Làn sóng bạo loạn bất ngờ tại thủ đô nước Anh

Thứ Hai, 15/08/2011, 18:20

Từ cuối tuần qua cho đến thời điểm hiện nay, tại thủ đô London của nước Anh bất ngờ xảy ra một loạt những vụ bạo động được đánh giá là có quy mô chưa từng có từ nhiều năm qua. Một đám đông, phẫn nộ vì cái chết của một cư dân da đen địa phương, đã tấn công một đồn cảnh sát, đánh cướp một loạt cửa hàng và đốt cháy 3 chiếc ôtô. Hậu quả của những xung đột này đã khiến 26 cảnh sát bị thương, 160  đối tượng quá khích bị bắt giữ…

Mọi chuyện bắt đầu từ chiều tối hôm 6/8, khi hàng chục người tụ tập tại trụ sở cảnh sát ở khu vực Tottenham (London), yêu cầu chính quyền điều tra rõ ràng nguyên nhân cái chết của Mark Duggan (29 tuổi), người đã thiệt mạng trong một vụ đọ súng với cảnh sát từ ngày 4/8. Vụ đọ súng trên xảy ra, sau khi một đội tuần tiễu của cảnh sát tìm cách chặn một chiếc taxi có Duggan đang ngồi trên đó.

Theo tờ The Independent, Duggan từ trước đó đã bị cảnh sát theo dõi vì nghi ngờ có hành động tội phạm. Việc chặn chiếc xe taxi là một kế hoạch đã vạch sẵn nhằm bắt giữ anh ta. Tờ The Sun còn đưa ra thông tin cụ thể hơn cho biết, Duggan đang chuẩn bị trả thù cho vụ sát hại người anh họ của mình, trước đó đã bị sát hại ngay tại lối vào một câu lạc bộ ban đêm hồi cuối tháng 3/2011.

Việc điều tra vụ Duggan được giao cho một ủy ban độc lập. Theo một số nguồn tin không chính thức, các thành viên ủy ban này xác định được, phía cảnh sát chính là những người nổ súng trước. Hơn nữa theo lời của một nhân chứng, Duggan đã bị cảnh sát lôi ra khỏi xe, đè xuống đất và… bắn chết. Phía cơ quan điều tra độc lập tuy nhiên đã bác bỏ giả thuyết trên. Một cảnh sát bị thương trong vụ chạm súng khẳng định, Duggan là người nổ súng trước.

Nhưng theo The Guardian, các chuyên gia hình pháp học cũng phát hiện Duggan có một khẩu súng lục, nhưng lại được nhét trong tất của anh ta - điều này đồng nghĩa với việc Duggan không thể dùng súng để bắn nhau với cảnh sát. Chưa kể bộ phận điều tra về đạn đạo cũng xác định được, viên đạn làm bị thương một nhân viên cảnh sát lại được bắn ra từ chính súng của cảnh sát, chứ không phải từ khẩu súng của Duggan.

Trước những thông tin trái chiều phức tạp như trên, kết luận chính thức từ ủy ban điều tra lại bị trì hoãn công bố. Điều này khiến cho bạn bè và người thân của nạn nhân (là cha của 4 đứa con) đã hết sức bất bình. Tất cả họ cùng vài trăm cư dân địa phương đã tụ tập tại tòa nhà trụ sở cảnh sát ở Tottenham, yêu cầu phải có được lời giải thích cụ thể của giới quan chức. Trong lúc một điều tra viên được cử ra để giải thích, đám đông bất ngờ có sự tham gia của một nhóm vài chục thanh niên có trang bị gạch đá và chai chứa hỗn hợp chất cháy. Thế là một vụ tụ tập ban đầu đã nhanh chóng trở thành vụ xô xát với cảnh sát.

Nỗi tức giận của đám đông đã bùng phát, sau khi cảnh sát dùng dùi cui đánh ngã một cô gái 16 tuổi chỉ vì người này "đã ném một cái gì đó". Phía các nhân viên cảnh sát nhanh chóng phải hứng chịu một cơn mưa gạch đá và rác rưởi, một vài chiếc ôtô tuần tiễu của họ cũng bị đốt cháy. Đám đông giận dữ vài trăm người sau đó đã tràn qua các phố, đập phá gần như tất cả mọi thứ trên đường đi của mình.

Cảnh tan hoang tại Tottenham sau vụ bạo động.

Tệ hại hơn, thông tin về việc cảnh sát dùng dùi cui đánh đập một cô gái (dù chưa thực sự được kiểm chứng) đã lan đi rất nhanh trên các mạng xã hội, khiến cho đám đông bạo loạn lại tiếp tục có thêm nhiều "chiến hữu" tham gia hưởng ứng. ước tính có khoảng 300 người đã tràn ra đường đốt phá và cướp bóc cả một khu vực ở phía bắc London. Đến tối Chủ nhật (ngày 7/8), một loạt vụ lộn xộn và cướp bóc lại diễn ra tại Enfield (nằm sát Tottenham) và một loạt các khu vực khác tại London, trong đó có cả Brixton, từng nổi tiếng vì một vụ xung đột lớn nhất trong lịch sử giữa thanh niên và cảnh sát hồi năm 1981.

Nhưng chỉ sau một ngày, những vụ lộn xộn đã biến thành các âm mưu cướp bóc, chứ chẳng còn dính dáng gì nhiều tới việc trả thù cho cái chết của Mark Duggan. Thậm chí trên các mạng xã hội còn xuất hiện nhiều lời kêu gọi mời chào theo kiểu "hãy cùng kiếm cho bản thân mình một chiếc tivi" nếu có thể. Kết quả là trong đêm thứ hai, đã có hàng chục cửa hàng tại Enfield và nhiều khu vực khác bị cướp bóc. Bọn cướp đã tập trung phá những máy rút tiền tự động, những cửa hiệu kim hoàn và cửa hàng bán đồ điện tử.

Tottenham (vẫn được cho là khu vực nghèo nhất London) là khu vực chiếm đa số người da đen gốc Caribe và một số đại diện các cộng đồng thiểu số khác, nhiều người trong số này chỉ sống bằng tiền trợ cấp thất nghiệp. Trong lúc giới phân tích đang làm rõ những nguyên nhân sâu xa dẫn tới làn sóng bạo động trên, kết luận về nguồn gốc thuần túy mang tính sắc tộc - do Mark Duggan là người da đen -  có thể coi là quá sớm. Bản thân khu vực này hồi mùa thu năm 1985 cũng đã diễn ra một vụ bạo động quy mô lớn cũng bắt nguồn từ hoạt động của cảnh sát.

Các đại diện cơ quan pháp luật khi đó đã tổ chức khám xét thô bạo nhà một công dân tại Tottenham, khiến bà này bị đột quị và qua đời ngay sau đó. Hàng ngàn người dân ngay sau đó đã đổ xuống đường, tham gia truy lùng cảnh sát làm 60 nhân viên bị thương, cảnh sát Keith Blacklock thiệt mạng. Được biết họ hàng Duggan cũng đã lên tiếng chỉ trích kịch liệt những kẻ gây rối và cướp bóc, kêu gọi những người đã thực sự ra đường vì con trai mình hãy trở về nhà và không tiếp tục gây bất ổn. Vụ bạo loạn mới này được đánh giá là một vết nhơ khó gột rửa nữa trong lịch sử của cảnh sát nước Anh

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.