Khun Sa và đế chế ma tuý Tam Giác Vàng

Thứ Hai, 12/11/2007, 13:30
Đám tang nhỏ diễn ra lặng lẽ bên lề ngoại ô thành phố Rangoon. Người chết được hỏa thiêu theo nghi thức Phật giáo vào sáng 30/10/2007. Trong giấy chứng tử, tên của  người quá cố được ghi là U Htet Aung, một cái tên bình thường và hiền lành, không mấy gợi cảm xúc hay sự tò mò.

Nhưng chỉ vài giờ sau đó, thông tin về sự ra đi của con người này đã tràn ngập trên vô số phương tiện thông tin đại chúng của toàn thế giới. Thì ra, kẻ vừa mới lìa đời đã từng là một ông hoàng không ngai trong thế giới ngầm, một tội phạm ma túy quốc tế khét tiếng. Người ta gọi ông ta là Khun Sa, vua thuốc phiện của vùng Tam Giác Vàng. Đã có thời, đế chế thuốc phiện của ông ta kiểm soát tới 1/2 lượng hêrôin buôn lậu trên toàn thế giới.

Tam Giác Vàng - Vùng đất ly loạn

Được biết đến với vai trò kẻ đứng đầu Liên quân Giải phóng Quốc gia Shan (Shan United Army - SUA) hoạt động ở miền Nam Myanmar, cái tên Khun Sa đã khiến nhiều người lầm tưởng ông là một tiểu vương hay một quý tộc của bộ tộc nào đó của miền Nam Myanmar. Thực ra,  Khun Sa là một người Hán chính hiệu, sinh ngày 17/2/1934 tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Rất có thể ngay cả chính Khun Sa cũng không biết chính xác tên khai sinh của mình là gì. Trong các tài liệu, kể cả tài liệu của Cơ quan Tình báo Myanmar, của Bộ Công an Trung Quốc hay của Cơ quan DEA (Cục Phòng chống ma túy Hoa Kỳ) thì mỗi nơi, nhân vật này được gọi một cái tên riêng.

Nhiều tài liệu khẳng định ông ta tên là Chan Shi Fu hoặc Zang Qifu (tùy theo cách đọc), tức Trương Kỳ Phu. Alfred W.McCoy, học giả người Mỹ chuyên nghiên cứu về ma túy và chính trị Đông Nam Á thì khẳng định tên ông ta là Chan Shee Fu, tức Trần Phục Thức... Rối rắm, lộn tùng phèo! Nhưng cũng không quan trọng, đằng nào thì Khun Sa cũng đã chết, không cần dùng đến những tên gọi ấy nữa.

Sống bằng nghề buôn thuốc phiện, cha mẹ cậu bé thường mang con mình theo trong những chuyến vượt sông Salween từ Vân Nam sang miền Nam Burmar (Myanmar ngày nay) để cất hàng.

Nhờ vậy, cậu bé rất thông thuộc đường đi lối lại và phong tục tập quán của người Wa, người Shan, người La Hủ..., sống ở miền Nam Myanmar giáp biên giới Lào, Thái Lan và Trung Quốc. Năm 18 tuổi, kỹ năng phân biệt chất lượng và buôn bán thuốc phiện đã ăn sâu vào máu gã trai trẻ này.

Trước đó ít năm, không hiểu vì lý do nào đó, bố mẹ của gã chia tay nhau. Bà mẹ tái hôn với một hoàng tử người Shan. Cậu bé được ông hoàng này nhận làm con nuôi và đặt cho cái tên Khun Sa, trong tiếng Shan - một bộ tộc Myanmar có ngôn ngữ pha tạp nhiều phương ngữ Thái - có nghĩa là “Hoàng tử thịnh vượng”.

Rồi đây, nhắc đến cái tên mang nghĩa khá mỹ miều này, cả thế giới sẽ phải rùng mình. Báo chí thế giới thì gọi chệch tên ông ta thành “Hoàng tử chết chóc”.

Khi cậu bé gốc Trung Quốc "lột xác" thành ông hoàng người Shan thì quốc gia Bumar, sau này đổi tên là Liên bang Myanmar vừa giành được độc lập từ tay người Anh mới chỉ có 5 năm (1947). Độc lập nhưng chưa hề có thống nhất thực sự".

Quyền lực thực dân đã bị phế bỏ nhưng những hệ lụy do chính sách chia để trị của nó gây nên thì vẫn còn dai dẳng. 34 bộ tộc ở miền Nam quốc gia này tuyên bố ly khai, không chấp nhận quyền lực liên bang. Hàng loạt đạo quân vũ trang của các bộ tộc được lập nên để chống đối quân chính phủ.

Các đạo quân này lúc liên minh, lúc công kích lẫn nhau để tranh giành quyền lợi. Trên bản đồ thế giới, cái tên Tam Giác Vàng vẫn chưa định hình.

Thuốc phiện có mặt tại vùng này khá sớm. Tuy nằm trong miền nhiệt đới, nhưng là vùng cao nguyên có độ cao từ 1.000 đến 1.700m so với mực nước biển, gồm đa phần là các rặng núi đá vôi, rõ ràng, phần đất rộng 195.000 km2 (gần bằng 2/3 diện tích nước Việt Nam) này rất thích hợp với sự phát triển của cây anh túc...

Các tộc người Shan, Wa, Pa Ô, La Hủ, Kasin, Pa Lung,... đều xem thuốc phiện là nguồn thu nhập chủ yếu, loại cây trồng có giá trị nhất bởi nó gọn nhẹ, có thể vận chuyển đi xa khá dễ dàng. Điều này gần như không thể thực hiện được với các loại hàng hóa, nông sản nặng nề và cồng kềnh khác trên một vùng toàn núi đồi đèo dốc.

Tuy nhiên, cho đến giữa thế kỷ XX, loại thần dược chết người của vùng đất này vẫn chỉ là một thứ di sản thuộc địa tàn phá ngay chính tại nơi sản xuất ra nó chứ chưa phải là mối hiểm họa đe dọa toàn thế giới. Chính những biến cố chính trị và sự xâu xé quyền lực đã hoàn tất nốt phần sau của mối nguy này.

Chưa giải quyết được nạn cát cứ trong nước, Liên bang Myanmar lại phải đối phó với một sự đe dọa vũ trang khác xâm nhập từ quốc gia láng giềng. Tháng 10/1949, Giải phóng quân Trung Quốc đánh bật quân Quốc dân đảng ra khỏi Trung Hoa Đại lục.

Hơn 2.000 quân Quốc dân đảng thuộc các Sư đoàn 93, Quân đoàn 26, Quân đoàn 8 của các tướng Lý Mật, Lý Văn Huấn đã tháo chạy sang miền Nam Myanmar tìm chốn dung thân.

Nhằm “ngăn chặn làn sóng đỏ tràn xuống phương Nam”, theo học thuyết Truman, CIA Mỹ đã lập cầu không vận, dùng máy bay C47 tiếp vận quân lương, vũ khí cho cả hai nhóm phiến quân này.

Nhờ tiền bạc và hậu thuẫn của Mỹ, đã có lúc tướng Lý Mật phát triển đạo quân của mình lên tới 12 nghìn người, chiếm lĩnh một vùng rộng lớn bên bờ tây sông Salween. Từ đó, ông ta thường xuyên tấn công vào sâu nội địa Trung Quốc nhưng lần nào cũng bị Giải phóng quân đánh bại, phải tháo chạy.

Những cuộc xung đột triền miên giữa các bộ tộc nổi loạn, nhóm tàn quân Quốc dân đảng chạy loạn với quân chính phủ đã khiến cả miền lưu vực sông Salween trở nên vô cùng hỗn loạn.

Sau hàng loạt cuộc đấu tranh, cả bằng quân sự lẫn bằng đường ngoại giao quốc tế, mãi đến tháng 1/1961, Myanmar mới thực sự buộc được Mỹ và Đài Loan rút lui khỏi vai trò bà đỡ cho phiến quân Quốc dân đảng và những nhóm bộ tộc vũ trang ly khai.

Cả hai loại phiến quân này đều nhanh chóng vồ vập và khai thác triệt để nguồn lợi từ thuốc phiện bản địa để tìm nguồn tài chính thay thế, tiếp tục nuôi ý đồ cát cứ. Địa danh Tam Giác Vàng ra đời.

Lớn lên trong bầu không khí nóng bỏng mùi thuốc súng ấy, “Hoàng tử thịnh vượng” cố nhiên cũng không thể đứng ngoài. Khun Sa đã gia nhập một nhóm phiến quân Quốc dân đảng chống chính phủ.--PageBreak--

Trận bản Khawan: Chiến tranh thuốc phiện

Sau một thời gian phục vụ phiến quân Quốc dân đảng, Khun Sa trở nên một thủ lĩnh trẻ đầy triển vọng. Năm 1963, thấy thực lực của nhóm Quốc dân đảng mà mình đang theo đuổi không đủ mạnh, Khun Sa đã cầm đầu cánh quân của mình ly khai, tuyên bố từ bỏ Quốc dân đảng nhằm tìm một cơ hội lớn hơn.

Chấp nhận quy thuận Chính phủ Liên bang, Khun Sa nhận tiền, trang phục, vũ khí do chính phủ cấp để tổ chức lại toán quân của mình thành một đạo Ka Kwe Ye (địa phương quân thân chính phủ) đánh lại những toán quân ly khai phản loạn.

Khi quân Ka Kwe Ye đã lớn mạnh, có khoảng 800 tay súng, Khun Sa lại tuyên bố chấm dứt hợp tác với chính phủ. Y dẫn đạo quân của mình đánh nhau quyết liệt với các nhóm ly khai khác để giành quyền kiểm soát một vùng đất rộng lớn thuộc hai bang Shan và Wa, đặt thủ phủ tại thành phố Keng Tung và bắt đầu đẩy mạnh việc sản xuất, buôn bán thuốc phiện.

Lúc này, mặt hàng duy nhất trong “vương quốc” của Khun Sa vẫn chỉ là thuốc phiện sống. Y đánh thuế rất nặng cả người trồng, bán và mua thuốc phiện. Mặt khác, y gia tăng việc thu gom thuốc phiện sống trong vùng để bán lại cho các thương nhân người Hoa kiếm lời.

Trại lính quân đội Shan.

Những đoàn thương nhân vào mua thuốc phiện trong lãnh địa của Khun Sa còn bắt buộc phải nộp thêm phí bảo kê, trung bình 4,5 USD/kg. Bù lại, mỗi đoàn buôn thuốc phiện sẽ được hàng trăm tay súng của Khun Sa áp tải qua hàng ngàn kilômét đèo dốc hiểm trở đến tận biên giới an toàn.

Thuốc phiện sau đó sẽ vượt biên giới Myanmar sang Thái Lan, Lào... và đưa về cung cấp nguyên liệu cho các lò điều chế hêrôin, sang tận Marseille của Pháp.

Tuy nhiên, so với toàn bộ lực lượng Quốc dân đảng, lực lượng của Khun Sa vẫn chỉ là một nhóm nhỏ, tổ chức manh mún. Năm 1965, Khun Sa chỉ kiểm soát được 7% lượng ma túy trong vùng Tam Giác Vàng. Các nhóm vũ trang thuộc Quân đội quốc gia Shan (QQS) và bộ tộc Kasin kiểm soát 3%.

Đại đa số lượng thuốc phiện còn lại, chiếm 90% vẫn nằm trong vòng cương tỏa của hàng chục nhóm Quốc dân đảng khác nhau. Khi đưa thuốc phiện ra khỏi biên giới Myanmar để vào đất Thái Lan, Khun Sa vẫn phải nộp thuế cho Quốc dân đảng 15% giá trị toàn bộ nguồn hàng, nộp tiền mặt bằng đôla Mỹ.

Không chấp nhận thực tế này, trong gần 3 năm, từ 1965 đến 1967, Khun Sa đã đẩy mạnh việc phát triển vũ trang, tiêu diệt và thâu tóm hết toàn bộ các đạo quân ly khai khác trên toàn bang Shan. Mùa xuân năm 1967, Khun Sa mở một chiến dịch quân sự lớn tấn công phe Quốc dân đảng. Kết quả là thảm bại. Toàn bộ quân số của Khun Sa chỉ còn xấp xỉ 1.000 người.

Trận thảm bại khiến cả Khun Sa lẫn đám lính tráng thuộc quyền mất hết nhuệ khí, rơi vào tuyệt vọng. Để khôi phục tinh thần, đồng thời kiếm tiền mua súng, tuyển lính, tái vũ trang cho quân Ka Kwe Ye, Khun Sa đã nhờ các tay môi giới người Hoa tìm kiếm cho y những mối ăn hàng thuốc phiện thật lớn.

Những tay môi giới này thật sự là những kẻ vô chính phủ. Chúng phục vụ bất kỳ “ông chủ” nào trả nhiều tiền. Trong khi đồng ý tìm mối hàng cho viên thủ lĩnh Shan trẻ tuổi, chúng cũng bán lại toàn bộ kế hoạch của Khun Sa cho những viên tướng Quốc dân đảng.

Khách hàng quan trọng nhất của Khun Sa chính là hàng loạt tướng lĩnh quân đội mang khuynh hướng cực hữu của hai nước Lào và Thái Lan. Mùa thu hoạch năm 1967, Khun Sa đã vét nhẵn 16 tấn thuốc phiện sống trị giá nửa triệu USD của nông dân hai bộ tộc Wa và La Hủ trong vùng y kiểm soát để cung cấp cho Ouan Rattikone, Tổng trưởng Quốc phòng mới nhậm chức sau đảo chính năm 1964 của Lào.

Điểm giao nhận hàng theo hợp đồng là Ban Khwan, một thị trấn nhỏ bên bờ sông Mê Kông nằm ở mỏm cực tây của Bắc Lào, giáp các tiểu bang Shan. Thị trấn này chuyên khai thác và bán gỗ, cũng là nơi đặt xưởng cưa riêng - nhằm che mắt cho khoảng 4 lò điều chế hêrôin - của tướng Ouane Rattikone.

Theo tính toán của Khun Sa, khoản tiền lời thu được nhờ thương vụ này ít nhất cũng đủ cho ông ta mua thêm được chừng 1.000 khẩu carbin và tuyển thêm được 2.000-3.000 tân binh để bổ sung vào số quân hao hụt.

Tuy nhiên, đoạn đường từ Vinh Ngun, nơi cất hàng trên bang Shan đến Ban Khwan dài hơn 300 km dứt khoát phải đi vòng qua vùng đất Bắc Thái Lan, nơi có 1.400 lính Đệ bát lộ quân của tướng Lý Văn Huấn, 1.800 lính Đệ ngũ lộ quân của tướng Đoàn Thời Văn và Đơn vị độc lập số 1 của tướng Mã Thắng Quốc đang chia nhau trấn giữ.

Muốn mượn đường, Khun Sa phải chi ra 9 USD cho mỗi kilôgam thuốc phiện. Khoản phí mãi lộ mất đứt gần 150 nghìn USD, bằng 30% tổng giá trị của lô hàng 16 tấn thuốc phiện khiến Khun Sa tiếc đứt ruột. Ông ta quyết định tuyên chiến với Quốc dân đảng, không chấp nhận mất một xu tiền đường nào.

Cuối tháng 5/1967, 300 lừa, ngựa thồ hàng và 500 tay súng áp tải lên đường tạo thành một đoàn dài gần 2km. Nhận tin, Đoàn Thời Văn và Lý Văn Huấn tức tốc tổ chức một đạo quân liên hợp 1.000 tay súng đuổi theo, mục tiêu duy nhất là chặn đường, cướp hàng, lập lại “trật tự” và nhân thể thủ tiêu luôn quyền lực của Khun Sa, đối thủ cạnh tranh đang tìm cách ngoi lên.

Đông đúc và kềnh càng, nhưng đoàn lừa, ngựa vẫn “hành quân” nhanh hơn nhiều so với tính toán của quân Quốc dân đảng truy kích. Chúng chỉ bắt kịp phần đuôi của thương đoàn. Lính Shan chống trả quyết liệt nên đoàn người ngựa vẫn thoát đi được và đến Ban Khwan vào ngày 17/6. Trại cưa của Ouane Rattikone được lính Shan tận dụng ngay để biến nó thành chiến lũy.

Dĩ nhiên là Quốc dân đảng không chịu trắng tay. Hai viên tướng Quốc dân đảng đã tăng viện 400 tay súng, thực hiện việc truy đuổi tới cùng. Giao tranh đã nổ ra liên tục trong 4 ngày từ 26 đến 29/6/1967, có sử dụng cả đại liên, súng cối, pháo hạng nặng... nhưng bất phân thắng bại.

(Còn nữa)

Nguyễn Hồng Lam
.
.