Khủng bố biến tướng

Thứ Ba, 22/04/2014, 17:25

Nếu xâu chuỗi những vụ khủng bố này ta sẽ thấy được rằng, khủng bố không còn là "đặc quyền" của các mạng lưới khét tiếng như Al-Qaeda mà nó đang có những biến tướng mới.

Vụ khủng bố đẫm máu đầu tiên của năm 2013 là tại Boston, Mỹ. Hai quả bom nổ tại cuộc đua Marathon Boston vào ngày 15/4/2013, đã giết chết 3 người và làm bị thương 282 người khác. Trong số 2 quả bom có ít nhất một quả làm bằng nồi áp suất. Hai vụ nổ xảy ra cách nhau 13 giây, ngay trước vạch đích.

Tác giả của vụ khủng bố này là anh em Dzhokhar và Tamerlan Tsarnaev. Trong các cuộc rượt đuổi và đấu súng sau đó, Tamerlan Tsarnaev đã bị bắn chết, còn Dzhokhar Tsarnaev bị bắt giữ.

Vụ đánh bom Boston không giống với những đòn tấn công truyền thống của Al-Qaeda. Thông thường, những tay khủng bố Al-Qaeda thường sử dụng chất nổ có sức công phá lớn, tấn công một mục tiêu khép kín để tăng tầm sát thương. Còn 2 quả bom nổ ở Boston là bom tự chế, không có chất nổ C4 dù cũng chứa mảnh kim loại để gây thêm thương vong.

Boston cũng không mang tính chất quân sự hay là mục tiêu tấn công mang tính biểu tượng như Quảng trường Thời Đại hay hệ thống tàu điện ngầm ở New York.

Theo lời khai của Dzhokhar tại phiên tòa ngày 22/4, nguyên nhân mà anh em hắn tiến hành vụ đánh bom nhằm bảo vệ người Hồi giáo khỏi bị tấn công. Dzhokhar cũng cho biết, hoàn toàn không có bất kỳ tổ chức khủng bố quốc tế nào đứng đằng sau vụ nổ bom. Tamerlan Tsarnaev 26 tuổi và Dzhokhar Tsarnaev 19 tuổi, người Chechen đến từ vùng Bắc Kavkaz, cả hai di cư sang Mỹ năm 2002.

Theo Ruslan Tsarni, chú của 2 nghi can khủng bố trên, thì hai cháu của ông trở thành những kẻ khủng bố do "lòng căm thù những người có thể hòa nhập với cuộc sống ở Mỹ".

Vụ khủng bố tấn công trụ sở của Tổ chức Hồi giáo vũ trang Hezbollah ở Liban ngày 16/8.

Một điểm đáng chú ý trong năm qua là lần đầu tiên Trung Quốc bị khủng bố tấn công Quảng trường Thiên An Môn. Mặc dù không phải là vụ khủng bố đẫm máu nhưng nó đánh ngay trung tâm, biểu tượng của quyền lực chính trị. Một chiếc xe Jeep do một nhóm Hồi giáo Uighur đòi ly khai hoạt động ở Tân Cương, thuộc phong trào Hồi giáo Ðông Turkestan, gọi tắt là ETIM, kích nổ ngày 28/10 trước cổng chính Quảng trường Thiên An Môn là một cú đòn đau điếng người cho bộ máy an ninh khổng lồ của Trung Quốc.

Quảng trường Thiên An Môn ngày cũng như đêm được bộ máy an ninh hùng hậu mặc sắc phục lẫn thường phục giám sát, sẵn sàng dập tắt những hành động rục rịch biểu tình và trấn áp những vụ lộn xộn mới bắt đầu.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc ghi nhận những hành động khủng bố. Những năm gần đây, khu tự trị Tân Cương thường xuyên xảy ra các vụ đụng độ đẫm máu. Căng thẳng giữa chính quyền Trung ương với người Duy Ngô Nhĩ là điều không mới, nhưng vụ tấn công liều chết để nhằm vào một mục tiêu chính trị nhạy cảm như Thiên An Môn, nó cho thấy một diễn biến mới.

Chuyên gia chính trị Barry Sautman tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông nhìn nhận: "Rõ là có nhiều vụ đánh bom xe do người Duy Ngô Nhĩ thực hiện, nhưng chưa bao giờ có vụ tấn công bằng đánh bom liều chết".

Năm 2013, thế giới ghi nhận 2 vụ tấn công khủng bố đẫm máu do phụ nữ thực hiện và chỉ đạo. Đầu tiên là vụ khủng bố tại thủ đô Nairobi, Kenya, diễn ra hồi cuối tháng 9/2013. Cuộc đấu súng giữa quân đội Kenya và quân khủng bố bên trong thương xá đông người Westgate ở thủ đô Nairobi, kéo dài 2 ngày đã làm chết 68 người, làm bị thương hàng trăm người khác. Nhóm khủng bố Al-Shabaab của Somali đã tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tắm máu này.

Nhà chức trách Kenya cho biết "góa phụ trắng" Samantha Lewthwaite, có người chồng đã thực hiện vụ đánh bom tự sát kinh hoàng ở London năm 2005, là kẻ cầm đầu vụ tấn công ở Kenya và ả đã bị bắn hạ trong khi đọ súng với lực lượng an ninh. Samantha Lewthwaite là người Anh.

Các nguồn tin tình báo cho biết cô ta đã tới Somalia để huấn luyện cho các nữ chiến binh thánh chiến tại nước này.

"Góa phụ trắng" khét tiếng Samantha Lewthwaite.

Trong một vụ khác, nghi phạm thực hiện vụ đánh bom tự sát trên chiếc xe buýt ở thành phố Volgograd, Nga, giết chết 6 người và khiến gần 30 người bị thương ngày 21/10/2013 là Naida Ahiyalova, một phụ nữ 30 tuổi đến từ Dagestan. Các nhà điều tra Nga cho hay, người phụ nữ này vừa mới gia nhập Hồi giáo và là vợ của một nhà lãnh đạo quân sự.

 Hai vụ khủng bố kể trên cho thấy nếu trước đây phụ nữ đóng vai trò bị động, bị ép buộc thì nay họ đã chủ động tiến hành những vụ tấn công khủng bố, thậm chí lãnh đạo cả một nhóm khủng bố.

Một xu hướng khủng bố mới khác trong năm 2013, đó là chuyện lần đầu tiên một tổ chức bị liệt vào khủng bố bị lực lượng khủng bố khác tấn công. Tổ chức Hồi giáo vũ trang Hezbollah ở Liban, bị Mỹ và phương Tây liệt vào các nhóm khủng bố, ngày 16/8 đã bị đánh bom làm hơn 20 người chết. Mục tiêu là một căn cứ địa của tổ chức Hồi giáo vũ trang Hezbollah ở thủ đô Beyrouth của Liban.

Mặc dù không có tổ chức nào chính thức lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công này nhưng có nhiều ý kiến cho rằng Arập Xêút, tài trợ cho phe đối lập Syria chống chính quyền Damas và Hezbollah, có thể là kẻ chủ mưu, với lập luận rằng lực lượng Hồi giáo Hezbollah, một tổ chức thuộc hệ phái Shia, là đồng minh thân thiết của chế độ Al-Assad tại Syria và đang giúp quân đội chính phủ Damas chống phe nổi dậy.

Nói như thế không có nghĩa là mạng lưới khủng bố khét tiếng Al-Qaeda trong năm qua đã "gác kiếm". Tôn chỉ hoạt động của Al-Qaeda là kết hợp giữa ý thức hệ, tôn giáo và chính trị, nhằm tạo dựng một thế giới Hồi giáo thống nhất dưới sự lãnh đạo của phe Hồi giáo Sunni. Al-Qaeda chống lại các tư tưởng thế tục và các nhà nước thế tục trong thế giới Hồi giáo, đồng thời muốn giải phóng tất cả các vùng đất của người Hồi giáo đang bị chiếm đóng.

Cách thức hoạt động là thực hiện các cuộc thánh chiến nhằm tăng cường tính đoàn kết giữa người Hồi giáo, và đưa họ đến với các cuộc "xung đột giữa các nền văn minh" nhằm tránh cho thế giới Hồi giáo không phải chịu ảnh hưởng cả về văn hóa và chính trị từ bên ngoài cũng như từ các tôn giáo khác.

Vụ tấn công khủng bố nhằm vào cuộc thi chạy Marathon ở Boston làm bàng hoàng nước Mỹ.

Hiện nay, Al-Qaeda có rất nhiều tổ chức chân rết mang tính khu vực như tại bán đảo Arập có tổ chức AQAP, ở Iraq có AQI hay vùng Bắc Phi có tổ chức AQIM, giúp cho Al-Qaeda củng cố thêm vị thế lãnh đạo của mình đối với các nhóm Hồi giáo cực đoan khác. Bên cạnh các mục tiêu ở trong phạm vi được giao phụ trách, các nhóm chân rết này còn phải chịu trách nhiệm thực hiện các cuộc tấn công vào các cơ sở, lợi ích của phương Tây ở bất cứ đâu mà chúng có thể.

Để xây dựng một hệ tư tưởng có tính gắn kết cao giúp kết nối tất cả các nhóm khủng bố Hồi giáo, các thủ lĩnh của Al-Qaeda đã kêu gọi tấn công vào các chính quyền mà họ coi là "mục nát" tại tất cả những nơi có người Hồi giáo sinh sống, nghĩa là tại tất cả "các phần lãnh thổ" của người Hồi giáo, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết đối với tất cả người Hồi giáo về việc tấn công vào các kẻ thù trên phạm vi toàn cầu (chủ yếu là Mỹ và phương Tây).

Kết quả là, một tư tưởng "trộn lẫn" giữa chiến đấu chống các loại "kẻ thù của đạo Hồi" ở bên trong thế giới Hồi giáo và trên toàn cầu đã được ra đời, và biện pháp bao trùm tất cả mọi hoạt động của tổ chức này đã được thông qua, đó là "tử vì đạo". Chính tư tưởng tập hợp, liên kết giữa các nhóm khủng bố đã giúp Al-Qaeda tạo dựng được cho mình một chỗ đứng vững chắc trong lòng cộng đồng người Hồi giáo, qua đó tạo ra uy tín và sức mạnh cho tổ chức này.

Ngoài ra, khi muốn trở thành một tổ chức vệ tinh của Al-Qaeda, thủ lĩnh các nhóm khủng bố như Al-Shabab (nhóm Hồi giáo cực đoan hoạt động ở Somalia) còn phải đồng ý tuân thủ các thông điệp mà Al-Qaeda đưa ra, thống nhất và có quan hệ gắn kết với các nhóm khác và quan trọng hơn cả là chịu sự quản lý vô điều kiện của giới chỉ huy Al-Qaeda. Các vụ tấn công liên tiếp tại Mumbai (Ấn Độ) năm 2008 do nhóm Hồi giáo Lashkar-e-Taiba, một nhóm Hồi giáo cực đoan tại Pakistan thực hiện là một thí dụ cho "quy định" này của Al-Qaeda.

Vậy trên thực tế, sự kiểm soát của Al-Qaeda đối với các nhóm chân rết nằm khắp nơi trên thế giới của mình như Al-Shabab được thực hiện như thế nào? Trước hết, cần phải thừa nhận rằng Al-Qaeda không phải là một tổ chức chặt chẽ và có sự kiểm soát gắt gao đối với tất cả các nhánh của mình. Thay vào đó, tổ chức này thực hiện việc phát triển mạng lưới một cách không phải lúc nào cũng rõ ràng về các cấp bậc chỉ huy. Al-Qaeda đưa ra các chỉ đạo về mặt chiến lược nhiều hơn là những chỉ đạo cụ thể.

Tuy nhiên, trước khi thực hiện bất kỳ cuộc tấn công khủng bố nào, các nhóm chân rết đều phải có được sự chấp thuận từ các nhà chỉ huy cao nhất của Al-Qaeda. Mục đích của việc này là nhằm đảm bảo mọi cuộc tấn công, như vụ Westgate vừa rồi được thực hiện bởi Al-Shabab, sẽ mang lại lợi ích, chứ không làm phương hại đến các chiến lược chung, mang tính bao trùm của Al-Qaeda

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.