Kim cương “máu”, quyền lực và thỏa ước Kimberley

Thứ Ba, 20/11/2018, 20:44
Về mặt lý thuyết, các quốc gia ký thỏa ước Kimberley đồng ý không nhập khẩu hay xuất khẩu những viên kim cương “máu”. Kim cương xuất khẩu được chứa trong những cái túi chống đánh cắp kèm theo chứng nhận bảo đảm những viên đá quý không xuất phát từ những vùng xung đột.

Quốc gia nào vi phạm thỏa ước Kimberley sẽ bị trục xuất khỏi hiệp định hay tạm đình chỉ xuất khẩu. Điều đó có nghĩa là quốc gia vi phạm không còn được xuất khẩu kim cương của mình đến bất cứ quốc gia thành viên nào của hiệp định.

Thỏa ước Kimberley

Người ta tin rằng ngành kinh doanh bẩn thỉu kim cương “máu” (kim cương từ những vùng xung đột) đã chấm dứt với sự ra đời của thỏa ước Kimberley năm 2003 - được ký kết giữa 75 quốc gia nhập và xuất khẩu kim cương, những nhà kinh doanh kim cương và những tổ chức phi chính phủ. Mục đích của hiệp định là chứng nhận chất lượng kim cương bán ra thị trường tiêu dùng có nguồn gốc sạch sẽ, không xuất phát từ những vùng có xung đột và vấy máu người châu Phi.

Cuốn sách “Kim cương máu” của tác giả Greg Campell.

Nhưng thực tế không phải vậy. Thỏa ước Kimberley không chỉ bất lực trong việc ngăn chặn kim cương “máu” mà các chính sách của nó thậm chí còn khích lệ thị trường kim cương bất hợp pháp phát triển thêm. Như Zimbabwe là hình ảnh rõ ràng nhất minh họa cho điều này. Từ năm 2006, khi kim cương được phát hiện ở khu vực cánh đồng Maranfe ở miền Đông nước này, cảnh sát và quân đội bắt đầu xâm phạm quyền con người một cách có hệ thống để làm giàu cho họ.

Theo điều tra năm 2009 của Tổ chức quan sát nhân quyền Human Rights Watch (HRW), binh lính Zimbabwe đã dùng súng bắt ép người dân đi đào kim cương. Công nhân mỏ quặng bị đánh đập, phụ nữ bị cưỡng bức và trẻ em bị ép làm việc nặng nhọc. Để bảo vệ khu vực cánh đồng kim cương, đồng thời xua đuổi hết những người đào kim cương độc lập, quân đội Zimbabwe tiến hành đốt phá khu vực gây ra cái chết của hàng trăm công dân.

Kim cương sau đó được chuyển lậu sang quốc gia láng giềng Mozambique và từ đó đi đến những quốc gia khác, những nơi mà kim cương có thể dễ dàng xuất khẩu dưới vỏ bọc giấy chứng nhận của thỏa ước Kimberley – nghĩa là số kim cương này “hoàn toàn sạch sẽ” trước con mắt của thế giới! Kim cương từ các quốc gia châu Phi từng đem lại nguồn tài chính khổng lồ cho quân nổi loạn trong nhiều thập niên.

Theo các báo cáo mới đây của các tổ chức phi chính phủ, trong đó bao gồm Global Witness, Partnership Africa Canada và HRW, những viên kim cương “máu” vẫn còn lưu thông tự do và hành vi buôn lậu sản phẩm này vẫn lan tràn rầm rộ. Một số quốc gia nghèo trong lĩnh vực kinh doanh kim cương - như Sierra Leone, Angola và Cộng hoà Dân chủ Congo (DRC) - không thể giải thích nguồn gốc của 50% số kim cương xuất  khẩu của họ, từ đó mà người ta nghi ngờ tiêu chuẩn kim cương sạch của các quốc gia này.

Những viên kim cương Nam Mỹ

Trong văn phòng ở Santa Elena, nằm trong khu rừng rậm giáp giới với Brazil và Guyana, một nhà buôn kim cương đang căng mắt săm soi một viên đá thô dưới kính phóng đại rồi nhấc điện thoại gọi những người làm việc tại khu khai mỏ trái phép gần đó mang đến cho ông ta những viên đá quý khác. Những viên kim cương sau đó sẽ được chuyển đến Guyana để hợp pháp hoá bằng các loại giấy tờ cần thiết trước khi cung cấp cho thị trường tiêu thụ ở New York, Tel Aviv và Antwerp.

Toàn bộ hành trình của những viên đá quý đều không tuân thủ thỏa ước Kimberley – hiệp định quốc tế tồn tại hàng thập kỷ được Liên Hiệp Quốc uỷ quyền nhằm ngăn chặn triệt để dòng chảy buôn lậu kim cương trên toàn cầu. Venezuela, nhà sản xuất kim cương lớn trên thế giới, là quốc gia thành viên của thỏa ước Kimberley nhưng đã tự nguyện rút lui khỏi hiệp định vào năm 2008 sau khi bị buộc tội lơ là trong sứ mạng kiểm soát cơ cấu sản xuất và thương nghiệp hoá kim cương.

Cậu bé 11 tuổi làm việc tại khu mỏ ở Icabaru, gần biên giới Venezuela với Brazil.

Cuộc khủng hoảng Venezuela được coi là mới nhất nhưng có lẽ là trầm trọng nhất khiến người ta cảm thấy hoài nghi tính hiệu quả của thỏa ước Kimberley. Năm 2011, Global Witness – Tổ chức phi chính phủ (NGO) đồng thời là nhà kiến trúc thỏa ước Kimberley – đã cắt đứt quan hệ với thỏa ước Kimberley để phản đối việc không kiểm soát được những viên kim cương “máu” hay “xung đột” từ các quốc gia châu Phi như Zimbabwe và Côte dIvoire, nơi mà cuộc nội chiến được nuôi dưỡng một phần nhờ buôn lậu đá quý. 

Ian Smillie – người từ chức giám đốc NGO Partnership Africa Canada (PAC), một đồng sáng lập KP, vào năm 2009 -  cũng liệt kê ra một chuỗi dài các quốc gia mà thỏa ước Kimberley không kiểm soát được, cho rằng thỏa ước Kimberley đã tự biến thành một tổ chức bù nhìn.

Thành phố Icabaru của Venezuela được coi là một trong những trung tâm khai mỏ bất hợp pháp nằm gần biên giới với Brazil, cách Santa Elena chừng 4 giờ đi ôtô. Những cục đá nhám xù xì trông chẳng có giá trị gì được khai thác ở Icabaru sẽ được chuyển đến Santa Elena rồi tiếp đến là Guyana xuyên qua khu vực biên giới phủ rừng rậm dài 550km. Nhà buôn kim cương ở Santa Elena cho biết nhờ đường biên giới như thế này mà người ta dễ dàng băng vào Guyana – một thuộc địa cũ của Anh và cũng là thành viên của thỏa ước Kimberley - bất cứ khi nào muốn. Ở Guyana, người ta cũng dễ dàng có được giấy chứng nhận của thỏa ước Kimberley để xuất khẩu kim cương “máu”.

Uỷ ban Quặng mỏ và Địa chất của Guyana – cơ quan giám sát việc cấp phát giấy chứng nhận của thỏa ước Kimberley – từ chối bình luận trước yêu cầu của báo chí. Trong khi đó, Robert Persaud – Bộ trưởng Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Guyana – phủ nhận cáo buộc chính quyền nước này nhắm mắt làm ngơ trước sự lưu thông không gặp bất kỳ sự cản trở nào của kim cương “máu”. Persaud nhấn mạnh chính quyền Guyana có “hệ thống cấp giấy chứng nhận thỏa ước Kimberley cực kỳ khắt khe” song lại từ chối cung cấp thời gian xét duyệt giấy phép mới nhất hay tiết lộ bất cứ chi tiết nào về hệ thống này.

Venezuela được đánh giá là vấn đề lớn nhất ở Nam Mỹ hiện nay. Sau khi PAC viếng thăm khu vực vào năm 2006 và sau đó công bố một báo cáo kết tội sự lơ là thiếu trách nhiệm của Venezuela, Global Witness lập tức kêu gọi loại bỏ nước này ra khỏi thỏa ước Kimberley do “không tuân thủ một cách trắng trợn các quy định của thỏa ước Kimberley”.

Mặc dù vậy, chính quyền Tổng thống Hugo Chavez trước đây vẫn khăng khăng phủ nhận mọi hành vi sai trái. Nhưng Bob Dunn – Chủ tịch bộ phận nghiên cứu thống kê WGS của thỏa ước Kimberley viếng thăm Venezuela vào năm 2008 trong khuôn khổ sứ mạng kiểm tra của thỏa ước Kimberley – tuyên bố “chính quyền Venezuela không có khả năng kiểm soát luồng kim cương bất hợp pháp nên đã phủi tay một cách vô trách nhiệm”. 

Bob Dunn cũng có yêu cầu tham khảo dữ liệu đầu ra và phỏng vấn một số bộ trưởng của Venezuela nhưng tất cả đều từ chối thẳng thừng! Không ai biết chính xác sản lượng kim cương thô hàng năm của Venezuela là bao nhiêu song các chuyên gia phỏng đoán con số là khoảng 300.000 carat.

Giới quan chức của ông Chavez cũng lớn tiếng bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng họ bỏ túi bất hợp pháp những khoản lợi nhuận có được từ xuất khẩu kim cương. Tuy nhiên, người ta cũng ít hy vọng việc loại bỏ Venezuela khỏi thỏa ước Kimberley có thể cải thiện được tình trạng bất tuân thủ những quy chế của tổ chức. Maurice Miema, quan chức DRC, thừa nhận thỏa ước Kimberley mất đi một thành viên quan trọng song Venezuela sẽ không bán được kim cương dưới sự chứng nhận hợp pháp của quốc tế. Nhưng bất chấp thực tế đó, những khu mỏ bất hợp pháp vẫn tiếp tục hoạt động ở Venezuela và kim cương thô của nước này vẫn cứ được tiêu thụ. Điều đó cho thấy cho dù thỏa ước Kimberley có tồn tại hay không thì kim cương “máu” vẫn không hề vắng bóng trên thế giới!

Chủng loại kim cương “máu” mới

Thực tế cho thấy kim cương nuôi dưỡng những cuộc xung đột đẫm máu ở châu Phi – như bộ phim Hollywood “Kim cương máu” với sự tham gia của ngôi sao Leonardo DiCaprio – và còn đầu độc những người nổi tiếng như thế nào. Và, Charles Taylor từng được báo giới mô tả là “ngài kim cương”. Và phải nói rằng siêu mẫu Naomi Campbell chưa phải là ngôi sao duy nhất qua lại với nhà độc tài Liberia và thích thú với sự hào phóng của ông ta. Thậm chí, Carole White - cựu đại diện của Naomi Campbell - tuyên bố trước toà án The Hague rằng siêu mẫu rất thích thú khi nhận được kim cương từ nhà độc tài Charles Taylor.

Bộ phim “Kim cương máu” của Hollywood.

Các nhà điều tra tội phạm chiến tranh cũng đã nhiều lần nói rằng Charles Taylor sử dụng kim cương để tìm kiếm quyền lực chính trị ở đất nước láng giềng Tây Phi Sierra Leone và đặc biệt là những vị khách may mắn sau khi diện kiến nhà độc tài hí hửng ra về với một viên kim cương trong tay. Trong số những vị khách quý của Taylor có thể kể Pat Robertson và Jess Jackson.

Charles Taylor kiếm được hàng triệu USD từ việc kinh doanh kim cương máu để duy trì một lối sống xa hoa đế vương với những bộ cánh đắt tiền, những chiếc xe hơi Mercedes sang trọng, nuôi dưỡng chiếc ngai vàng quyền lực và ít nhất 30 đứa con sinh ra từ nhiều phụ nữ khác nhau! Trong thập niên 1990, Taylor cũng ủng hộ phiến quân Mặt trận cách mạng thống nhất (RUF) ở quốc gia láng giềng Sierra Leone, một đội quân nổi tiếng tuyển mộ trẻ con cầm súng chiến đấu.

RUF nắm được cơ hội kiểm soát một số khu mỏ kim cương giàu nhất thế giới – Sierra Leone là một trong những vùng trên hành tinh có những mỏ kim cương lộ thiên nhiều nhất. Nhưng kim cương máu còn xuất phát từ những vùng xung đột khác, như là 4 loại kim cương “máu” mới: hồng ngọc (ruby) ở Myanmar, coltan (viết tắt của columbite-tantalite) ở DRC, bauxite ở Guinea, và ngọc lục  bảo (emerald) ở Colombia.

Chính nhu cầu khủng khiếp về coltan (thành phần quan trọng trong điện thoại di động và laptop) đã khiến hàng triệu người bị giết chết ở Congo trong những năm gần đây. Thậm chí, coltan còn biến nhiều người Congo trở thành nô lệ khai mỏ cung cấp khoáng sản cho các nước giàu. Từ năm 1998, khoảng 5,4 triệu người Congo bị giết chết trong cuộc chiến đẫm máu giành quyền kiểm soát các mỏ khoáng sản; và theo số liệu của Liên minh châu Âu (EU) có khoảng 200.000 phụ nữ nước này bị ngược đãi cũng như trẻ em bị phiến quân ở phía đông Congo sử dụng để khai thác mỏ.

Sự phát triển như vũ bão của ngành công nghiệp điện tử hiện nay trên toàn cầu khiến cho nhu cầu khoáng sản phục vụ sản xuất những thiết bị điện tử tiêu dùng gia tăng chóng mặt dẫn đến sự hình thành một vấn đề mới gọi là “khoáng sản xung đột”. Từ đó sự cạnh tranh khốc liệt để giành quyền kiểm soát những khu mỏ đã cho ra đời những chiếc điện thoại gọi là “BloddBerry” (Berry máu, ám chỉ BlackBerry) hay “Conflict Cell” (điện thoại xung đột).

Nhiều năm sau khi những báo cáo đầu tiên cho rằng những khoáng sản hiếm như là coltan - chủ yếu dùng để sản xuất những sản phẩm điện tử tiêu dùng như smartphone và thiết bị điều khiển video game - có thể tạo ra tiền bạc nuôi dưỡng cuộc chiến tranh ở DRC, một số công ty điện tử hàng đầu thế giới đã chủ động thành lập những chương trình gọi là “khoáng sản xung đột” nhằm mục đích điều tra những khoáng sản tài trợ cho quân phiến loạn ở phía đông DRC để loại chúng ra khỏi các kênh cung cấp của họ.

Tổ chức Enough Project tán dương sáng kiến này của các công ty lớn bao gồm Intel, Hewlett-Packard (HP), Motorola và Apple. Enough Project là một tổ chức quốc tế của Trung tâm Phát triển Mỹ (CAP) thành lập vào năm 2007 nhằm giúp ngăn chặn tội ác diệt chủng và xung đột vũ trang cũng như các tội ác khác chống con người.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.