Khun Sa và đế chế ma tuý Tam Giác Vàng (kỳ 2)

Thứ Tư, 14/11/2007, 07:15
Tháng 1/1994, Cơ quan Bài trừ ma túy Hoa Kỳ đã hỗ trợ quân đội và cảnh sát Thái Lan phối hợp với quân đội chính phủ Liên bang Myanmar đột kích vào đại bản doanh của “Hổ Tam Giac Vàng”. Khun Sa và Khun Seng chạy thoát kịp thời, nhưng 13 viên tướng dưới quyền thì bị bắt sống. Hàng loạt lò điều chế hêrôin bị phá hủy.
>>Khun Sa và đế chế ma tuý Tam Giác Vàng (kỳ 1)

Chiến lợi phẩm của lòng tham

Lẽ ra với ưu thế vượt trội về quân số, quân Quốc dân đảng đã dễ dàng chặn và tiêu diệt thương đoàn ma túy của Khun Sa ngay trên đất Myanmar. Nhưng dù đã liên minh, Đoàn Thời Văn và Lý Văn Huấn vẫn chưa bao giờ thống nhất với nhau. Toán quân của Khun Sa đã len qua khe hở của sự hục hặc đó để vượt thoát sang đất Lào.

Đại bại trong ý đồ tái chiếm miền Nam Trung Quốc, Quốc dân đảng tháo lui về Bắc Thái Lan và Bắc Lào, lập căn cứ, tuyển thêm lính từ các bộ tộc ở địa phương. Lúc này, chính trường Lào đang hết sức rối ren.

Nhằm củng cố sức mạnh quân sự để tiếp tục cuộc chạy đua tranh giành quyền lực, viên tướng cực hữu Phoumi Nosavan đã đàm phán với Lý Văn Huấn và Đoàn Thời Văn để tiếp nhận cả hai đơn vị Quốc dân đảng này vào quân đội Hoàng gia Lào, biến chúng thành Sư đoàn khinh quân 111, làm nhiệm vụ tương tự như những đội quân biên phòng trên vùng biên giới. Không còn chốn nương thân, cũng không có sự lựa chọn nào khác, hai viên tướng thổ phỉ đành chấp thuận.

Sư đoàn 111 tuy đã có phiên hiệu nhưng vẫn không có... sư đoàn trưởng, bởi hai tướng Đoàn và Lý vẫn tiếp tục không ai nhường ai, thường xuyên đánh nhau để tranh giành quyền đánh thuế thuốc phiện vùng Tam Giác Vàng.

Giao nộp vũ khí tượng trưng.

Con sông Salween trở thành ranh giới tự nhiên phân chia quyền lực. Bờ  tây con sông, trải dài trên 400km từ Tam Ngop đến Lashio trên các tiểu bang Shan thuộc quyền kiểm soát của Lý Văn Huấn với đệ tam lộ quân gồm 1.400 lính, 7 trạm điện đài.

Bờ phía đông là lãnh địa đệ ngũ lộ quân của Đoàn Thời Văn với 1.800 quân, 11 trạm tiếp sóng. Ở giữa hai đạo quân hục hặc này là 400 lính thuộc Đơn vị độc lập số I của tướng Mã Thắng Quốc, kiểm soát một dải dọc biên giới Myanmar và Trung Quốc.

Đơn vị độc lập số I nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tưởng Kinh Quốc, con trai Tưởng Giới Thạch, nên vẫn được tiếp tế đầy đủ, nguồn cung cấp không phụ thuộc vào vấn đề thuốc phiện bản địa nên tướng Mã không rơi vào vòng xoáy tranh chấp.

Ông ta trở thành lực lượng trung gian cố công hòa giải, hàn gắn mối bất hòa của hai tướng Đoàn và Lý, nhưng thực tế thì chưa bao giờ thành công. Khi liên minh với nhau để chặn đoàn thồ hàng của Khun Sa, Lý và Đoàn vẫn liếc ngang mọi động thái của nhau, không ai chịu ra tay trước để gánh phần thiệt hại. Thương đoàn của Khun Sa, nhờ đó đã có cơ hội thoát đi và đến được bản Khwoan.

Ouane Rattikone, Tổng trưởng Quốc phòng Lào cũng có những toan tính riêng của mình. Sau khi đuổi được Phoumi Nosavan lưu vong sang đất Thái, Rattikone cũng nhanh tay “tiếp quản” luôn "di sản thổ phỉ" mà Phoumi Nosavan để lại.

Quốc dân đảng còn tồn tại, Rattikone còn có cơ hội thanh lý nốt số vũ khí dự trữ từ thời Pháp. Mỗi khẩu cạcbin kiểu cũ, ông ta bán được 60 USD (tương đương 2 kg thuốc phiện).

Thuốc phiện là ưu tiên số 1. Tướng Oune Rattikone có 4 lò điều chế hêrôin số 4 (loại hêrôin tốt nhất, đắt gấp 16 lần hêrôin số 3, loại truyền thống) đặt tại bản Khwoan, 5 lò khác đặt tại Vientiane.

Những tên thổ phỉ vùng Tam Giác Vàng chính là nguồn cung cấp thuốc phiện sống cho các lò điều chế này. Tiền bán thuốc phiện, chúng dùng để mua lại vũ khí từ chính ông, khoảng 125-150 USD một khẩu M1 hoặc M2.

Khoản này, ông có thể cung cấp vô biên. Chính vì những mối quan hệ vụ lợi, ông đã mặc kệ cho Quốc dân đảng tổ chức chặn đường cướp hàng của Khun Sa, không can thiệp, dù chính ông là người đặt mua lô hàng thuốc phiện khổng lồ này. Ai thắng Oune Rattikone cũng có lợi.

Tuy nhiên, khi chiến lũy của Khun Sa được lập ngay trên bản Khwoan, lãnh địa của ông và thuộc đất Lào thì viên tướng hám lợi đâm hoảng. Sợ cuộc chiến sẽ gây nên một cuộc khủng hoảng thu hút sự chú ý của quốc tế Ouane Rattikone đã gửi điện khẩn yêu cầu cả hai bên phải thoái binh, rời đất Lào ngay tức khắc.

Quốc dân đảng đòi phải có 25 nghìn USD mới rút. Quân Shan, theo điện lệnh của Khun Sa vẫn cương quyết cố thủ. Đã quá muộn để ngăn chặn một cuộc chiến đẫm máu và bưng bít sự dính líu của Oune Rattikone với công cuộc buôn lậu ma túy từ Tam Giác vàng.

Bối rối, Oune Rattikone đành phải để tinh thần “phụng sự Tổ quốc” lấn át lòng tham. Ngày 30/7/1967, được sự đồng ý của Thủ tướng Phouma Souvana, Oune Rattikone đã điều 4 chiếc máy bay T-28 đến bản Khwoan, ném bom vào đội hình của cả hai bên trong 2 ngày liền.

Tiếp đó, ông điều Tiểu đoàn 2 nhảy dù của quân đội Hoàng gia Lào đến “dọn dẹp chiến trường”. Thêm 2 tàu tuần tiễu liên tục trên sông Mê Kông và một đơn vị bộ binh cũng được điều từ Muong Munge tới, cắt đứt đường rút lui của cả hai phe đối địch.

Phần thắng thuộc về bom đạn. Lính Shan vứt hết thuốc phiện liều mạng vượt sông Mê Kông chạy về Myanmar, để lại sau lưng 82 xác chết, 15 lừa ngựa và toàn bộ vũ khí hạng nặng. Toàn bộ chiến lợi phẩm, gồm cả 16 tấn thuốc phiện được quân đội Hoàng gia Lào gom lại, đưa xuống thuyền chở về một căn cứ của Oune Rattikone ở bản Huoi Sai.

Quân Quốc dân đảng  bị bộ binh Lào bao vây hơn 2 tuần, sau đó cũng xin nộp 7.500 USD chiến phí để được đầu hàng và rút lui về Thái Lan vào ngày 19/8, sau khi chịu tổn thất 70 lính và 24 khẩu súng hạng nhẹ. Cảnh sát Thái Lan chỉ vờ vịt  tước vũ khí của chúng một cách hình thức, sau đó nhanh chóng để cho 700 lính Quốc dân đảng cùng 300 khẩu tiểu liên, 72 khẩu súng  tự động và 2 khẩu đại bác không giật rút về Mae Salong trên biên giới Thái – Myanmar an toàn bằng 18 chuyến xe tải đã thuê sẵn.

Chỉ có Ouane Rattikone lãi to vì không phải trả tiền cũng thu được phần lớn trong toàn bộ lô hàng 16 tấn thuốc phiện, chưa kể hàng trăm khẩu súng khác mà hai bên buộc phải bỏ lại khi tháo chạy. Tỏ ra hào phóng, ông tướng buôn lậu này đã chia chiến lợi phẩm với lính, tặng mỗi lính dù thuộc Tiểu đoàn 2 một số tiền đủ để mua một căn nhà nhỏ ở thủ đô Vientiane!--PageBreak--

Bạo chúa trong cơn giãy chết

Mất hàng, mất lính, thế lực của Khun Sa suy yếu. Ông ta phải xuống nước thuyết phục tướng lĩnh các nhóm phiến quân khác hình thành nên liên minh Mong - Tai, ly khai và chống chính phủ vào năm 1968. Vì những mối liên hệ nguy hiểm này, tháng 10/1969, quân đội Chính phủ Myanmar đã bí mật tóm cổ Khun Sa đưa về Rangoon giam giữ.

Khoảng giữa năm 1973, thuộc hạ của Khun Sa đã tổ chức bắt cóc 2 bác sĩ người Liên Xô đang làm chuyên gia tại Bệnh viện thủ đô Rangoon, ra yêu sách đòi trao đổi Khun Sa. Áp lực quốc tế đã khiến Rangoon nhượng bộ. Khun Sa được đưa ra khỏi nhà tù nhưng vẫn bị quản chế ở ngoại ô thủ đô. Ba năm sau, Khun Sa đào thoát.

Ông ta quay trở lại Tam Giác Vàng, tiếp tục buôn lậu ma túy. Rút kinh nghiệm, Khun Sa không bán thuốc phiện sống nữa, tránh phải vận chuyển cồng kềnh. Thay vào đó, ông ta xây dựng một loạt 12 lò điều chế hêrôin.

Hổ về rừng càng trở nên hung dữ. Khun Sa đổi tên nhóm ly khai của mình thành Quân đội Shan (Shan United Army - SUA), lập đại bản doanh tại thị trấn huyện Ban Hin Taek, cách biên giới Thái Lan 42 km. Cách đó 10 dặm, Khun Sa cho dựng tòa Bạch Ốc của mình, một cung điện nguy nga được 600 lính thường trực bảo vệ.

Năm 1985, Khun Sa đã đưa SUA sáp nhập vào Hội đồng cách mạng Tai của Moh Heng để chính quy hóa quân đội, thường gọi là quân Mong Tai có 3.000 tinh binh, 6.000 kị binh đồn trú tại khu vực tổng hành dinh và tổng cộng trên 20.000 tay súng trên toàn bộ các bang Shan, kiểm soát gần 400 km đường biên giới chung với Thái Lan!

Súng đạn do Khun Sa giao nộp cho Chính phủ.

Kể từ đây, quyền lực của Quốc dân đảng bị Khun Sa đẩy lùi qua biên giới, phải co cụm về bên kia đất Thái. Lượng thuốc phiện của bang Shan sản xuất không ngừng gia tăng, từ 550 tấn năm 1981 vọt lên 2.500 tấn vào năm 1989, chiếm 70% lượng hêrôin toàn thế giới. Khun Sa kiểm soát được 70%  tổng lượng ma túy này

Đế quốc hêrôin trở nên hùng mạnh. Riêng năm 1989, Khun Sa đã cho tuồn vào thị trường nước Mỹ một lượng hêrôin tương đương 1.000 tấn thuốc phiện. Tuy nhiên, ông ta vẫn cố biện minh, rằng ma túy không phải là mục đích, chỉ là phương tiện, rằng mục đích của ông ta là xây dựng một quốc gia Shan độc lập, tách khỏi liên bang Myanmar.

Và “vì dân chúng còn nghèo nên chúng tôi phải trồng thuốc phiện, phải sản xuất hêrôin. Dù sao thì người dân của tôi cũng cần phải có cái ăn, cái mặc!”.

Giật mình bởi chính sách hai mặt của mình đã để lại một di họa quá lớn, tàn phá ngay chính nước Mỹ, Chính phủ Hoa Kỳ đã buộc phải thay đổi thái độ đối với Khun Sa. Y và người chú của y là Khun Seng nhanh chóng được liệt vào hàng “kẻ thù số 1 của nước Mỹ”, được ghi tên đầu trong danh sách những kẻ bị truy nã gắt gao nhất của Tòa án New York.

Tòa án này cũng ra giá 2 triệu USD cho bất kỳ ai cung cấp được thông tin dẫn đến việc bắt giữ hoặc giết chết 2 nhân vật khét tiếng này. Đáp lại, Khun Sa gửi cho Tòa án Mỹ một thông điệp: “Nếu muốn chúng tôi không bán thuốc phiện ra thị trường thuốc gây nghiện quốc tế nữa, nước Mỹ hãy... mua hết số thuốc phiện do bang Shan sản xuất!".

Gần như cùng lúc, cả nước Mỹ lẫn Chính phủ Myanmar đều có câu trả lời. Không thể mở các chiến dịch quân sự quy mô tấn công Khun Sa ngay, bởi lúc đó ở miền Nam liên bang Myanmar vẫn còn gần 15 liên minh chống chính phủ của 34 bộ tộc đang hoạt động, chính quyền Rangoon bèn áp dụng chính sách chia để trị.

Liên tục trong năm 1989, Myanmar đã mở hàng loạt cuộc hiệp thương ngừng bắn với nhiều tổ chức ly khai đang liên minh với Khun Sa để rảnh tay đối phó với SUA. Một loạt các cánh quân ly khai phía đông các tiểu bang Shan đã đồng ý rời bỏ Khun Sa để quy thuận Chính phủ.

Khun Sa suy yếu. Tháng 11/1993, quân đội Myanmar đã tấn công một loạt cứ điểm của quân Mong Tai, gây nhiều thiệt hại cho đế chế của Khun Sa.

Dưới áp lực của Mỹ, Thái Lan cũng tuyên bố đóng cửa biên giới, cắt đứt ngõ thông thương của Shan ra thế giới bên ngoài.

Tháng 1/1994, Cơ quan Bài trừ ma túy Hoa Kỳ đóng ở Bangkok đã hỗ trợ quân đội và cảnh sát Thái Lan phối hợp với quân đội chính phủ Liên bang Myanmar mở chiến dich “Bẫy Cọp” (Operation Tiger Trap) đột kích vào đại bản doanh của “Hổ Tam Giac Vàng”.

Khun Sa  và Khun Seng chạy thoát kịp thời, nhưng 13 viên tướng dưới quyền thì bị bắt sống. Hàng loạt lò điều chế hêrôin bị phá hủy.

Quân bại, tướng tàn, ngày 20/12/1995, Khun Sa phải phái người đàm phán với Chính phủ Myanmar để bảo toàn mạng sống và không bị dẫn độ sang Mỹ. Tuyên bố hạ vũ khí được ký vào ngày 5/1/1996.

Hai tuần sau, ngày 18/1/1996, tại Tòa Bạch Ốc trong đại bản doanh, Khun Sa cùng toàn bộ bộ tướng và 9.749 binh sĩ đã giao nộp 6.004 khẩu súng các loại, trong đó có cả tên lửa vác vai, tên lửa đạn đạo, súng chống tăng và đại bác không giật, chấp nhận đầu hàng. 

Chính quyền Myanmar đã giữ lời, không bắt giữ và dẫn độ Khun Sa, dù Hoa Kỳ vẫn thường xuyên gây áp lực. Đổi tên thành U Htet Aung, "vua" ma túy Tam Giác Vàng đã lui về sống lặng lẽ ở ngoại ô Rangoon cùng với gia đình, nơi ông ta có hàng chục biệt thự nằm rải rác. Hơn chục năm tiếp theo, cuộc sống của ông ta là một trận chiến mới kéo dài chống lại bệnh tiểu đường, bệnh cao huyết áp và nhiều loại bệnh tật khác và cuối cùng là bị liệt nửa người.

Khun Sa lặng lẽ biến mình vào im lặng, bỏ mặc đế chế thuốc phiện lớn nhất thế giới và lớn nhất mọi thời đại lụi tàn dần rồi chìm vào quên lãng. Ngày 30/10/2007, ông ta được gia đình đưa vào lò thiêu ở Rangoon, cố đô và là thành phố lớn nhất của Myanmar.

Theo tuyên bố của Khuensai Jaiyen, cựu thư ký, thuộc hạ trung thành của Khun Sa từ hồi Tam Giác Vàng còn tồn tại thì Khun Sa đã chết vì bệnh tật vào ngày 26/10/2007. Những người tò mò tìm kiếm tung tích ông ta chợt nhận ra rằng, cuộc đời của kẻ khét tiếng ấy, khi còn sống cũng như lúc ra đi, đều chìm trong một màn sương kỳ bí

Nguyễn Hồng Lam
.
.