Lật tẩy những chiêu săn tiền tỉ trên... mạng

Thứ Tư, 19/12/2012, 22:55

"Thế giới mạng rất rộng lớn và có rất nhiều nơi săn được tiền…tỉ" - đó là câu nói mà nhiều hacker (tội phạm mạng) rêu rao với nhau. Chúng không hề biết rằng nhiều năm qua Việt Nam đã có lực lượng chuyên trách chống tội phạm mạng, và dù sớm hay muộn thì những hoạt động phi pháp của "tỉ phú mạng" này sẽ bị lôi ra ánh sáng.

Núp bóng kinh doanh vàng chiếm đoạt 15 tỉ đồng

11 giờ ngày 16/7/2012, Lê Nguyên Thắng như thường lệ đến Phòng giao dịch Nguyễn Văn Cừ - Chi nhánh Long Biên (thuộc Ngân hàng Quân đội - MBbank) để rút tiền bán hàng. Khi Thắng đang thực hiện giao dịch rút 1 tỉ 380 triệu đồng thì lực lượng công an bất ngờ ập vào tóm gọn. Đồng thời cơ quan công an cũng kịp thời triển khai nhiều tổ công tác tiến hành giăng lưới bắt giữ hai đồng phạm của Thắng là Hà Văn Tiến (30 tuổi, trú tại Ninh Giang, Hải Dương) và Nguyễn Hữu Thoại (52 tuổi, trú tại Thạch Hà, Hà Tĩnh).

Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng đã khai nhận hành vi đánh cắp tài khoản tín dụng trên mạng Internet để chiếm đoạt hơn 15 tỉ đồng của 34 ngân hàng quốc tế đã chuyển về Việt Nam. Để chiếm đoạt được số tiền “khủng” này, các đối tượng trong đường dây đã có những thủ đoạn cực kỳ tinh vi, mới chỉ xuất hiện lần đầu tại Việt Nam.

Sự việc được bắt đầu từ khoảng tháng 7/2012, MB bank nhận được thông tin từ một tổ chức thẻ ngân hàng quốc tế về nhiều giao dịch mờ ám từ một chủ thẻ tại Việt Nam. Điển hình như ngày 10/7 có tới 53 giao dịch là giả mạo, thực hiện tại máy quẹt thẻ (POS) của một đối tượng tên là Lê Nguyên Thắng. Tổ chức này đã yêu cầu kiểm tra và dừng thanh toán đối với đơn vị chấp nhận thanh toán này. Ngoài thông báo nêu trên, còn có 40 khiếu nại về giao dịch gian lận của 40 chủ thẻ nước ngoài gửi cho Trung tâm Thẻ MBbank. Thông tin trên nhanh chóng được chuyển đến Cơ quan Công an để làm rõ.

Các loại máy móc sử dụng làm thẻ tín dụng giả.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Đội 14) Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP Hà Nội dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ huy phòng và sự phối hợp của Phòng 3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) Bộ Công an đã tổ chức điều tra, xác minh. Chỉ trong một thời gian ngắn, cơ quan chức năng đã xác định đối tượng Lê Nguyên Thắng (49 tuổi, ở phố Cát Linh, quận Đống Đa, TP Hà Nội) có hành vi chiếm đoạt tài sản của MBbank. Kế hoạch giăng lưới phục bắt cả nhóm đối tượng cũng được triển khai và bọn tội phạm đã sa lưới.

Thực ra hành vi "chôm" được tiền/tài khoản của các ngân hàng quốc tế vốn không khó. Một hacker thuộc loại nghiệp dư cũng có thể lấy được hàng ngàn đôla. Tuy nhiên, nó vẫn chỉ là tiền ở… trên mạng mà thôi. Cao thủ là phải đút được số tiền ấy vào ví mình.

Và theo Cơ quan Công an đã tổng kết thì thông thường, thủ đoạn của các hacker là sau khi đã đánh cắp được tài khoản tín dụng trên mạng thì hoặc sẽ "chế" ra các thẻ ATM (thẻ rút tiền tự động) rồi mang đi rút tiền mặt; hoặc là mua hàng từ các website mua bán trực tuyến… Cao tay hơn thì các đối tượng sẽ chế ra thẻ thanh toán quốc tế để đi mua hàng giá trị cao rồi bán lại với giá rẻ để lấy tiền mặt…

Tuy nhiên, các đối tượng trong vụ án này lại có thủ đoạn cao hơn một bậc. Chúng cũng "chế" ra thẻ tín dụng, song không dùng thẻ này để đi mua bán hoặc rút tiền mặt mà lợi dụng các tổ chức tín dụng chấp nhận hóa đơn thanh toán quốc tế để in ra các hóa đơn bán hàng, rồi đem đến thanh toán ở ngân hàng tại Việt Nam.

Cụ thể, chúng đã thành lập ra một doanh nghiệp vàng bạc mang tên Bách Thắng để đăng ký kinh doanh và xin lắp đặt máy POS với MBbank. Từ đó chúng dùng thẻ giả để tiến hành quẹt thẻ tại chỗ để in ra các hóa đơn (được máy tự động in ra sau mỗi lần quẹt). Sau đó bọn chúng trực tiếp mang đến MBbank để làm thủ tục thanh toán, chiếm đoạt số tiền do thực hiện hành vi phạm tội mà có.

Tại Cơ quan điều tra, Tiến khai từ năm 2000 đến năm 2008, Tiến bôn ba tại Trung Quốc và có một vốn từ tiếng Trung kha khá. Cuối năm 2008, Tiến về nước làm phiên dịch cho người Trung Quốc làm ăn ở Việt Nam.

Trong thời gian làm phiên dịch cho Lu, một thương nhân Trung Quốc, Tiến biết Lu chuyên dùng thẻ tín dụng giả đi mua hàng hóa ở Việt Nam. Tiến được tên này rủ rê vào đường làm ăn phi pháp. Tiến cùng Lu thực hiện nhiều giao dịch đồ công nghệ có giá trị cao ở Việt Nam bằng thẻ tín dụng giả, rồi mang bán tại các hiệu cầm đồ. Sau mỗi lần như vậy, Tiến được hưởng 15% số tiền bán hàng.

Tháng 5/2012, thông qua Lu, Tiến quen Xu, cũng là một đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc chuyên sử dụng thẻ tín dụng giả mua hàng ở Việt Nam và Nguyễn Hữu Thoại. Chúng bàn nhau liên kết sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tiền của ngân hàng, bằng cách lấy trộm thông tin tài khoản trên mạng Internet.

Biết rằng cho dù đã có trong tay nhiều tiền (đã chôm được từ tài khoản thanh toán quốc tế) song để rút ra tiêu không phải là điều đơn giản, Thoại bắt tay với Lê Nguyên Thắng thành lập liên minh ma quỷ. Thông qua người quen, Thắng ký hợp đồng lắp đặt máy quẹt thanh toán thẻ ngân hàng với MBbank, Chi nhánh Long Biên. Sau đó, Lu mang máy tính xách tay có thông tin tài khoản ngân hàng trộm cắp được và 27 thẻ ngân hàng các loại có dán dải từ đến cửa hàng vàng bạc Bách Thắng, cùng với Tiến và Thoại ghi thông tin tài khoản lên 8 thẻ và quẹt vào máy quẹt thanh toán thẻ ngân hàng của MBbank.

Máy đã in ra hóa đơn thanh toán thẻ và Thắng mang số hóa đơn này đến MBbank, Chi nhánh Long Biên để rút hơn 2,2 tỉ đồng. Bằng thủ đoạn tương tự, Lê Nguyên Thắng, Hà Văn Tiến, Nguyễn Hữu Thoại cùng đồng bọn đã liên tục rút hàng chục tỉ đồng của MBbank, chi nhánh Long Biên trong những ngày sau đó.

Phôi thẻ visa giả.

Bán vé máy bay mua bằng thẻ tín dụng giả để kiếm lời

Tháng 12/2011, Công an TP Hà Nội cũng đã khám phá ổ nhóm gồm 5 đối tượng có hành vi làm giả thẻ tín dụng để xác thực việc mua vé máy bay của Hãng hàng không Việt Nam Airline bán lại cho khách để thu lợi bất chính. Số tiền chúng "cá kiếm" được lên tới nhiều tỉ  đồng. Cầm đầu nhóm này là đối tượng Dương Văn Bách (22 tuổi trú tại Bình Xuyên, Vĩnh Phúc - là Giám đốc Công ty TNHH F8 Upload).

Tại Cơ quan Công an, Bách khai tháng 7/2011 hắn cùng đồng bọn thiết lập mạng lưới tiêu thụ vé máy bay mua bằng thẻ tín dụng giả. Bách trực tiếp sử dụng số tài khoản "chùa" của các hacker để đặt mua vé máy bay trực tuyến. Sau đó sử dụng thẻ tín dụng giả để xác thực cho khách hàng với giá bằng 50% giá trị thực.

Để thử nghiệm, Bách đã rủ Nguyễn Ngọc Khánh (22 tuổi, trú ở đường Hùng Vương, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) mua thử 2 vé máy bay khứ hồi tuyến Hà Nội - TP HCM. Thấy việc mua bán trót lọt, Bách, Khánh đã rủ thêm Nguyễn Anh Tú (24 tuổi) Nguyễn Anh Hùng (22 tuổi) và  Nguyễn Tiến Minh (23 tuổi) trú tại Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cùng tham gia sử dụng CC "chùa" mua vé máy bay rồi bán lại để kiếm lời.

Tiếp đó, Cơ quan Công an đã làm rõ và tiến hành bắt khẩn cấp Nguyễn Hoàng Dương (25 tuổi trú ở Kim Lan, Gia Lâm, Hà Nội); Dương Xuân Hùng (38 tuổi trú ở tập thể Công ty Cơ khí Hà Nội) là Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại  dịch vụ in quảng cáo; Đỗ Quang Độ (33 tuổi, trú ở phố Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Dương Văn Bách và thẻ tín dụng giả do đường dây của hắn sản xuất.

Cùng thời gian trên, lực lượng chức năng phát hiện một nhóm đối tượng khác cũng sử dụng CC "chùa" làm giả thẻ tín dụng mua vé máy bay do Nguyễn Công Cẩm (29 tuổi, trú ở Yên Thành, Nghệ An) cầm đầu. Cẩm cũng từng bán cho Dương Văn Bách 18 vé máy bay và 40 thẻ tín dụng. Để thực hiện được việc làm giả giấy tờ, Cẩm đã thuê Nguyễn Hoàng Dương (có nghề làm quảng cáo, in ấn) làm thẻ giả. Dương thuê thêm Hùng và Độ cùng thực hiện hành vi phạm tội với mình.

Quá trình điều tra, Cơ quan Công an đã làm rõ 2 nhóm đối tượng trên cùng thủ đoạn sử dụng thông tin đánh cắp từ thẻ tín dụng để mua vé máy bay bán cho khách hàng, gây thiệt hại hơn 2 tỉ đồng. Cơ quan điều tra cũng phát hiện, thu giữ gần 1.000 phôi thẻ ngân hàng, máy dập khuôn phôi thẻ, máy tính, hàng chục thẻ Visa, Master giả của nhiều ngân hàng…

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có Văn bản gửi các tổ chức phát hành thẻ thông báo thủ đoạn mới của tội phạm sử dụng thẻ tín dụng.

Văn bản chỉ rõ, các đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam mang theo thiết bị chuyên dụng và phần mềm đọc, in dữ liệu lên thẻ từ, sau đó móc nối với một số đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ thông qua thiết bị POS đã giao dịch thanh toán khống hàng hóa để rút tiền mặt. Khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng này sử dụng trái phép rất nhiều thông tin thẻ tín dụng để in làm giả thẻ và quẹt ngay thẻ qua POS liên tục trong thời gian ngắn để chiếm đoạt số tiền lớn. Hoạt động này thường diễn ra vào khoảng từ 12 đến 17 giờ và 20 đến 23 giờ hàng ngày, mỗi giao dịch cách nhau từ 20-30 giây.

Đây là thủ đoạn mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao, đã và đang xâm nhập vào Việt Nam gây thiệt hại về tài sản của các chủ thẻ tín dụng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thanh toán điện tử cũng như thương hiệu và uy tín của nhiều ngân hàng thương mại trong nước. Do đó, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả loại hình tội phạm trên, NHNN đề nghị các tổ chức thanh toán thẻ có biện pháp rà soát lại những giao dịch thanh toán đáng ngờ qua POS.

Trong đó, cần chú ý đến những đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ có số lượng giao dịch liên tục với nhiều thẻ khác nhau vào thời gian bất thường trong ngày, hoặc trường hợp doanh số tăng đột biến và thiếu chứng từ chứng minh cung cấp hàng hóa, dịch vụ hợp lệ... thì phải kịp thời báo cáo NHNN và thông báo, phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, không để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt tài sản.

Minh Tiến
.
.