luôn cố gắng thúc đẩy sự cần thiết của việc chống lại mafia. Đó là thứ ung nhọt sẽ bóp nghẹt sự tự do của mỗi người chúng ta, hạn chế khả năng phát triển và sự thịnh vượng của cả Italy và khu vực châu Âu”.

Q.H. (tổng hợp)
.
.