LHQ thừa nhận bầu cử tổng thống Afghanistan có gian lận: Giận quá mất khôn

Thứ Ba, 20/10/2009, 23:45
Sau nhiều ngày im hơi lặng tiếng, ngày 12/10, Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên xác nhận tình trạng gian lận ồ ạt trong cuộc bầu cử tổng thống mới đây tại Afghanistan. Lời thú nhận muộn màng đã gây bối rối không chỉ cho định chế quốc tế này mà còn cho cả Tổng thống Mỹ Barack Obama, đồng thời đẩy tương lai của quốc gia Nam Á này vào sự bất trắc mới.

Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã chần chừ rất lâu trước khi công nhận tình trạng gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan mà chính họ chịu trách nhiệm giám sát. Lời thú nhận muộn màng này được thích thân Kai Eide, Đặc sứ LHQ tại Afghanistan công bố trong một cuộc họp báo ngày 12/10 vừa qua tại Kabul. Công bố trên của LHQ đã khiến phương Tây, vốn rất chăm chút cho cuộc bầu cử này, lúng túng. Quy mô gian lận to lớn đến đâu? Người ta sẽ có câu trả lời sau khi các lá phiếu khả nghi được xem xét và kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử được thông báo cuối tuần này.

Liệu kết quả này sẽ chấm dứt được tình trạng "lửng lơ" và tạo hy vọng cho sự ổn định quyền lực tại Afghanistan? Hay là ngược lại, nó sẽ mở màn cho một giai đoạn bất trắc mới với việc bầu cử vòng hai? Số phận của Afghanistan hiện đang nằm trong tay Ủy ban giải quyết khiếu nại bầu cử (ECC). Cơ quan này sẽ phải quyết định liệu những nghi ngờ gian lận mà họ đang xem xét có đủ sức nặng để yêu cầu bầu cử vòng hai không.

Việc thừa nhận trên của ông Kai Eide đang khiến công việc của ECC trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nhà ngoại giao người Na Uy này cho biết đã có nhiều điều bất thường trong cuộc bầu cử vừa qua tại Afghanistan và tất cả chủ yếu có lợi cho ông Karzai, một người được cộng đồng quốc tế hết lòng ủng hộ. Điều này đang khiến uy tín của ông Karzai bị suy yếu.

Cũng trong ngày 12/10 vừa qua, 1 trong 2 thành viên người Afghanistan trong ECC thông báo từ chức, lấy lý do là có sự cản trở của người nước ngoài. Khi quyết định từ chức, ông Maulavi Mustafa Barakzai nói rằng 3 người nước ngoài trong ủy ban, 1 người Mỹ, 1 người Canada và 1 người Hà Lan, luôn "tự ý có quyết định của họ" mà không hỏi ý kiến những người khác. Ông Barakzai được Tối cao Pháp viện Afghanistan chỉ định vào ủy ban này và hiện chưa rõ là tòa có sẽ bổ nhiệm người thay thế hay không.

Việc ông Kai Eide tức giận mà khui ra chuyện gian lận trong bầu cử tại Afghanistan xuất phát từ mâu thuẫn với Peter Galbraith, cựu Phó chủ tịch ECC, bị sa thải hồi cuối tháng 9 vừa qua do bất đồng quan điểm với cấp trên. Galbraith đã công khai tố cáo Tổng thống Karzai dàn dựng các vụ gian lận có lợi cho mình. Galbraith còn chỉ trích cả Kai Eide vì ông này đã nhắm mắt làm ngơ trước những sai phạm trên. Sau khi bị sa thải, Peter Galbraith không ngừng công kích người sếp cũ của mình và cho rằng thái độ của ông ta là nhằm làm hài lòng phương Tây, trước nhất là Washington.

Trong cuộc họp báo vào sáng 12/10, ông Eide cho biết, Galbraith là một nhà ngoại giao lão thành của Mỹ, người được biết có mối liên hệ mật thiết với Đặc sứ Mỹ tại Afghanistan, Richard Holbrooke, và sự thù hận này được giới truyền thông tại phương Tây coi là một dấu hiệu của Washington muốn có một lập trường khắt khe hơn đối với những vụ gian lận bầu cử tại Afghanistan. Các giới chức của Mỹ từng nghi ngờ tính cách hợp pháp của cuộc bầu cử tại Afghanistan. Nhưng trong suốt mấy ngày qua dường như Washington đã tỏ ý muốn hậu thuẫn cho lập trường của ông Eide.

Tổng thống Karzai từng nhìn nhận là có một vài gian lận diễn ra trong cuộc bầu cử hồi tháng 8, nhưng ông nói việc này đã bị giới truyền thông  phương Tây và các quan sát viên của châu Âu phóng đại lên.

Ông Karzai chắc chắn không phải là vị tổng thống lý tưởng cả với Washington lẫn châu Âu. Nhưng sự lựa chọn không có nhiều và nhà lãnh đạo Afghanistan cũng biết điều đó. Nên ông đã cư xử như đã nhận được sự đảm bảo cho nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Việc công bố kết quả bầu cử càng bị kéo dài, tình trạng trống vắng quyền lực tại Kabul càng trở nên nguy hiểm, cả với lực lượng NATO tại đây lẫn sự tiến triển của nền dân chủ còn rất manh mún tại Afghanistan. Một điều chắc chắn là mọi sự bất ổn chính trị tại Kabul hiện nay chỉ có lợi cho phe Taliban. Lực lượng Hồi giáo cực đoan này sẽ không bỏ lỡ một cơ hội để tiến vào các tỉnh cũng như Kabul.

Tình hình tại Afghanistan xấu đi ngay vào lúc Tổng thống Mỹ Barack Obama phải đưa ra một trong những quyết định khó khăn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Đó là nên hay không nên tung thêm hàng chục nghìn quân nhân vào chiến trường Afghanistan theo yêu cầu của Ban tham mưu quân đội Mỹ, được đảng Cộng hòa hậu thuẫn.

Theo tờ Washington Post ngày 13/10, tức 4 ngày sau khi nhận giải Nobel Hòa bình, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bất ngờ quyết định gửi thêm 13.000 quân đến Afghanistan, thêm vào con số 21.000 quân tăng viện đã thông báo vào tháng 3 năm nay. Cũng theo tờ báo, ông Obama không có ý định tiết lộ thông tin trên đây.

Số quân này không hẳn là lính tác chiến mà là các toán hậu cần. Đó là những kỹ sư, nhân viên y tế, chuyên viên tình báo và quân cảnh. Đây cũng là lý do khiến thông tin này không được thông báo một cách công khai, nhằm tránh gây bất bình trong dư luận quần chúng, vốn ngày càng phản đối cuộc chiến tranh ở Afghanistan

Cách làm của ông Barack Obama thực ra không có gì là mới mẻ. Tổng thống George Bush trước đây cũng đã dùng phương thức tương tự. Khi thông báo tăng thêm 20.000 quân cho Iraq, ông đã "quên" không nêu lên con số 8.000 lính hậu cần. Như vậy, số quân tăng viện này không đáp ứng được nhu cầu của tướng McChrystal, vốn đòi hỏi phải có thêm 40.000 quân. Nhưng dù sao cũng có thêm 13.000 người Mỹ nữa sẽ đến Afghanistan. Hiện nay có khoảng 65.000 lính Mỹ đang chiến đấu ở Afghanistan, so với con số cao nhất trong cuộc chiến Iraq trước đây là 160.000 người

Q.H. (tổng hợp)
.
.