Không để Đông Nam Á trở thành “bến đậu” của khủng bố

Thứ Năm, 26/10/2017, 22:09
Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) tại thành phố Clark, miền Bắc Philippines, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 23-10 chính thức thông báo chiến dịch kéo dài 5 tháng qua chống phiến quân ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại thành phố Marawi đã kết thúc. Tuy nhiên, cuộc chiến với khủng bố ở Đông Nam Á thì chưa dừng lại.

Tiễu trừ IS ở Marawi

Bộ trưởng Delfin Lorenzana cho hay, các chiến dịch quân sự đã chính thức ngừng lại sau khi quân đội nước này giành chiến thắng trong cuộc đọ súng cuối cùng với những phiến quân còn cố thủ trong một vài tòa nhà ở trung tâm thành phố Marawi. Bộ trưởng Lorenzana nêu rõ lực lượng an ninh Philippines "đã chấm dứt tất cả các chiến dịch tại Marawi và hiện không còn một phiến quân nào tại thành phố này". Trước mắt, Bộ trưởng Lorenzana cho biết quân đội sẽ duy trì 6 tiểu đoàn binh sĩ ở Marawi giữ an ninh.

Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Eduardo Ano cho biết, tổng cộng đã có hơn 1.000 người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở Marawi 5 tháng qua, chủ yếu là phiến quân Hồi giáo. Theo con số được thống kê sơ bộ, tổn thất của quân chính phủ là 165 người gồm cả binh sĩ và cảnh sát. Có hơn 1.700 binh sĩ và cảnh sát bị thương. Khoảng 400.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Cuộc chiến bắt đầu từ ngày 23-5, khi nhóm phiến quân Maute thân IS chiếm Marawi. Quân đội Philippines triển khai cả bộ binh và không kích. Sau 5 tháng co kéo, quân đội Philippines mới thật sự giành thắng lợi, sau khi trùm IS ở khu vực Đông Nam Á Isnilon Hapilon và thủ lĩnh Omarkhayam Maute của nhóm phiến quân Maute bị giết trong một trận phục kích ban đêm.

Đây được xem là một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống khủng bố của Philippines nói riêng và của Đông Nam Á nói chung; được coi là chiến thắng lịch sử đối với Philippines, mở ra hy vọng sớm cắt đứt vòi bạch tuộc của IS tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức sau cuộc chiến chống khủng bố.

Marawi tan hoang sau 5 tháng giao tranh. Ảnh: REUTERS.

Có thể thấy, chiến sự kéo dài 5 tháng qua giữa quân đội Chính phủ Philippines và nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan Maute tuyên bố trung thành với IS tại thành phố Marawi, cho thấy mức độ nguy hiểm của IS và chúng đã thay đổi chiến lược "vươn vòi bạch tuộc" sang Đông Nam Á sau khi bị thu hẹp khu vực kiểm soát ở Iraq và Syria.

Tại sao IS chọn Đông Nam Á?

Không phải ngẫu nhiên IS chọn khu vực Đông Nam Á. Đây là khu vực có dân số trên 600 triệu người, trong đó cộng đồng Hồi giáo lên tới gần 300 triệu tín đồ, chiếm 15% tổng số người theo đạo Hồi trên thế giới, tập trung chủ yếu tại các nước Malaysia, Indonesia, Philippines. Đông Nam Á cũng là khu vực có nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan hoạt động mạnh tại những vùng hẻo lánh hay những hòn đảo biệt lập, nơi chính quyền khó quản lý.

Lợi dụng một biên giới mở nhờ sự gắn kết trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), IS đã mở rộng địa bàn hoạt động tại khu vực này, thiết lập quan hệ với hơn 60 tổ chức cực đoan địa phương, truyền bá tư tưởng và lôi kéo các tín đồ Hồi giáo chân chính đi vào con đường cực đoan.

Thực tế cho thấy IS đã có một chiến lược khá bài bản để hiện thực hóa âm mưu bành trướng sang Đông Nam Á, khi bắt tay với các nhóm phiến quân trong khu vực như Jemaah Islamiyah ở Indonesia, Abu Sayyaf ở Philippines. Bên cạnh đó là một chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn hòng gieo rắc tư tưởng cực đoan bằng những hình thức khác nhau, cũng như ý tưởng thành lập cái gọi là "vương quốc Hồi giáo” tại Đông Nam Á, nhằm lôi kéo ngày càng nhiều công dân các nước Đông Nam Á gia nhập IS, thậm chí cầm súng cho IS tại Syria và Iraq.

Các số liệu thống kê cho thấy hơn 1.000 phần tử cực đoan từ các nước Đông Nam Á đã tham chiến trong hàng ngũ IS tại khu vực Trung Đông.

Từ thực tế trên cho thấy ý nghĩa việc quân đội Philippines đẩy lùi được phiến quân Hồi giáo tại thành phố Marawi lần này là một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống khủng bố của Philippines nói riêng và của toàn khu vực Đông Nam Á nói chung.

Trước tuyên bố khẳng định Marawi đã được giải phóng của Tổng thống Duterte, Thị trưởng Marawi Usman Gandamra đã lên tiếng hoan nghênh và nhận định: “Sự chống cự của các phần tử còn lại sẽ không gây ra quá nhiều khó khăn. Chỉ trong vài ngày nữa thôi, cuộc chiến tại Marawi sẽ chấm dứt”.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, trong thời gian tới, Philippines sẽ phải đối mặt với vô số thách thức sau trận chiến. Tướng Restituto Padilla đã nhận định, việc 2 thủ lĩnh các nhóm Abu Sayyaf và Maute vừa bị tiêu diệt sẽ thúc đẩy những phần tử khủng bố trả thù. Theo ông, sự mất mát này có thể khiến chúng hành động cực đoan hơn nữa. Do đó, tướng Padilla cho rằng, việc duy trì lệnh thiết quân luật trong thời gian tới tại một số khu vực ở Marawi là vô cùng quan trọng.

Trong khi đó, chuyên gia về khủng bố Kumar Ramakrishna của Singapore cũng nhận định rằng chiến sự ở Marawi là “thất bại mang tính biểu tượng” đối với các nhóm thân IS tại đảo Mindanao, Philippines. Tuy nhiên, các phần tử cực đoan này vẫn rất nguy hiểm.

Ông Kumar cảnh báo các nhóm phiến quân có thể sẽ sớm tổ chức lại. Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích cho rằng, chính quyền Philippines vẫn cần phải củng cố mạng lưới tình báo, tăng cường an ninh và tránh tái lập sai lầm để mất Marawi vào tay lực lượng cực đoan, đồng thời tăng cường ngăn chặn các nhóm khủng bố tuyển thêm tân binh.

Không thể lơ là

Các chuyên gia chống khủng bố cảnh báo các nước châu Á vẫn phải đề cao cảnh giác bất chấp việc IS thất thủ tại Raqqa của Syria và thất bại của phiến quân ở thành phố Marawi của Philippines có thể là đòn giáng mạnh vào lực lượng này ở Iraq và Syria.

Giới chuyên gia nhận định IS chỉ thoái trào chứ không biến mất và ảnh hưởng từ những thất bại này có thể sẽ dẫn đến những hình thức khủng bố bạo lực mới và tinh vi hơn mà các lực lượng an ninh trên toàn châu Á sẽ phải đương đầu.

Trong một báo cáo gửi Viện Lowy, một trung tâm nghiên cứu ở Australia, Giám đốc Viện Phân tích chính sách xung đột tại Jakarta, bà Sidney Jones nhận định: “IS sẽ thay đổi chiến thuật hoạt động do cuộc chiến đang dần kết thúc, các tay súng và thủ lĩnh IS đến từ các nước Nam Á hoặc Đông Nam Á sẽ trở về quê hương".

Bà Jones cảnh báo về các vụ đánh bom đáp trả tại những khu đô thị lớn ở Philippines, trong đó có thủ đô Manila, và các thành phố Davao, Zamboanga và tỉnh Cotabato trên đảo Mindanao. Theo bà Jones, các Đại sứ quán Philippines cũng có thể trở thành mục tiêu.

Trong khi đó, người phát ngôn quân đội Philippines Restituto Padilla cho rằng IS vẫn là mối đe dọa, nhưng không phải với quy mô như ở Trung Đông.

Không chỉ có Philippines, các nước khác trong khu vực cũng có thể gặp rủi ro. Các nhóm khủng bố "nằm vùng" có thể lên kế hoạch tấn công liều chết nhằm vào dân thường trên khắp Đông Nam Á. Theo các quan chức, việc IS thất bại ở Marawi và Raqqa sẽ kích động "các vụ tấn công của sói đơn độc" vốn rất khó để ngăn chặn.

Để đối phó với các mối đe dọa nêu trên, các quan chức an ninh trong khu vực đã siết chặt an ninh biên giới quốc gia nhằm ngăn chặn các phiến quân hồi hương từ Syria và Iraq, và những kẻ di chuyển giữa 2 đảo Mindanao của Philippines và Sabah của Malaysia. Các quan chức này gần đây cũng nhất trí tăng cường các cuộc tuần tra chung trên không.

Người dân Philippines vui mừng trở về nhà sau khi Marawi sạch bóng khủng bố. Ảnh: AP.

Nhà chức trách Indonesia cũng siết chặt an ninh tại một số khu vực giáp giới Philippines và tại các cơ sở ngoại giao của Philippines ở thủ đô Jakarta sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterter tuyên bố thành phố miền Nam Marawi được giải phóng hoàn toàn.

Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Indonesia, Tướng Tito Karnavian nhấn mạnh việc tiêu diệt 2 thủ lĩnh của lực lượng phiến quân Isnilon Hapilon và Omarkhayam Maute, cùng việc liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu giải phóng thành phố Raqqa, miền Nam Syria, khỏi tay IS, đã gây tổn thất lớn đối với mạng lưới khủng bố IS. Trong số các phiến quân tại Syria và Marawi có cả những người mang quốc tịch Indonesia. Do vậy, ông Karnavian nhấn mạnh Indonesia cần nêu cao cảnh giác, hợp tác với các quốc gia nắm được thông tin tình báo tại Syria và Philippines để có thể phát hiện hành tung của các phần tử tình nghi.

Với việc lường trước nguy cơ các phần tử này trở về Indonesia bằng đường biển, các binh lính và cảnh sát đã tăng cường giám sát tại các khu vực biên giới. Tướng Tito Karnavian cho biết thêm cảnh sát Indonesia cũng đang theo dõi phản ứng của các mạng lưới khủng bố tại nước này sau khi thành phố Marawi được giải phóng và xác định xem liệu chúng có cử các thành viên tới Marawi hay có bất kỳ hành động trả đũa nào tương tự như vụ đánh bom từng xảy ra năm 2000 tại tư dinh của Đại sứ Philippines ở Jakarta Leonides Caday, khiến 2 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. 

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Duterte cho biết sẽ đề nghị lãnh đạo các nước Indonesia và Malaysia "quét sạch" cướp biển ra khỏi vùng biển khu vực và tái tập trung các nỗ lực an ninh nhằm giải quyết vấn đề này. Phát biểu tại một diễn đàn dành cho các nhà ngoại giao và lãnh đạo Đông Nam Á ở Manila, ông Duterte nhấn mạnh việc quét sạch cướp biển sẽ góp phần đảm bảo an toàn cho các tuyến vận tải.

Ông Duterte cũng kêu gọi các nước trong khu vực hành động quyết liệt để đối phó với chủ nghĩa khủng bố đang hoành hành tại eo biển Malacca, nằm giữa bán đảo Malaysia và đảo Sumatra của Indonesia, vốn là một trong những tuyến vận tải nhộn nhịp nhất thế giới.

Trước đó, bắt đầu từ trung tuần tháng 10-2017, Indonesia, Malaysia và Philippines đã bắt đầu phối hợp tiến hành các cuộc tuần tra trên không. Hoạt động tuần tra chung này được xúc tiến 4 tháng sau khi 3 nước trên triển khai các cuộc tuần tra chung trên biển nhằm ngăn chặn phiến quân Hồi giáo cực đoan ủng hộ IS ở miền Nam Philippines tràn sang các quốc gia láng giềng.

Triệt tận gốc những phần tử “ăn sâu bám rễ”

Cái chết của thủ lĩnh cấp cao thuộc tổ chức IS tại Đông Nam Á là một cú sốc lớn đối với các phần tử thánh chiến, tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng IS vẫn sẽ là một mối đe dọa tiềm ẩn với sự trở về của những tay súng “dày dạn kinh nghiệm” từ Trung Đông.

Kumar Ramakrishna, một chuyên gia về khủng bố thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam của Singapore, cho biết cái chết của Hapilon chính là "một cú đánh đầy hiệu quả và mang tính biểu tượng đối với các tổ chức khủng bố có liên kết với IS ở Mindanao cũng như đến cơ quan đầu não của IS ở Syria”.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng còn lâu mới có thể xóa sổ IS khỏi miền Nam Philippines hay Đông Nam Á. Ông giải thích: “Cuộc vây hãm của IS ở Marawi có thể chấm dứt, không có nghĩa là mối đe dọa (từ IS) sẽ kết thúc. Các tay súng có liên quan đến IS sẽ tập hợp lại... rồi “án binh bất động” một thời gian, đó sẽ là lúc chúng củng cố sức mạnh”.

Ramakrishna cho biết, một tay súng người Malaysia là Mahmud Ahmad cũng đã tham gia vào cuộc vây hãm ở Marawi, và nếu còn sống, nhiều khả năng hắn sẽ đứng lên lãnh đạo các tay súng IS ở miền Nam Philippines và giữ liên lạc với các tay súng ở Trung Đông.

Theo một số nguồn tin, Mahmud Ahmad được cho là một giảng viên đại học tại Malaysia, người đã phụ trách việc huy động tài chính từ nước ngoài cho các tay súng và tuyển dụng các chiến binh mới. Không rõ là có bao nhiêu tay súng IS ở khu vực Đông Nam Á với hơn 600 triệu dân này, tuy nhiên, rất nhiều thành phần khủng bố tại đây đã cam kết trung thành với IS.

Sidney Jones, người đứng đầu tổ chức cố vấn an ninh thuộc Viện Phân tích chính sách về xung đột tại Jakarta, đã cảnh báo rằng hiện các nhà chức trách đang phải đối mặt với mối rủi ro ngày càng tăng khi các tay súng “dày dặn kinh nghiệm” trở về Đông Nam Á trong bối cảnh chúng bị đánh tan tác ở Trung Đông.

Theo Sidney Jones, mối lo ngại chính của giới chức chống khủng bố không phải là những kẻ sống sót từ Iraq hay Syria, mà là các phần tử thánh chiến ở tại chính các quốc gia Đông Nam Á đã thể hiện khả năng thích ứng với những biến động ở cả trong và ngoài khu vực. Chúng áp dụng các chiến lược mới, đồng thời vẫn giữ vững những tư tưởng cực đoan về thế giới vốn đã ăn sâu bám rễ.

Cuộc tấn công vào thành phố Marawi cho thấy sự bành trướng của các nhóm cực đoan trong khắp khu vực, nơi bóng ma của chủ nghĩa khủng bố đang trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết. Phối hợp đa quốc gia và những chính sách phù hợp về dân sinh, an ninh quốc phòng mới có thể triệt tận gốc khủng bố ở các vùng đất thuộc Đông Nam Á.

Nguyễn Hòa
.
.