Lật tẩy những thủ đoạn lừa đảo mới trong bán hàng online

Thứ Bảy, 29/03/2014, 12:10

Sự phát triển của công nghệ thông tin và thương mại điện tử ngày nay đã giúp cho việc mua bán hàng qua mạng Internet trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ cần ngồi nhà với đôi ba cú click là người ta có thể rinh được một món hàng ở tận bên trời Tây với cái giá rất dễ chịu. Tuy nhiên, những tín đồ mua sắm qua mạng cần hết sức cẩn trọng với hàng loạt những cái bẫy có thể sập bất cứ lúc nào…

I. Tháng 1/2014, nhiều tờ báo của Singapore loan tin cảnh sát nước này đã tiến hành bắt giữ một công dân Việt Nam tên Nguyễn Phương Bảo N. (24 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) về hành vi bán hàng giả. Bảo N. đã bị bắt vì cố tình bán cho chị Arlene Darusman một chiếc túi Hermès giả tại của Hãng Starbucks ở sân bay quốc tế Changi (Singapore) cách đó hơn 2 tháng. Chiếc túi này vốn là hàng "fake" (hàng giả, hàng nhái) với giá chỉ khoảng vài triệu đồng, song Bảo N. đã bán với giá 20.000 đôla Singapore (khoảng 320 triệu đồng).

Với cáo buộc của cơ quan công tố Singapore, Bảo N. phải đối mặt với án phạt tù 10 năm. Hiện N. đã phải nộp ít nhất 30.000 đôla để được tại ngoại.

Thực ra, trong giới buôn bán "hàng hiệu" ở Hà Nội ít ai không biết tên tuổi của Bảo N. với nickname facebook là Ngọc Ella. Bảo N. tự giới thiệu đang định cư ở Pháp, nên có "mối" mua được hàng hiệu với giá chỉ bằng 1/3 giá chính hãng. Ví dụ như một chiếc túi Hermès có giá xuất xưởng là 20.000 đôla thì Bảo N. chỉ bán với giá chừng 7.000 đôla. Ngoài ra, Bảo N. còn bán cả túi LV (Louis Vuitton), giày Gucci, các loại thắt lưng, kính, túi xách hiệu Dior, Salvatore…

Trong thời gian từ đầu đến giữa năm 2013, hàng của Bảo N. bán chạy như tôm tươi. Tuy nhiên, sau đó nhiều khách hàng của Bảo N. đều té ngửa khi phát hiện hầu hết những đồ "hàng hiệu" của mình mua đều là hàng fake.

Giao dịch qua mạng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.

Chị Nga, nhà ở quận Cầu Giấy cho chúng tôi biết, lần đầu mua đôi giày hiệu Gucci của Ngọc là hàng thật nên chị tin tưởng đặt mua thêm nhiều mặt hàng khác nữa. Bên cạnh đó, chị Nga còn giới thiệu cho bạn bè cùng mua về để sử dụng và kinh doanh với tổng số tiền hàng lên đến vài trăm triệu. Tuy nhiên, khi được so sánh với hàng xách tay chuẩn từ Pháp mang về thì chị Nga mới bàng hoàng phát hiện ra mình đã bị "lừa đẹp". Những món đồ được làm nhái một cách tinh vi đến nỗi nếu không có hàng thật để so thì dù có tinh mắt đến mấy cũng khó mà phát hiện ra được.

Với nhiều nickname khác nhau như Lylie Nguyễn, Mie Nguyễn, Thùy Vũ, Linh tinh thập cẩm, Thúy Nguyễn…, Bảo N. đã "xây dựng thương hiệu" tại nhiều website bán hàng trực tuyến. Bạn hàng ở khắp nơi từ Hà Nội đến Sơn La, TP HCM cũng biết tiếng đặt mua.

Chị Lan, một khách hàng ở TP HCM từng lên tiếng tố Bảo N. đã bán túi fake cho chị. N khoe có túi Hermès "mới ra, màu vàng" giá 130 triệu đồng. Giao tiền xong, nhận được hàng, nhờ bạn bè kiểm tra chị Lan mới phát hiện đó là giả. Từ số tài khoản của Bảo N., chị nhờ người đến tận nhà tìm song N. luôn tránh mặt.

Một số khách hàng của Bảo N. tố cáo "siêu lừa" hàng hiệu trên mạng Facebook.

Chị Hiền, nhà ở quận Hoàn Kiếm đặt mua túi Hermes của Bảo N. với giá khoảng 130 triệu đồng. Theo đề nghị của N., chị đưa trước 60 triệu đồng, thỏa thuận mấy ngày sau khi nhận hàng sẽ trả số tiền còn lại. Tuy nhiên, chị Hiền đợi 15 ngày nhưng không thấy N. chuyển túi. Ít lâu sau một người xưng là lái xe ôm tìm gặp chị Hiền để giao hàng. Kiểm tra, chị Hiền phát hiện chiếc túi Hermès được giao là đồ nhái nên đã kịp thời tóm cổ Bảo N. lên công an phường tố cáo.

Anh Ngô Tuấn - một thương gia chuyên nhập khẩu hàng từ nước ngoài về Việt Nam cho biết, với những trường hợp quảng cáo bán các loại hàng hiệu với "giá rẻ bất ngờ" thì người mua cần phải hết sức cảnh giác. Bởi các hãng nước ngoài luôn rất biết giữ gìn thương hiệu của họ. Ví dụ như Hãng Hermès chuyên sản xuất túi xách bằng phương pháp thủ công. Một nhà máy của Hermès tại Pháp chỉ sản xuất được khoảng 15 sản phẩm mỗi tháng với những phong cách và mẫu mã khác nhau. Giá của mỗi chiếc túi này vào khoảng 10.000 đến 150.000 USD tùy thuộc kích thước và chất liệu.

Hãng này hầu như không bao giờ hạ giá, dù ế đến mấy đi chăng nữa. Thậm chí, nếu một mặt hàng nào không bán được thì nhà máy sẽ mang đi tiêu hủy chứ nhất quyết không hạ giá. Bởi vậy, nếu bảo túi Hermès vừa xuất xưởng mà có giá bằng 1/3 thì chỉ là chuyện… trong mơ.

Mặc dù bị hại có hóa đơn chứng minh đã gửi tiền cho Bảo N., song rất khó xử lý hình sự đối tượng này.

Thực ra chiêu lừa bán hàng fake đã xảy ra khá nhiều, song cộng đồng mạng chỉ biết truyền tai nhau cảnh giác, chứ khó mà xử lý hình sự được đối với người bán. Cũng vì vậy mà các đối tượng vẫn tiếp tục thay đổi tên họ, nickname, số điện thoại để tái diễn chiêu trò.

II. Sau cả năm trời tích cóp, Minh (sinh viên Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) gom được 15 triệu đồng, định mua một chiếc điện thoại iPhone 5s đã qua sử dụng. Lên một trang rao vặt, Minh thấy có người rao bán điện thoại "mới 99%" với giá vừa túi tiền liền liên hệ để mua. Hẹn gặp nhau ở một con ngõ, cậu thanh niên đi SH, quần áo khá thời trang đưa hàng cho Minh xem. Do đã từng sử dụng iPhone nên Minh xác nhận là hàng thật. Tiền trao cháo múc xong, Minh mang điện thoại về nhà, restore lại để sử dụng thì bị lock, và buộc phải có tài khoản icloud mới sử dụng được.

Khi Minh gọi điện thoại cho người bán thì không thấy anh ta nghe máy. Lát sau Minh nhận được tin nhắn rằng đây là điện thoại bị mất trộm, và người chủ sở hữu "thật" muốn chuộc lại. Phần vì dễ tin người, lại ngặt vì không có tài khoản icloud nên điện thoại không thể sử dụng được, Minh đồng ý đến gặp người muốn chuộc. Vừa thấy bóng dáng Minh xuất hiện, hai đối tượng bặm trợn đã lao vào, xốc nách hùng hổ quy cho Minh là đã chôm đồ của bọn chúng. Và thế là chúng lột luôn chiếc điện thoại.

Bàng hoàng trước sự việc xảy ra quá nhanh, Minh chỉ biết thẫn thờ tiếc nuối. Sau khi liên kết các sự kiện một cách logic, Minh khẳng định đối tượng bán điện thoại cho anh và hai đối tượng đi chuộc nhiều khả năng là một băng chuyên lừa đảo điện thoại. Từ đó anh cạch đến già, không dám mua bán gì trên mạng nữa.

Với những người thỉnh thoảng mới lên mạng mua đồ thì các đối tượng hay sử dụng chiêu lừa cho mua hàng nhái, hoặc vu cho là hàng ăn trộm để chiếm đoạt tiền, hàng. Còn với những ai thường xuyên giao dịch trên mạng, thừa kinh nghiệm để nhận ra được chiêu trò của bọn chúng, thì vẫn có thể bị lừa như thường. Nắm được tâm lý của khách hàng thường đặt lòng tin vào những thương gia có uy tín, mua bán nhiều năm trên mạng, có hacker đã ăn cắp tài khoản của họ để lừa người mua hàng. Khi người chủ phát hiện ra thì đối tượng đã cao chạy xa bay.

Chị Mai thường xuyên mua đồ từ một shop online của bạn hàng có nickname facebook là "Mẹ bé zen". Một lần chị thấy có tin nhắn từ nickname này chào mời rất nhiệt tình và cho biết đang có đợt hạ giá 50%. Nickname này cũng cho chị số điện thoại liên lạc mới, "vì số cũ đã đưa cho người khác sử dụng". Không mảy may đắn đo, chị đặt mua liền vài chục triệu tiền hàng. Song khi hàng chuyển đến nơi thì hóa ra toàn là hàng rởm, hàng lỗi mốt. Chị Mai gọi vào số điện thoại cũ của "Mẹ bé zen" thì mới biết nickname facebook này đã bị kẻ nào đó hack gần một tháng nay. Đã có không dưới 3 trường hợp gọi đến cho "mẹ bé zen thật" để phàn nàn về chuyện mua phải hàng rởm, giống như chị Mai.

Đồng thời lợi dụng vào việc bán hàng qua mạng chủ yếu dựa vào lòng tin là chính, một số đối tượng đã tìm ra các kẽ hở trong việc giao dịch để tiến hành ẵm gọn đồ một cách rất tinh vi.

Anh Tuấn, chủ một cửa hàng chuyên bán máy tính trên phố Thái Hà kể cho chúng tôi nghe phi vụ anh bị vớ một quả đắng mà không biết kêu ai. Số là trước tết, anh được một khách hàng có tên là Kiên đặt mua một chiếc máy tính Apple trị giá hơn 40 triệu đồng. Người này cho biết đang ở tỉnh ngoài nên sẽ gửi tiền vào tài khoản của cửa hàng, khi nào nhận được tiền thì chuyển hàng cho anh ta.

Làm trong nghề đã lâu, những giao dịch như trên Tuấn thường xuyên thực hiện, thế nên lần này khi thấy tiền chuyển vào tài khoản anh Tuấn lập tức đóng gói hàng để chuyển cho người mua. Được ít hôm sau, bất ngờ có một số người đến tận cửa hàng của Tuấn để đòi nợ. Hóa ra, họ là người đã chuyển tiền cho Tuấn, song họ cho biết số tiền này là để đặt mua hai chiếc điện thoại Iphone 5s. Tiền đã chuyển song không thấy hàng đâu!?

Lúc đầu Tuấn cứ ngớ người ra, không hiểu có sự nhầm lẫn nào ở đây. Hóa ra, đối tượng Kiên đã lên mạng rao bán Iphone giá rẻ. Khi có khách hàng thì hắn cho số tài khoản của cửa hàng anh Tuấn. Sau đó hắn đặt mua máy tính của anh. Kết cục là hàng thì đã chuyển, tiền đã nhận nhưng lại bị khách hàng đến đòi. Thực ra nếu về lý thì Tuấn không có liên quan trách nhiệm gì ở đây, song vì phía bên gửi tiền thuê cả đầu gấu đến dọa nên Tuấn đành phải "cưa đôi" thiệt hại.

Thượng tá Ngô Minh An, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội phân tích: Giao dịch qua mạng Internet tuy có nhiều thuận lợi, tiện ích song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đa phần các giao dịch này người mua và người bán không biết mặt nhau, người mua luôn ở thế yếu khi phải chuyển tiền (một phần hoặc toàn bộ số tiền hàng) cho người bán. Người mua phần lớn chỉ nhìn hàng qua ảnh, và các ảnh mà đối tượng trưng lên thường là ảnh hàng thật.

Trên thực tế, mặc dù người mua đã chuyển tiền cho người bán, song nhiều trường hợp hàng đến không đúng thời gian như trong thỏa thuận, đặc biệt là chất lượng hàng không đảm bảo. Trong những trường hợp này, sẽ rất khó để có thể bắt người bán phải chịu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, khi giao dịch trên mạng, người mua thường phải cung cấp nhiều thông tin về tài khoản để thanh toán điện tử, nếu rơi vào tay hacker thì hậu quả sẽ có thể rất lớn. Vì ngoài việc bị mất tiền, hàng không đảm bảo chất lượng ra, người mua có thể sẽ bị chiếm quyền kiểm soát tài khoản. Nghĩa là hacker có thể rút tiền để mua hàng hoặc chuyển sang những tài khoản khác.

Bởi vậy, Cơ  quan Công an khuyến cáo người dân khi giao dịch qua mạng cần hết sức cảnh giác đối với các thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm. Trước hết cần kiểm tra người bán có đủ uy tín trên cộng đồng mạng hay không. Cũng có thể sử dụng công cụ tìm kiếm để check lại tài khoản của người bán để xác minh giao dịch. Đồng thời không nên chuyển thẳng tiền cho người bán mà nên qua các đơn vị trung gian. Đơn vị trung gian này sẽ có trách nhiệm nhận tiền, kiểm tra hàng để thông báo cho hai bên mua bán. Như vậy sẽ hạn chế được việc bị mất tiền oan. Bên cạnh đó, người dân cũng không nên tham rẻ để mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng…

Minh Tiến
.
.