Kinh nghiệm chống khủng bố của Indonesia:

Không đợi mất bò mới lo làm chuồng

Thứ Hai, 28/05/2018, 12:44
Sau các vụ tấn công làm rung chuyển Indonesia, chính quyền, người dân đã bình tĩnh trở lại và đang hết sức chủ động tăng cường các biện pháp an ninh để đối phó với nguy cơ khủng bố như: bàn việc thành lập lực lượng đặc biệt chống khủng bố của quân đội; đóng cửa hàng nghìn trang web cực đoan; tăng cường giáo dục tư tưởng, coi đây là điểm mấu chốt chống khủng bố...

Sự bình tĩnh, bài bản của Indonesia đang là bài học quý cho các nước trong khu vực.

Nhóm khủng bố nguy hiểm ở Indonesia

Các công tố viên Indonesia vừa đề nghị mức án tử hình đối với giáo sĩ Hồi giáo cực đoan Aman Abdurrahman bị xét xử tại tòa về tội chủ mưu hàng loạt vụ tấn công khủng bố. Phát biểu tại Tòa án Nam Jakarta ngày 18-5, công tố viên Anita Dewayani nêu rõ Abdurrahman bị đưa ra xét xử về tội "vạch kế hoạch và/hoặc xúi giục những đối tượng khác thực hiện các hành động khủng bố nhằm gieo rắc không khí khủng bố trong công chúng".

Theo đó, căn cứ luật chống khủng bố của Indonesia, công tố viên Dewayani đã đề nghị các thẩm phán Tòa án Nam Jakarta phán quyết tử hình bị cáo.

Nhà chức trách Indonesia cho rằng Abdurrahman là người thành lập và là thủ lĩnh tinh thần của nhóm phiến quân Jamaah Ansharut Daulah (JAD) có quan hệ với tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Vụ xét xử đưa ra trong bối cảnh cảnh sát nước này nghi ngờ JAD đứng sau loạt vụ đánh bom liều chết ở các nhà thờ và bên ngoài một trụ sở cảnh sát tại Surabaya trong 2 ngày 13 và 14-5 vừa qua làm tổng cộng 30 người thiệt mạng.

Báo Jakarta Post cho biết, hàng loạt vụ đánh bom liều chết ở thành phố Surabaya, tỉnh Đông Java, cũng như vụ bạo động tại nhà tù Mako Brimob ở Depok, ngoại ô thủ đô Jakarta thời gian ngắn vừa qua đều có liên quan đến tổ chức JAD tại Indonesia. JAD là tổ chức khủng bố lớn nhất tại Indonesia hiện nay.

Lực lượng an ninh Indonesia phong tỏa hiện trường vụ tấn công khủng bố do JAD thực hiện cách đây hơn 1 tuần. Ảnh: CNN.com.

Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Indonesia, tướng Tito Karnavian cho biết, các cuộc tấn công này giống như các cuộc tấn công được phong trào Jamaah Islamiyah (JI) thực hiện tại hàng chục nhà thờ trên khắp Indonesia vào đầu thiên niên kỷ. JI được cho là đã từ bỏ các cuộc thánh chiến tàn bạo, bị tan rã và hiện JAD nổi lên là tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất tại Indonesia.

Viện Phân tích chính sách xung đột (IPAC) có trụ sở ở Jakarta đánh giá: “JAD là tổ chức lớn nhất trong số các tổ chức ủng hộ IS ở Indonesia, trong đó đặc biệt phải kể đến các đối tượng Aman Abdurrahman, JAenal Anshari, Jamaah Anshorul Tauhid (JAT) và Abu Bakar Baasyir”.

JAD trước đây là một thuật ngữ chung đề cập đến bất cứ ai tuyên thệ trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi nhưng hiện nay nó được tổ chức do Aman Abdurrahman đứng đầu sử dụng. Tổ chức này được thành lập tại Malang hồi tháng 11-2015. Hồi năm 2004, Aman đã bị kết án 7 năm tù sau âm mưu khủng bố bất thành ở Depok, ngoại ô thủ đô Jakarta. Tuy nhiên, năm 2008, đối tượng này đã được trả tự do.

Ngay sau khi được thả, Aman đã hợp tác với Ba'asyir để thành lập 1 trại huấn luyện khủng bố chung ở Aceh hồi năm 2010, thống nhất các nhóm khủng bố khác nhau ở Indonesia. Chính hành động này đã khiến Aman bị kết án 9 năm tù.

Hiện bị giam giữ trong tù, song Aman đã bị buộc tội tham gia nhiều vụ tấn công khủng bố trên khắp Indonesia, trong đó có vụ khủng bố ngày 14-1-2016 ở Thamrin, trung tâm thủ đô Jakarta, khiến nhiều người thương vong. Đối tượng này cũng bị cáo buộc tham gia vụ đánh bom ở Kampung Melayu, phía Đông thủ đô Jakarta, ngày 25-5-2017 khiến 3 cảnh sát thiệt mạng...

Tướng Tito cho biết có nghi vấn rằng các vụ đánh bom ở Surabaya vừa qua liên quan đến việc cảnh sát đã mạnh tay bắt giữ các lãnh đạo của JAD, và các đối tượng của tổ chức khủng bố này đã trả đũa bằng cách tiến hành các vụ tấn công đẫm máu. Về các loại vũ khí được sử dụng trong các vụ tấn công vừa qua, ông Tito cho biết có liên quan đến đối tượng JAenal Anshari - một trong những lãnh đạo của JAD đã buôn lậu vũ khí cho các chiến binh Indonesia từ miền Nam Philippines.

Zaenal là chỉ huy thứ 2 trong JAD sau Aman. Các cuộc tấn công tại Depok và Surabaya thời gian qua đã cho thấy vai trò của đối tượng Zaenal là rất quan trọng.

Hồi tháng 1-2017, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố họ đã liệt JAD vào các tổ chức khủng bố và nghiêm cấm các công dân Mỹ tham gia tổ chức này.

Khủng bố trong nước có liên hệ chặt chẽ với các nhóm khủng bố ở nước ngoài

Trước sự hung hãn, tinh vi của các đối tượng khủng bố, Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Indonesia, tướng Tito Karnavian đã thừa nhận còn nhiều vấn đề trong công tác chống khủng bố của Indonesia.

Ngay sau khi các vụ tấn công khủng bố nhằm vào một số nhà thờ Thiên chúa giáo và sở cảnh sát xảy ra, cảnh sát Indonesia đã ráo riết triển khai các lực lượng tăng cường tại hiện trường, điều tra đường dây của các tổ chức khủng bố, truy bắt các nghi phạm. Trong vòng 10 ngày qua, đã có 48 nghi phạm bị bắt giữ, một số bị tiêu diệt. Cảnh sát đã thu giữ được nhiều tang chứng, trong đó có nhiều loại sách, tài liệu hướng dẫn về cách thức liên lạc cũng như tiến hành các hành động khủng bố tại Indonesia.

Đáng chú ý là tại nhà của Tri Murtiono, đối tượng cầm đầu gia đình trong vụ đánh bom liều chết tại trụ sở cảnh sát Surabaya hôm 14/5, cảnh sát đã thu được 54 quả bom ống đã sẵn sàng chờ kích nổ.

Theo tướng Tito Karnavian, khủng bố tại Indonesia hiện nay có liên hệ chặt chẽ với các tổ chức khủng bố ở nước ngoài. Chất nổ sử dụng trong các vụ tấn công là loại có sức công phá mạnh, chủ yếu được buôn lậu từ nước ngoài vào. Đây cũng được cho là chất nổ từng được sử dụng trong các vụ tấn công ở châu Âu gần đây.

Phương thức hành động của các đối tượng đánh bom liều chết ở thành phố Surabaya cho thấy chúng đã được huấn luyện bài bản để qua mặt các cơ quan an ninh và chống khủng bố. Đặc biệt, chúng đã dùng thủ đoạn sử dụng cả gia đình, không loại trừ các thành viên là phụ nữ và trẻ em để gây ra các cuộc tấn công tự sát bằng bom tự chế.

Theo số liệu thống kê của cảnh sát Indonesia, từ năm 2000 đến nay, tại Indonesia đã xảy ra 342 vụ khủng bố lớn nhỏ. Cảnh sát đã bắt giữ gần 1.500 nghi phạm. Tổng cộng đã có 155 người trở thành nạn nhân của các vụ khủng bố, trong đó 48 người đã thiệt mạng và 108 người bị thương.

Quân đội phối hợp với cảnh sát - Giải pháp căn cơ

Về giải pháp lâu dài để đối phó với khủng bố, tướng Tito Karnavian nhấn mạnh, cần thúc đẩy việc thông qua một dự luật chống khủng bố đủ mạnh để không khoan nhượng với hành động khủng bố. Quân đội cũng cần tham gia nhiều hơn vào việc phối hợp hành động chống khủng bố.

Đặc biệt, việc chống lại sự độc hại và lan truyền nhanh chóng của chủ nghĩa cực đoan, hằn thù tôn giáo, dân tộc là một trọng tâm lớn. Bên cạnh đó, việc kết nối dễ dàng qua mạng xã hội, khó kiểm soát Internet được cho là mang lại mối nguy lớn khi ở đó những kẻ cực đoan ngoài tuyên truyền những tư tưởng lệch lạc, còn dạy cách chế tạo bom, cách móc nối, tổ chức tấn công và cả cách tìm nguồn tài trợ cho các hành động khủng bố...

Cuối cùng là phải củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới an ninh và lực lượng chống khủng bố của Indonesia để có khả năng dự đoán tốt và kiểm soát được tình hình. 

Về việc thành lập lực lượng đặc biệt chống khủng bố của quân đội, Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 22-5 đã triệu tập cuộc họp tại Jakarta nhằm bàn thảo về việc thành lập Cơ quan chỉ huy chiến dịch đặc biệt chống khủng bố của quân đội Indonesia (Koopssusgab). Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Indonesia, Tướng Tito Karnavian cho biết cảnh sát quốc gia sẽ hỗ trợ và phối hợp với quân đội trong các hoạt động chống khủng bố.

Theo ông, hoạt động chống khủng bố ở Indonesia hiện nay bao gồm 75% là các hoạt động tình báo, 5% là các hoạt động bề nổi và 20% là hoạt động tư pháp. Tỷ lệ này được cho là sẽ giúp ứng phó thành công với các vụ tấn công khủng bố đang trở nên phức tạp hơn sau loạt vụ đánh bom liều chết vừa qua.

Hiện trường vụ đánh bom hôm 14-5. Ảnh: Vice.

Koopssusgab sẽ bao gồm Lực lượng đặc biệt của Quân đội (Kopassus) với đơn vị 81, đơn vị Hải quân Jalamangkara Detachment và đơn vị Không quân Bravo 90. Tổng thống Widodo đã đồng ý khôi phục hoạt động của Koopsusgab để hỗ trợ Cảnh sát quốc gia trong các hoạt động chống khủng bố trong những điều kiện nhất định. Cũng theo tướng Karnavian, cơ chế hợp tác giữa cảnh sát và quân đội cũng như sự hỗ trợ của công chúng đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực chống khủng bố.

Ngăn chặn tư tưởng khủng bố, giáo dục tư tưởng tiến bộ

Một trong những khâu then chốt của công việc chống khủng bố là việc Chính phủ Indonesia vừa kết hợp đóng cửa hàng nghìn trang web "đen" nhằm đảm bảo mạng Internet sẽ không chứa các nội dung liên quan đến cực đoan và khủng bố, một mặt tăng cường công tác giáo dục tư tưởng tiến bộ, lành mạnh cho mọi tầng lớp, đặc biệt là học sinhn và thanh thiếu niên.

Phát biểu tại tỉnh Yogakarta, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia Rudi Antara cho biết gần 3.000 website tuyên truyền tư tưởng cực đoan đã bị đóng cửa và khoảng 9.500 website khác đang được kiểm tra. Theo ông, động thái này nhằm khuyến khích người dân nêu cao tinh thần bài trừ cực đoan, khủng bố do nhiều nội dung khủng bố và cực đoan đã xuất hiện trên các trang mạng trong đó có Facebook, Instagram hay kênh chia sẻ video YouTube.  

Song song với việc làm trên, chuyên gia Beni Sukadis, điều phối viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Indonesia (Lesperssi) nhận định rằng giáo dục tư tưởng là điểm mấu chốt chống khủng bố. Ông Beni Sukadis cho biết các cuộc khủng bố liên tiếp diễn ra tại Indonesia thời gian qua cho thấy tình trạng an ninh đang ở mức đáng báo động, mặc dù các lực lượng an ninh đã tăng cường các biện pháp bảo vệ trước khi bước vào tháng ăn chay Ramadan.

Các vụ đánh bom liên tiếp ở thành phố Surabaya cũng như vụ bạo động tại nhà tù ở thị trấn Depok trước đó có liên quan đến các tổ chức Hồi giáo cực đoan tại Indonesia trung thành với IS. Điều đặc biệt nghiêm trọng là trong các vụ tấn công này, các đối tượng khủng bố là thành viên của các gia đình, nhiều trẻ em cũng bị lôi kéo tham gia.

Theo ông Sukadis, tư tưởng cực đoan đã thấm sâu vào các đối tượng tấn công khủng bố và không dễ ngăn chặn được các đối tượng này. Theo ông Sukadis, mặc dù không thể dẹp bỏ hoàn toàn được các tư tưởng cực đoan này, nhưng có thể giảm thiểu bằng các biện pháp kinh tế xã hội, giáo dục, tuyên truyền rộng rãi...

Chuyên gia này cho rằng Indonesia cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào kinh tế - xã hội, giáo dục đào tạo, truyền thông, các lực lượng làm công tác đấu tranh chống khủng bố.

Một trong các giải pháp này là phương pháp giáo dục trẻ em trong các gia đình, điều này thể hiện vai trò quan trọng của các bậc phụ huynh, hàng xóm, cộng đồng... và đặc biệt là ở các trường học. Đây là cuộc đấu tranh đòi hỏi nỗ lực của toàn thể chính quyền cũng như người dân Indonesia. Chiến dịch của chính phủ về lòng khoan dung phải đạt được các cơ sở giáo dục khác nhau thông qua Bộ Văn hóa và Giáo dục cũng như Bộ Tôn giáo thực hiện hiệu quả.

Chính phủ cũng phải cung cấp các nền tảng và chương trình để thúc đẩy lòng khoan dung. Ngoài ra, các tổ chức chính phủ liên quan trong phải có các biện pháp kịp thời phát hiện ra các trường dễ bị chủ nghĩa cấp tiến và áp dụng các phương pháp thuyết phục để ngăn chặn sự lan truyền của chủ nghĩa cấp tiến trong các trường đó.

Ngoài ra, ông Sukadis cũng bày tỏ sự ủng hộ việc Chính phủ Indonesia ban hành luật chống khủng bố, theo đó, quân đội sẽ cùng với lực lượng cảnh sát hoạt động tích cực trong cuộc đấu tranh phòng chống khủng bố vốn đang rất phức tạp. Bên cạnh đó, chuyên gia của Lesperssi này cho rằng Chính phủ Indonesia cần hợp tác với chính phủ các quốc gia thành viên trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bởi khủng bố thực sự đã trở thành vấn đề của khu vực, có liên quan đến nhiều quốc gia ASEAN, trong đó có các cơ quan xuất nhập cảnh, lực lượng chống khủng bố.

Có thể thấy rõ, Indonesia đang thực sự rất bình tĩnh và rất bài bản trong công cuộc chống khủng bố, chủ nghĩa cực đoan. Việc đứng trước nguy cơ khủng bố mà hầu hết người dân Indonesia vẫn thể hiện quyết tâm không khoan nhượng chủ nghĩa cực đoan - vốn làm xấu đi hình ảnh của các tín đồ Hồi giáo chân chính - thông qua sự bình thản hiếm có đã cho thấy những chính sách của chính phủ thực sự đã “thấm” tới hầu hết người dân.

Nhiều người dân sinh sống tại Jakarta cho rằng khi đã xảy ra ở Surabaya thì khủng bố cũng có thể xảy ra ở Jakarta hay bất kỳ nơi nào của Indonesia, vì vậy họ vẫn sống và làm việc bình thường. Không lo sợ không có nghĩa là lơ là cảnh giác hay coi thường các nguy cơ khủng bố.

Nguyễn Hòa
.
.