Lắt léo những chuyến hàng nhập lậu

Thứ Năm, 27/10/2011, 11:05

Tại bến thuyền Karôn, vào những giờ cao điểm tức là rạng sáng hoặc cuối chiều, khi các lực lượng kiểm soát phía Việt Nam ngơi nghỉ thì có đến 40-50 chiếc thuyền ra vào để vận chuyển hàng cho các tư thương. Mỗi chiếc thuyền máy khi rời bến mang theo khoảng 70 thùng thuốc lá Jet để cập bờ phía Việt Nam.

Nhận diện mảnh đất vùng biên

Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi có mặt ở vùng đất biên ải phía tây của tỉnh Quảng Trị. ở đó, thị trấn vùng biên Lao Bảo như đang sôi lên dưới cái nắng nóng cuối mùa. Rộn ràng giữa thị trấn nhuốm màu đất bazan này là những đoàn xe đủ chủng loại, đầy nhóc hàng hóa, gầm rú ngược xuôi, nối nhau để làm thủ tục xuất nhập cảnh về Việt Nam và sang nước bạn Lào. Hàng trăm cư dân vùng biên ải chạy ngược, chạy xuôi để tìm kiếm những người cần đổi tiền Lào sang tiền Việt; tiền Việt sang đôla Mỹ và đồng bạt Thái Lan…Những người hiểu biết về vùng biên giới này kể rằng: Từ lâu, một góc cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã trở thành đất sống cho hàng trăm con người hành nghề "ngân hàng di động" như thế…

Từ cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đi chừng hơn 10 phút bằng xe gắn máy, chúng tôi đã có mặt ở chợ Karôn, một phố chợ nhỏ thuộc huyện Sêpôn, tỉnh Savanakhet. Khu chợ này từ nhiều năm qua là điểm tập kết hàng hóa, là nơi giao lưu, trao đổi, mua bán của những cư dân đến từ vùng biên giới của hai nước Việt - Lào.

Lần theo địa chỉ đã được giới thiệu trước của một người quen, chúng tôi tìm đến nhà anh K. một người Việt mang quốc tịch Lào từng đã sống ở vùng chợ Karôn từ hơn 20 năm trước. Nghe chúng tôi trao đổi về mục đích của mình trong chuyến đi này là tìm hiểu về những con đường tiểu ngạch đưa hàng lậu vào thị trường Việt Nam. Anh K. đã rất nhiệt tình giúp đỡ và tự nguyện lái xe đưa chúng tôi đến "tận mục sở thị" tổng kho hàng hóa được tập kết trên đất bạn Lào, trước khi xuống thuyền để thẩm lậu vào thị trường Việt Nam qua hàng trăm con đường tiểu ngạch nằm dọc theo con sông Sêpôn.

Đứng từ trên quốc lộ, chúng tôi dễ dàng quan sát kho chứa hàng hóa này, thế nhưng, phải vào vai người đi xin làm cửu vạn do anh K. dẫn đến chúng tôi mới tiếp cận được bên trong khu vực kho. Toàn bộ kho có diện tích khoảng gần 1 hécta, nằm ngay trên bờ của con sông Sêpôn và cách cửa khẩu Lao Bảo - Đensavẳn non 2 cây số. Từ lâu, nhiều tư thương, thậm chí là những viên chức thuộc các lực lượng chống buôn lậu phía Việt Nam vẫn quen gọi kho hàng này bằng cái tên là: "Kho bà L.", bởi vì đại đa số hàng hóa được tập kết tại kho này để bán cho các tư thương buôn lậu vào thị trường Việt Nam qua quốc lộ số 9 đều thuộc công ty của bà L. quản lý. Trên thực tế, khu kho hàng rộng lớn này thuộc sở hữu của một người Lào có tên là ãng. Công ty của bà L. chỉ thuê kho để chứa hàng trước khi xuất sang quốc gia khác mà thôi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những mặt hàng chủ yếu ở đây là: thuốc lá Jet, Hero, đường kính, nước tăng lực, mỳ chính, niềng xe honda, rượu ngoại và mỹ phẩm… tất cả đều được nhập cảng vào Thái Lan, rồi quá cảnh trên lãnh thổ của Lào (mượn đường của Lào-NV) để vận chuyển về tập kết tại kho bên sông Sêpôn, trước khi bán sang Việt Nam cho các tư thương…

Hàng nghìn gói thuốc lá Jet mỗi ngày thẩm lậu qua sông Sê-Pôn

Tại kho chứa hàng nằm bên kia biên giới, mỗi ngày như mọi ngày, có hàng trăm con người mang quốc tịch Lào và Việt Nam đến đây để làm việc. Trong số đó có những viên chức trong các ngành quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của nước bạn Lào thường xuyên ứng trực để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra hàng hóa xuất kho (những mặt hàng dù không được buôn bán trên lãnh thổ Lào, nhưng khi xuất kho từ Lào để bán cho tư thương Việt Nam vẫn được kiểm soát theo thủ tục quy định). Một số khác khá đông là những người làm thuê, họ gồm những bộ phận bốc vác, sắp xếp hàng vào kho; vận chuyển hàng từ kho xuống bến thuyền; xếp hàng lên thuyền cho các chủ hàng vận chuyển về bên kia biên giới phía Việt Nam.

Một bộ phận quan trọng khác là đội ngũ những người ghi toa hàng; đây là những người quản lý số lượng hàng hóa mỗi ngày bán cho những chủ hàng phía Việt Nam sang, thống kê lượng hàng bán cho mỗi chủ hàng theo tháng, quý, năm (tất cả các chủ hàng sau một năm cộng sổ, nếu mua càng nhiều hàng từ kho này thì số tiền thưởng sẽ càng nhiều. Những năm trước đây, chủ hàng mua 1 thùng thuốc lá Jet (500 gói) sẽ được thưởng 4 USD; nhưng đến thời điểm này, mua 1 thùng chỉ được thưởng 1,5 USD, tính theo thời giá 1 thùng thuốc lá Jet người mua trả 200 USD, người bán phụ lại 320.000 VND - NV). Ngoài ra, những người ghi toa hàng còn có nhiệm vụ thu tiền hàng để giao nộp cho phía bán hàng.

Theo quy định, những chủ hàng từ phía Việt Nam sang mua hàng tại kho này đều được quản lý theo nguyên tắc mật danh. Ví dụ: chủ hàng thường xuyên mua thuốc lá Jet có tên là Hóa, sẽ được đặt mật danh là H2. Mật danh này sẽ được thông báo đến từng đội quân bốc xếp, chủ thuyền, chủ bến thuyền ở cả hai phía Lào và Việt Nam. Vì vậy, khi thuyền chở những thùng thuốc lá Jet có ghi ký hiệu H2, thì tất cả hệ thống này biết ngay đó là thuốc Jet của chủ hàng tên Hóa để vận chuyển, tập kết đúng địa điểm quy định.

Theo giải thích của một chủ hàng khi chúng tôi tiếp xúc, thuốc Jet có nhiều người mua vì lợi nhuận cao, nhẹ nên dễ vận chuyển, vả lại trước đây mặt hàng này có thể mua nợ tại kho của người bán. Mua hàng này còn có thưởng, thậm chí khi thẩm lậu vào thị trường Việt Nam bị các lực lượng chức năng thu giữ sẽ được phía bán hàng xem xét đền bù. Những người vận chuyển thuốc lá Jet cho các chủ hàng từ các bến thuyền đến nơi tập kết bằng xe honda ôm, khi gặp tai nạn do phóng nhanh vượt ẩu cũng được phía bán hàng xem xét để hỗ trợ bằng… thuốc lá Jet. Người bị thương nặng có thể được biếu không 3 - 4 thùng thuốc Jet (mỗi thùng 500 gói); người bị nhẹ thì theo đó mà giảm dần.

Theo quan sát của chúng tôi, phía bên đất Lào chỉ có một bến thuyền nằm sát kho chứa hàng, những tư thương buôn bán ở vùng này thường gọi đây là bến thuyền Karôn. Nơi đây, vào những giờ cao điểm tức là rạng sáng hoặc cuối chiều, khi các lực lượng kiểm soát phía Việt Nam ngơi nghỉ thì có đến 40-50 chiếc thuyền ra vào để vận chuyển hàng cho các tư thương. Mỗi chiếc thuyền máy khi rời bến mang theo khoảng 70 thùng thuốc lá Jet để cập bờ phía Việt Nam.

Theo quan sát vào thời điểm chúng tôi có mặt tại các bến sông này, mỗi ngày có khoảng vài trăm thùng thuốc Jet được các tư thương đưa vào thị trường Việt Nam qua các con đường tiểu ngạch. Con số tưởng chừng như đã lớn, thế nhưng theo một tư thương có thâm niên buôn lậu thuốc lá Jet trên địa bàn thì lúc cao điểm, mỗi ngày các đầu nậu lớn mua từ kho bên Lào khoảng 3.000 thùng thuốc Jet để mang về bán lại cho các tư thương khác vận chuyển đến những địa bàn tiêu thụ.

Mỗi ngày, trên tuyến quốc lộ số 9, có hàng trăm lượt xe khách loại 12 chỗ; 24 chỗ và 50 chỗ ngồi xuôi ngược, chủ yếu những chuyến xe này chở dân buôn lậu từ thị xã Đông Hà, Huế đến thị trấn Khe Sanh, Lao Bảo và các xã Tân Lập, Tân Long, Tân Thành, Tân Phước của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) để mua thuốc lá Jet và các loại hàng nhập lậu khác mang đi tiêu thụ để kiếm hoa hồng. Số con buôn này chỉ mua bán với số lượng ít ỏi từ 1.000 gói trở xuống. Họ phải xé nhỏ từng cây thuốc Jet để cho vào tay nải cột lên người nhằm tháo chạy hoặc gùi bằng cách đi bộ cắt rừng ở những điểm có các lực lượng chức năng chốt chặn. Vì vậy, người dân ở dọc theo tuyến quốc lộ số 9 gọi họ là "dân cua rạm" hay là "dân rôbốt".

Làm sao hạn chế tổn thất hàng trăm triệu đôla mỗi năm cho ngân sách quốc gia?

Trước tình hình thuốc lá và các mặt hàng tiêu dùng khác thẩm lậu vào thị trường nước ta qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và nhiều con đường tiểu ngạch khác ngày một nhiều về số lượng và phức tạp về tính chất, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo cho các ngành chức năng như: Hải quan; Quản lý thị trường; Thuế; Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự kinh tế và chức vụ và Bộ đội Biên phòng tổ chức thành lập những chốt kiểm soát dọc theo tuyến quốc lộ số 9, nhằm bắt giữ, xử phạt những tư thương buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu trên tuyến đường này.

Tiêu hủy thuốc lá Jet sau khi bắt giữ.
Thuyền chở hàng lậu trên sông SêPôn.

Ngoài ra, tại địa bàn của các địa phương nằm dọc theo quốc lộ số 9 còn có các Đội chống buôn lậu thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự kinh tế và chức vụ - Công an tỉnh Quảng Trị; các Đội Cảnh sát giao thông; Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự kinh tế và chức vụ của thị trấn Khe Sanh; huyện Đakrông; huyện Cam Lộ và thành phố Đông Hà.

Theo số liệu thống kê, thời gian gần đây, lực lượng Phòng, chống tội phạm thuộc Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đã bắt 7 vụ buôn lậu thuốc lá qua biên giới, tang vật thu được là 45.200 gói thuốc lá ngoại các loại với tổng giá trị hơn 700 triệu đồng. Trong đó điển hình nhất là vụ ngày 19/9/2011, tại bến đò Bích La Trung, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lao Bảo đã phối hợp với lực lượng đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy bắt quả tang vụ buôn lậu lớn, gồm 25.000 gói thuốc lá Jet, Hero, Malboro, Karelia, trị giá gần 400 triệu đồng.

Thoạt trông vào bức tranh bố phòng của các lực lượng chống buôn lậu trên chiều dài 83 km của quốc lộ số 9, nhiều người vẫn hồn nhiên bảo rằng sẽ khó có kẽ hở nào để cho thuốc lá Jet và nhiều loại hàng nhập lậu khác có đường theo các tư thương chảy về xuôi. Thế nhưng trên thực tế từ nhiều năm qua tình hình không phải thế.

Có người cho rằng: Dân buôn lậu rất tinh quái, mỗi khi đánh hơi thấy lực lượng kiểm tra chốt chặn là họ đưa hàng xuống xe ôtô để gùi hàng đi bộ, hoặc thuê những người dân ở thôn Lương Lễ, xã Tân Hợp cõng hàng băng rừng để tránh Trạm kiểm soát. Cũng có người biện giải rằng: Từ năm 2005, Theo Quyết định số 11/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 74 của Bộ Tài chính: Mỗi công dân khi đến tham quan, mua sắm ở Khu Thương mại tự do Lao Bảo sẽ được mua hàng có giá trị đến 500.000 đồng và được lưu thông hợp lệ qua cổng B, cửa khẩu quốc tế Lao Bảo . Vì vậy đã có không ít đối tượng đã lợi dụng chính sách này để hoạt động buôn lậu theo phương thức quay vòng hóa đơn miễn thuế…

Chúng tôi đã rất lưu ý đến hiện tượng này trong quá trình tác nghiệp và xác tín rằng có hiện tượng gùi cõng thuốc lá Jet và hàng lậu băng rừng của tư thương. Tuy nhiên, số lượng hàng lậu đã vượt trạm bằng cách này cũng chỉ như muối bỏ biển so với lượng thuốc lá Jet và hàng lậu khác khổng lồ do tư thương vận chuyển từ vùng biên giới về xuôi…

Nói về công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Hữu Dũng cho rằng: Sự phối hợp giữa các ngành, lực lượng ở một số vụ việc chưa thống nhất và đồng bộ; một số cá nhân, bộ phận chưa thực hiện tốt nhiệm vụ, thiếu kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để các đối tượng buôn lậu lợi dụng vận chuyển hàng nhập lậu, trốn thuế. Công tác tuyên truyền vận động, phổ biến chủ trương, pháp luật của Nhà nước về chống buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả thiếu thường xuyên; chưa phát huy tối đa sự tham gia của các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền và phối hợp với lực lượng chống buôn lậu...

Hy vọng rằng, khi các lực lượng chống buôn lậu có sự phối hợp chặt chẽ hơn và các biện pháp phòng chống buôn lậu triệt để hơn, chắc chắn hiệu quả của công tác này sẽ như mong muốn, tránh được việc ngân sách Nhà nước bị thất thoát hàng trăm triệu đôla Mỹ mỗi năm và hơn thế nữa là việc làm lành mạnh hóa thị trường nội địa

Phan Bùi - Bảo Thy
.
.